Tóm tắt: Định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là điều thực sự cần thiết, không chỉ để hình thành nhân cách tốt cho học sinh, sinh viên mà còn để bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại công nghệ số. Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời đề cập đến các cơ hội mà công nghệ mang lại như khả năng tiếp cận nguồn tài liệu giáo dục và văn hóa đa dạng, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về những nguy cơ như sự phai nhạt giá trị truyền thống, sự mất định hướng trong việc phân biệt đúng, sai. Để giải quyết vấn đề này, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội, từ đó phát huy vai trò tự định hướng của học sinh, sinh viên, xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh và kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện văn hóa độc hại.
Từ khóa: văn hóa tinh thần, học sinh, sinh viên, công nghiệp 4.0.
Abstract: Orienting spiritual and cultural values for Vietnamese students in the context of the 4.0 industrial revolution is truly essential, not only to shape good character for students but also to protect and promote the national cultural identity in the digital age. The article emphasizes the importance of preserving and promoting traditional cultural values, while also addressing the opportunities that technology brings, such as access to diverse educational and cultural resources. However, it also warns of risks such as the fading of traditional values and disorientation in distinguishing right from wrong. To address this issue, the author proposes several solutions aimed at raising awareness and responsibility among families, schools, and society, thereby promoting the self-orientation role of students, building a healthy school cultural environment, and resolutely combating harmful cultural expressions.
Keywords: spiritual culture, pupil, student, industry 4.0.
Ảnh minh họa: Doãn Khánh
Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra những thay đổi sâu sắc trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Đây là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ trên tất cả các mặt, nhất là việc bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Trong bối cảnh đó, việc định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược lâu dài.
1. Khái lược về giá trị văn hóa tinh thần
Giá trị văn hóa là những chuẩn mực, niềm tin, phong tục, tập quán tư tưởng được chấp nhận và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác của một cộng đồng hay một xã hội nhất định. Giá trị văn hóa tinh thần là những giá trị phi vật chất, tồn tại trong tư tưởng, tình cảm và tâm hồn của con người, được hình thành, phát triển thông qua quá trình sống, giao tiếp trong xã hội. Đây là những giá trị thể hiện niềm tin, đạo đức, tri thức, nghệ thuật, tôn giáo, phong tục và lối sống, tạo nên nền tảng tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam là những đặc trưng văn hóa nổi bật, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, phản ánh bản sắc riêng của dân tộc. Điển hình như: tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, hiếu học, tôn sư trọng đạo, lạc quan, yêu đời; lối sống giản dị, chân thành, cần cù, tiết kiệm; trân trọng cái đẹp trong nghệ thuật, thiên nhiên... Định hướng giá trị văn hóa tinh thần là quá trình xác lập các chuẩn mực tư tưởng, đạo đức và thẩm mỹ của xã hội nhằm định hình tư duy và hành vi của con người, giúp con người sống ý nghĩa hơn, phù hợp với bản sắc văn hóa. Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, định hướng giá trị văn hóa tinh thần đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cá nhân, xã hội, như: góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; hình thành, phát triển nhân cách con người; tạo nền tảng tinh thần cho sự phát triển xã hội; định hướng tư duy, hành vi phù hợp với thời đại.
2. Định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên hiện nay
Tính đến tháng 8-2024, Việt Nam có 25.255.251 học sinh, sinh viên; trong đó, số học sinh phổ thông là 23.186.729 em. Đây là tầng lớp xã hội đặc thù, đang trong giai đoạn định hình nhân cách, lối sống; là lớp người trẻ, có hoài bão, ước mơ, năng động, sáng tạo, nhạy bén với cái mới, có khả năng tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại. Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) đã và đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên; tạo ra cơ hội, thách thức không nhỏ đối với quá trình hình thành nhân cách, tư duy và lối sống của các em.
Về cơ hội, thông qua internet, học sinh, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tài liệu giáo dục, văn hóa từ nhiều quốc gia trên thế giới; công nghệ số, trí tuệ nhân tạo giúp học sinh, sinh viên rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu, phát huy tính sáng tạo, thúc đẩy tinh thần hiếu học. Đặc biệt, mở rộng khả năng giáo dục giá trị văn hóa qua công nghệ số, các ứng dụng có thể tích hợp nội dung về văn hóa tinh thần, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận dễ dàng hơn...
Về khó khăn, thách thức, việc tiếp xúc quá nhiều với các giá trị văn hóa ngoại lai có thể khiến học sinh, sinh viên coi nhẹ, phai nhạt các giá trị văn hóa truyền thống, điển hình là lối sống thực dụng, chạy theo xu hướng thời thượng mà bỏ qua các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; sự bùng nổ thông tin, nhất là các nội dung xấu, độc hại lan truyền trên mạng xã hội khiến học sinh, sinh viên dễ bị rối loạn trong việc phân biệt đúng - sai, thiện - ác, dẫn đến khủng hoảng giá trị; quá trình sống “ảo” trong thế giới số - nơi mà giá trị bản thân đôi khi bị đánh giá qua lượt thích, bình luận có thể làm giảm sự tương tác trực tiếp với gia đình, xã hội, ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp, làm mất dần các giá trị nhân văn, như: sự đồng cảm, lòng trắc ẩn... dẫn đến lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Do đó, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên là việc làm cần thiết. Nó không chỉ giúp học sinh, sinh viên nhận thức rõ hơn các chuẩn mực đạo đức, giá trị xã hội, hình thành được nhân cách tốt, phát triển được trí tuệ mà còn góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong những năm qua, việc định hướng giá trị văn hóa tinh thần luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, như: các phong trào tình nguyện, bảo vệ môi trường, giúp đỡ cộng đồng, thăm quan các di tích lịch sử... Những hoạt động này giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc và ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Nhiều gia đình Việt Nam đã chú trọng việc giáo dục truyền thống, đạo đức cho con ngay từ khi còn nhỏ, giúp các con hình thành những phẩm chất đạo đức cơ bản. Nhờ đó, đã góp phần xây dựng được thế hệ học sinh, sinh viên có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao.
Tuy nhiên, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên vẫn còn những biểu hiện đáng quan tâm, như: giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thờ ơ với truyền thống văn hóa của dân tộc; một số ít bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng. Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 1-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường đã chỉ ra: “Thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường” (1).
3. Đề xuất một số giải pháp nhằm định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực trong xã hội, trong đó, có văn hóa. Thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên tiếp tục là đối tượng, mục tiêu mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tập trung lôi kéo, kích động, chia rẽ. Theo đó, để định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị văn hóa văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên.
Nhận thức là cơ sở của hành động, chỉ đạo, định hướng cho hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được” (2). Như vậy, chỉ trên cơ sở nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội mới bảo đảm cho hoạt động định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên được tiến hành một cách hiệu quả. Do đó, cần phải làm cho gia đình, nhà trường và xã hội nhận thức được những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc; vị trí, vai trò và sự cần thiết của việc định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như: Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” (ban hành ngày 11-11-2021); Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường (ban hành ngày 1-6-2022)...
Định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn Đảng, của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và xã hội. Đối với gia đình, cha mẹ cần làm gương cho con trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, định hướng giá trị đạo đức, trách nhiệm xã hội thông qua cuộc sống hằng ngày; khuyến khích con tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, giúp các con hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa tinh thần. Đối với nhà trường, cần tích hợp các nội dung liên quan đến văn hóa, nhất là văn hóa tinh thần vào trong quá trình giảng dạy; đồng thời, kết hợp với các hoạt động ngoại khóa, như: tham quan di tích lịch sử, tham gia ngày hội văn hóa, thi tìm hiểu về văn hóa... Các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các chính sách cụ thể để thúc đẩy giáo dục giá trị văn hóa tinh thần trong trường học; hỗ trợ các chương trình, dự án nghiên cứu, khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia. Đối với xã hội, bao gồm các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng, cần tổ chức các phong trào tình nguyện hoặc các chiến dịch vì cộng đồng để học sinh, sinh viên phát triển tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái; các chương trình truyền hình, âm nhạc... nên tập trung lan tỏa những thông điệp tích cực về văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên.
Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp là nhiệm vụ quan trọng trong định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên nhằm điều chỉnh cách truyền tải, giáo dục giá trị văn hóa tinh thần, phù hợp với nhu cầu, tâm lý của họ và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nội dung cần bảo đảm tính toàn diện; trong đó, tập trung vào các giá trị cốt lõi, như: lòng yêu nước, đoàn kết, nhân ái, trung thực, trách nhiệm và sáng tạo; đồng thời, phải gần gũi với cuộc sống hằng ngày, phản ánh các vấn đề mà học sinh, sinh viên quan tâm, như: bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, bạo lực học đường, ứng xử trên mạng xã hội... Nội dung định hướng cần phù hợp với từng cấp học, đảm bảo dễ hiểu, như: học sinh tiểu học cần nội dung đơn giản, gắn với những câu chuyện gần gũi với cuộc sống hằng ngày; sinh viên cần nội dung mang tính phân tích, thực tiễn và định hướng nghề nghiệp...; phản ánh những giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương, tạo sự gắn bó, niềm tự hào của học sinh, sinh viên đối với văn hóa địa phương.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức, biện pháp định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên. Tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động, như: tham quan di tích lịch sử, lễ hội văn hóa... giúp họ trải nghiệm và cảm nhận trực tiếp các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Tổ chức các cuộc thi sáng tạo, như: viết truyện, diễn kịch, làm phim ngắn về giá trị văn hóa tinh thần. Phát triển các câu lạc bộ âm nhạc, hội họa, văn học để học sinh, sinh viên thể hiện tình yêu, sự hiểu biết về văn hóa. Ứng dụng các công cụ số, sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để tái hiện các lễ hội văn hóa, giúp học sinh, sinh viên trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ đoàn, đội, nhân rộng điển hình tiên tiến gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy tinh thần tự học tập, rèn luyện, phấn đấu của đoàn viên, đội viên. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình tạo môi trường lành mạnh, chia sẻ và truyền đạt các giá trị văn hóa tinh thần; nhà trường xây dựng chương trình giáo dục toàn diện, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên phát triển; các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quần chúng... tạo môi trường văn hóa lành mạnh, hỗ trợ học sinh, sinh viên tiếp cận, trải nghiệm các giá trị văn hóa tinh thần.
Ba là, phát huy sự nỗ lực, cố gắng của mỗi học sinh, sinh viên trong tự định hướng giá trị văn hóa tinh thần.
Tự định hướng giá trị văn hóa tinh thần là quá trình cá nhân tự nhận thức, lựa chọn và xây dựng các giá trị văn hóa tinh thần phù hợp với bản thân. Mặt khác, định hướng giá trị văn hóa tinh thần phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực chủ quan của học sinh, sinh viên; tác động của gia đình, nhà trường, xã hội chỉ là yếu tố bên ngoài, mang tính nhất thời. Do đó, học sinh, sinh viên cần phát huy tinh thần nỗ lực, cố gắng, biến chúng thành nền tảng để định hình bản thân.
Mỗi học sinh, sinh viên cần hiểu rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các giá trị văn hóa tinh thần đối với sự hình thành, hoàn thiện nhân cách của bản thân, cũng như sự phát triển của xã hội. Trên cơ sở đó, xây dựng cho bản thân động cơ, trách nhiệm đúng đắn trong định hướng giá trị văn hóa tinh thần, tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Phát huy tinh thần tự học, tự tìm hiểu về lịch sử, phong tục tập quán, các di sản văn hóa của dân tộc. Thường xuyên tham gia các cuộc thi, dự án nghiên cứu khoa học, lễ hội văn hóa, chương trình tuyên truyền về văn hóa tại trường học, địa phương. Tích cực học tập, rèn luyện, phát triển các phẩm chất, như: trung thực, trách nhiệm, đoàn kết... để xây dựng nhân cách toàn diện. Lan tỏa những câu chuyện hay, tôn vinh những nét đẹp trong văn hóa tinh thần của dân tộc qua các nền tảng trực tuyến; đồng thời, giới thiệu các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc đến bạn bè quốc tế. Ngoài ra, gia đình, nhà trường, xã hội cần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi giúp các em tự giáo dục, tự định hướng; có biện pháp khuyến khích tinh thần tự rèn, tự quản của các em; kiên quyết đấu tranh với nhận thức, biểu hiện lệch lạc, coi nhẹ các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc.
Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa học đường trong sạch, lành mạnh.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Muốn có xã hội tốt phải có con người tốt. Muốn có con người tốt phải có môi trường tốt. Đây là quan hệ biện chứng, thiên biến vạn hóa giữa xã hội và con người” (3). Như vậy, môi trường văn hóa học đường không chỉ là nơi học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức mà còn là nơi hình thành nhân cách, định hướng giá trị văn hóa tinh thần. Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 1-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường khẳng định: Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.
Để làm được điều đó, trước hết, cần quan tâm xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người, nhất là mối quan hệ giữa thày và trò trong môi trường giáo dục; phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ nhà giáo, bảo đảm mỗi thày cô giáo là tấm gương về tự học, đổi mới sáng tạo, về đạo đức, lối sống, khát vọng cống hiến. Đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo; đổi mới tổ chức, hoạt động của thư viện gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh văn hóa đọc trong các nhà trường; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện. Bảo đảm hạ tầng, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục, định hướng giá trị văn hóa tinh thần. Xã hội hóa các nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của học sinh, sinh viên. Củng cố vai trò của hệ thống bảo tàng, phòng truyền thống, thư viện trường học. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua: “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Ngoài ra, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hoạt động thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia, trách nhiệm với cộng đồng…
Năm là, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện, hiện tượng văn hóa xấu độc thâm nhập vào nhà trường.
Hiện nay, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển của khoa học công nghệ đã làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, tác động mặt trái của nó làm nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, như: tệ nạn xã hội, lối sống thực dụng... Trong khi đó, các thế lực thù địch ra sức chống phá, tìm mọi cách làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc, phủ nhận giá trị văn hóa tinh thần... Do đó, định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên cần kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện, hiện tượng văn hóa xấu độc thâm nhập vào nhà trường.
Để làm được điều đó, nhà trường cần trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức, kỹ năng nhận diện, tránh xa các biểu hiện văn hóa tiêu cực; cách sử dụng mạng xã hội an toàn, không chia sẻ hoặc lan truyền nội dung phản cảm, sai sự thật; thường xuyên theo dõi hành vi, thái độ của các em để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện sai trái. Tăng cường giám sát các hoạt động trong trường học, đặc biệt là những hoạt động có liên quan đến văn hóa; xây dựng quy định rõ ràng về việc cấm các hành vi hoặc nội dung văn hóa xấu độc; áp dụng biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức có hành vi phát tán hoặc ủng hộ văn hóa xấu. Nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, xử lý các trang web, kênh truyền thông phát tán nội dung độc hại; hợp tác với chính quyền địa phương kiểm tra, loại bỏ các nguồn phát tán văn hóa xấu độc tại khu vực trường học, khu dân cư lân cận. Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng các phong trào tuyên truyền, đấu tranh chống văn hóa xấu độc; phát động các phong trào thi đua, như: “Nói không với văn hóa độc hại”, “Xây dựng lối sống lành mạnh”... Phụ huynh cần kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội, giao tiếp của con em mình để tránh bị ảnh hưởng bởi các nội dung độc hại.
Kết luận
Giá trị văn hóa tinh thần không chỉ là yếu tố cốt lõi để định hình nhân cách, lối sống cá nhân mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Định hướng giá trị văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên là việc làm quan trọng, là cơ sở để mỗi người có thể đánh giá, kiểm tra, điều chỉnh nhận thức, hành vi và không ngừng hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của bản thân, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Do đó, giáo dục, định hướng những giá trị này là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
__________________
1. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, ban hành ngày 1-6-2022, Hà Nội, tr.1.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.360.
3. Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,1995, tr.71.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 18-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 10-2-2025; Ngày duyệt đăng: 26-2-2025.
TS NGUYỄN HẢI SINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025