Tóm tắt: Văn hóa là lĩnh vực tinh thần, góp phần định hướng tư tưởng và hành động đúng đắn của quân nhân trong quân đội. Các thế lực thù địch ra sức tấn công phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa để thực hiện “phi chính trị” hóa quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Bài viết đề cập đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng trên lĩnh vực văn hóa ở nhà trường quân đội. Đồng thời, đưa ra giải pháp vận dụng hiệu quả quan điểm của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên lĩnh vực văn hóa ở nhà trường quân đội hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội thời kỳ mới.
Từ khóa: quan điểm của Đảng, nhà trường, quân đội, nền tảng tư tưởng, văn hóa.
Abstract: Culture spiritually guides the thoughts and actions of military personnel. Hostile forces are actively attacking and undermining the Party’s ideological foundation in the cultural field. Their aim is to promote the “depoliticization” of the military and encourage “self-evolution” and “self-transformation,” ultimately separating the military from the Party’s leadership. This article addresses the issue of protecting the ideological foundation in the cultural domain within military schools. Simultaneously, it proposes solutions for effectively applying the Party’s viewpoints on safeguarding the ideological foundation in the cultural domain within military institutions today, contributing to improving the quality of education and training to meet the requirements of military development in the new era.
Keywords: Party’s viewpoints, institutions, military, ideological foundation, culture.
1. Quan điểm của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên lĩnh vực văn hóa
Xuyên suốt các văn kiện có ý nghĩa “Cương lĩnh” về văn hóa của Đảng, từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đều xác định văn hóa là một lĩnh vực quan trọng của sự nghiệp cách mạng. Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định văn hóa là một trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững đất nước, là “nền tảng tinh thần” để “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (1).
Nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng văn hóa, con người ở mỗi giai đoạn lịch sử được Đảng ta đề ra có sự điều chỉnh, phát triển phù hợp với bối cảnh lịch sử, nhưng quan điểm nhất quán, xuyên suốt là xây dựng, phát triển văn hóa luôn gắn liền với bảo vệ văn hóa, trong đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa là yếu tố cốt lõi. Quan điểm của Đảng đã chỉ rõ phạm vi, nội dung, biện pháp, làm cơ sở để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa.
Về phạm vi bảo vệ, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác định văn hóa gồm “tám lĩnh vực lớn” (2). Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI tiếp tục khẳng định và bổ sung thêm một số lĩnh vực, như: công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, văn hóa trong chính trị. Trong các lĩnh vực đó, “tư tưởng là cốt lõi của văn hóa, là định hướng cơ bản cho đời sống tinh thần xã hội” (3). Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, “cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (4). Quan điểm tư tưởng là “cốt lõi” của văn hóa, định hướng cho các lĩnh vực khác của văn hóa là nhất quán, đảm bảo cho văn hóa phát triển đúng hướng, lấy con người làm trung tâm để văn hóa thực sự trở thành động lực, mục tiêu cho sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Như vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa cần bảo vệ tư tưởng của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của văn hóa để văn hóa phát triển đồng đều, vững chắc.
Về chủ thể, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII chỉ đạo “xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo” (5). Đến Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI bổ sung, nhấn mạnh vai trò “Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng” (6). Như vậy, là một bộ phận của hoạt động xây dựng, phát triển văn hóa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Đặc biệt phát huy vai trò của đội ngũ trí thức với trang bị lý luận và thực tiễn hoạt động phong phú, thuyết phục trong quần chúng.
Về nội dung, đồng thời với xây dựng, phát triển văn hóa phải “tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình”, “xây” đi đôi với “chống”, lấy “xây” làm chính” (7). Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI tiếp tục khẳng định nhiệm vụ “đấu tranh phê phán” và “chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người” (8). Đại hội XIII nhấn mạnh “bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa” (9), “chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân” (10) và “kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” (11). Như vậy, theo quan điểm của Đảng, xây dựng, phát triển văn hóa bao gồm giữ vững, phát triển sáng tạo giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, có ý nghĩa là “xây” và phê phán, đấu tranh với sản phẩm xấu độc, sai trái, thù địch, có ý nghĩa là “chống”. “Xây” và “chống” là hai mặt của một vấn đề, trong đó, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa là một bộ phận của xây dựng, phát triển văn hóa. Nội dung trọng tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa là giữ vững, phát triển tính chất khách quan, khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng về văn hóa và đấu tranh phản bác, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng về văn hóa, làm cho nền tảng tư tưởng của Đảng thấm sâu và định hướng cho mọi hoạt động tinh thần của xã hội.
Về phương thức thực hiện, các Nghị quyết về văn hóa của Đảng đã xác định trong các nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: Xây dựng con người toàn diện, đặc biệt là có tư tưởng, đạo đức, lối sống đúng đắn và có khát vọng cống hiến, phát triển đất nước vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; phát triển văn học nghệ thuật; phát triển, quản lý hệ thống thông tin đại chúng, đặc biệt là internet và mạng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa... Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã chỉ ra 7 nhiệm vụ cụ thể để chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bao gồm: giáo dục, đào tạo; nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng internet; xây dựng lực lượng chuyên trách tinh, gọn, mạnh; thành lập các ban chỉ đạo.
Như vậy, quan điểm của Đảng thể hiện sự chỉ đạo toàn diện về phạm vi, chủ thể, nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, làm cơ sở để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị - xã hội vận dụng phù hợp, sáng tạo, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ đặc thù, phát huy cao nhất sức mạnh của cả dân tộc giữ vững định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong tất cả các văn kiện của Đảng, giáo dục, bồi dưỡng con người là vấn đề đặc biệt quan trọng, được xác định là nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu để xây dựng, phát triển văn hóa, đặc biệt là giáo dục trong nhà trường, “xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ” (12). Như vậy, nhiệm vụ đặt ra cho các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn là giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống con người hướng đến chân - thiện - mỹ, vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn.
2. Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên lĩnh vực văn hóa ở nhà trường quân đội hiện nay
Nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, với đặc thù là những trung tâm nghiên cứu lý luận và đào tạo đội ngũ cán bộ sĩ quan cho toàn quân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các nhà trường quân đội đã quán triệt, thực hiện tốt quan điểm của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa và Đề án “Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới” của Bộ Quốc phòng (2019). Đảng ủy các nhà trường đã tổ chức lực lượng, xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động, phát huy được phẩm chất, năng lực của cán bộ, giảng viên, học viên bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, trở thành một hoạt động tự giác, thường xuyên, có kế hoạch, sáng tạo ở mỗi phòng, ban, khoa, đơn vị. Thông qua các hoạt động toàn diện, đồng bộ, chặt chẽ, có kế hoạch trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; giáo dục chính trị và thông tin tuyên truyền; đấu tranh phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, các nhà trường quân đội đặt được nhiều thành tựu tích cực, khẳng định vai trò nòng cốt trong quân đội và lan tỏa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn hóa dân tộc, văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong và ngoài quân đội, góp phần xây dựng nhà trường quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, có đời sống văn hóa phong phú, tốt đẹp, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ sĩ quan có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là tính hệ thống, toàn diện nền tảng tư tưởng của Đảng trên các lĩnh vực văn hóa; nghiên cứu khoa học, tin, bài có xu hướng tuyên truyền nhiều hơn đấu tranh; một số bài đấu tranh chưa thuyết phục, hiệu quả... Mặt khác, các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường hoạt động phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, trong từng lĩnh vực của văn hóa, lấy văn hóa làm “cây cầu dẫn” để xâm lấn từ bên trong, phá vỡ thế giới quan khoa học, cách mạng, đời sống văn hóa Việt Nam, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, hủy hoại giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, làm suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Nhân dân, Quân đội, tạo ra khoảng trống về ý thức hệ để truyền bá tư tưởng tư sản, văn hóa phương Tây, tạo thế, lực, thời cơ tiến hành cuộc “cách mạng màu” lật đổ chế độ chính trị, loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng sự phát triển của internet, mạng xã hội với “trên 3.000 trang web, blog, tài khoản mạng xã hội và gần 100 hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook” (13) tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Các thế lực thù địch vẫn đang ráo riết thực hiện mưu toan phá hoại tư tưởng, lợi dụng văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình” và khẳng định xây dựng văn hóa là một bộ phận của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, là một mặt trận đấu tranh gay go, gian khổ” (14).
Trước bối cảnh đó, các nhà trường quân đội cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên lĩnh vực văn hóa hiện nay.
3. Một số giải pháp vận dụng hiệu quả quan điểm của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên lĩnh vực văn hóa ở nhà trường quân đội hiện nay
Thứ nhất, tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ thể về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa
Nội dung nâng cao nhận thức là trang bị cho các chủ thể có tri thức toàn diện, hệ thống tính chất khách quan, khoa học, cách mạng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong trong các lĩnh vực văn hóa, bao gồm: tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn học nghệ thuật, giáo dục đào tạo, thông tin đại chúng... Giáo dục cho các chủ thể nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để nhận diện và đấu tranh phản bác, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch trên các lĩnh vực của văn hóa. Giáo dục cho các chủ thể về phương thức thực hiện, những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động ở các nhà trường quân đội. Thực hiện tốt các nội dung này giúp các chủ thể có thế giới quan khoa học vững chắc, tăng cường “sức đề kháng”, “miễn nhiễm” trước các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch. Đồng thời, xác định được ý thức trách nhiệm của bản thân, là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của mỗi quân nhân bảo vệ nền văn hóa dân tộc, không ngừng phấn đấu, nỗ lực, xây dựng cho mình ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn vươn lên tiếp thu, lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm, rèn luyện thuần thục phương pháp, kỹ năng cần thiết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa.
Biện pháp thực hiện là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng; tổ chức cho các chủ thể tham gia trực tiếp, thường xuyên và diễn tập bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa phù hợp với năng lực thực tiễn; tổ chức tọa đàm, hội thảo, diễn tập, nói chuyện chuyên đề, cấp trên giáo dục, bồi dưỡng cấp dưới, cấp trên làm gương cho cấp dưới noi theo, tạo ra một môi trường giáo dục sống động, kết hợp lý luận với thực tiễn, lớp người trước với lớp người sau, cán bộ, giảng viên với học viên, nhân viên, chiến sĩ, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả, cá nhân điển hình ra toàn đơn vị.
Thứ hai, nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa
Nội dung nghiên cứu là chứng minh tính chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng văn hóa, trên từng lĩnh vực của văn hóa, tạo nên sự cân đối giữa các lĩnh vực của văn hóa, không để “khoảng trống” cho các thế lực thù địch lợi dụng khai thác chống phá. Nghiên cứu thực tiễn các phương pháp tổ chức thực hiện, trọng tâm là giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học; giáo dục chính trị và thông tin tuyên truyền; đấu tranh phản bác, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch về văn hóa trên không gian mạng. Thông qua nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp, tăng cường hiệu quả các phương thức đang thực hiện, bổ sung cách làm mới, đảm bảo cho các tổ chức, các lực lượng hoạt động nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ, quản lý thống nhất, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của từng cá nhân trong nhà trường quân đội.
Biện pháp thực hiện là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, Hội đồng khoa học các cấp trong dự báo, xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đảm bảo nghiên cứu hệ thống, toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa và các phương thức tiến hành; tiếp tục tăng cường xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách, các chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực văn hóa; phát huy dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo và có sự hướng dẫn, hỗ trợ về học thuật trong quá trình thực hiện; mở rộng hợp tác nghiên cứu với học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội.
Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị và dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn
Bổ sung nội dung nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa trong các chuyên đề chính trị, đảm bảo tính hệ thống, toàn diện trong các nhà trường đào tạo sĩ quan chỉ huy - tham mưu, hậu cần - kỹ thuật, quân y... Đổi mới phương pháp giáo dục chính trị, dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn, gắn kiến thức với thực tiễn phát triển văn hóa dân tộc và đời sống văn hóa nhân dân. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ báo cáo viên, giảng viên đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giảng dạy chính trị, các môn khoa học xã hội và nhân văn.
Biện pháp thực hiện là tích cực đổi mới chương trình dạy học chính trị, các môn khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với thực tiễn và mục tiêu, yêu cầu giáo dục đào tạo trong các nhà trường quân đội. Thực hiện nghiêm quy trình biên soạn giáo trình, giáo án, thông qua bài, phê duyệt bài giảng ở các cấp. Thực hiện tốt hoạt động phương pháp, bao gồm các hình thức: kiểm tra giảng; giảng mẫu, giảng rút kinh nghiệm và hội thi giảng giỏi ở các cấp trong các nhà trường. Thông qua đó, tổ chức trao đổi, tọa đàm, rút kinh nghiệm trên tinh thần dân chủ, cởi mở để xây dựng nội dung, phương pháp giảng dạy hiệu quả.
Thứ tư, nâng cao chất lượng tin, bài, xây dựng video clip bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa
Tin, bài, video clip là những vũ khí sắc bén, hiệu quả trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh internet, mạng xã hội phát triển hiện nay. Trước hết, nội dung tin, bài, video clip phản ánh được hệ thống, toàn diện quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, sự phát triển của văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự, văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, nội dung tin, bài, video clip phải đi trước dự báo, ngăn chặn hiệu quả âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch trước các sự kiện, hiện tượng văn hóa của đất nước, quân đội. Các bài, video clip phải có luận cứ, luận chứng, thực tiễn thuyết phục để phản bác hiệu quả các thông tin sai trái, thù địch về văn hóa. Đăng tải tin, bài, video clip cần thực hiện có kế hoạch, phối hợp chặt chẽ, tạo thành những vệt bài gây hiệu ứng truyền thông trên không gian mạng.
Biện pháp thực hiện là bồi dưỡng phương pháp dự báo, nhận diện, phân tích đánh giá âm mưu, thủ đoạn, quan điểm sai trái chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa; bồi dưỡng phương pháp thiết lập và sử dụng mạng internet, mạng xã hội đăng tải tin, bài, xây dựng video clip; lựa chọn và thiết lập ban quản trị có năng lực tốt. Mặt khác, định hướng viết bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa trong các cuộc thi viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và thực hiện tổng kết, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả cho những lần sau.
Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa ở nhà trường quân đội
Xây dựng môi trường văn hóa ở nhà trường quân đội cần xây dựng đồng bộ ở cả môi trường văn hóa truyền thống và môi trường văn hóa trên internet, bởi vì, hầu hết cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ đều truy cập internet và tham gia mạng xã hội ở các mức độ khác nhau, hình thành môi trường văn hóa trên không gian ảo, nhưng tác động trực tiếp đến sinh hoạt văn hóa trong thực tế.
Xây dựng môi trường văn hóa truyền thống thực hiện các nội dung: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành của cán bộ chủ trì, sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chính trị ở các nhà trường quân đội; xác định đúng nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ; phát huy tính tích cực, tự giác của cán bộ, học viên, công nhân viên, chiến sĩ ở các đơn vị; thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết xây dựng môi trường văn hóa ở các đơn vị. Trong xây dựng môi trường văn hóa trên internet thực hiện các nội dung: tăng cường công tác quản lý hoạt động trên internet; xây dựng, phát triển các trang, nhóm trên không gian mạng; xây dựng đội ngũ quản trị viên, cộng tác viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy vai trò của “người dùng quyền lực” trên internet; phát huy vai trò đội ngũ sáng tác văn học, nghệ thuật, câu lạc bộ văn học, nghệ thuật; nâng cao hiệu quả bảo mật thông tin người dùng trên internet ở các nhà trường quân đội.
__________________
1, 9, 10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110, 143, 147, 146.
2, 3, 4, 5, 7.Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.19, 20, 22, 57, 58.
6, 8, 12.Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết và một số chủ trương của Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.16, 18, 19.
13. Bộ Công an, Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp quốc gia, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.104.
14. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.86.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 22-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 12-2-2025; Ngày duyệt đăng: 22-2-2025.
NGUYỄN BÁ THANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025