Với những đặc trưng của thể loại, điện ảnh tài liệu đã luôn đồng hành cùng quân và dân cả nước, phản ánh trực diện nhất những biến cố của lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những nghệ sĩ làm phim tài liệu như những người chiến sĩ mà mỗi bộ phim là một chiến công, không ít người trong số họ đã mãi mãi nằm lại chiến trường như những người lính đã hy sinh thân mình để góp phần vào ngày toàn thắng, non sông thống nhất 30/4/1975.
Cảnh phim Dưới cờ quyết thắng
Tính chiến đấu sắc bén và tinh thần quả cảm
Với năng lực phản ánh một cách trung thực những hiện thực lịch sử, phim thời sự tài liệu đã được chú trọng ngay từ những ngày đầu thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ngày 17/6/1956, Xưởng phim Thời sự Tài liệu Việt Nam được thành lập, quy tụ một đội ngũ những người làm điện ảnh nhiệt huyết và lực lượng này được bổ sung ngày càng hùng hậu đáp ứng cho nhu cầu sáng tác của thể loại phim mang tính chiến đấu cao, động viên tinh thần những người lính nơi tuyến đầu và đồng bào miền Nam. Cuối năm 1959, bộ phim tài liệu mang tên Dưới cờ quyết thắng được hoàn thành nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự kiện này đã tạo tiền đề cho việc ra đời xưởng phim Quân đội. Năm 1960, nhóm làm phim thời sự, tài liệu, giáo khoa quân đội được thành lập, làm cơ sở cho việc ra đời Xưởng phim Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1963. Ngày 14/9/1964, Xưởng Kỹ thuật sản xuất phim ra đời với nhiệm vụ in tráng, thu thanh cho tất cả các thể loại phim. Nhờ vậy, việc làm phim ngày càng phát triển, không chỉ phim truyện mà cả phim thời sự tài liệu.
Thành tựu đáng kể đầu tiên của đội ngũ những người làm điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu chính là những bộ phim tài liệu về chiến tranh và phim truyện đi sâu vào số phận của con người trong chiến tranh. Ngôn ngữ điện ảnh tài liệu được hình thành và phát triển nhanh chóng với một thế hệ những nhà làm phim tài năng, nhiệt huyết, được đào tạo bài bản. Phong cách sáng tác của phim tài liệu Việt Nam nổi bật lên tính chiến đấu nhạy bén, luôn bám sát những nhiệm vụ Cách mạng. Bởi vậy khi cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, điện ảnh tài liệu đã đồng hành trên mọi chiến trường và có một giai đoạn nở rộ cả về chất lượng phim cũng như các nghệ sĩ tài năng.
Dòng phim chính luận bắt đầu được phát triển cùng với cuộc chiến đấu của toàn dân ở cả hai miền đất nước, bám sát hiện thực của cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta. Có thể kể đến các phim Ngọn lửa căm hờn (1959), Những bằng chứng không thể chối cãi, Lao động năm châu với miền Nam anh dũng (1963) … đã theo sát và phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu của tiền tuyến lớn anh hùng. Năm 1964, khi Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, phim tài liệu thời sự về đề tài chống Mỹ bắt đầu phát triển mạnh mẽ với các bộ phim Chào mừng 14 triệu đồng bào miền Nam anh hùng, Một Điện Biên Phủ mới đang chờ Mỹ, Sẵn sàng chiến đấu, Khu gang thép những ngày rực lửa… Đặc biệt, bộ phim Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi (biên kịch Bành Châu, đạo diễn Bùi Đình Hạc) đã đạt tới trình độ nghệ thuật cao với tính chính luận sắc bén, sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật một cách điêu luyện. Những phim tài liệu trong giai đoạn này không chỉ có tính thời sự khi có mặt ở mọi điểm nóng của cuộc chiến tranh mà còn làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Sự xả thân và cùng chung lý tưởng của những người lính - người chiến sĩ làm phim đã mang lại những bộ phim thời sự tài liệu phản ánh thực tế sống động của cuộc sống, chiến đấu của quân và dân cả nước, không chỉ là những thước phim tư liệu quý giá mà còn có sức lay động lòng người.
Cảnh phim Lũy thép Vĩnh Linh
Ghi dấu ấn nghệ thuật của điện ảnh tài liệu
Phim tài liệu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng dân tộc như một người lính sẵn sàng chiến đấu. Các nghệ sĩ phim tài liệu đã có mặt ngay trong đoàn quân ra trận, hòa mình vào cuộc kháng chiến ở khắp các mặt trận. Một đội ngũ sáng tác bao gồm cả lớp nghệ sĩ mới, tốt nghiệp khóa ba trường Điện ảnh Việt Nam - khóa học Điện ảnh chống Mỹ cứu nước (1965-1967), một lớp phóng viên chiến trường được đào tạo bài bản và đầy khí thế đã gia nhập Xưởng phim thời sự tài liệu Việt Nam. Bên cạnh đó còn có các nghệ sĩ của lớp quay phim ngắn hạn do cố NSND Nguyễn Hồng Nghi trực tiếp đào tạo và các học viên khóa 4,5,6 của trường Điện ảnh Việt Nam, các nghệ sĩ của Xưởng phim Quân đội… đội ngũ hùng hậu này đã tỏa khắp các mặt trận ác liệt ở miền Bắc, và hàng năm, một lực lượng khá đông lại vượt Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam. Phim tài liệu phát triển nhanh và mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Những thước phim thời sự Tin chiến thắng, bộ phim thời sự Ý Bác lòng dân, Hà Nội lập công mừng thọ Bác Hồ, Nhiệt liệt chào mừng Chính phủ Cách mạng lâm thời, bộ phim phóng sự của Xưởng phim Quân đội Mỹ không chừa, Mỹ còn chết, phim thời sự Kỳ họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ… ra đời trong không khí thời sự nóng bỏng của sự kiện lịch sử, khiến khán giả đón xem và sôi nổi bàn luận tạo được dư luận trong cả nước, giúp công chúng có một tầm nhìn khái quát về tình hình chiến sự đang diễn ra. Trong nhiều năm, phim Thời sự Việt Nam đều đặn ra mắt mỗi tháng 2 số đã đề cập tình hình thời sự khá kịp thời. Một số bộ phim thời sự xuất sắc đã nhận được giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai như Hồ chứa nước Mẫu Sơn - Bông sen Vàng; các phim Bác Hồ của chúng em, Mù Căng Chải, Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin đoạt giải Bông sen Bạc. Đặc biệt, bộ phim phóng sự Tội ác tột cùng, trừng trị đích đáng ghi lại những hình ảnh pháo đài bay B52 rơi trên bầu trời Hà Nội những ngày tháng 12/1972 đã được tặng giải Bông sen Bạc và Bằng khen đặc biệt cho tập thế quay phim tại LHP Việt Nam lần thứ ba năm 1975.
Trong suốt 10 năm từ 1965-1975, phim tài liệu luôn giữ vai trò trọng yếu trong việc phản ánh chân thực cuộc sống, chiến đấu và lao động của quân và dân cả nước. Với chất liệu ngồn ngộn của hiện thực, các nghệ sĩ tài liệu đã dùng máy quay như vũ khí chiến đấu để phản ánh, cho ra đời nhiều bộ phim đạt được chất lượng nghệ thuật qua những tìm tòi thể hiện trong ngôn ngữ của điện ảnh tài liệu. Hàng loạt bộ phim với những đề tài và góc nhìn phong phú, từ khí thế của cuộc sống vừa chiến đấu vừa sản xuất ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh như Mỹ còn bị đốt cháy, Hà Tĩnh trong những ngày rực lửa, Bạch Long vĩ anh hùng, Mười cô gái núi Nài, Bám biển, Khu mỏ những ngày cuối năm, Ký sự Quảng Bình, Quang Lang bám đất, Đánh giặc giữ đê, Hải Phòng sau ngày chiến thắng… Đến khi cuộc chiến leo thang của giặc Mỹ ở miền Bắc ngày càng căng thẳng, có thêm nhiều bộ phim tố cáo trực diện những cuộc ném bom rải thảm của quân Mỹ tại miền Bắc Việt Nam như Thụy Phú Xuân căm thù giặc Mỹ, Hãy trả thù cho chúng em, Giặc Mỹ đánh phá thị trấn và thành phố…
Trong vòng ba năm (từ 1965 đến 1967), Xưởng phim thời sự tài liệu đã sản xuất 79 bộ phim, phản ánh sinh động và kịp thời mọi mặt của cuộc sống và chiến đấu. Nhiều bộ phim đã mang đến cái nhìn bao quát về lịch sử, có giá trị nội dung và nghệ thuật cao như bộ phim tài liệu Đầu sóng ngọn gió ra đời năm 1967 với ngôn ngữ điện ảnh vừa hiện thực vừa trữ tình, đánh dấu bước tiến dài của điện ảnh tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Phim đã đoạt Huy chương Vàng tại LHP Quốc tế Mátxcơva năm 1967, Bông sen Vàng LHP Việt Nam năm 1970.
Một chủ đề lớn xuyên suốt giai đoạn những năm kháng chiến chống Mỹ còn là tình yêu Tổ quốc, thể hiện qua nhiều góc nhìn. Đó là tình yêu quê hương, hăng hái lao động sản xuất và chiến đấu để giữ làng giữ nước trong các phim Lúa trên đất lửa, Hà Tĩnh chống hạn đánh Mỹ, Ngọn đèn cửa biển, Một ngày trực chiến, Những cô gái Ngư Thủy, Lũy thép Vĩnh Linh… với chất trữ tình làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Đặc biệt, bộ phim Lũy thép Vĩnh Linh được đánh giá là một tác phẩm xuất sắc trong việc khái quát và phản ánh hiện thực, mang đến nét sử thi cho tác phẩm.
Các tác phẩm của những nghệ sĩ vượt Trường Sơn vào miền Nam chi việc cho tiền tuyến cũng góp thêm nhiều tác phẩm vào thành công của điện ảnh Giải phóng với hàng loạt bộ phim tài liệu có tiếng vang trong nước và quốc tế. Đó là Vài hình ảnh chiến thắng đầu xuân 1968, Dòng sông quê hương, Về thăm Mộ Đức, Trong lòng chảo Khe Sanh, Chiến thắng cao điểm 932 Kôcava… Giai đoạn này, điện ảnh tài liệu đã có 6 bộ phim ghi lại trên quá trình vượt Trường Sơn, phản ánh chân thực dọc đường chiến tranh, quyết tâm thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Điện ảnh quân đội cũng đóng góp nhiều tác phẩm, trong đó thành công nhất phải kể đến Hà Nội bản hùng ca - bộ phim đánh dấu một chặng đường sáng tác về đề tài chiến tranh chống Mỹ, khiến người xem xúc động, tự hào. Tại LHP Việt Nam năm 1975, phim được trao giải Bông sen Vàng cùng Bằng khen đặc biệt tuyên dương các chiến sĩ quay phim dũng cảm. Phim còn giành giải Nhất dành cho phim tài liệu tại LHP quân đội các nước XHCN năm 1978 tại Vetprem (Hung ga ri).
Cảnh phim Đầu sóng ngọn gió
Cảnh phim Những cô gái Ngư Thủy
Chiến thắng mùa xuân năm 1975
Phim tài liệu về chiến thắng mùa xuân năm 1975 chiếm một mảng quan trọng trong lịch sử phát triển của điện ảnh tài liệu giai đoạn này. Ngay sau LHP Việt Nam lần thứ 3 vào tháng 3/1975, các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh trong đó có điện ảnh tài liệu đã khẩn trương lên đường theo bước chân thần tốc của đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Trong bối cảnh hàng loạt các sự kiện lịch sử sôi động đang diễn ra một cách nhanh chóng, điện ảnh tài liệu đã ghi lại trang sử hào hùng nhất của dân tộc bằng hàng loạt các bộ phim. Đó là các phim phóng sự Trên đường qua Huế giải phóng, Đà Nẵng giải phóng, Quy Nhơn giải phóng, Nha Trang tháng 4/1975, Ký sự Bến Tre, Những hình ảnh đầu tiên về Côn Đảo…
Trong chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, điện ảnh cả nước đã hòa cùng trận đánh bằng đội quân ưu tú nhất. Sáng 30/4/1975, các nghệ sĩ điện ảnh tài liệu đã ghi lại được nhiều hình ảnh lịch sử, đó là các giây phút khi chiếc xe tăng của quân đội Cách mạng húc đổ chiếc cổng sắt của Dinh Độc lập. Từ thành phố Sài Gòn vừa được giải phóng, các phóng sự nhanh của điện ảnh tài liệu như Vài hình ảnh về Sài Gòn ngày đầu giải phóng, Sài Gòn vui chiến thắng, Niềm vui trọn vẹn… đã nhanh chóng cập nhật. Ngay sau đó là những bộ phim tài liệu nghệ thuật phản ánh những vấn đề của hiện thực, gợi lên những suy nghĩ về chiến thắng lịch sử: Sài Gòn tháng 5/1975, Qua cầu Công Lý, Tháng 5 - những gương mặt…
Trong số những bộ phim được sáng tác ở thời điểm này, nối bật nhất là bộ phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông (biên kịch Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn Hải Ninh, quay phim Nguyễn Khánh Dư). Nắm bắt những khoảnh khắc lịch sử, ghi lại những giây phút chân thực vừa sinh động vừa đậm chất anh hùng ca với một bút pháp điêu luyện, bộ phim đã chinh phục được tình cảm của người xem trong và ngoài nước. Phim đoạt giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam năm 1977, giải Bồ câu Vàng LHP QT Lai xích năm 1975, đánh dấu một bước tiến mới của điện ảnh tài liệu Việt Nam, khép lại hành trình cùng đoàn quân ra chiến trường chống Mỹ oanh liệt mà quả cảm của các nghệ sĩ điện ảnh. Có thể nói, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc là một hiện thực lịch sử vĩ đại, khơi gợi cảm hứng sáng tạo, sự thể hiện phong phú của thể loại phim tài liệu, bên cạnh các thể loại phim khác, vừa góp phần phản ánh hiện thực, vừa phát huy tài năng và lòng yêu nước, ý thức công dân của một thế hệ đã gánh vác trọng trách to lớn trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
Thành phố lúc rạng đông là một bộ phim nổi bậc nhất trong số những phim tài liệu về chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975
DIÊN VỸ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 601, tháng 3-2025