Xây dựng văn hóa nhà trường ở các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật

Một trong các mục tiêu cụ thể để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra trong Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014, đó là: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế...”. Môi trường văn hóa trong nhà trường bao gồm từ cơ sở vật chất, cảnh quan cây xanh, nơi giải trí, sinh hoạt, hội họp, học tập, bảng tên trường, phòng học, phòng làm việc... đến nền nếp, chuẩn mực, lễ nghi, niềm tin, giá trị, hành vi ứng xử của các chủ thể tham gia hoạt động giáo dục đào tạo trong nhà trường, là lối sống văn minh trong trường học. Bài viết đề cập đến những nội dung và các bước để xây dựng văn hóa nhà trường (VHNT) ở các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật.

1. Quan niệm về văn hóa và VHNT

 Theo PGS, TS Đặng Quốc Bảo, ở phương Đông, phạm trù này bắt nguồn từ cụm từ “Văn trị giáo hóa”. “Văn trị” là quản lý bằng cái đẹp (tầng sâu của nó là cái thiện, cái chân thực, cái trong sáng). Đó là quá trình hướng con người vào cái đẹp, có lý tưởng làm theo cái đẹp. “Giáo hóa” là công cụ để đạt được “văn trị”. Đó là quá trình cảm hóa con người đi tới cái đẹp không bằng sự ép buộc, cưỡng bức mà bằng con đường giáo dục. Ở phương Tây, phạm trù này biểu đạt bằng cụm từ “Cultus” (tiếng La tinh), là sự nuôi trồng cây con trong đời sống vật chất, nghĩa rộng là sự ươm trồng tâm hồn con người, thực hiện sự dưỡng sinh. Tiếng Pháp, tiếng Anh biểu đạt cultus thành culture. Các nhà Duy tân Nhật Bản ở TK XVIII trong giao lưu Đông Tây đã dịch: Culture = Văn hóa.

 Phạm trù văn hóa khi vận động vào đời sống, kết hợp với một phạm trù khác tạo nên phạm trù phức hợp. Thường có các phạm trù phức hợp quan trọng sau: văn hóa gia đình, VHNT, văn hóa quản lý…

 Nhà trường gồm có: kết cấu tinh thần (mục tiêu, nội dung, phương pháp) và kết cấu vật chất (trường sở, thiết bị dạy học). Một nhà trường có VHNT phải đạt tới trạng thái kết cấu tinh thần tốt nhất và kết cấu vật chất cũng phải tốt nhất. Nếu rơi vào trạng thái một trong hai loại kết cấu không được đảm bảo thì chưa có VHNT. Còn rơi vào trạng thái cả hai kết cấu đều ở mức không tốt thì là nhà trường suy thoái. Dù ở đó có giờ học, hoạt động của thày - trò, song thiết chế nhà trường đích thực đã bị băng hoại. Kết cấu tinh thần và kết cấu vật chất đều có giá trị tốt nhất và vận động hài hòa với nhau mới đủ điều kiện để có VHNT.

2. Quan niệm về VHNT

 VHNT là tập hợp những con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật và những phương tiện quản lý, có sự tương tác lẫn nhau một cách thường xuyên, nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công của việc dạy và học ở nhà trường đạt kết quả tốt. Với ý nghĩa đó, học sinh, sinh viên là người chịu ảnh hưởng của môi trường nói chung, môi trường văn hóa của nhà trường nói riêng.

 VHNT ở các cơ sở giáo dục đại học là một thể thống nhất, bao gồm các thành tố: giảng viên, sinh viên, cán bộ, viên chức, người lao động, hệ thống các giá trị, quan hệ, những hình thức hoạt động văn hóa, hệ thống cảnh quan, hệ thống thiết chế…

 VHNT gồm hai thành phần cơ bản: giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Các giá trị này được thế hệ thày - trò của nhà trường xây dựng, tích lũy qua thời gian và được giáo dục cho các thế hệ tương lai gìn giữ, phát triển trong điều kiện mới.

3. Nội dung xây dựng VHNT ở các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật

 Trên cơ sở khái niệm VHNT, có thể xác định các nội dung xây dựng VHNT ở các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật gồm:

 Đối với các giá trị vật chất của VHNT ở các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật

Logo, biểu tượng: Khi logo, biểu tượng của nhà trường không còn phù hợp với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại nhà trường, cần có hành động nhằm giúp logo, biểu tượng có ý nghĩa thiết thực hơn, thể hiện được ý chí cam kết của các thành viên và mục đích phát triển của nhà trường. Logo, biểu tượng mới phải phù hợp với việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên, học viên, sinh viên khi cần thiết. Đồng thời, việc xây dựng logo, biểu tượng mới phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, từ yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế của nhà trường.

Khẩu hiệu: Khẩu hiệu phải đáp ứng triết lý giáo dục của nhà trường trong bối cảnh hiện nay, cũng như yêu cầu đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế về giáo dục. Khẩu hiệu cũ không còn phù hợp cần xây dựng khẩu hiệu mới theo đúng tiêu chí đã đưa ra, đồng thời thể hiện được ý chí quyết tâm của các thành viên trong nhà trường.

 Hệ thống bảng hiệu, sơ đồ chỉ dẫn: Cần có những hành động chỉnh sửa, thu hồi, loại bỏ những bảng hiệu, sơ đồ chỉ dẫn không còn thích hợp với VHNT, gây khó khăn cho hoạt động đào tạo, cũng như hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế của nhà trường. Thiết kế, làm mới bảng hiệu, sơ đồ chỉ dẫn của nhà trường, để bảng hiệu, sơ đồ chỉ dẫn ngoài chức năng chỉ dẫn, hướng dẫn, còn có chức năng thẩm mỹ, làm cho nhà trường vừa trang nghiêm lại vừa có tính nghệ thuật. Điều này đối với các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật sẽ có những thuận lợi hơn vì các cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên của nhà trường đều là những người am hiểu về nghệ thuật, thẩm mỹ nên sẽ có những thiết kế đẹp mắt, phù hợp. Các bảng hiệu, sơ đồ chỉ dẫn này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đào tạo của giảng viên và hoạt động học tập, nghiên cứu của học viên, sinh viên, các nghiên cứu sinh cũng như các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đến làm việc với nhà trường.

Hình ảnh kiến trúc tòa nhà: Trong quá trình hoạt động, nhà trường phát triển về chương trình cũng như quy mô đào tạo, đòi hòi phải mở rộng hơn thì kiến trúc của các tòa nhà không còn đáp ứng được hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế. Lúc này, đặt ra yêu cầu phải sửa chữa kiến trúc của các tòa nhà để có thể phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, cần có hệ thống phòng dạy và thực hành online. Xây dựng mới các tòa nhà trong khuôn viên (khi điều kiện kinh phí cho phép) để đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu của học viên, đồng thời đảm bảo tính thẩm mỹ trong kiến trúc của nhà trường.

Không gian cảnh quan: Chỉnh sửa cảnh quan đã có trong khuôn viên của nhà trường ở các khía cạnh như cơ sở hạ tầng, cây xanh, khu vui chơi, giải trí, thể thao cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và cán bộ, giảng viên của nhà trường. Có thể xây mới các bộ phận của không gian cảnh quan nhà trường khi điều kiện cho phép.

 Phương tiện, trang thiết bị: Thanh lý những trang thiết bị cũ không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên của giảng viên và học viên, sinh viên như: máy tính, máy chiếu projetor, micro, phòng nghỉ giảng viên, thang máy, điện thoại, bảng phân công công việc, đồng hồ, lịch làm việc, sổ ghi chép, văn phòng phẩm, trang web của nhà trường, tài liệu học tập... Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, đòi hỏi phải có hệ thống camera để phục vụ cho việc dạy và học online. Lĩnh vực nghệ thuật lại là một lĩnh vực đặc thù nên càng cần có những phương tiện, trang thiết bị đặc biệt để có thể phục vụ cho việc giảng dạy những môn học mang tính chất thực hành nhiều.

Đối với các giá trị tinh thần của VHNT

 Sứ mệnh, tầm nhìn: Xây dựng mới sứ mệnh và tầm nhìn của nhà trường để chúng đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động giáo dục, đào tạo ở nước ta hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện giúp đội ngũ giảng viên lĩnh vực nghệ thuật của nhà trường thích ứng với sự phát triển của ngành, lĩnh vực trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Quy trình, thủ tục làm việc: Chỉnh sửa và loại bỏ quy trình, thủ tục làm việc phức tạp, gây phiền hà cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường cũng như gây khó khăn cho khách đến làm việc với nhà trường. Xây mới quy trình, thủ tục làm việc khoa học, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Các nghi lễ, nghi thức: Loại bỏ những nghi lễ, nghi thức không còn phù hợp với việc xây dựng VHNT tại các nhà trường hiện nay. Đồng thời, xây dựng những nghi lễ, nghi thức mới đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ giảng viên và sinh viên, như: chào cờ, hát quốc ca, trao và nhận danh thiếp, chào hỏi, trang phục…

Giá trị cốt lõi: Loại bỏ những giá trị không còn phù hợp với yêu cầu của hoạt động đào tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, cần xây dựng mới và phát huy các giá trị cốt lõi của nhà trường, phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Văn hóa lãnh đạo, quản lý: Loại bỏ những biểu hiện suy thoái đạo đức, không phù hợp của người lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên, cán bộ phục vụ, sinh viên trong giao tiếp, ứng xử đối với những người trong và ngoài nhà trường. Hình thành, bồi dưỡng ở người lãnh đạo, cán bộ quản lý những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, phong cách làm việc kỷ cương. Xây dựng cách thức giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự.

Giao tiếp, ứng xử: Xây dựng cách thức giao tiếp, ứng xử phù hợp, văn minh, lịch sự giữa các mối quan hệ trong nhà trường.

4. Các bước xây dựng VHNT ở các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật

Trên cơ sở 11 bước xây dựng văn hóa tổ chức của các nhà khoa học Julie Heifetz và Richard Hagberg (1), các bước xây dựng VHNT ở các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật cần được thể hiện như sau:

Một là, tìm hiểu môi trường và những yếu tố ảnh hưởng đến nhà trường để hoạch định chiến lược phát triển nhà trường thích hợp với tương lai.

Hai là, xác định được giá trị cốt lõi của nhà trường để hình thành cơ sở hoàn thiện mô hình của nhà trường. Những giá trị cốt lõi này phải tồn tại cùng với thời gian, mọi hoạt động của nhà trường đều phải dựa trên những giá trị đã đưa ra.

Ba là, định hướng, xây dựng tầm nhìn. Đây được coi là bức tranh tương lai mà nhà trường sẽ hướng tới, là mục tiêu của nhà trường. Đây là định hướng để xây dựng văn hóa tổ chức nhà trường, thậm chí có thể tạo lập một nền văn hóa tương lai khác hẳn trạng thái hiện tại.

Bốn là, đánh giá VHNT hiện tại và xác định những yếu tố nào cần thay đổi cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Năm là, phân tích, đánh giá thực trạng để từ đó đề xuất giải pháp làm gì và làm thế nào để thu hẹp khoảng cách của những giá trị văn hóa hiện có và văn hóa tương lai đã hoạch định.

Sáu là, xác định vai trò của lãnh đạo nhà trường trong việc dẫn dắt thay đổi và phát triển văn hóa của nhà trường.

Bảy là, soạn thảo một kế hoạch, một phương án hành động cụ thể, chi tiết tới từng cá nhân trong nhà trường, phù hợp với các điều kiện thời gian và nguồn lực khác để có thể thực thi được kế hoạch đó.

Tám là, phổ biến nhu cầu thay đổi, viễn cảnh tương lai cho toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên cũng như các nhân viên phục vụ để cùng chia sẻ. Từ đó, động viên tinh thần, tạo động lực và sự đồng thuận giúp họ hiểu rõ vai trò, vị trí, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc nỗ lực tham gia xây dựng, phát triển văn hóa tổ chức.

Chín là, cần có giải pháp cụ thể giúp các đơn vị nhận thức rõ những trở ngại, khó khăn của sự thay đổi; từ đó, động viên khích lệ các cá nhân mạnh dạn từ bỏ thói quen cũ không tốt, chấp nhận vất vả để có sự thay đổi tích cực hơn.

Mười là, thể chế hóa, mô hình hóa và củng cố, cải thiện liên tục sự thay đổi văn hóa ở các đơn vị thành viên và trực thuộc; coi trọng việc xây dựng và động viên các đơn vị noi theo các hình mẫu lý tưởng phù hợp với mô hình văn hóa tổ chức nhà trường đang hướng tới.

Mười một là, thường xuyên đánh giá VHNT và thiết lập các chuẩn mực mới, những giá trị mới mang tính thời đại; đặc biệt là các giá trị học tập không ngừng và thay đổi thường xuyên.

Tóm lại, việc xây dựng VHNT ở các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật bao gồm những nội dung về các giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Dựa trên mô hình 11 bước trong mô hình văn hóa tổ chức để xây dựng nên VHNT ở các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật.

________________

1. Richard Hagberg, Julie Heifetz, Corporate Culture/ Organizational Culture: Understanding and Assessment (Văn hóa Doanh nghiệp/ Văn hóa Tổ chức: Hiểu biết và Đánh giá), hcgnet.com, 15-11-2003.

LÝ THỊ LOAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021

;