Đời sống văn hóa của công nhân các khu công nghiệp ở Cần Thơ hiện nay

Đảng ta chủ trương thu hẹp, chênh lệch mức độ hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư. Để thực hiện mục tiêu này, việc xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN) đã được đặt ra do mức độ hưởng thụ văn hóa ở tầng lớp này còn có những hạn chế. Hơn nữa, công nhân được coi là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nên cần nâng cao cả đời sống vật chất và tinh thần của họ. Thành phố Cần Thơ là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ, nơi có nhiều KCN, khu chế xuất với số lượng công nhân nhiều. Do đó, đánh giá đúng thực trạng đời sống văn hóa công nhân các KCN ở Cần Thơ là một yêu cầu cấp thiết để có những giải pháp phù hợp

1. Thực trạng đời sống văn hóa của công nhân các khu công nghiệp thời gian qua

Đầu tư xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho công nhân các KCN

Các thiết chế văn hóa, thể thao vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí cho công nhân vừa là nơi tổ chức các buổi truyền đạt kiến thức, kỹ năng về khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất. Một trong những thiết chế văn hóa quan trọng phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân và người lao động là nhà văn hóa. Để nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân KCN, Cần Thơ cũng rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Thành phố đã ban hành Quyết định số 105/QĐ-UBND ngày 13-1-2016 phê duyệt quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt ra mục tiêu các KCN, khu chế xuất có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân, người lao động; xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVHTT) trong KCN, khu chế xuất trên địa bàn thành phố. Việc phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn cũng tạo thuận lợi cho công nhân tham gia sinh hoạt văn hóa với tư cách là công dân địa phương. Các quận, huyện đều có TTVHTT, 9/9 quận, huyện đều có thư viện, có 76 thư viện, phòng đọc sách xã, phường. Thậm chí, thành phố còn xây dựng tủ sách ấp, khu vực văn hóa và chủ yếu đặt tại Nhà thông tin ấp, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận. Về đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ riêng cho công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư 550 tỷ đồng để thực hiện Đề án xây dựng các thiết chế văn hóa (nhà thi đấu đa năng, nhà văn hóa…) phục vụ nhu cầu tinh thần cho công nhân lao động tại các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ (1). Thành phố Cần Thơ đã có Nhà Văn hóa Lao động từ năm 2014 và đã có những hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao mang lại nhiều kết quả thiết thực…

 Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cho công nhân chưa cao. Nhà Văn hóa Lao động của thành phố chưa thu hút nhiều công nhân đến tham gia, bởi lẽ cách khá xa các KCN, cho nên công nhân ít có cơ hội sinh hoạt. Hơn nữa, công nhân của các KCN thường ở trọ rải rác cho nên đây là những khó khăn để xây dựng thiết chế văn hóa đảm bảo đời sống tinh thần cho đội ngũ công nhân. Điều tra 300 công nhân các KCN ở Cần Thơ với câu hỏi “Xung quanh KCN có những thiết chế văn hóa nào?”, kết quả thể hiện qua bảng số liệu sau:

Các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa cho công nhân ở xung quanh các KCN (2)

Như vậy, các thiết chế văn hóa ở xung quanh các KCN trên địa bàn Cần Thơ vẫn còn ít. Đây là khó khăn cho công nhân trong tham gia các hoạt động văn hóa. Tại các KCN, doanh nghiệp, địa điểm làm việc, tình trạng thiếu thiết chế văn hóa còn phổ biến hơn. Thành phố có 6 KCN nhưng chỉ có một KCN có TTVHTT. Theo khảo sát, chỉ có một tỷ lệ nhỏ trả lời nơi của họ đang làm việc có khu luyện tập thể dục, điểm sinh hoạt văn hóa. Theo một số công nhân khi trả lời phỏng vấn sâu cho rằng, điểm sinh hoạt văn hóa của họ là hội trường lớn của công ty. Hiện tại, doanh nghiệp của họ chưa có không gian sinh hoạt văn hóa riêng cho công nhân. Một số cũng cho rằng, nơi của họ làm việc chưa có nhà thi đấu để luyện tập thể dục, thể thao sau giờ tan ca. Nếu có tổ chức hoạt động thể thao lớn thì phải thuê địa điểm. Điều này cho thấy, các điều kiện sinh hoạt văn hóa của đội ngũ công nhân tại các doanh nghiệp chưa được đảm bảo. Bởi vì đa số công nhân cho rằng, doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến đời sống tinh thần của họ.

Cơ sở phục vụ cho sinh hoạt của công nhân tại các doanh nghiệp (3)

Theo khảo sát, một số doanh nghiệp trong các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công nhân như sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, trang bị âm thanh văn nghệ… với 81 đội, 850 vận động viên tham gia. Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, Phòng Thương mại Việt Nam chi nhánh Cần Thơ khai trương tủ sách pháp luật đặt tại Văn phòng Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của người lao động trong các KCN.

Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nâng cao đời sống văn hóa cho người công nhân các KCN

Hoạt động trong thời gian rỗi là khoảng thời gian mà cá nhân dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí nhằm tái tạo sức lao động sau những ngày làm việc mệt mỏi. Đây là thời gian quan trọng để góp phần làm tăng năng suất lao động cho ngày tiếp theo. Do đó, thời gian tham gia hoạt động thư giãn, vui chơi giải trí rất quan trọng. Khảo sát gần 300 công nhân các KCN về hoạt động thư giãn trong thời gian nhàn rỗi, trong đó có 279 phiếu hợp lệ, kết quả cụ thể như sau:

Hoạt động thư giãn của công nhân ở khu công nghiệp Cần Thơ (4)

Như vậy, hoạt động giải trí mà người công nhân tham gia nhiều nhất là xem ti vi, nghe đài và sử dụng điện thoại nghe nhạc, chơi điện tử, tán chuyện. Đây là những hình thức giải trí tại nơi ở, không phải di chuyển và ít tốn phí. Những hoạt động ở không gian bên ngoài đông người có tác dụng cải thiện sức khỏe và tâm trạng như đến các khu vui chơi, giải trí công cộng (25,8%) và tham gia các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời (33%) số công nhân tham gia chưa cao. Đặc biệt, các hoạt động giải trí tốn phí nhiều như đi xem phim, xem ca nhạc ở rạp chỉ 17,2%.

Bên cạnh việc công nhân tự tổ chức các hoạt động giải trí cho mình thì trong thời gian qua, Công đoàn Ban Quản lý các KCN thành phố Cần Thơ, công đoàn cơ sở doanh nghiệp đã quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Công đoàn Ban Quan lý KCN, khu chế xuất Cần Thơ và công đoàn cơ sở đã tổ chức 42 lần hội thao và 38 lần hội diễn văn nghệ quần chúng trong công nhân, viên chức, lao động tạo sân chơi lành mạnh, cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm, phát hiện, lựa chọn hạt nhân tiêu biểu trong phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao (5). Các hoạt động văn nghệ, thể thao thường được diễn ra vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, tháng công nhân. Ví dụ năm 2018 là: 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2, 43 năm Ngày giải phóng miền Nam 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, kỷ niệm tháng Công nhân… Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức trong công nhân, viên chức, lao động, hướng dẫn Công đoàn cơ sở tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong công nhân, viên chức, lao động với 2.138 công nhân, viên chức, lao động tham dự (6). Năm 2019, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các Công đoàn cơ sở phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, Ban Giám đốc doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao như giao lưu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng… thu hút 2.861 lượt công nhân, viên chức, lao động tham gia thi đấu (7). Công đoàn Ban Quản lý các KCN, khu chế xuất thành phố còn tổ chức các hoạt động văn nghệ giao lưu giữa công nhân các KCN để tăng cường sự giao lưu, trao đổi trong công nhân, như năm 2018 tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ quần chúng công nhân, viên chức, lao động các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ với 43 tiết mục và hơn 60 lượt thí sinh tham gia, thu hút đông đảo công nhân đến cổ vũ cho Liên hoan. Trên cơ sở đó lựa chọn được những hạt nhân trong công nhân thành phố Cần Thơ để tham dự Hội thi giao lưu văn hóa - thể thao Ban Quản lý các KCN, Khu chế xuất, Khu kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (mở rộng) lần thứ XIII năm 2019 tại Bình Dương.

Bản thân từng doanh nghiệp cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho công nhân trong doanh nghiệp tham gia. Đây là một trong hình thức giải trí không chỉ giúp cho công nhân và người lao động trong doanh nghiệp vui chơi giải trí lành mạnh mà còn góp phần tăng thêm sự đoàn kết trong đội ngũ công nhân của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, có 36,7% công nhân tham gia khảo sát cho rằng hoạt động văn nghệ, thể thao được doanh nghiệp nên tổ chức hằng năm; có 40,3% cho rằng thỉnh thoảng, các hoạt động này chỉ tổ chức vào những dịp kỷ niệm nào đó trong năm và có 16,7% cho rằng hiếm khi và 4,7% cho rằng không bao giờ. Mặc dù vẫn có tỷ lệ cho rằng hiếm khi và không bao giờ nhưng tính tổng số công nhân cho rằng có tổ chức hoạt động văn hóa chiếm 2/3. Điều này cho thấy, đa số các doanh nghiệp có tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao để tạo sân chơi lành mạnh cho đội ngũ công nhân; song, vẫn còn một bộ phận chưa thật sự quan tâm đến hoạt động này.

Tổ chức các hoạt động nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, pháp luật cho công nhân các KCN

Tiếp cận thông tin, pháp luật để nâng cao hiểu biết về chuyên môn nghề nghiệp cũng là một nhu cầu rất lớn trong đời sống văn hóa của công nhân các KCN.

Trước hết, Ban Quản lý các KCN, khu chế xuất Cần Thơ rất quan tâm đến việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho công nhân các KCN, trước hết là những luật liên quan thiết thân đến công việc và đời sống của họ. Các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn, chính quyền cùng cấp tuyên truyền Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, tập huấn nghiệp vụ công đoàn, triển khai Nghị định 60/NĐ-CP nay là Nghị định 149/NĐ-CP về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và các văn bản pháp luật về chế độ, chính sách liên quan đến người lao động hằng năm cho trên 20.000 công nhân lao động đạt từ 80% trở lên. Các hình thức tuyên truyền chủ yếu như phát tờ rơi, tờ bướm, băng rôn tuyên truyền, sổ tay pháp luật, tủ sách pháp luật, các Công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp dán văn bản tuyên truyền qua bảng tin, qua loa nội bộ, trong các cuộc họp Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hay trong các buổi đối thoại tại đơn vị. Từ năm 2011 đến nay, các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 503 lớp học tập quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, luật lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động… cho 211.012 đoàn viên, công nhân lao động các doanh nghiệp và các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân tham gia. Trong đó, Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 48 lớp thu hút 10.842 lượt công nhân lao động và cán bộ công đoàn tham gia (8).

Các cấp, các ngành cũng quan tâm đến việc tạo điều kiện cho công nhân các KCN học tập nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng tay nghề; đề nghị người sử dụng lao động đưa nội dung học tập, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp vào Nghị quyết Hội nghị người lao động, quy chế hoạt động của doanh nghiệp và thương lượng để đưa vào thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp trong đó các doanh nghiệp tạo điều kiện cụ thể về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất, có chính sách động viên, khuyến khích công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao lợi ích doanh nghiệp, vận động công nhân lao động học tập nâng cao kỹ năng nghề thông qua các hình thức luyện tay nghề, thi thợ giỏi, tổ chức các lớp học nâng cao tay nghề tại doanh nghiệp. Để triển khai sâu rộng Quyết định 231/QĐ-TTg ngày 13-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp đến năm 2020”, Công đoàn các cấp bên cạnh việc vận động người sử dụng lao động tạo điều kiện cho công nhân học tập, nâng cao trình độ, còn vận động công nhân và người lao động các KCN tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Năm 2019, Công đoàn cơ sở đã tổ chức 22 lớp/ 6.102 công nhân học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; tuyên truyền về học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho 19.702 đoàn viên và công nhân lao động (8).

Trong việc nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân, vấn đề tuyên truyền cho họ về vai trò, nội dung của văn hóa công nhân, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, không tệ nạn xã hội là rất quan trọng để họ tích cực thực hiện. Trong năm 2019, Công đoàn cơ sở tổ chức 35 cuộc tuyên truyền về văn hóa công nhân cho công nhân lao động tại doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công đoàn cơ sở cũng triển khai công tác thông tin tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, tội phạm, ma túy, mại dâm, phòng chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, văn hóa giao thông được 21 cuộc cho 16.035 lượt công nhân tham dự (9).

2. Giải pháp nâng cao đời sống văn hóa của công nhân trong thời gian tới

Thứ nhất, phát huy vai trò của các cấp chính quyền, các ngành trong việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân.

Thực tế cho thấy các thiết chế văn hóa phục vụ cho hoạt động vui chơi, giải trí cho công nhân tại xung quanh KCN, nơi ở của công nhân còn hạn chế. Vì vậy, trong quy hoạch và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, UBND thành phố, Sở VHTTDL, các cấp chính quyền cần chú ý xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở tại gần những khu trọ, các KCN. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hóa lao động thành phố, bố trí ngân sách xây dựng TTVHTT tại cả 6 KCN của thành phố. Xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân KCN không chỉ góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thu hẹp chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa giữa các tầng lớp mà còn là xây dựng chất lượng nguồn nhân lực rất quan trọng, được coi là lực lượng đi đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, chính quyền các cấp cần có những chính sách ưu tiên đầu tư cụ thể.

Thứ hai, phát huy vai trò của chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân KCN.

Công đoàn các cấp và các cấp chính quyền cần tuyên truyền cho chủ doanh nghiệp thấy tầm quan trọng của việc nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân, người lao động với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả làm ăn kinh doanh của công ty. Bởi lẽ, hiện nay vẫn còn những doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, trả lương đầy đủ cho công nhân, còn không quan tâm đến đời sống văn hóa của họ, cho rằng tốn kém kinh phí và mất thời gian, nên tập trung vào lao động. Đồng thời, hiện nay Công đoàn cơ sở đã tổ chức phong trào xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, cần tiếp tục mở rộng để thu hút nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia, đồng thời có những hình thức khen thưởng phù hợp đối với những doanh nghiệp có nhiều quan tâm đến việc nâng cao đời sống văn hóa của công nhân, người lao động của mình. Để nâng cao đời sống văn hóa, trước hết phải nâng cao đời sống vật chất. Khi người công nhân lao động vừa sức, không phải tăng ca nhiều, lương đảm bảo cuộc sống, họ mới có thời gian, tâm trí dành cho hoạt động tinh thần, văn hóa. Khảo sát về nguyện vọng của công nhân các KCN ở Cần Thơ cho thấy, mức sống của họ vẫn chưa cao, hiện nay thu nhập khoảng hơn 5 triệu đồng/ tháng, nên mối quan tâm hàng đầu của họ vẫn là nhu cầu vật chất, nhu cầu về đời sống tinh thần chưa nhiều. Chỉ có 13,3% công nhân mong muốn có thêm nhiều thiết chế văn hóa. Những nhu cầu về đời sống vật chất vẫn chiếm tỷ lệ cao, cụ thể theo số liệu điều tra khảo sát 300 phiếu đối với công nhân ở khu công nghiệp, trong đó có 292 phiếu hợp lệ với kết quả như sau:

Nguyện vọng của công nhân đối với doanh nghiệp (%) (11)

Cần tiếp tục có những giải pháp nâng cao tay nghề cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh để tăng lương, cải thiện đời sống vật chất cho công nhân. Điều này có ý nghĩa tạo cơ sở, nền tảng cho việc nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân. Ngoài ra, Sở VHTTDL cần tổ chức nhiều buổi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, diễn hài… miễn phí cho công nhân các KCN, có thể lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hoặc hội chợ cho công nhân. Bởi lẽ, tỷ lệ công nhân đến rạp xem phim, ca nhạc rất ít do chi phí lớn hơn các hoạt động giải trí khác. Các hoạt động này thời gian qua chưa nhiều, chủ yếu là công nhân tự tham gia diễn văn nghệ, hoặc thi đấu thể thao trong khi không phải công nhân nào cũng có năng khiếu và việc thi đấu thường mất nhiều thời gian tập luyện.

Thứ ba, nâng cao ý thức tự giác của công nhân trong việc nâng cao đời sống văn hóa của bản thân.

Chính bản thân người công nhân cũng phải tự ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh cho bản thân. Có những công nhân sa vào tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, chơi game… đó là những hình thức giải trí không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe của bản thân. Vì vậy, công nhân những ngày nghỉ, thời gian rỗi cần tự giác tranh thủ tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh, như tham gia tập thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe, các khu vui chơi công cộng để tận hưởng không gian thiên nhiên và mở rộng các mối quan hệ xã hội. Qua khảo sát, nhu cầu tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng của công nhân cũng rất lớn. Vì vậy, công nhân cần tích cực tham gia vào các hoạt động này như đọc sách, báo, học tập… Việc chủ động và tích cực tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh này vừa góp phần giải tỏa những căng thẳng trong lao động, tái tạo năng lượng tích cực, vừa tốt cho cuộc sống và sức khỏe của người công nhân.

Việc xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân các KCN thành phố Cần Thơ đòi hỏi có sự quan tâm, tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, của doanh nghiệp và từng người công nhân. Do đó, thành phố cần có những kế hoạch, chương trình hành động với các mục tiêu, lộ trình cụ thể. Những nội dung trên là những định hướng cơ bản để các cấp, các ngành chức năng xây dựng các chương trình hành động cụ thể. Chỉ có như vậy, thành phố mới vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

________________

1, 6. Báo cáo của Công đoàn Ban Quản lý các KCN, khu chế xuất thành phố Cần Thơ năm 2018.

2, 3, 4, 11. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, 2021.

5. Báo cáo 5 năm hoạt động (2015-2020) của Công đoàn Ban Quản lý KCN, khu chế xuất thành phố Cần Thơ.

7, 9, 10. Báo cáo của Công đoàn Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố Cần Thơ năm 2019.

8. Báo cáo kết quả thực hiện đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 của Ban Quản lý KCN, khu chế xuất thành phố Cần Thơ.

TS NGUYỄN TIẾN THƯ - Ths VŨ THỊ THU HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;