Hình tượng trẻ em trong hội họa Việt Nam giai đoạn sau đổi mới với những vấn đề phản biện xã hội

Hình tượng trẻ em trong mỹ thuật Việt Nam nói chung và hội họa nói riêng thường thể hiện vẻ hồn nhiên, trong sáng gắn với những chủ đề tuổi thơ, ký ức, gia đình... Qua đó cho thấy, trẻ em luôn được nâng niu, chăm sóc, bao bọc và trở thành nhân tố kết nối mọi thành viên trong gia đình, cộng đồng. Từ sau giai đoạn đổi mới (năm 1986) đến nay, cùng với sự thay đổi, phát triển của xã hội, bên cạnh lối thể hiện quen thuộc, cách nhìn về trẻ em đa chiều hơn, mạnh dạn đi vào những nội dung mang tính phản biện mọi mặt còn hạn chế của đời sống

Tác phẩm Khoảng cách (2017), sơn dầu, 60 x 200cm của Lê Thị Quế Châu - Nguồn: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ VHTTDL

Đó là mặt trái của xã hội công nghệ thông tin, kỹ thuật số tràn lan, áp lực giáo dục, thiên tai, môi trường, chăm sóc y tế, mưu sinh… Hình tượng trẻ em hiện diện trong các tác phẩm hội họa gai góc hơn với cách thể hiện mang tính phê phán, châm biếm, phản ánh rõ nét những bất cập của xã hội. Không chỉ làm phong phú cho nội dung tư tưởng nghệ thuật của hội họa Việt Nam giai đoạn này, các sáng tác khá đa dạng về hình thức biểu đạt như hiện thực, siêu thực, biểu hiện, pop art… Bài viết chỉ rõ đặc điểm hình tượng trẻ em được thể hiện trong hội họa Việt Nam giai đoạn sau đổi mới gắn với nội dung phản biện những bất cập của xã hội. Qua đó thấy được thành công, hạn chế, cũng như đóng góp của mảng đề tài này đối với mỹ thuật Việt Nam TK XXI.

1. Hình tượng trẻ em với những nội dung phản biện xã hội trong hội họa Việt Nam sau đổi mới

Phản biện xã hội (social criticism) là hoạt động mang tính phổ quát của đời sống xã hội. Nó được thể hiện qua cách thức mà cá nhân (chủ thể) bộc lộ trong mối quan hệ với các định chế, quy phạm, cấu trúc xã hội (1). Ở phương Tây “phản biện xã hội” là một khuynh hướng có tính phê phán nhằm cải tạo, hoàn thiện xã hội đương thời. Ở Việt Nam, khái niệm phản biện xã hội chính thức được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, năm 2006: “Phản biện xã hội là nhận xét, đánh giá, bình luận, thẩm định công trình khoa học, dự án, đề án trong các lĩnh vực khác nhau. Phản biện xã hội là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ quyền nhân dân, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, góp ý kiến với cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước” (2). Tuy nhiên, trước đó, các hình thức phản biện xã hội đã xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật như: truyện tiếu lâm, các tác phẩm văn học hiện thực phê phán (văn học)…; chèo (nghệ thuật biểu diễn), tranh biếm họa (mỹ thuật)… Phản biện là hình thức “biện luận ngược”, thông qua chứng cứ, lập luận mang tính khoa học, khách quan và thuyết phục để bác bỏ những lập luận đã đưa ra trước nhằm làm rõ giá trị của nó. Phản biện những vấn đề xã hội là sự biện luận, thẩm định, đánh giá những bất cập... liên quan đến quyền lợi và đời sống của mọi thành viên trong xã hội nhằm phát hiện, bổ sung, chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ một chủ trương, chính sách hay đề án xã hội đã được công bố hay đang hình thành nhưng còn nhiều điều chưa phù hợp (3).

Trong hội họa, phản biện những vấn đề bất cập của xã hội với nhiều hình tượng từ trẻ em, người già, phụ nữ, người lao động… là mảng đề tài được thể hiện nhiều trong giai đoạn sau đổi mới 1986. Đó là cách lật lại những đề tài mang tính xã hội ở mặt trái của nó để thấy được những hậu quả, những mặt tiêu cực của những vấn đề đang tồn tại trong xã hội đương thời. Nhiều tác phẩm mỹ thuật giai đoạn này đã đề cập đến những vấn đề phức tạp, nhạy cảm với nhiều hình tượng được phản ánh như: bản năng của con người, tự do cá nhân, tình yêu đồng giới, nạn ô nhiễm môi trường, sự xuống cấp của đạo đức, sự biến đổi của văn hóa truyền thống, nguy cơ mất bản sắc văn hóa… Những thể hiện ấy nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo công luận trước những hiểm họa được sinh ra từ những tiêu cực của cuộc sống hiện đại. Tích cực phản ánh những mặt trái, bất cập của xã hội, thể hiện những mong muốn tái tạo cuộc sống bằng nghệ thuật là biểu hiện của sự phản biện xã hội trong mỹ thuật (4).

Sử dụng hình tượng trẻ em là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội, qua kết hợp một số xu hướng tạo hình như hiện thực, siêu thực, biểu hiện, pop art… cùng các thủ pháp cường điệu, giễu nhại, tả thực… để phản ánh, nhấn mạnh trong tác phẩm là đặc điểm nổi bật của chủ đề này trong hội họa sau giai đoạn 1986.

Thời kỳ đổi mới từ sau 1986 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, giai đoạn mở cửa, hội nhập đổi thay của đất nước, nghệ thuật phát triển về mọi mặt. Chính sách mở cửa đem lại nhiều cơ hội cho hoạt động giao lưu nghệ thuật với các nước trên thế giới và trong khu vực. Các nghệ sĩ trẻ tự do hơn trong tư tưởng, cách nhìn, sáng tác mỹ thuật thể hiện rõ rệt cả về nội dung và hình thức. Nhiều loại hình nghệ thuật đương đại của nước ngoài được các nghệ sĩ Việt Nam thực hành như sắp đặt, trình diễn, video art... Đặc điểm nổi bật của các sáng tác mỹ thuật giai đoạn này là sự chuyển biến nhận thức về vai trò của nghệ thuật đối với xã hội, tính quyết liệt trong thể hiện những vấn đề xã hội. Bên cạnh những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội, mở rộng giao lưu, thương mại... là sự tồn tại của những tiêu cực như sự vô cảm, quan hệ hàng hóa, tiền tệ phá vỡ mối quan hệ gia đình, bạn bè, xói mòn nhân cách và hàng loạt tệ nạn xã hội cùng với đó là sự phân hóa giàu nghèo, những giá trị truyền thống bị mai một... Hội họa Việt Nam giai đoạn này thể hiện rõ nét những chuyển biến đó trong nội dung phản ánh từ sự bất cập của y tế, giao thông, giáo dục, môi trường, tham nhũng đến mặt trái của phát triển đô thị, bình đẳng, nữ quyền... Với ưu thế trong xây dựng hình tượng nghệ thuật, hội họa đã chuyển tải những nội dung này một cách quyết liệt với nhiều thủ pháp tạo hình. Bên cạnh những hình tượng trẻ em với vẻ trong sáng, thơ ngây, được chăm sóc, nâng niu trong những điều kiện, môi trường đầy đủ, xuất hiện khá nhiều hình tượng trẻ em trong hội họa, gắn với một số nội dung phản biện xã hội như: trẻ em với mặt trái của thời đại công nghệ số, trẻ em với những bất cập trong môi trường sống, trẻ em với hậu quả chiến tranh.

Thời đại công nghệ số là thời đại của internet, của các sản phẩm máy tính, điện thoại tân tiến, mang lại cho con người nhiều tiện ích. Nhờ có internet, con người có thể nhanh chóng tiếp cận với tri thức nhân loại trong việc trao đổi, hợp tác, giao lưu, kinh doanh... Tuy nhiên, song song với những lợi ích nêu trên, ứng dụng của công nghệ số vẫn tồn tại những mặt tiêu cực như ảnh hưởng đến sức khỏe, tư duy, quan hệ trong gia đình, kỹ năng ứng xử, giao tiếp xã hội. Trẻ em là đối tượng nắm bắt rất nhanh các công nghệ hiện đại và cũng là đối tượng chịu tác động nhiều nhất của công nghệ thông tin. Điều này đã được phản ánh rõ nét trong sáng tác hội họa Việt Nam giai đoạn sau đổi mới. Đó là bi kịch của những đứa trẻ bị cộng đồng bỏ rơi trong thế giới thực tại để đắm chìm trong thế giới ảo của internet, thể hiện trong các tác phẩm: Kết nối, chất liệu sơn dầu (2015) của Bùi Quang Tuấn; Bến công cộng, chất liệu sơn dầu (2015) của Nguyễn Hồng Giang; hoặc trong các tác phẩm: Thế giới ảo, chất liệu sơn dầu (2005) của Đỗ Phấn; Thế giới riêng, chất liệu sơn dầu (2016) của Hà Phước Duy đã phản ánh một thực tế đang diễn ra giữa các thế hệ. Đó là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu quan tâm của thế hệ trẻ với bố mẹ và các thành viên trong gia đình.

Tuy điều kiện sống hiện nay ngày càng được cải thiện và nâng cao nhưng vẫn nhiều trẻ em phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn. Ở các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng núi, nhiều trẻ em chưa được đi học, chưa được vui chơi đúng với lứa tuổi, các em phải giúp đỡ bố mẹ trong những công việc gia đình như chăn trâu, đan lồng chim, bán vé số, đi kiếm củi, làm ruộng, bắt cá... Những khía cạnh này đã được các họa sĩ tái hiện với nhiều góc nhìn chia sẻ trong các tác phẩm Đàn trâu, chất liệu sơn dầu (2015) của Trần Chí Luân; Mưu sinh, chất liệu sơn dầu của Đỗ Phấn (1999); Khoảnh khắc, chất liệu sơn dầu (2016) của Nguyễn Đông Đông; Trẻ em vùng cao, chất liệu sơn dầu (2004) của Trần Đức Lợi; Đường mòn, chất liệu sơn dầu (2014) của Vũ Lương; Vùng đất đỏ, chất liệu sơn dầu (2015) của Đoàn Hồng. Vấn đề về ô nhiễm môi trường do quá trình công nghiệp hóa dẫn đến thực tế nhiều dòng sông ô nhiễm, cá chết, ảnh hưởng đến sức khỏe con người gây nhiều phản ứng trong xã hội cũng được thể hiện trong tác phẩm Chúng tôi không có sự lựa chọn, chất liệu sơn dầu (2003) của Hồ Minh Quân đã phản ánh thực tế đau xót này thông qua hình tượng trẻ em. Một thực tế nữa hiện nay là vấn đề chăm sóc sức khỏe đối với trẻ em. Những phòng khám đông đúc, chật chội, cảnh xếp hàng chờ khám đã khá quen thuộc, giờ đây đã được tái hiện trong những không gian lạnh lẽo, u buồn của tác phẩm Đợi, chất liệu sơn dầu (2005) của Nguyễn Quang Hưng; Khám trẻ, chất liệu sơn dầu (2003) của Bùi Khải Châu. Ngoài ra, thực trạng giáo dục đối với trẻ em cũng là vấn đề nóng luôn được xã hội quan tâm. Mảng đề tài này trong hội họa chưa được các nghệ sĩ phản ánh nhiều ngoài sáng tác của tác giả Nguyễn Trọng Minh như Chào cờ, chất liệu sơn dầu (2014); Đi học muộn, sơn dầu (2013); Kiệt sức, sơn dầu (2013)...

Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn để lại những hậu quả nặng nề, đặc biệt đối với trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Đó là ảnh hưởng của chất độc màu da cam, hậu quả chiến tranh làm biến dạng cơ thể, tâm hồn của bao trẻ em. Những đứa trẻ vô tội, tật nguyền, vừa chào đời đã sống với sức khoẻ, trí tuệ và cả hình hài không bình thường, trở thành nỗi ám ảnh, đau đớn của người thân, gia đình và toàn xã hội. Tác phẩm Nhức nhối da cam, chất liệu sơn dầu (2013) của Đỗ Phấn đã khắc họa hình ảnh đầy thương tâm trước cảnh người cha đang xúc cơm cho cậu con trai tật nguyền, biến dạng tay chân, khuôn mặt và cả trí tuệ. Hay các tác phẩm Xót xa tuổi thơ, chất liệu sơn dầu (2000) của Lưu Chí Hiếu; Hồn nhiên, chất liệu sơn mài (2015) của Nguyễn Quốc Huy; Nỗi ám ảnh, chất liệu sơn dầu (2013) của Khởi Đức... đã gợi lên những ký ức đau thương về hàng vạn tấn bom mà máy bay Mỹ đã thả xuống các làng quê Việt Nam. Một khía cạnh khác cũng được đề cập đến trong hội họa giai đoạn này là vấn đề về hòa bình, nhân quyền qua tác phẩm Phản đối chiến tranh và khủng bố, chất liệu acrilic (2004) của nữ họa sĩ Vũ Dáng Hương và tác phẩm Trò chơi nhân quyền, chất liệu sơn dầu (2005) của Trịnh Thanh Tùng.

2. Đặc điểm tạo hình hình tượng trẻ em trong các sáng tác hội họa có nội dung phản biện vấn đề xã hội giai đoạn sau đổi mới

Hình tượng trẻ em trong hội họa giai đoạn sau đổi mới được tái hiện với nhiều số phận gắn với bất cập của xã hội đương thời. Mỗi tác giả tìm cho mình một hình thức biểu hiện mới phù hợp để chuyển tải rõ nét ý tưởng của tác phẩm. Tuy nhiên, sáng tác hội họa giai đoạn này có đặc điểm là sử dụng lối kết hợp, đan xen nhiều xu hướng tạo hình trong một tác phẩm. Có thể thấy rõ một số tính chất nổi bật của xu hướng tạo hình hội họa như: tính hiện thực, tính cường điệu, tính diễu nhại, trào phúng được sử dụng trong cách tạo hình hình tượng trẻ em.

Tính hiện thực, ở Việt Nam sau giai đoạn chững lại của hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa, những năm gần đây, hội họa hiện thực đã dần được các họa sĩ nghiên cứu, tìm tòi, khám phá những cách thể hiện mới. Hội họa hiện thực vừa là khuynh hướng sáng tác, vừa là phong cách, bút pháp mô tả cuộc sống bằng hình tượng được điển hình hóa từ cuộc sống. Tuy đa dạng về hình thức biểu đạt như kết hợp thêm một số hình thức của nghệ thuật siêu thực, biểu hiện… nhưng cơ bản vẫn tuân theo nguyên tắc hình tượng trẻ em thể hiện hiện thực về tỷ lệ, cấu trúc, hình khối, không gian, ánh sáng, chất cảm. Để phản ánh thực trạng trẻ em Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề về điều kiện sống như ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước sạch, mưu sinh, chưa được chăm sóc đầy đủ về y tế, hội họa Việt Nam giai đoạn sau đổi mới đã xây dựng hình tượng trẻ em trong nhiều bối cảnh điển hình thông qua ngôn ngữ hiện thực, có thể kể đến một số tác phẩm như Khát, chất liệu tổng hợp (2005) của Siu Quí; Nước sạch cho vùng cao, chất liệu sơn dầu (2005) của Phạm Minh Đức; Tây Nguyên khát, chất liệu sơn dầu (2001) của Vi Quốc Hiệp; Ký ức mậu thân, chất liệu sơn dầu (2000) của Lê Công Uẩn. Trong đó, tác phẩm Khát của Siu Quí là bức tiêu biểu, diễn tả không gian sống ngổn ngang, ngồn ngộn những đường ống, máy bơm, ổ cắm điện... tất cả đều khô cạn tại một số chung cư, tập thể nơi đô thị. Lối vẽ hiện thực về hình thể nhân vật và những đường ống nước xen với lối vẽ ước lệ ở không gian, lối biểu hiện về màu sắc đã tạo được hiệu quả phản ánh hiện trạng của đời sống tại các khu tập thể đã xuống cấp. Hình tượng em bé ngồi bệt trên đất buồn rầu càng nhấn mạnh hơn kịch tính của tác phẩm.

Tính cường điệu là một trong những thủ pháp tạo ấn tượng về thị giác trong cách tạo hình khi muốn nhấn mạnh đối tượng. Đây là phương thức xây dựng hình tượng điển hình qua việc sáng tạo ra những giá trị mới, yếu tố mới bằng việc sử dụng các biện pháp cường điệu, khoa trương, phóng đại hay thu nhỏ tỷ lệ nhân vật làm nổi bật nội dung, chủ đề. Hình tượng trẻ em trong hội họa Việt Nam giai đoạn sau đổi mới đã được thể hiện qua một số dạng thức cường điệu nhằm phản ánh rõ nét thực trạng của một xã hội công nghệ số, thực trạng ô nhiễm môi trường, phản đối chiến tranh. Đó là sự cường điệu về cấu trúc hình thể nhân vật như kéo dài, thu ngắn tỷ lệ, hình dạng, cường điệu khuôn mặt, màu sắc của hình tượng mà trong tác phẩm sơn dầu We have no choice (Chúng tôi không có sự lựa chọn) của Hồ Minh Quân đã miêu tả và tố cáo mạnh mẽ hiểm họa về ô nhiễm môi trường do nền công nghiệp phát triển gây nên mà nạn nhân là những người dân lao động vô tội. Bức tranh đan xen lối vẽ đồng hiện, kết hợp siêu thực và biểu hiện. Màu sắc được cường điệu với gam xanh xám biểu hiện rõ sự lạnh lẽo, chết chóc. Tác phẩm như một lời phê phán, cảnh báo mạnh mẽ hậu quả nặng nề của sự ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp. Đối tượng phải gánh chịu chính là thế hệ trẻ, là tương lai của đất nước.

Tác phẩm Thế giới ảo của Đỗ Phấn diễn tả một ngày mới của xã hội đương đại, tạo một guồng quay chóng mặt. Bức tranh sử dụng lối cường điệu về màu, với gam xanh lam lạnh lẽo tập trung vào hình ảnh các nhân vật, tương phản với nền tranh đỏ cam nóng bỏng, gợi lên sự lạnh lẽo, màu xám, mặt trái của công nghệ số đang đến mức báo động. Những khuôn mặt, hình dáng trẻ em được cường điệu giống nhau ngơ ngác như những robot.

Tính diễu nhại, trào phúng là một thủ pháp nghệ thuật sử dụng tiếng cười có tính chất châm biếm, phê phán, đả kích, giễu cợt giúp con người nhận thức được những mâu thuẫn trong cuộc sống. Trong đó, pop art là xu hướng nghệ thuật được khá nhiều họa sĩ Việt Nam học tập tiếp nhận để thể hiện những sáng tác mang tính phê phán nhiều mặt đời sống xã hội. Thủ pháp tạo hình này trong hội họa Việt Nam sử dụng hình tượng thiếu nhi là đối tượng chính khá đa dạng trong bút pháp. Đó là cách tạo hình những nhân vật trẻ em nghịch dị có sự tương phản về hình thức với các nhân vật khác như thấp lùn, hài hước; tạo hình những người lớn có khuôn mặt trẻ con; tạo hình trẻ em có hình thức, khuôn mặt ngô nghê; tạo hình trẻ em sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật pop art, nhấn mạnh tính vô nghĩa, thủ pháp nhân bản.

Sáng tác của Lương Trung trong triển lãm Chuyện đời đã mô tả cuộc sống đô thị với hình ảnh của những đứa trẻ trong cảnh sinh hoạt hằng ngày diễn ra trên từng góc phố, vỉa hè, ngõ, ngách hay bến xe buýt, lấy thực tại nhốn nháo thường ngày làm không gian đồng hiện cho những tiểu cảnh bi hài. Nghệ thuật sử dụng thủ pháp ẩn dụ để vẽ những người lớn trong hình hài những đứa trẻ biết uống bia, ăn nhậu, đi xe máy… trong các tác phẩm của họa sĩ Lương Trung không chỉ tái hiện đậm nét cuộc sống xã hội Việt Nam đương đại mà còn cảnh báo về một tương lai không mấy sáng sủa của xã hội.

Nghệ thuật sử dụng thủ pháp nhân bản trong nghệ thuật pop art, Nguyễn Trọng Minh đã sáng tác một loạt tác phẩm mang tính hiện thực phê phán, như: Chào cờ, Đi học muộn, Kiệt sức (chất liệu sơn dầu) đó là những tác phẩm phản ánh chân thực những hạn chế trong giáo dục ở nước ta, tạo ra những thế hệ máy móc, giống nhau; các nhân vật không chỉ giống nhau về trang phục, họ còn đồng phục cả hành động. Các tác phẩm của Nguyễn Trọng Minh vừa phản ánh những gì diễn ra xung quanh, vừa pha chút giễu nhại hiện thực. Qua đó, nói lên những mong muốn đổi mới trong giáo dục từ nhận thức, quan niệm đến hình thức giáo dục con người.

3. Thành công và hạn chế của hình tượng trẻ em trong hội họa Việt Nam giai đoạn sau đổi mới có nội dung phản biện vấn đề xã hội

Những thành công qua hình tượng trẻ em trong hội họa Việt Nam giai đoạn sau đổi mới đã cho thấy những thay đổi của mỹ thuật Việt Nam mang đặc điểm, tính chất điển hình của mỹ thuật hậu hiện đại. Thể hiện rõ nét ở tính hiện thực phê phán trực diện những bất cập của xã hội đương đại. Tùy vào nội dung từng tác phẩm có thể sử dụng kết hợp một hay nhiều hình thức của nghệ thuật cực thực, siêu thực, biểu hiện, pop art, hiện thực… để biểu đạt. Bút pháp thay đổi linh hoạt trong một tác phẩm tạo cái nhìn mới lạ, đa chiều về cuộc sống, con người đương thời. Đặc biệt, thủ pháp tổng hợp nhiều phong cách, xu hướng tạo hình phù hợp với việc tạo ấn tượng mạnh về sự hỗn tạp, xô bồ của xã hội công nghiệp hóa, đô thị hóa. Qua đó, giúp chúng ta nhận thức lại vì sự hoàn thiện của xã hội, phản ánh rõ thái độ của họa sĩ trước mọi hiện tượng của đời sống.

Bên cạnh những thành tựu, đóng góp, sự phản ánh hình tượng trẻ em trong hội họa Việt Nam giai đoạn sau đổi mới còn một số hạn chế. Về đề tài, đây là mảng đề tài chưa được nhiều họa sĩ quan tâm sáng tác trong mỹ thuật nói chung và hội họa nói riêng. Một số vấn đề nóng liên quan đến trẻ em hiện nay chưa được phản ánh như: bạo lực học đường, trẻ em với vấn đề giới tính… Sáng tác đề tài về trẻ em với hậu quả chiến tranh chưa nhiều, tuy thực tế này ở Việt Nam đáng phải đề cập. Thực trạng về số phận của trẻ em bị gia đình bạo hành, bỏ rơi, trẻ em lang thang cơ nhỡ… chưa được các họa sĩ quan tâm, phản ánh. Về chất liệu tạo hình, chủ yếu là sơn dầu, các chất liệu khác chưa phong phú, ít thấy. Một số sáng tác chưa thấy được sự tìm tòi sáng tạo riêng, còn mang nhiều ảnh hưởng từ nghệ thuật nước ngoài. Vẫn còn tư duy mô tả, mô phỏng trong nghệ thuật thay cho tư duy hình tượng biểu hiện, gợi tả.

Như vậy, hình tượng trẻ em trong hội họa đã chứng tỏ được vị trí, đóng góp của mảng đề tài này cho mỹ thuật Việt Nam giai đoạn sau đổi mới trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Hình tượng trẻ em khi đưa vào những bối cảnh bất cập của xã hội đã cất lên tiếng nói và giá trị mạnh mẽ. Đó là về quyền trẻ em được sống đầy đủ về vật chất và tinh thần, quyền được chăm sóc bảo vệ. Qua những sáng tác về hình tượng trẻ em với những nội dung có tính phản biện xã hội đã thể hiện sâu sắc nhận thức vai trò tính nhân văn của nghệ sĩ Việt Nam trong phản biện xã hội.

4. Kết luận

Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn sau đổi mới nằm trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại đã trở thành một phần đáng kể trong đời sống văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam. Nỗ lực thể hiện những quan điểm, tiếng nói trước nhiều vấn đề, thực trạng đời sống đã cho thấy mong muốn đóng góp, cải tạo xã hội của các nghệ sĩ. Những vấn đề nảy sinh trong xã hội đương đại được nhiều nghệ sĩ quan tâm thể hiện. Những biến chuyển trong tư duy, nhận thức, quan niệm, khiến cho hoạt động sáng tạo và phổ biến nghệ thuật có nhiều thay đổi. Những phương thức biểu hiện mới, truyền tải nhiều tiếng nói mạnh bạo, bắt nguồn từ thực trạng đa dạng của đời sống xô bồ, hỗn tạp hiện nay. Điều đó càng cho thấy ý thức và nguyện vọng phản ánh, tác động, sự khẳng định vai trò của các nghệ sĩ trước đời sống.

_________________

1, 3. Phan Xuân Sơn, Nguyễn Văn Dững, Mấy vấn đề về báo chí phản biện xã hội, lyluanchinhtri.vn, 28-9-2016.

2. Ngô Văn Du, Hồng Hà, Trần Xuân Giá (đồng chủ biên), Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X - Mấy vấn đề báo chí phản biện xã hội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.182.

4. Hoàng Thi, Nghệ thuật đương đại ôm “giấc mộng lớn”, nhandan.vn, 18-11-2013.

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Như Hương - Phạm Trung, Nghệ thuật Đương đại Việt Nam 1990 - 2010, Nxb Tri thức, 2013.

2. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Viện Mỹ thuật, Kỷ yếu Hội thảo “Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX”, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2007.

3. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội Mỹ thuật, Viện Mỹ thuật, Kỷ yếu hội thảo “20 năm Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới”, Nxb Mỹ thuật, 2007.

TS ĐẶNG THỊ PHONG LAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;