Giá trị nghệ thuật từ các tác phẩm tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tranh lụa hiện đại Việt Nam lần đầu được thế giới biết đến vào đầu những năm 1930, qua các tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Tiếp đó, những năm 1930-1945, có thể coi là thời kỳ hoàng kim của tranh lụa, bởi hầu hết, các họa sĩ thế hệ Mỹ thuật Đông Dương đều từng thử nghiệm. Ở các giai đoạn lịch sử, cùng với nhiều chất liệu tạo hình khác, tranh lụa là một phần không thể tách rời dòng chảy lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam luôn đồng hành và kịp thời lưu giữ những tác phẩm tranh lụa đặc sắc, tiêu biểu nhất của nhiều thế hệ họa sĩ để có được bộ sưu tập tranh lụa ngày một đầy đặn và chất lượng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi tranh lụa có dấu hiệu hồi sinh tích cực, Bảo tàng đã kịp thời nghiên cứu, chọn lọc sưu tầm nhiều tác phẩm mới với chất lượng cao, phong cách và ngôn ngữ tạo hình phong phú.

1. Sơ lược về lịch sử phát triển tranh lụa hiện đại qua Bộ sưu tập tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Từ xa xưa, các nước châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã sử dụng lụa làm vật liệu để viết và vẽ. Ở Việt Nam, sử sách có ghi chép về nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa của ta đã phát triển khá cao từ đời nhà Lý. Việc viết và vẽ trên lụa được người Việt sử dụng qua nhiều thế kỷ, hiện nay chỉ còn rất ít tranh chân dung như: tranh chân dung Nguyễn Trãi (phiên bản) hiện bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tranh chân dung Phùng Khắc Khoan (lưu trữ tại nhà thờ gia tộc ở huyện Thạch Thất, Hà Nội), tranh chân dung 4 danh sĩ dòng họ Phan Huy, tranh chân dung Nguyễn Siêu.

Trong một tham luận của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, tại Hội nghị tranh lụa Nguyễn Phan Chánh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1978 có viết: “Phần lớn tranh lụa vẽ các danh nhân xưa đều thường đã mất bản gốc, những bản còn lại chỉ là sao chép vẽ lại dùng trong việc thờ cúng. Vì bão lũ ẩm mốc, vì chiến tranh liên miên tranh lụa không giữ được lâu và còn một thói quen mỗi khi tranh rách nát, con cháu thuê thợ Việt Nam vẽ lại bức mới và hóa (đốt) những tranh cũ đi (như trường hợp tranh Phùng Khắc Khoan). Nhân dân ta xưa chưa có ý thức bảo tồn và lưu giữ vốn cổ về nghệ thuật tạo hình, ngoài tính chất thờ cúng và cái vòng “hóa tranh” được nhắc lại nhiều lần...” (1).

Qua đó, nhận thấy, tranh lụa cổ được nghệ nhân xưa vẽ rất kỹ, sử dụng nét và mảng rất tinh tế, người vẽ nắm bắt được độ nhòe, mờ của tranh lụa, màu vẽ nhuyễn vào thớ lụa với một kỹ thuật từng trải mượt mà. Đó là cách thể hiện khá tương đồng với cách sử dụng bút lông, mực và màu như ở các nước châu Á để vẽ trên lụa.

Mùa bắp - Nguyễn Thị Châu Giang, 2011, 88x77cm - Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 

Đến nay, tranh lụa hiện đại Việt Nam được hình thành cùng với sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khi những người thày đã hướng dẫn sinh viên áp dụng bài học về luật viễn cận, lối tạo hình châu Âu để đưa vào nghiên cứu kết hợp nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thể nghiệm trên chất liệu lụa. Người đầu tiên có những nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo này phải kể đến danh họa Nguyễn Phan Chánh vào những năm 1928-1929, với đam mê không chỉ trong những năm tuổi trẻ mà còn theo ông suốt sự nghiệp sáng tác. Những thành công ban đầu của ông vào những năm 1931 có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các họa sĩ cùng thời, hầu như họa sĩ thế hệ Mỹ thuật Đông Dương đều từng thử nghiệm với chất liệu lụa. Giai đoạn 1925-1945 được đánh giá là thời kỳ đầu tiên, đánh dấu bước đầu trên con đường tiến đến sự phát triển của nghệ thuật tranh lụa của nước ta. Đây cũng là thời kỳ hoàng kim của tranh lụa, sức lôi cuốn của tranh lụa tạo nên phong trào sáng tác, các họa sĩ thuộc lớp sau nghiên cứu, đóng góp thêm kỹ thuật vẽ tranh lụa.

Thời kỳ 1945-1975, giống như lịch sử chung của nền hội họa Việt Nam hiện đại, tranh lụa cũng có thể chia thành hai giai đoạn: 1945-1954 và 1954-1975. Trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (1945-1954), các họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ tranh lụa, cho dù có ít hơn so với thời kỳ trước đó. Đặc biệt tại các kỳ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1946, 1948, 1951, 1954) đều có sự góp mặt của tranh lụa cũng như các giải thưởng dành cho tranh lụa. Các họa sĩ vẽ lụa bắt đầu thay đổi cảm xúc để hướng lụa vào đời sống hiện thực sản xuất và chiến đấu khi đó. Ở giai đoạn này, bên cạnh một số họa sĩ xuất thân từ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, một số họa sĩ đầu tiên thành công với tranh lụa như các họa sĩ khóa Kháng chiến (1950-1954), khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) và các khóa tiếp theo của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là giai đoạn có nhiều thay đổi, tranh lụa khẳng định bản sắc riêng. Tranh lụa sáng tác phục vụ nhiệm vụ chính trị, đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Những năm 80 của TK XX, đất nước hòa bình thống nhất, tranh lụa Việt Nam được các họa sĩ vẽ nhiều hơn, giới sưu tầm trong và ngoài nước săn đón các tác phẩm cũng nhiều hơn. Giới họa sĩ tham gia vẽ tranh lụa ngày càng đông với những dấu hiệu cách tân đáng mừng. Nghệ thuật tranh lụa có những cái nhìn đột phá, gia tăng các khả năng biểu hiện về ngôn ngữ tạo hình và đã có thử nghiệm thay đổi kỹ thuật vẽ lụa nhưng chưa rõ rệt.

Sau chính sách đổi mới 1986, do nhu cầu của thị trường tranh lụa tiếp tục phát triển. Song song cùng các họa sĩ tên tuổi chuyên lụa trước đây thì có thêm nhiều họa sĩ lao vào vẽ tranh lụa với những sáng tạo cách tân như vẽ lụa không rửa, dùng bột màu, tempera, phấn màu để vẽ hoặc cho chảy trên mặt lụa… tạo nên sự đổi mới có phần xa rời đặc trưng của tranh lụa giai đoạn trước.

Cuối những năm 90 của TK XX, sự bùng nổ của tranh sơn mài và sơn dầu… tranh lụa có phần chững lại, công chúng còn gọi đây là giai đoạn trầm lắng của nghệ thuật tranh lụa. Triển lãm tranh lụa nhiều năm liền không được tổ chức. Các họa sĩ trẻ ít quan tâm đến tranh lụa, công chúng ít nhắc đến nghệ thuật tranh lụa làm cho tranh lụa mất dần chỗ đứng trong thị trường mỹ thuật. Tác phẩm tranh lụa ngày càng ít, không mang lại cảm giác mới và ngày càng mờ nhạt, lãng quên.

Mùa thu vàng - Vũ Đình Tuấn, 2017, 120x78cm - Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Chặng đường nối tiếp giữa hai thế kỷ - là quãng thời gian các họa sĩ trẻ tìm lại diện mạo mới cho tranh lụa Việt Nam. Đó là một thời gian dài chìm trong khoảng lặng của tranh lụa Việt Nam để tự chuyển mình trong đời sống đương đại. Đến năm 2007, với mục đích chấn hưng nghệ thuật Việt Nam, Triển lãm Tranh lụa lần thứ nhất tranh lụa được Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh (nay là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL) tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đánh thức các họa sĩ vẽ tranh lụa. “Với 578 tác phẩm của 320 họa sĩ từ 40 tỉnh, thành trong cả nước gửi tranh dự triển lãm, trong đó, 154 tác phẩm được lựa chọn trưng bày. Nhiều họa sĩ trẻ đã mang đến cho tranh lụa sức hồi sinh sau một thời gian vắng bóng, với nhiều tìm tòi đa dạng trong sáng tác tranh lụa mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, trong triển lãm ấy, để tìm ra người thật sự có kĩ năng vẽ lụa chiều sâu thì cũng không thấy. Nhiều tác giả vẽ là để hưởng ứng cuộc vận động triển lãm hơn là người chuyên về chất liệu này, nên tranh có mùi vị phong trào cũng nhiều” (2).

2. Những tác phẩm tranh lụa trong giai đoạn năm 2000 đến nay tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tranh lụa bắt đầu có khởi sắc khi những họa sĩ trẻ nỗ lực tìm tòi, đổi mới. Cho dù chưa có đủ thời gian để khẳng định giá trị, nhưng rõ ràng, qua những tìm tòi, đổi mới này, lụa cũng lại bắt đầu có những chuyển biến đáng kể về phương thức tổ chức tri giác hội họa, rất đáng để kỳ vọng. Nhiều triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân với đội ngũ họa sĩ chuyên tâm sáng tác trên chất liệu lụa xuất hiện thường xuyên hơn, tạo một luồng không khí tươi mới cho sự phát triển của tranh lụa Việt Nam hiện đại. Số lượng tranh lụa tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc nhiều hơn; chất lượng và kỹ thuật mới được thử nghiệm mang đến những hiệu quả hấp dẫn trên lụa. Một số họa sĩ đã tìm được tiếng nói riêng của mình trong sáng tác, tự khẳng định và theo đuổi đến cùng con đường đã chọn.

Ở Hà Nội, gần đây xuất hiện một số họa sĩ đam mê vẽ chất liệu lụa, các họa sĩ vẽ khá nhiều, đã có những sự tìm tòi, cải tiến trong kỹ thuật cảm tác trên lụa. Qua một số triển lãm cá nhân, như triển lãm của họa sĩ Vũ Đình Tuấn với các tác phẩm: Cây ánh sáng (2016), Im lặng cho hoa nở (2018), Mùa ở lại (2019)... đã thể hiện phong cách riêng trong tạo hình, điêu luyện trong kỹ thuật, sáng tạo mà vẫn đậm chất mềm mại của lụa. Đặc biệt, tác phẩm Mùa thu vàng sáng tác năm 2017 đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ năm 2018 (3) như đánh dấu một nét mới trong cách vẽ lụa Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn có các họa sĩ thế hệ 7x, như họa sĩ Lưu Chí Hiếu với những tác phẩm đi từ lãng mạn đến phảng phất tính siêu thực, được tạo bởi sự chồng lớp của không gian và đồ vật, mang đến hiệu ứng đặc biệt; họa sĩ Nguyễn Đức Toàn với những suy nghĩ, trăn trở kỹ lưỡng trước khi đặt những nét tinh tế, cẩn trọng mà vẫn đem đến nhiều cảm xúc của sắc và hình; nữ họa sĩ Phạm Thanh Vân - với lối vẽ nhuộm lụa mờ ảo, bảng màu trầm ấm, đằm thắm; họa sĩ Trần Xuân Bình, với bảng màu dịu mát và những thông điệp giản dị về tình yêu, cuộc sống. Các họa sĩ tạo nên một cao trào mới trong tạo hình trên lụa, họ cùng gặp nhau, đưa tranh lụa trở lại với đời sống sáng tác, từ đó truyền cảm hứng đến nhiều họa sĩ và sinh viên. Họ đã có các triển lãm trong các năm 2015, 2016, 2018, thể hiện niềm yêu thích đặc biệt với chất liệu này và lôi cuốn, ảnh hưởng đến thế hệ họa sĩ trẻ.Trong nhiều tác phẩm được trưng bày triển lãm của các họa sĩ nhóm này, tác phẩm Ngày bình yên (2010) của họa sĩ Trần Xuân Bình đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ và trưng bày tại các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.

Tại TP.HCM, các tác phẩm: Đàn bà, mặt nạ và bóng tối (2009) - họa sĩ Bùi Tiến Tuấn sáng tác trên lụa với các đường nét, mảng màu mạnh, khỏe, phong cách khá riêng biệt; các tác phẩm: Mùa bắp (2011) họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang, tác phẩm Tuổi teen (2015) - họa sĩ Hồng Như, Thầm thì (2020) - họa sĩ Hoàng Minh, đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ như một sự khẳng định về hương sắc của nghệ thuật vẽ lụa phương Nam. Những tác phẩm vẽ trên lụa trong Bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật được trưng bày và mang đến sự lôi cuốn say mê đối với người xem và có tầm ảnh hưởng lớn đến các họa sĩ, các thế hệ sinh viên học tập, nghiên cứu tạo hình.

Ngày bình yên - Trần Xuân Bình, 2010, 82x140cm - Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tranh lụa hiện đại ngày nay thể hiện sự mới mẻ ở các đề tài sáng tác. Các họa sĩ trẻ trở lại với lụa như họ đã tìm thấy được cách thức thể hiện phù hợp với nội dung hiện tại. Trên chất liệu lụa, việc kế thừa kỹ thuật của các thế hệ đi trước đã được họa sĩ trẻ kết hợp với cách nhìn hiện đại, không ngại những thử nghiệm mới đã bắt đầu đánh thức lụa thêm lần nữa. Kỹ thuật vẽ đa dạng, phong phú, đạt được hiệu quả thị giác cao, tôn vinh được mọi khả năng biểu cảm đặc trưng trong trẻo của nền lụa óng ả. Khi hoàn thành tranh, họa sĩ cho tranh đã được biểu lên một tấm vải bố vẽ sơn dầu (canvas) thay vì giấy như trước đây. Điều này đã mang lại hiệu quả khá tốt, bề mặt vải sần không bắt sáng, dễ tôn màu. Cách thử nghiệm kỹ thuật này cần thời gian, nghiên cứu riêng để có câu trả lời chính xác và bảng màu trong tranh lụa chuyển hóa sinh động, làm tăng phẩm chất mới cho đặc tính vốn sẵn có trong tranh lụa. Tranh lụa hiện đại Việt Nam mặc dù còn rất trẻ (khoảng gần 100 năm) nhưng có sự độc lập và khác biệt. Đó chính là sự kế thừa những kỹ thuật truyền thống nhưng không ngừng đổi mới, tiếp thu và kết hợp với những phương thức thể nghiệm mới để có được phương pháp sáng tác, phương pháp xử lý rất riêng.

Trong số các tác phẩm mới được sưu tầm, “số lượng tranh lụa trưng bày trong không gian Mỹ thuật đương đại mở cửa đầu năm 2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn khiêm tốn với các tác phẩm Mùa bắp, Mùa thu vàng, Ngày bình yên, Thầm thì. Số liệu thống kê Bộ sưu tập tranh lụa cho thấy, từ năm 1995 đến 2017, Bảo tàng mới mua được 27 tranh lụa, tính trung bình khoảng hơn 1 tranh được sưu tập trong 1 năm. Riêng năm 2021, Bảo tàng đã bổ sung được 2 tác phẩm Thầm thì của Hoàng Minh và bộ tác phẩm Họ hạnh phúc của Trần Hoàng Sơn...” (4). Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Bảo tàng và BVHTTDL khi quyết tâm vượt qua những khó khăn về nguồn kinh phí để bổ sung các tác phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng có những điều đáng tiếc trong quá trình thực hiện sưu tầm như các tác phẩm đã được bán trước khi Bảo tàng hỏi mua, hoặc trong quá trình thương thảo thì các nhà sưu tập tư nhân đã nhanh hơn, không bị ràng buộc bởi các quy định của Nhà nước và mua trước.

Kết luận

Nhìn chung, sưu tập tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam góp phẩn khẳng định sự phát triển của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam qua các giai đoạn, có vị trí song hành cùng các tác phẩm sơn dầu, sơn mài… trong nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Với những diễn biến sôi động đang diễn ra, tranh lụa đang quay trở lại, hứng khởi và sáng tạo, đội ngũ cán bộ sưu tầm của Bảo tàng vẫn đang chú ý, dõi theo để kịp thời đề xuất, tham mưu, giúp Lãnh đạo Bảo tàng có những quyết định nhanh, đúng giữ lại được những tác phẩm xuất sắc nhất, bổ sung và làm lớn mạnh thêm cho bộ sưu tập tranh lụa của Bảo tàng. Trong thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dự kiến sẽ có nhiều đổi mới trong việc giới thiệu bộ sưu tập tranh lụa như: tổ chức triển lãm chuyên đề lụa, xây dựng nhiều ấn phẩm có tính nghiên cứu và truyền thông nhằm cung cấp tư liệu và quảng bá rộng rãi cho chất liệu truyền thống đặc biệt của Việt Nam đến công chúng trong nước và quốc tế.

__________________

1. Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Phan Chánh và tranh lụa Việt Nam ra đời - 1978, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát huy giá trị bộ sưu tập tranh lụa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 2021, tr.183-184.

2. Hà Thái Hà, 90 năm tranh lụa Việt Nam, mấy chú giải về lịch sử, Kỳ II: Các thời kỳ và các họa sĩ, Tạp chí Mỹ thuật, 14-8-2019, tr.42.

3. Nguyễn Hải Yến, Diện mạo bộ sưu tập tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát huy giá trị bộ sưu tập tranh lụa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 2021, tr.177-175.

4. Nguyễn Thị Hoàng Minh, Nền lụa - nét đặc trưng riêng biệt của tranh lụa Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát huy giá trị bộ sưu tập tranh lụa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 2021, tr.117.

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Thị Đào, Tranh lụa - Tiếng nói riêng trong sự hình thành và phát triển của hội họa Việt Nam hiện đại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát huy giá trị bộ sưu tập tranh lụa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 2021.

Ths VƯƠNG LÊ MỸ HỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;