Yếu tố phương Đông thể hiện trong nghệ thuật tạo hình của Gustav Klimt

Hình 1: Trích đoạn hình thần Nekhbet trong Egyptian, 1890-1891 - Nguồn: Đỗ Vũ Minh Ngọc - đồ họa cắt lớp

Gustav Klimt (1862-1918) là họa sĩ người Áo. Ông được đánh giá là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của TK XX. Ông nổi tiếng với những bức tranh đầy gợi cảm và nghệ thuật trang trí đặc sắc. Tính trang trí trong tranh Klimt thể hiện ở những mảng họa tiết mang tính tượng trưng, màu sắc tươi tắn với hoa văn được lấy cảm hứng từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Sự độc đáo trong các sáng tác của Klimt đã thể hiện khả năng sáng tạo đa dạng, phong cách tạo hình đặc sắc, tạo nên nhiều tác phẩm giá trị cho kho tàng nghệ thuật tạo hình của thế giới.

Từ quan sát và nghiên cứu tranh của Klimt có thể nhận thấy ngoài tài năng thiên bẩm, kiến thức hàn lâm về hội họa, còn có hai yếu tố tác động lớn đến sáng tác của Klimt. Một là từ gia đình, cha của ông, một người thợ kim hoàn tài hoa; hai là từ văn hóa phương Đông. Nghệ thuật phương Đông đã truyền cho ông nhiều niềm cảm hứng trong sáng tạo, nên ông quan sát, đào sâu tìm hiểu và bắt đầu ứng dụng những hiểu biết này vào trong tranh. Từ cuối TK XIX đến đầu TK XX, Klimt bắt đầu sử dụng nhiều hình ảnh hoa văn họa tiết của Ai Cập, Nhật Bản, Trung Quốc trong các sáng tác của mình. Một trong các môtip thường gặp trong các bức chân dung của Klimt giai đoạn này là: trang phục của nhân vật thường lấy cảm hứng từ trang phục Nhật Bản, Trung Quốc còn ở khung nền và hậu cảnh sử dụng các hoa văn gốm sứ Trung Quốc. Văn hóa Ai Cập và Ba Tư cũng xuất hiện trong một số tác phẩm của Klimt, nhưng không nhiều. Xét về tần suất, hoa văn họa tiết của Trung Quốc, Nhật Bản được sử dụng nhiều hơn so với hoa văn của Ai Cập.

Hoa văn, họa tiết Ai Cập cổ đại

Một trong các tác phẩm đầu tiên xuất hiện dấu ấn phương Đông của Klimt phải kể đến tác phẩm Egyptian Art (1890-1891). Bức tranh này chia ra làm hai phần, bên trái với hình ảnh người phụ nữ mang bộ tóc giả cùng bộ trang sức từng thấy trong trang trí quan tài tại các đền thờ cổ của người Ai Cập. Trên tay bà cầm chiếc quyền trượng Ankh - “Chìa khóa của sự sống”, đây là một biểu tượng của quyền lực gắn liền với nền văn minh của Ai Cập cổ đại, tượng trưng quyền năng và sức mạnh vĩnh cửu. Ở phía bên trên đằng sau người đàn bà này là họa tiết hình vị thần Nekhbet có biểu tượng là một con kền kền lớn.

Hình 2: Portrait of Adele Bloch - Bauer I (1903-1907). Nguồn: Tobias G. Natter, Gustav Klimt, Taschen, 2012, tr.328-329

Cùng với Egyptian Art, Klimt còn sử dụng các hoa văn Ai Cập trong một số bức tranh khác như: Dancing Girl (Cô gái khiêu vũ) (1909-1911), The Pairs of Lover (Những cặp tình nhân) (1909-1911) và Portrait of Adele Bloch - Bauer I (Chân dung của Adele Bloch-Bauer I) (1903-1907)...

Portrait of Adele Bloch - Bauer I (hình 2) là bức tranh điển hình mà Klimt đã sử dụng hoa văn của Ai cập. Cụ thể, ông đã sử dụng dải hoa văn con mắt đặt trong hình tam giác cách điệu để trang trí lên trang phục nhân vật (hình 3a) và hoa văn tròn có hình xoắn ốc (hình 3b) hình nền phía sau. Con mắt trong hình tam giác là hình ảnh mang tính biểu tượng. Nhiều học giả đã liên hệ nguồn gốc hình tượng này với hình ảnh mắt thần Horus, đại diện cho sự sống, sức khỏe và sự tái sinh. Chính nhờ việc sử dụng hoa văn này mà bức tranh không chỉ sinh động hơn mà còn tạo thêm một tầng ý nghĩa, giúp người phụ nữ trong tranh mang vẻ đẹp vương giả, sống động như một vị thần với quyền năng và trí tuệ.

Hình 3a: Hoa văn con mắt, trích đoạn trong tranh Portrait of Adele Bloch - Bauer I (1903-1907).
Hình 3b: Hoa văn hình tròn, trích đoạn trong tranh Portrait of Adele Bloch - Bauer I (1903-1907).
Nguồn: Đỗ Vũ Minh Ngọc - đồ họa cắt lớp

Hoa văn, họa tiết Á Đông (Nhật Bản, Trung Quốc)

Gustav Klimt có một niềm say mê sưu tầm các đồ vật Đông Á, đặc biệt là các bản in tranh Ukiyo-e, những món đồ gốm sứ Trung Quốc và đặc biệt những trang phục mang phong cách Nhật Bản. Gustav Klimt có niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật Nhật Bản nói riêng và nghệ thuật phương Đông nói chung, ông đã biểu lộ sự yêu thích này qua lời chia sẻ: “Đôi khi tôi bỏ buổi vẽ sáng, và thay vào đó bằng việc nghiền ngẫm các cuốn sách Nhật Bản của tôi”. Theo nhà báo Kijiro Ohta, vào năm 1913, trong chuyến thăm quan xưởng vẽ của Klimt tại Vienna, ông đã nhìn thấy cố họa sĩ mặc chiếc áo choàng màu xanh chàm giống như một bộ Kimono. Có lẽ vì quá yêu thích, nên trong một vài sáng tác sau này của ông cũng bắt gặp hình ảnh các nhân vật mặc các bộ quần áo màu xanh, cùng với các hoa văn quen thuộc thường thấy trên trang phục Á Đông. Tác phẩm Lady with fan (Quý bà với chiếc quạt) (1907) (hình 5) với hình ảnh người phụ nữ ngẩng cao đầu, lộ vai mặc trang phục lấy cảm hứng từ chiếc áo khoác Nhật Bản, trước ngực cô được che bởi một chiếc quạt nan. Đặc biệt, đằng sau cô gái hình hoa sen, chim công, phượng trong tranh cũng được ông lấy mẫu từ đồ án hoa văn xuất hiện trên gốm hoa lam Trung Quốc thời Minh - Thanh (hình 4a, 4b, 4c). Bao quanh nhân vật trong tranh là những bông hoa tươi thắm, có hoa sắc đỏ rực, cũng có cả hoa sen tượng trưng cho sự thuần khiết, trong sáng, điều này cũng bao hàm ý nghĩa tượng trưng cho cả nhân cách người phụ nữ trong tranh. Qua đó, có thể nhận ra rằng ông không phải đặt ngẫu nhiên các hoa văn trong tranh mà ông đã có một sự đào sâu nghiên cứu về văn hóa phương Đông.

Hình 4a: Trích đoạn hoa văn hoa sen trong Lady with fan, 1917
Hinh 4b: Trích đoạn hoa văn hình con công trong Lady with fan, 1917

Mặt khác, có thể thấy Gustav Klimt sử dụng mật độ lớn các hoa văn họa tiết phương Đông trên tác phẩm của mình. Các hoa văn này đã được Klimt cách điệu và biến đổi. Ngoài việc sử dụng để trang trí, Klimt còn sử dụng hoa văn làm biểu tượng, ngụ ý trong tranh. Ông luôn tìm kiếm các biểu tượng xuất phát từ thần thoại, trong những tích cổ điển xa xưa. Trong sáng tác, họa sĩ thường tìm chọn những hoa văn thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa sâu xa.

Hình 4c: Trích đoạn họa tiết hình chim trong Lady with fan, 1917. Nguồn: Đỗ Vũ Minh Ngọc - đồ họa cắt lớp

Từ nghiên cứu về tác động của các yếu tố phương Đông đối với các sáng tác của Kimt, chúng ta có thể rút ra những bài học và thêm một minh chứng đầy thuyết phục về giá trị của sự học hỏi và kế thừa. Tiếp biến văn hóa trong các tác phẩm hội họa không chỉ đơn thuần là sự sử dụng hoa văn, họa tiết, màu sắc, hình khối… của phương Đông mà còn mang dấu ấn của tinh thần, tư tưởng triết học, thái độ trân quý với cuộc sống, tình yêu, con người và đặc biệt là người phụ nữ. Học hỏi và đưa tinh hoa văn hóa phương Đông vào sáng tác đã góp phần hình thành nên phong cách nghệ thuật hội họa đặc sắc của Klimt. Klimt đã phát triển một phong cách nghệ thuật đặc biệt mang tính trang trí và đầy gợi cảm. Ông kết hợp những hình dạng cách điệu hóa và màu sắc phi tự nhiên mang tính biểu tượng theo quan điểm cá nhân về những chủ đề mang tính phổ quát như: cái đẹp, tình yêu, vẻ đẹp của người phụ nữ, sự sống và cái chết. Phong cách trang trí công phu, gợi cảm của Gustav Klimt đã khiến ông trở thành một trong những nghệ sĩ được yêu thích nhất và các tác phẩm của ông trở nên bất tử, có giá trị trong mọi thời đại.

Hình 5: Lady with fan (1907). Nguồn: wikioo.org

ĐỖ VŨ MINH NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;