Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tượng lăng mộ ở Lăng Quận Vân (Hà Nội)

Nghệ thuật là một trong những sản phẩm đặc thù điển hình của mỗi nền văn hóa quốc gia, là kết quả của sự sáng tạo từ người nghệ sĩ tạo nên tác phẩm trong quan niệm ở mỗi thời kỳ lịch sử. Tác phẩm nghệ thuật, có thể là vật chất hoặc phi vật chất và mang những giá trị lớn về tinh thần, tư tưởng, cảm xúc tới người thưởng thức nghệ thuật; từ những giá trị nghệ thuật đó, trên nền tảng lịch sử và văn hóa quốc gia, quần thể nghệ thuật tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội như một sự đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật kiến tạo tượng lăng mộ của những năm cuối TK XVII, đầu TK XVIII ở Việt Nam. Bài viết đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật của khu lăng mộ Quận Vân nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa và nghệ thuật tích cực vào thực tiễn

1. Khái quát về khu lăng mộ Quận Vân

Lăng Quận Vân là một từ đường được xây dựng năm Long Đức thứ hai năm 1733, Lăng hoàn toàn bằng đá núi, ở thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ) (1), nay là Hà Nội. Quận Công Đỗ Bá Phẩm quê gốc ở làng Vân La, thuộc Tổng Vân, nay thuộc xã Hồng Vân, do vậy, nhân dân quen gọi là Quận Vân. Ông từng giữ chức trấn thủ trấn Sơn Nam, được chúa Trịnh Cương giao cho làm chức Tư giảng, chuyên dạy dỗ thế tử Trịnh Giang.

Năm 1733, thấy thế đất ở đây hợp phong thủy, Đỗ Bá Phẩm cho người chở đá từ Đông Triều (Quảng Ninh) về xây lăng làm nơi an nghỉ sau này.

Ngày nay, công trình kiến trúc Lăng mộ Quận Vân Đỗ Bá Phẩm vẫn còn nguyên những giá trị lịch sử và nghệ thuật bằng đá đặc sắc cùng hệ thống linh vật thuần Việt độc đáo của Thủ đô. Công trình khu lăng mộ đá của quận Công Đỗ Bá Phẩm, năm 2003, đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Khu lăng mộ hình chữ nhật, rộng khoảng 1.520m2, chia làm ba phần: cổng lăng, khu sinh phần, nhà mộ. Chạy dọc theo đường thần đạo từ cổng vào có hai tượng võ sĩ đứng hai bên, khu sinh phần có các cặp tượng như: cặp tượng voi, tượng ngựa, tượng chó chầu hai bên nhang án và bàn đặt lễ. Sau cùng là cặp tượng nghê đứng bảo vệ khu nhà bia. Các bức tượng trong khu lăng mộ, nhang án, nhà mộ đều được làm bằng chất liệu đá, bao bọc xung quanh khuôn viên là tường gạch, tạo cho thắng cảnh công trình một diện mạo độc đáo, khác hẳn với các công trình kiến trúc khác.

2. Những giá trị nghệ thuật tượng đá ở khu lăng mộ Quận Vân

Giá trị nghệ thuật đặc sắc từ các tác phẩm tượng đá

Nghệ thuật điêu khắc tượng đá ở lăng mộ Quận Vân đã được các nghệ nhân thể hiện đường nét khá tỉ mỉ, chau chuốt bằng các khối tròn nguyên khối đá trong một ý nghĩa được gắn với tôn giáo, tín ngưỡng bởi chức năng tưởng niệm của công trình. Nói riêng về bố cục, các hình dáng tượng người hầu hết tạo hình ở tư thế đứng thẳng, tượng thú chầu vào cũng ở tư thế đứng quỳ tạo nên sự trang nghiêm thành kính; hình khối đục chạm các hình tượng nhân vật khái quát, giản lược và mang tính ước lệ cao; ngoài ra, các cách chạm khắc của các họa tiết trang trí trên mình thú và bề mặt tượng cũng rất đơn giản, đủ để tạo điểm nhấn hình, nhấn khối ở tượng người, tượng thú và tượng linh thú. Đặc biệt, các bức tượng thể hiện bằng các hình khối khái quát và tạo thành từng cặp đối xứng hai bên đường tâm đạo. Nghệ thuật bài trí tạo hình chạm khắc đã tạo nên đặc điểm riêng cho dòng nghệ thuật tượng lăng mộ trở nên độc đáo, biểu hiện sự tôn nghiêm ở cửa thiêng. Nghệ thuật tượng lăng mộ Quận Vân cho thấy rõ sự kế thừa về khái quát trong cách tạo hình về khối, dáng nhưng phát triển hơn bằng những chi tiết tinh tế, được thể hiện ở nhiều điểm nhấn về khối và các họa tiết trang trí trên tượng để tạo đặc điểm và ý nghĩa riêng trong cách tạo hình mới.

Có thể nhận thấy, các tác phẩm tượng đá ở lăng Quận Vân có ba đặc điểm nổi bật đó là: tính giản lược, tính đăng đối và tính tưởng niệm.

Tính giản lược là sự giảm bớt về các yếu tố tạo hình từ hiện thực về khái quát và có thể tối giản nhưng vẫn mang tinh thần chung của tượng người, tượng thú. Cách tạo hình của tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân cho thấy rất rõ tính giản lược này, từ hình dáng, cấu trúc cơ thể, cấu trúc khối đến các chi tiết mắt mũi, miệng hay một số họa tiết trang trí trên tượng. Các tượng không diễn đạt lại sự thật hoàn toàn, mà đã được nghệ nhân khái quát và đẩy lên thành hình tượng nghệ thuật tiêu biểu cho tính chất tưởng niệm, dành riêng cho tượng lăng mộ.

Tính đăng đối được biểu hiện ở hệ thống tượng là sự đăng đối của từng cặp tượng qua đường thần đạo, từ ngoài vào có thể thấy sự đăng đối của tượng người, sau đó đến tượng voi, tượng ngựa, tượng chó và cuối cùng là tượng nghê. Các cặp tượng đăng đối với nhau qua một trục tạo nên tinh thần trang nghiêm, thành kính. Tính đăng đối này tiếp tục được biểu hiện ở chi tiết của từng tượng như ở tượng người là sự đăng đối của trục mắt, mũi, miệng, xuống hai vai, hông, chân... ở tượng thú đăng đối của trục đầu, cổ chân trước, chân sau. Chính tính đăng đối qua các trục như vậy, mà tạo hình về dáng và khối của chúng đều giống nhau. Sự đăng đối này không phải là vô tình hay ngẫu nhiên, mà tính đăng đối là một điều kiện tiên quyết để tạo nên tinh thần tưởng niệm, sự thành kính quy phục của các tượng. Tính đăng đối là một đặc điểm nghệ thuật không thể thiếu ở tượng lăng mộ, tượng mang tính chất tưởng niệm người đã mất.

Tính tưởng niệm là tinh thần cao nhất, là ý nghĩa cuối cùng của tượng lăng mộ. Do vậy, mọi biểu hiện về tạo hình, nội dung hay các ý nghĩa sâu xa đều hướng tới tinh thần tưởng niệm. Về tạo hình có thể thấy nổi bật là sự tối giản và đăng đối, nó là hai yếu tố hàng đầu để tạo nên tính tưởng niệm. Ở nội dung thì các cặp tượng đều gắn với cuộc sống sinh thời của chủ nhân lăng mộ, song, về cơ bản, hệ thống tượng lăng mộ gồm có tượng người, tượng thú và tượng linh thú. Đây là hệ thống tượng mang đầy đủ ý nghĩa từ cuộc sống đương thời, cuộc sống tâm linh và cõi vĩnh hằng.

Cách biểu hiện nghệ thuật trên các tác phẩm tượng đá của lăng mộ Quận Vân

Qua những phân tích về những tác phẩm tượng ở lăng mộ Quận Vân, nhận thấy các đặc điểm nghệ thuật rất rõ những giá trị nghệ thuật của các bức tượng ở lăng mộ. Trước tiên, các tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân có giá trị về mặt nghệ thuật, các yếu tố về tạo hình đã tạo nên đặc điểm tiêu biểu cho tượng lăng mộ này. Thứ hai, là giai đoạn đánh dấu sự chuyển tiếp, biến chuyển của tượng lăng mộ giữa TK XVII đến TK VXIII và các giai đoạn sau, từ khối khái quát, tối giản của TK XVII đến giai đoạn này khối đã có sự biểu hiện giống thật hơn, các khối căng và chiếm lĩnh không gian nhiều hơn, có những điểm nhấn tạo sự sinh động và gợi thật. Thứ ba, là tỷ lệ các tượng lăng mộ đến giai đoạn này nói chung, tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân nói riêng được làm to hơn, gần với hiện thực hơn. Thứ tư, khẳng định dòng nghệ thuật tượng lăng mộ là riêng biệt mà không lẫn với các tượng khác như tượng ở đền, chùa hay tượng sân vườn. Thứ năm, tượng ở lăng Quận Vân có phong cách nghệ thuật riêng biệt so với các tượng lăng mộ cùng thời, đó là khối căng và họa tiết trang trí mạch lạc. Cùng với đặc điểm nghệ thuật đã làm nên giá trị độc đáo của tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân.

Nhìn chung, khu lăng mộ Quận Vân dường như có dáng dấp của nghệ thuật dân gian, ngoài những linh vật quen thuộc là những hình khắc hoa, bướm được thể hiện sinh động. Toàn bộ khu lăng với kiến trúc đá đồ sộ cấu tạo hoàn chỉnh, ngoài thể hiện giá trị về tư tưởng phản ánh xã hội đương thời còn có giá trị về nghệ thuật tạo hình mỹ thuật, kỹ thuật xây cất lăng bằng vật liệu đá ở thế kỷ trước. Tuy nhiên, giai đoạn này sự biểu hiện của khối đã chuyển dần sang hiện thực hơn các tượng lăng mộ ở thế kỷ trước. Đây có thể coi là một minh chứng cho sự chuyển biến rõ nét giữa hai giai đoạn TK XVII và TK XVIII.

3. Thực trạng hiện nay tại khu lăng mộ Quận Vân

Hiện nay, chúng tôi đã có những cuộc khảo sát điền dã công phu và đánh giá, phân tích đúng với những thực trạng ở khu tượng lăng mộ Quận Vân Đỗ Bá Phẩm để làm cơ sở chính cho việc đưa ra những giải pháp tốt nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị quần thể tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân.

Thực trạng về mặt bằng khuôn viên lăng mộ: mặt bằng chung của khuôn viên đặt tượng ở lăng mộ Quận Vân đang thấp hơn so với mặt bằng của đất ruộng xung quanh. Do vậy, khi mưa xuống, toàn bộ khuôn viên lăng mộ bị ngập trong nước, các tượng cũng bị ngập, có tượng ngập gần hết như cặp đôi tượng chó. Sau khi cải tạo, toàn bộ đường thần đạo, sân, khuôn viên chính của lăng mộ được đổ bê tông, tuy nhiên, không đổ theo mặt bằng chung, mặt bằng cũ của khuôn viên mà lại đổ ở ngoài cổng cao, vào trong thấp dần, việc này vô tình dẫn tới: khi mưa toàn bộ khuôn viên lăng mộ ngập trong nước, nhưng khi nước rút hết thì khu nhà mộ trong cùng vẫn ngập nước vì đây thấp nhất, nước không lưu thông thoát được đi đâu. Sẽ làm mất tính tôn nghiêm, nơi đặt mộ của Quận Vân; còn phần ngoài gần cổng thì ngược lại, do đổ sân lên cao quá mà che một phần của tượng người, cụ thể là che qua phần chân tượng lên đến gấu áo. Để không lấp vào chân tượng thì tượng người được xây bằng bốn thành tường xung quanh, do vậy, tượng người như thể đang đứng dưới hố sâu chứ không đứng trên mặt bằng sân, nó làm giảm tinh thần chung của tượng, không nhìn thấy tổng thể toàn bộ tượng người.

Về số lượng tượng ở khuôn viên lăng mộ Quận Vân có 10 tượng tương ứng với 5 cặp đối xứng qua đường thần đạo. Tính từ ngoài vào có đôi tượng người (võ sĩ): xung quanh tượng tôn nền lên cao quá chân tượng, vô tình tạo cho tượng đứng dưới hố ngập nước, làm giảm các giá trị của tượng, đặc biệt là giá trị nghệ thuật; ngoài ra, tượng còn vỡ mũi, sứt các ngón tay, đầu kiếm, tuy nhiên đã được đắp lại bằng xi măng. Tiếp theo là đôi tượng voi quỳ: thân tượng có nhiều vết rạn nứt, phần đầu vòi và đầu ngà bị vỡ đã được đắp lại bằng xi măng; đặc biệt, cả hai tượng voi đều bị gãy ở phần đuôi. Tiếp đến là đôi tượng ngựa: tượng này cũng có nhiều vết rạn nứt ở xung quanh thân, ngoài ra có một vị trí vỡ nhỏ ở tai, góc vải trang trí yên ngựa đã đắp bằng xi măng. Phía ngoài là đôi tượng chó: đôi tượng này còn tương đối nguyên vẹn, có sứt nhỏ ở đầu mũi, đầu hai tai và đuôi đã được đắp lại bằng xi măng; một số tượng khác có vết rạn nứt quanh thân, đầu và chân. Ở đôi tượng nghê, cả hai tượng có các dấu vết sứt nhỏ ở phần mũi, tuy đã được trát đắp lại bằng xi vữa, xong vẫn bị mất đi vẻ nguyên vẹn của tượng.

Như vậy, tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân Đỗ Bá Phẩm rất đẹp, song, thực trạng hiện nay đã cho thấy có biểu hiện xuống cấp, sứt mẻ nhiều chỗ trên các bề mặt tượng. Đặc biệt, qua những lần cải tạo, tu sửa khuôn viên. Tuy nhiên, những quy chuẩn của khuôn viên lăng mộ, vẫn ngày một xuống cấp do thời gian, thời tiết.

Khu lăng đá Quận Vân có thể nói là một di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và đặc biệt, có giá trị về nghệ thuật. Công trình Di tích Quận Vân là nơi chiêm ngưỡng trang trọng, tham quan du lịch đầy hấp dẫn giữa một vùng văn hóa ven đô rực rỡ và nổi tiếng, bởi thế, cần được quan tâm đầu tư tôn tạo và bảo vệ đúng với những quy định để phát triển về những giá trị đích thực của di tích.

Các cụ cao niên ở xã Vân Tảo cho biết: công trình đá Quận Vân nói trên là công trình lăng tưởng niệm, có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đã được Bộ VHTTDL công nhận Di tích lịch sử và đồng thời, công trình vẫn mang tính chất là nơi thờ cúng Quận công Đỗ Bá Phẩm một trong “tứ trụ triều đình” thời chúa Trịnh Cương, Trịnh Giang nhà Lê Trung Hưng (1533-1789) (2). Sau những chuyến khảo sát điền dã thực tế đối với di tích, chúng tôi nhận thấy rằng, cần phải có những giải pháp cụ thể để bảo tồn, phát huy những công trình lịch sử có giá trị này.

4. Các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tượng lăng mộ Quận Vân

Một là, nâng cao nhận thức của nhà quản lý, người dân về giá trị nghệ thuật của tượng lăng mộ

Thường xuyên tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức của nhà quản lý, địa phương, dòng họ, người dân về những giá trị nghệ thuật của quần thể tượng. Giúp họ hiểu về cái hay, cái đẹp và ý nghĩa của tượng, để từ đó thêm trân trọng, cùng nhau bảo vệ những giá trị quý báu mà ông cha để lại. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, lau chùi, quét dọn tượng lăng mộ. Đây là việc làm thiết thực nhất trong giai đoạn hiện nay, bởi nếu công việc này diễn ra liên tục, hằng ngày thì lúc nào cũng nắm bắt được tình hình thực tế của tượng, từ những vị trí nứt, sứt nhỏ đến những thay đổi lớn đều được biết và xử lý kịp thời. Có thể nói, trước khi có những giải pháp cao hơn thì công việc lau chùi, quét dọn là việc làm cần thiết cho việc bảo vệ, bảo tồn và mang lại hiệu quả thiết thực.

Hai là, lập hồ sơ báo cáo định kỳ và sửa chữa những chỗ hỏng ở tượng lăng mộ

Tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân đang trong tình trạng xuống cấp, gần như tất cả các tượng đều có nhiều vết nứt lớn nhỏ, nặng nhất là cặp tượng voi đều bị gãy ở đuôi và sứt ngà. Cần lập hồ sơ báo cáo định kỳ theo năm lên ban quản lý di tích xã, thành phố, để ban quản lý nắm được tình hình và có các biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Trước khi sửa chữa các vết nứt hay gãy, vỡ đều phải được đánh giá đúng thực trạng tượng, vị trí vỡ, gãy, nứt, chụp ảnh lại và ghi cụ thể ngày giờ, thời gian sửa chữa. Đây là việc làm cần thiết để đánh giá đúng mức độ hỏng hóc và khả năng sửa chữa của tượng qua các giai đoạn lịch sử.

Ba là, hạ mặt bằng đúng như cũ, đào hào xung quanh và lắp hệ thống máy bơm nước

Như đã phân tích ở phần thực trạng, toàn bộ mặt bằng ở lăng Quận Vân đang thấp hơn mặt bằng xung quanh, do vậy, khi mưa xuống cả khu lăng mộ ngập trong nước, qua các đợt trùng tu mặt bằng khuôn viên lăng mộ có cao nhưng cũng không hơn được là mấy, thậm chí, lại nảy sinh ra các tồn tại khác như đọng nước, ngập cục bộ, nền sân che chân tượng, giảm tầm nhìn tượng người. Bởi vậy, cần phải hạ thấp nền, trả lại mặt bằng đúng như nó vốn có của khuôn viên. Để khắc phục ngập úng, cần phải đào hệ thống hào xung quanh lăng mộ và lắp đặt hệ thống bơm nước để bơm nước đi chỗ khác khi mùa mưa đến. Đảm bảo đúng mặt bằng khuôn viên lăng mộ, đảm bảo được giá trị nghệ thuật của tượng, các giá trị khác về văn hóa, lịch sử, tâm linh... mà vẫn giúp cho lăng mộ không bị ngập trong nước.

Bốn là, quảng bá về giá trị nghệ thuật của tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân

Cho đến thời điểm hiện tại, có rất ít bài viết để quảng bá giá trị nghệ thuật của tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân, cả về báo, tạp chí và trên các trang web. Giải pháp về quảng bá các giá trị tượng lăng mộ ở lăng này rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là giá trị nghệ thuật. Nhằm quảng bá về những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo về nội dung và hình thức biểu hiện của tượng. Lập ra trang web, để giới thiệu, quảng bá về giá trị tượng, thiết kế đồ án, bản vẽ 2D, 3D quảng bá, đảm bảo đúng với thời đại công nghệ số ngày một phát triển.

Năm là, tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo qua những ngày hội, ngày lễ của chủ nhân lăng mộ

Nhân dịp ngày lễ, ngày hội của Quận Vân, ban quản lý di tích, làng, xã, dòng họ, người dân có thể tổ chức những buổi nói chuyện, những hội thảo nhỏ để ôn lại lịch sử. Qua đó, đưa ra những giải pháp cho việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị của lăng mộ và tượng lăng mộ. Làm việc có ích để tưởng nhớ người đã mất và bảo tồn, phát huy những giá trị di sản của tượng.

5. Kết luận

Có thể khẳng định, nghệ thuật tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân Đỗ Bá Phẩm, tại xã Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội ngày nay là một công trình di tích lịch sử có giá trị lớn về nghệ thuật; công trình mang đặc điểm và ý nghĩa là cầu nối, sự phát triển của nghệ thuật tượng lăng mộ từ TK XVII sang TK XVIII. Công trình như một minh chứng về biểu hiện nghệ thuật, đặc điểm nghệ thuật và mang phong cách nghệ thuật riêng biệt. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống tượng ở lăng đang trong tình trạng xuống cấp, cần có những giải pháp kịp thời cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cho các tác phẩm tượng được giữ lâu bền.

_______________

1. Bản gốc lưu trữ, 1-9-2012, Những di vật quý ở Lăng Quận Vân, kecho.vn, 5-10-2015.

2. Nông Tiến Dũng, Nguyễn Văn Hùng, Thực trạng công trình Di tích Lăng mộ Quận Vân, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội, Tài liệu điền dã Khu lăng mộ Quận Vân, Thường Tín, Hà Nội, 5-2022, tr.15.

Tài liệu tham khảo

1. Trịnh Quang Vũ, Lược sử mỹ thuật Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009.

2. Bezacier, Các lăng vua đời Hậu Lê (bản dịch), Viện Khảo cổ học, 1950.

TS NÔNG TIẾN DŨNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;