Giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Bài 2 - Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng

Cùng với việc nhiều di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO ghi danh, công nhận, người dân nước ta đã ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của di sản cũng như việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Giữ gìn, phát huy di sản không chỉ là việc bảo vệ tinh hoa văn hóa của cha ông, qua đó còn giúp cho người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng ngày càng được khẳng định được tầm quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Điều đó được thể hiện trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, ngành Văn hóa trong công tác tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa. Đồng thời, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã được đặt ra trong nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, diễn đàn, và thu hút đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, những người làm công tác văn hóa, các cấp chính quyền, nghệ nhân thực hành quan tâm và đón nhận. Cùng với việc UNESCO ghi danh các di sản văn hóa, người dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn trong việc bảo tồn tinh hoa văn hóa của cha ông.

Trình diễn Nghệ thuật Xòe Thái

Có thể nói, sau khi các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật cần bảo vệ khẩn cấp, đã tạo nên “cú hích” đối với các cộng đồng có di sản văn hóa phi vật thể. Mặc dù rất nhiều di sản mới chỉ được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng các cộng đồng có di sản đã  có trách nhiệm cao trong công tác bảo tồn.  Đặc biệt, ngày càng có nhiều người dân nêu cao ý thức, tuân thủ hướng dẫn của các cấp ở địa phương, điều đó đã tạo nên công cuộc  bảo vệ di sản và ngày càng lan tỏa rộng rãi trong cả nước. Đồng thời, thông qua việc bảo tồn, phát huy di sản, nhiều địa phương đã thành công trong việc bảo tồn di sản gắn với du lịch, qua đó đã đóng góp sự phát triển kinh tế  địa phương, cũng như nâng cao cuộc sống của người dân .

Theo thống kê của ngành Văn hóa, Việt Nam đã có trên 3.600 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể và 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, chúng ta còn có 468 di sản phi vật thể quốc gia, 238 bảo vật quốc gia và gần 9.000 lễ hội dân gian.

 

Thực hành nghi lễ Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc 

Điển hình như, di sản Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO cộng nhận ngày 24-11-2011 và ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Song song với việc phục hồi di sản, năm 2013, chương trình “Hát Xoan làng cổ” do Sở VHTTDL xây dựng đã được gắn với các tour - tuyến du lịch phục vụ du khách về tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng dịp 10-3 (âm lịch) hằng năm. Đồng thời, năm 2018, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ phối hợp với UBND thành phố Việt Trì đưa sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” gắn với tour  hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ. Sau 10 năm hoạt động, đến nay, mỗi năm các làng Xoan gốc đón và phục vụ hàng chục ngàn lượt khách trong nước và quốc tế. Giờ đây Hát Xoan không chỉ là món ăn tinh thần của người dân, mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Phú Thọ mà mỗi du khách đến đây đều muốn chiêm ngưỡng và thưởng thức. Điều đó đã góp phần phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ, đồng thời di sản Hát Xoan được bảo tồn, phát huy và quảng bá đến với du khách cả nước cũng như trên thế giới.

Hay, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009, đã có nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn, phát huy, cũng như trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt được du khách yêu thích. Theo thống kê, trong quý I/2023, toàn tỉnh Bắc Ninh đón khoảng 520 nghìn lượt khách, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm 2022; trong đó, chỉ tính riêng sự kiện Festival “Về miền Quan họ-2023”, Bắc Ninh đã thu hút hơn 120.000 lượt khách đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động văn hóa. Điều này cho thấy, di sản văn hóa Dân ca Quan họ đã trở thành thương hiệu và đã góp phần tăng nguồn thu cho tỉnh. Đồng thời, những chủ thể văn hóa cũng được thụ hưởng thành quả trong việc tham gia bảo tồn, phát huy di sản. 

Trong số 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, có nhiều di sản thuộc cộng đồng các dân tộc thiểu số như: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm; và còn có rất nhiều di sản của các dân tộc đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, và hiện nay cùng với chính quyền địa phương, cộng đồng các dân tộc cũng đang nỗ lực bảo vệ, gìn giữ và phát huy.

Biểu diễn tiết mục Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh

Là người nghiên cứu và gắn bó nhiều năm với cộng đồng các dân tộc, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, ở vùng dân tộc thiểu số, trước kia người dân thường trông chờ chính sách tài trợ, ngân sách của nhà nước mới làm công tác bảo tồn. Những năm gần đây, khắp các làng bản của các dân tộc thiểu số có thể thấy phong trào bảo tồn di sản văn hóa đã được nâng lên rất cao. Nhiều tổ chức hát dân ca được thành lập, điển hình như các câu lạc bộ gìn giữ tiếng hát Soọng cô của người Sán Dìu đã được xuất hiện ở nhiều tỉnh. Hiện nay, nhiều câu lạc bộ Soọng cô được hình thành với hơn 1000 thành viên tham gia. Hằng năm các câu lạc bộ, các nghệ nhân, người dân đã gặp gỡ, giao lưu, thực hành và truyền dạy, điều đó giúp cho người Sán Dìu đã khôi phục được hát Soọng cô. Qua đó, góp phần giới thiệu giá trị văn hóa của làn điệu dân ca này đến với công chúng, nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng.

TS Trần Hữu Sơn cũng chia sẻ thêm, năm 2003, 2004 người Dao ở Lào Cai mới bắt đầu mở lớp dạy chữ Nôm Dao, đến nay đa số các tỉnh đều đã có lớp dạy. Việc mở rộng, lan tỏa các lớp học này đã giúp cho thanh niên người Dao hiểu được chữ Nôm Dao, và đội ngũ trẻ đó đã bảo vệ được di sản văn hóa của họ. Di sản của người Dao khác với các di sản khác là được ghi chép trong bộ sách cổ, từ chuyện kể, thơ ca dân gian, điệu múa, điệu nhạc, các nghi lễ, đến các bài thuốc dân gian… Vì thế, với phong trào học chữ Nôm Dao, họ đã học được những kiến thức của thế hệ đi trước để lại, và trở thành các nghệ nhân am hiểu được tri thức, ngôn ngữ của cha ông nên họ lưu giữ được tri thức dân gian rất tốt. Nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số khác truyền lại các di sản bằng trí nhớ, truyền khẩu, nhưng người Dao giữ gìn văn hóa và truyền lại bằng chữ viết, nên việc truyền bá được sâu rộng, đúng hơn và phục hồi được nhiều di sản khó hơn. Di sản văn hóa của người Dao đã được các nghệ nhân áp dụng và trở thành sản phẩm du lịch như: lễ hội, thuốc cổ truyền… hiện đang được nhiều du khách yêu thích, khám phá, quan tâm, sử dụng, đã góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống của người dân bản địa.

Trong suốt hơn 10 năm qua, Công ước 2003 của UNESCO lúc đầu chỉ có những người làm công tác quản lý thực thi chính sách. Nhưng càng về sau công tác bảo tồn đã càng lan tỏa đến cộng đồng dân cư, người dân đã tham gia và thực hành tốt công việc bảo tồn di sản văn hóa. Điều đó cho thấy, người dân đã nhận thức ra tầm quan trọng của việc bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa và họ đã tuân theo Luật Di sản văn hóa, tuân theo những hướng dẫn của Bộ VHTTDL, đã tạo nên phong trào trong quần chúng trong việc bảo tồn di sản.

            TS Trần Hữu Sơn

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;