Tâm huyết "giữ lửa" ca trù

Ở Lỗ Khê (Đông Anh - Hà Nội), xưa nay vẫn nổi tiếng là đất tổ của nghệ thuật ca trù với câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê được hình thành từ 600 năm trước và phát triển đến ngày nay. Thế nhưng, hiếm có một gia đình nào mà cả ba đời liên tiếp đều có đam mê và quyết tâm giữ gìn bản sắc ca trù như gia đình nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Mận.

Bắt gặp những lời ca lay động lòng người của làn điệu ca trù trong không gian náo nhiệt, rộng lớn của quảng trường Hùng Vương (Việt Trì), cả tôi và rất đông du khách vẫn dễ dàng bị thu hút bởi loại hình âm nhạc độc đáo, ấn tượng này. Đến với Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023, ngoài nghệ nhân Phạm Thị Mận còn có cả chồng chị là anh Nguyễn Văn Tuyến (kép đàn), 2 con gái Đinh Vân và Thanh Xuân. Cả gia đình chị hiện đều là những hội viên sôi nổi, tích cực tham gia các chương trình nghệ thuật ca trù của địa phương và thành phố.

Chị Mận chia sẻ, yêu mến và trân trọng những gì thuộc về truyền thống, từ ngày bé, chị đã được tiếp xúc, ngấm từng câu ca, từng nhịp phách, từng tiếng trống chầu và dành một tình yêu luôn cháy với nghệ thuật ca trù từ bao giờ không hay.

“Công việc hằng ngày của tôi là một giáo viên mầm non, vì vậy mà tôi có mong ước sẽ đưa lời ca tiếng hát ca trù đến gần hơn mỗi ngày cho các em nhỏ, khơi gợi, đánh thức tình yêu nơi các em. Chỉ cần 1, 2 em bộc lộ sự hứng thú đối với bộ môn nghệ thuật đòi hỏi kỹ thuật cao và sự cảm thụ âm nhạc như ca trù là tôi rất mừng”.

NNƯT Phạm Thị Mận (ngoài cùng bên trái), ca nương Đinh Vân (áo xanh lá), ca nương Thanh Xuân (áo đỏ) và kép đàn Nguyễn Văn Tuyến tại Không gian của đoàn Hà Nội tham gia Lễ hội Đền Hùng năm 2023

Chị tự hào cho biết, ở Lỗ Khê có nhà thờ tổ đã có tuổi đời hơn 600 năm, đây cũng là số tuổi mà ca trù có mặt ở vùng đất này. Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê hiện nay có tổng số thành viên trên 100 người. Nhỏ tuổi nhất là 5 tuổi và cao tuổi nhất là cụ Phạm Thị Điền 82 tuổi. Các thành viên làm việc ở những ngành nghề khác nhau nhưng đều có điểm chung là yêu mến ca trù, luôn mang trong mình sự nhiệt huyết và mong muốn giữ gìn bản sắc độc đáo của bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Một tháng 2 lần, hoặc bất cứ vào thời gian nào, khi nông nhàn, hay có việc vui, câu lạc bộ lại tập trung tại sân nhà thờ, đàn hát cho nhau nghe, chia sẻ những kinh nghiệm và trau dồi kỹ thuật hát sao cho lời ca da diết, lối hát độc đáo hơn. Khi được hỏi, để trở thành hội viên của câu lạc bộ, có nhất thiết phải có hiểu biết và biết hát ca trù hay không, NNƯT Phạm Thị Mận cười tươi và xua tay cho biết, cái quan trọng nhất là tình yêu đối với ca trù, còn chưa biết hát, khi vào câu lạc bộ, sẽ được anh chị, cô chú chỉ dạy. Những đào nương “chửa biết cái chi chi” rồi sẽ lớn dần theo năm tháng. Sẽ có kẻ dừng cuộc chơi, nhưng cũng sẽ có nhiều người đi tiếp. Có những đào nương ngây thơ thuở nào đến với ca trù, bây giờ đã là những tài năng sáng giá.

Kép đàn Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ, chỉ cần 1 cây đàn đáy, 1 bộ phách trúc, 1 trống chầu là buổi biểu diễn ca trù có thể bắt đầu. Tuy nhiên, cái khó của ca trù là phải học rất bài bản, công phu. Khi ngồi vào là phải có đàn khuôn, phách khuôn, tiếng đàn, tiếng phách phải y xì nhau. Ca nương khi đã cất lên tiếng hát là người đàn phải theo. Miệng hát là tay phải cầm nhịp, tay gõ phách.

Trong số những mầm non ngày ấy mà chị Mận “ươm”, thì chính Đinh Vân, con gái chị đã trở thành ca nương có tiếng, là thế hệ kế thừa có đủ tình yêu, sự nhiệt huyết và cả kỹ thuật bài bản được đánh giá cao. Nói về con đường đến với ca trù, Đinh Vân phải thừa nhận rằng đó là định mệnh đối với cô. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật, Đinh Vân tâm sự, ban đầu cô đi học cho vui, chứ hoàn toàn không thích thú, “lúc đó, tôi không hiểu ca trù, văn phong rồi cách hát đều lạ lẫm. Tôi chỉ đi học bởi mình có năng khiếu ca hát, lại được địa phương khuyến khích tham gia trải nghiệm. May mắn được sinh ra và lớn lên ở chính mảnh đất có truyền thống về ca trù, được các nghệ nhân có kinh nghiệm và chuyên môn chỉ dạy tận tình, tình yêu ca trù trong tôi lớn dần, trở thành một phần “hồn cốt” không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bản thân”. Với ngoại hình sáng, giọng hát đặc biệt và có kỹ thuật tốt, Đinh Vân được đánh giá là thế hệ trẻ tài năng và triển vọng, đủ sức kế cận đội ngũ ca trù Đông Anh trong tương lai.

Những bài do Nghệ nhân Quách Thị Hồ thể hiện là những bài Đinh Vân mê đắm nhất. Cụ Quách Thị Hồ hát đẳng cấp và khác biệt trong từng câu thơ, từng cách ém hơi nhả chữ, ngọt ngào, biến hóa. Đinh Vân bộc bạch, trong mỗi bài ca trù đều thể hiện trọn vẹn cái tình của người hát. Ca trù là thể loại âm nhạc kén người nghe, nghe càng nhiều, càng ngấm, càng hiểu rồi say mê lúc nào không hay. Ai chưa thích nghe ca trù là bởi vì họ không hiểu được. Nghe ca trù cần có một trình độ âm nhạc nhất định. "Thậm chí tới bây giờ, tôi vẫn thấy mình quá non nớt để hiểu sâu sắc về một tác phẩm kinh điển của ca trù”- Vân bộc bạch.

Tuy nhiên, Đinh Vân cũng thẳng thắn cho biết, hát và biểu diễn ca trù thời nay không phải là một nghề có thể “kiếm cơm”. “Tôi hiện đang là một giáo viên dạy môn Âm nhạc. Chúng tôi hát ca trù chỉ để gìn giữ văn hóa dân tộc mà mình đam mê và được các nghệ nhân truyền lại. Cũng giống như mẹ mình, tại nơi công tác, tôi cũng đang trở thành người “ươm mầm”, trong số đó, năm 2018, học sinh của tôi tham gia Liên hoan Tài năng trẻ ca trù của Thành phố Hà Nội và giành giải Vàng chung cuộc. Đó cũng là động lực to lớn để tôi có thêm niềm tin, rằng ca trù vẫn sẽ trường tồn với thời gian. Lớp nọ kế thừa lớp kia, ca trù sẽ vẫn ở đó, xứng đáng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh”.

 Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN

 

 

  

 

 

;