Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ An gắn với các sản phẩm công nghiệp văn hóa

Nghệ An là vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, hội tụ nhiều giá trị di sản văn hóa nổi tiếng, trong đó phải kể đến nghệ thuật diễn xướng dân ca ví, giặm đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhìn lại chặng đường bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm, chúng ta đã gặt hái được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, gìn giữ loại hình diễn xướng này trong đời sống.

Ảnh minh họa: Cổng Thông tin điện tử Sở VHTT tỉnh Nghệ An

1. Công nghiệp văn hóa và những tác động đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Nghệ An

Theo quan điểm của UNESCO, công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng tạo ra của cải, thu nhập thông qua việc khai thác giá trị văn hóa trên cơ sở sản xuất những sản phẩm và dịch vụ dựa vào tri thức. Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cho rằng, văn hóa là một ngành công nghiệp và thực sự có nhiều cơ hội phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhận thức được tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định 12 ngành chủ chốt, trong đó có lĩnh vực du lịch và nghệ thuật biểu diễn (bao gồm cả nghệ thuật diễn xướng dân gian).

Cùng với chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc, vùng đất Nghệ An sở hữu vô số những di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống, tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, ngữ văn dân gian, tập quán xã hội và nghệ thuật trình diễn dân gian. Để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm theo tiêu chí Công ước 2003 đối với di sản trong danh sách đại diện của UNESCO, tỉnh Nghệ An đã triển khai Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2019-2030 đề ra các mục tiêu sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, số hóa các bài bản, tư liệu về dân ca ví, giặm; phục hồi các phường dân ca ví, giặm truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững; truyền dạy dân ca ví, giặm trong cộng đồng và các trường học; nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ địa phương, có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, những người thực hành dân ca ví, giặm.

Có thể nói, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh Nghệ An, nhờ đó, các hình thức sinh hoạt nghệ thuật dân gian không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, hình thành nên không gian văn hóa mới và từng bước đưa ví, giặm trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa có giá trị kinh tế, góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật này trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Bên cạnh những thành tựu đạt được, dân ca ví, giặm đang đứng trước những thách thức to lớn trong thời kỳ phát triển kỹ thuật số, đó là sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giúp cho cộng đồng có cơ hội tiếp cận, hưởng thụ nhiều sản phẩm văn hóa hơn, nhưng nó cũng làm thay đổi tư duy, nhận thức về văn hóa truyền thống.

Do đặc thù là loại hình nghệ thuật dân gian nên dân ca ví, giặm rất kén đối tượng thưởng thức, chủ yếu những người lớn tuổi có niềm đam mê với loại hình nghệ thuật này, còn thế hệ trẻ hoặc tầng lớp trung niên chỉ quan tâm đến các sản phẩm văn hóa giải trí mới. Mặc dù số lượng câu lạc bộ và các thành viên tham gia có tăng hơn so với trước đây, nhưng chất lượng hoạt động còn nặng về phong trào, thiếu tính sáng tạo cả về hình thức lẫn nội dung nên chưa thu hút cộng đồng. Các chương trình biểu diễn dân ca ví, giặm chưa được nghiên cứu một cách nghiêm túc để trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa đem lại giá trị về mặt kinh tế.

Hiện nay, nguồn kinh phí dành cho dân ca ví, giặm chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, trong khi nguồn huy động từ xã hội hóa còn khiêm tốn nên chất lượng hoạt động bảo tồn và phát huy chưa đem lại hiệu quả nhiều. Vấn đề này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính sáng tạo, kế thừa và truyền dạy dân ca ví, giặm tại cộng đồng, trong khi số lượng các nghệ nhân có khả năng trình diễn, truyền dạy một cách bài bản và có kỹ thuật không còn nhiều. Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, công tác bảo tồn dân ca ví, giặm cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, không nên cứng nhắc trong việc bảo tồn mà phải tạo môi trường cho loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm hàng hóa và trở thành nguồn lực bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật diễn xướng này trong đời sống văn hóa cộng đồng.

2. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm trong việc xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa

Nghệ thuật diễn xướng dân ca ví, giặm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn và nằm trong tiêu chí các ngành công nghiệp văn hóa. Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có nêu nhiệm vụ và giải pháp phát triển cụ thể đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đó là: “Phát triển thị trường cho các tác phẩm sân khấu, âm nhạc, các chương trình biểu diễn. Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống. Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực; chính sách khuyến khích tài năng, sáng tạo, ưu đãi văn nghệ sĩ; chính sách xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn”.

Như vậy, căn cứ vào mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các ban ngành liên quan nghiên cứu xây dựng kế hoạch, dự án bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm gắn với các sản phẩm công nghiệp văn hóa đem giá trị kinh tế. Đó là:

Xây dựng không gian sáng tạo nghệ thuật diễn xướng dân ca ví, giặm

Thực tế hiện nay cho thấy, không ít không gian và môi trường diễn xướng dân ca ví, giặm không còn nữa, nhiều hình thức sinh hoạt dân ca đã chìm vào dĩ vãng và có nguy cơ bi ̣lãng quên. Vì vậy, cần xây dựng không gian sáng tạo để thúc đẩy loại hình nghệ thuật này phát triển. Mục đích xây dựng không gian văn hóa sáng tạo nghệ thuật diễn xướng dân ca ví, giặm là để các nghệ nhân, đội ngũ văn nghệ sĩ, những người đam mê nghệ thuật truyền thống đến sinh hoạt, tự do sáng tác và quảng bá loại hình nghệ thuật này. Sở Văn hóa và Thể thao chủ động phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian và chính quyền địa phương lập khảo sát, xây dựng không gian sáng tạo nghệ thuật diễn xướng dân ca ví, giặm tại nhà văn hóa cộng đồng, các câu lạc bộ dân ca hoặc những điểm sinh hoạt cộng đồng ở Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, tuyến phố đi bộ của thành phố Vinh, bao gồm đường Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Trung Ngạn, các phường dân ca ven biển thị xã Cửa Lò.

Trong không gian văn hóa sáng tạo nghệ thuật, các nghệ nhân, nghệ sĩ có thể kết nối với cộng đồng tham gia, trao đổi về các yếu tố nghê ̣thuật: làn điệu, ngữ điệu, tiết tấu, động tác, ca từ... nhằm xây dựng các sản phẩm nghệ thuật diễn xướng dân ca ví, giặm phong phú và đa dạng phục vụ công chúng. Cách tiếp cận này có thể trao quyền cho các nhóm đối tượng khác nhau tham gia vào trao đổi đa văn hóa, cùng đưa ra những giải pháp sáng tạo nghệ thuật để phục vụ cho số đông, cũng như nâng cao năng lực cho các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, ngành Văn hóa và các đối tượng văn nghệ sĩ, nghệ nhân, cộng đồng tham gia sinh hoạt trong không gian văn hóa sáng tạo nghệ thuật diễn xướng dân ca ví, giặm. Tăng cường hoạt động thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi, học tập lẫn nhau và kết nối giữa các không gian văn hóa sáng tạo ở các huyện, thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An với các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật của thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Bảo tồn, khai thác dân ca ví, giặm gắn với sản phẩm du lịch sinh thái

Việc khai thác nghệ thuật diễn xướng dân ca ví, giặm gắn với sản phẩm du lịch sinh thái nhằm đem đến cho du khách cơ hội thưởng thức những làn điệu dân ca gắn với không gian sông nước, đồng ruộng, núi non đại ngàn, biển cả... và đời sống thôn dã của cộng đồng dân cư địa phương. Tỉnh Nghệ An cần nghiên cứu, xây dựng quy hoạch kết nối chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái và sản phẩm của chuỗi hoạt động du lịch này là nghệ thuật trình diễn dân gian. Cụ thể như:

Phục dựng không gian và hình thức diễn xướng dân ca ví, giặm trên sông nước, đồng ruộng, núi non, trong thôn xóm để xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch sinh thái trên địa bàn các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu. Kết nối các tuyến, điểm du lịch tại những địa phương trên thành tour du lịch khép kín gắn với chủ đề dân ca trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tùy thuộc vào đặc điểm loại hình du lịch có thể xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật trên cơ sở làn điệu gốc soạn lời mới có nội dung phản ánh cuộc sống sôi động phong phú bằng các tiết mục đơn ca, đối ca, tốp ca, hoạt ca, hoạt cảnh; phát triển các làn điệu dân ca thành những ca khúc mang hơi thở và nhịp sống hiện đại, hoặc phát triển hình thức sân khấu hóa dân ca - kịch… để phục vụ nhu cầu và thị hiếu thưởng thức của các đối tượng du khách trong nước và quốc tế.

Lập quy hoạch các phường dân ca ví, giặm tại các điểm di tích nổi tiếng, khu du lịch sinh thái, khu du lịch biển để phục vụ du khách tại các huyện: Nam Đàn (khu di tích Kim Liên, cụm di tích làng Hoàng Trù, chùa Đại Tuệ); Thanh Chương (khu du lịch sinh thái làng Xanh); Hưng Nguyên (đền ông Hoàng Mười, đền Thanh Liệt); Đô Lương (khu du lịch văn hóa, sinh thái Yên Thành, chùa Gầm nằm trong khu du lịch tâm linh sông Đình - Rú Gầm); Diễn Châu (đền Cuông, làng ven biển Diễn Thành); Nghi Lộc (khu du lịch Bãi Lữ, khu du lịch biển cửa Hiền, khu du lịch kênh nhà Lê); Quỳnh Lưu (khu du lịch biển Quỳnh Phương và đền Cờn). Muốn khai thác loại hình nghệ thuật này để phát triển kinh tế, các nhà quản lý cần hết sức thận trọng, bởi hoạt động thương mại hóa, kinh tế hóa giá trị di sản thì bên cạnh những yếu tố tích cực còn là những nguy cơ đối với bảo vệ di sản, với lợi ích và quyền của cộng đồng.

Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật và hoạt động du lịch

Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và trong đó có Việt Nam. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có nêu, các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đang là địa phương dẫn đầu cả nước tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong các ngành công nghiệp văn hóa giải trí. Để không bị tụt lại phía sau, tỉnh Nghệ An cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Cụ thể:

Lĩnh vực du lịch: Việc ứng dụng công nghệ Blockchain giúp cho các doanh nghiệp du lịch của tỉnh Nghệ An có thể cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho khách du lịch và ngược lại, du khách có thể xác thực các sản phẩm đã mua và yên tâm về giá cả hàng hóa, dịch vụ. Công nghệ này có thể sử dụng để nhận dạng, làm thủ tục check-in tại sân bay, hoặc các địa điểm du lịch nổi tiếng cần đảm bảo an ninh.

Lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian: Các doanh nghiệp dịch vụ văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian có thể sử dụng nền tảng số Non-fungible token (NFT) trên công nghệ chuỗi khối Blockchain để tạo ra mã đại diện cho một, hoặc nhiều tác phẩm âm nhạc, các tác phẩm nghệ thuật trình diễn dân gian để cộng đồng dễ dàng tiếp cận với những tác phẩm mình yêu thích.

Lĩnh vực xác lập quyền sở hữu trí tuệ: Ứng dụng công nghệ Blockchain để xác lập quyền tác giả cho các sản phẩm của mình như: nghệ thuật dân gian, các làn điệu dân ca, những tác phẩm dân ca - kịch, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện, âm nhạc… sẽ giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp cần đối chiếu, lưu trữ và cung cấp bằng chứng. Các sổ cái Blockchain lưu giữ thông tin về quyền sở hữu trí tuệ sẽ cung cấp nguồn thông tin xác thực về thời điểm và người sáng tạo các sản phẩm công nghiệp văn hóa trên nền tảng kỹ thuật số, người sử dụng có thể dễ dàng xác minh nguồn gốc của sản phẩm một cách công khai và minh bạch.

Lĩnh vực không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật: Ứng dụng công nghệ Blockchain để quản trị mạng lưới không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Công nghệ này giúp cho nhà quản lý dễ dàng quản lý, hoặc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm văn hóa nghệ thuật trên cơ sở dữ liệu. Đồng thời, có thể quản lý nguồn quỹ phi lợi nhuận huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

3. Một số khuyến nghị

Để dân ca ví, giặm có sức sống lâu bền và phát huy có hiệu quả trong đời sống, ngoài việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn quản lý nhà nước, cần nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền và của cộng đồng bảo vệ di sản văn hóa truyền thống. Có chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Văn hóa từ cấp tỉnh xuống cấp xã. Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa dựa trên di sản dân ca ví, giặm, đi đôi với xây dựng quy tắc đạo đức trong việc quản lý, khai thác loại hình diễn xướng này theo nội dung của UNESCO và Luật Di sản văn hóa (Việt Nam) quy định về quyền, lợi ích của nhà nước và chủ thể thực hành văn hóa trên cơ sở bản quyền tác giả.

___________________

Tài liệu tham khảo

1. Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ca trù Hà Tĩnh, giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

2. Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2019-2030.

3. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08-09-2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ths ĐẶNG KIM THOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;