Phục dựng không gian văn hóa Mường tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

 

1. Phục dựng ngôi nhà sàn dân tộc Mường tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Khi nghiên cứu về văn hóa của các dân tộc thiểu số, thì ngôi nhà là đối tượng nghiên cứu chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng bởi, đó không chỉ là nơi ăn chốn ở, mà còn thể hiện nhiều giá trị thẩm mỹ, phương thức ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Nhà sàn của dân tộc Mường được xem là có kiến trúc độc đáo, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của tộc người.

Không gian văn hóa Mường hay còn gọi với cụm từ “làng Mường”, “bản Mường” là một trong những không gian được ưu tiên phục dựng trong giai đoạn đầu tiên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Làng Mường thuộc cụm các Làng dân tộc I (Khu làng I - gồm các công trình văn hóa và cảnh quan đặc trưng của 28 dân tộc vùng rẻo cao, thung lũng, trung du thuộc các vùng văn hóa Việt Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ với hệ ngôn ngữ Việt - Mường, Thái - Kađai, Mông - Dao, Hán - Tạng, Tày - Thái, Môn - Khmer).

Người Mường (hay còn gọi là Mol, Moai hay Au tá…) với dân số hơn 1,3 triệu người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Sơn La và một số huyện ngoại thành Hà Nội, Ninh Bình, Lào Cai. Theo nghiên cứu của các nhà dân tộc học, người Mường và người Kinh từ xưa đã có chung nguồn gốc, đều là cư dân bản địa, là con cháu Lạc Việt - chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn. Người Mường thường chọn xây dựng làng trong các thung lũng hoặc trên các sườn đồi thấp. Từ khi lập làng, người Mường đã sống trên những ngôi nhà sàn.

Làng bản Mường thường sống tập trung thành từng chòm, xóm khoảng 20-30 nếp nhà. Tuy nhiên, khi chọn nơi dựng làng, người Mường thường nép mình dưới những rặng tre, cây trái um tùm, đường dẫn vào bản thường là những con đường mòn nhỏ hẹp, quanh co khiến người lạ khó phát hiện. Việc chọn thế đất để lập làng, lập bản của người Mường cổ dựa trên những kiến thức dân gian, đúc rút từ kinh nghiệm cư trú nhiều đời. Trước đây, khi rừng rậm còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ các loài thú dữ, người Mường thường gia cố bảo vệ khuôn viên ngôi nhà của mình rất cẩn thận. Ngày nay, ngôi nhà của người Mường đã có nhiều thay đổi. Nếu trước kia người Mường sinh sống trên các ngôi nhà sàn, nhưng do quá trình giao thoa văn hóa nên nhiều nơi người Mường cũng chuyển xuống ở nhà đất hoặc nửa sàn, nửa đất.

Dù có quan hệ gần gũi với người Việt từ lâu nhưng xét về ngôi nhà cổ của người Mường, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt rất lớn giữa nhà của người Mường và nhà của người Việt, đặc biệt là ở bộ khung nhà với cách bố trí vì, kèo, cột và cách khớp các đồng mộng với nhau. Còn đến nay, các vì, kèo của người Mường đã dần bị thay đổi, thậm chí mất dần và thay thế bằng các kiểu vì, kèo nhà người Việt. Không chỉ khung nhà thay đổi mà ngay cả cách bố trí không gian sinh hoạt trong ngôi nhà của người Mường cũng có nhiều thay đổi so với nhà sàn truyền thống. Với ngôi nhà sàn Mường cổ thường có hai cầu thang: cầu thang chính đặt ở đầu hồi bên phải (dành cho nam giới và khách); cầu thang phụ dành cho phụ nữ đặt ở đầu hồi bên trái nhà. Phần không gian trong ngôi nhà cũng được chia theo chiều ngang theo quy ước: bên ngoài nhà đặt bàn thờ tổ tiên, nơi tiếp khách và sinh hoạt của nam giới trong nhà, bên trong là bếp và nơi sinh hoạt của phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra, không gian ngôi nhà sàn cũng được chia ước lệ theo chiều dọc: bên trên là nơi để lương thực, đồ dùng gia đình, bên dưới là nơi để dụng cụ lao động sản xuất, nhốt gia súc gia cầm. Với người Mường, bếp lửa là một phần không thể thiếu của ngôi nhà. Bếp được coi là linh hồn của ngôi nhà và gia chủ phải luôn giữ cho bếp không bao giờ tắt lửa. Trong ngôi nhà sàn truyền thống thường có hai bếp: một bếp chính là nơi nấu thức ăn và sinh hoạt chính trong gia đình, một bếp phụ đặt ở gian khách dùng để sưởi ấm và hong khô vật dụng, đun nước pha trà… Tuy nhiên, theo thời gian, vị trí của bếp cũng dần được thay đổi trong ngôi nhà người Mường. Sự thay đổi này có thể là: bếp tách khỏi nhà ở với một ngôi nhà sàn phụ bên cạnh nhà chính; bếp vẫn ở trong nhà chính nhưng không đặt trên sàn mà đặt dưới nền đất hoặc bếp tách rời hẳn nhà chính, được đặt trong nhà phụ dưới nền đất.

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, không gian văn hóa Mường được phục dựng trên nền đất có diện tích 0,93 ha gồm ba ngôi nhà sàn và một miếu thờ thổ thần. Trong quá trình phục dựng, Ban quản lý đã mời các đoàn chuyên gia đến thảo luận, nghiên cứu và tiến hành điền dã dân tộc học để lấy tư liệu làm cơ sở cho việc phục dựng. Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với bốn đơn vị tư vấn, đi khảo sát địa bàn cư trú để phục vụ cho việc xây dựng, phục dựng những ngôi nhà, trong đó có nhà sàn Mường. Tuy nhiên, do không có cơ sở thẩm định kết quả khảo sát nên Ban quản lý đã tổ chức một số hội nghị lấy ý kiến làm cơ sở hoàn thiện thiết kế. Đoàn nghiên cứu đã quyết định lựa chọn các không gian nhà ở của người Mường ở xã Đồng Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ; xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, Ninh Bình; nhà của ông Bùi Đình Nhung, xã Hạ Điền, Bá Thước, Thanh Hóa; nhà ông Xì Văn Pâng tại bản Thung Mường, xã Tú Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình để tiến hành phục dựng. Ba ngôi nhà sàn tại làng Mường đều được xây dựng giống nhau với cùng một khuôn mẫu của nhà quan lang xưa. Các chuyên gia tham vấn cùng đội ngũ thợ đã bảo lưu tối đa những nét kiến trúc truyền thống như hướng nhà quay về hướng Nam, kiểu dáng, cầu thang, không gian bố trí trong nhà… Bên cạnh đó, để nhận diện bản sắc văn hóa Mường, các nghệ nhân sau khi về sinh hoạt tại đây đã cố gắng trang trí thêm cho không gian sống bằng một số hiện vật như cồng chiêng, quả còn… Ngôi nhà được phục dựng với diện tích hơn 100m2 với mái nhà được lợp bằng cỏ gianh và sàn nhà được đan bằng nứa, liếp. Cũng vì lý do phục vụ du lịch, phải tính đến phương án phục dựng bảo tồn được lâu dài và vấn đề an toàn cho khách vào tham quan, nên trong quá trình xây dựng phải gia cố thêm các vì kèo, xà ngang và sàn nhà bằng các vật liệu bền chắc hơn. Ngôi nhà phục dựng là kiểu nhà ba khoang hai chái. Từ cầu thang chính đi lên, trên cửa lớn bước vào nhà có treo một cái bàn tréo, là vật dụng dùng trong lễ mát được các nghệ nhân thực hành hằng năm. Trong lễ mát nhà, bàn tréo được lót dưới mâm cỗ, phía trên bày các món cúng như thịt lợn, gà, cá nướng… Kết thúc lễ cúng, người Mường sẽ treo bàn tréo lên cửa tượng trưng cho sự linh thiêng. Bố trí không gian theo chiều dọc của ngôi nhà, đầu tiên là không gian thờ cúng với ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp đến là không gian tiếp khách với sàn nhà (cái khảm) và mái hiên đua ra đón ánh sáng mặt trời. Bên cạnh khu vực tiếp khách là bếp lửa của ngôi nhà. Để dành không gian cho những phần trưng bày khác, nên các ngôi nhà tại đây chỉ được đắp một bếp lửa thay vì hai bếp như các nhà sàn truyền thống của người Mường. Đối diện với bếp lửa là dãy buồng gồm bốn gian dành cho các thành viên trong gia đình ngủ và nghỉ ngơi. Ngoài không gian thờ tự, nơi ăn chốn ở của gia đình, thì tại các vị trí còn lại trong ngôi nhà cũng được ưu tiên bày trí những hiện vật mang đặc trưng văn hóa Mường như bộ giá treo 12 chiếc cồng chiêng, những chiếc kha để vợt cá, những vật dụng sau khi làm lễ mát nhà, lễ mừng cơm mới… đều được đồng bào giữ lại để trang trí… Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm nên bếp dùng để sinh hoạt, nấu nướng được chuyển xuống đất phía trái cạnh nhà sàn. Trên nhà có một bếp lửa nhưng chỉ được nhóm lên khi có các sự kiện lớn yêu cầu để quay phim, chụp ảnh. Trên gác bếp có treo những vật dụng như chiếc nơm, chiếc ớp, vò rượu.

Ngày hội của đồng bào Mường tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

 

2. Trình diễn các hoạt động sinh hoạt văn hóa tại làng Mường ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Phục dựng văn hóa Mường qua các hoạt động sinh hoạt hằng ngày

Hiện nay, tại Không gian văn hóa Mường đang có các nghệ nhân đến từ Hòa Bình cùng nhau giữ lửa. Trong các hoạt động của làng đều do nhóm nghệ nhân này phụ trách, trong đó có người đã gắn bó với làng Mường từ những ngày đầu “di dân lập làng”. Với phương châm “đời thường chính là văn hóa”, những nghệ nhân tại làng Mường đã giới thiệu với du khách những món ăn, trang phục, những bài múa chiêng, những nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình. Làng Mường là một trong số ít những làng có hoạt động sinh hoạt sôi động nhất tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Dù ngày thường hay cuối tuần, bếp lửa tại làng Mường cũng đều đỏ lửa bận rộn với những mâm cơm có các món ăn đặc trưng của người Mường như lợn bản hấp, lợn bản kẹp vỉ tre nướng, cá nướng, măng chua nấu thịt gà, chả cuốn lá bưởi nướng… Bên cạnh những hoạt động sinh hoạt đời thường, các nghệ nhân làng Mường còn mang đến thực hành nhiều nghi thức tâm linh tại không gian văn hóa mới. Người Mường trong tháng có lễ cúng thần linh, gia tiên vào các ngày sóc, ngày vọng, các ngày lễ Tết truyền thống.

Với người Mường khi dựng nhà mới sẽ tiến hành nghi lễ đắp bếp. Ngay từ sáng sớm, các công việc cần thiết cho nghi lễ được gia đình chuẩn bị chu đáo. Người Mường dùng những bẹ chuối bóc từng lớp để lót mặt bếp. Bẹ chuối có tác dụng cách nhiệt giữa mặt bếp và sàn nhà. Đồ lễ cúng được bày trên hai mâm lễ để cúng gia tiên và thổ công thổ địa cai quản vùng đất này. Đến giờ lành, thày mo sẽ xin khấn tổ tiên, thổ thần cho phép gia chủ thực hiện công việc đắp bếp. Việc đắp bếp chỉ được tiến hành khi có sự cho phép của thày mo. Người chủ trì việc đắp bếp do một người đàn ông uy tín trong dòng họ hoặc cộng đồng đảm nhiệm. Người chủ trì sẽ đứng bên cạnh đếm số xô đất đổ vào bếp và đánh dấu bằng việc bẻ que tre. Người ta phải căn sao cho xô đất cuối cùng đổ vào khuôn bếp phải là số lẻ. Sau khi đắp xong khuôn bếp, người Mường đặt lên mặt bếp cái kiềng sắt hoặc ba hòn đá (hòn lục) để tượng trưng cho ba vua bếp. Lúc này người chủ trì sẽ nhóm lửa và nói lời chúc mừng may mắn đến gia chủ. Theo tập tục xưa, sau khi đắp bếp, gia chủ cần phải giữ bếp lửa cháy liên tục trong ba ngày ba đêm. Nếu trong nhà có đám cưới, khi cô gái về làm dâu thì cũng phải quỳ lạy cái bếp trước rồi mới đến cúi lạy tổ tiên. Khi phục dựng ngôi nhà sàn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, những người tham gia cũng chú ý đến phần nghi thức tâm linh này. Vì vậy, khi về sinh sống tại đây, các nghệ nhân Mường đã mang nghi lễ này đến như một cách “có kiêng có lành”. Tất cả các nghi lễ trước và sau khi đắp bếp đều được thực hiện chu đáo theo đúng phong tục tập quán, duy chỉ có điều không mời được thày mo nên các nghệ nhân đã tự mình thực hiện các công đoạn của nghi lễ: “Khi đổ đất vào phải căn đủ 19 xô đất, đến xô thứ 19 thì để lại một nửa trả lại bên kia chứ không lấy hết xô 19” (phỏng vấn nghệ nhân làng Mường). Theo phong tục đắp bếp của người Mường, khi dùng đến xô đất cuối cùng là số lẻ thì trả lại khoảng một phần ba số đất trong xô ra ngoài gọi là “trả đất”. Điều này thể hiện cho sự thơm thảo của người Mường, không nên tham lam, ai cho cái gì không nên lấy hết.

Phục dựng văn hóa Mường qua hoạt động trình diễn cồng chiêng trong lễ hội sắc bùa

Văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời và được kế tục qua nhiều thế hệ. Một dàn chiêng Mường có từ 4, 5, 7 hoặc 9 chiếc. Trọn bộ hoàn chỉnh phải có đầy đủ 12 chiếc chia đều làm 3 bộ (chiêng dàm, chiêng bồng và chiêng tlé). 12 chiếc chiêng tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Cồng chiêng của người Mường có 16 bài: loóng 3, loóng 6, bông trắng bông vàng, đi đường, đắp phai, gọi ma... Chiêng Mường có mặt trong mọi hoạt động sinh hoạt của người dân từ trong lao động sản xuất; trong quyền lực của lang đạo xưa đến trong nghi lễ tín ngưỡng tâm linh. Người Mường trong năm có tới 24 lễ hội có sử dụng cồng chiêng như lễ sắc bùa, lễ mừng nhà mới, thành hôn, khai hạ… Nếu cồng chiêng Tây Nguyên thường do nam giới đánh, thì cồng chiêng của dân tộc Mường người đánh chủ yếu là nữ giới. Mang văn hóa Mường về với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân đã tái hiện lễ hội sắc bùa với những sắc thái mang đậm chất văn hóa Mường, nhằm giới thiệu đến du khách bản sắc văn hóa của mình. Hát sắc bùa (có nghĩa là xách cồng) là một trong những lễ hội lớn vào đầu năm mới của dân tộc Mường, đặc biệt là người Mường ở Hòa Bình. Đây là một hình thức diễn xướng dân gian, gắn với một số nghi lễ nông nghiệp nhằm cầu mong một năm mới phát tài, thịnh vượng, mùa màng bội thu, con người gặp nhiều may mắn, dồi dào sức khỏe. Những người tham gia hát sắc bùa được gọi là phường bùa, thường có từ 12 người trở lên đều là những người biết đánh cồng chiêng và hát những bài thường (bài hát dân gian của dân tộc Mường). Tại địa phương, lễ hội sắc bùa thường được tổ chức từ mùng một Tết và kèo dài cả tuần lễ. Phường bùa do một thày thường - là người có giọng hát hay và có tài ứng tác - làm trưởng nhóm xuất phát từ nhà để cồng chiêng. Trước khi xuất hành, thày thường đọc lời xuất phát. Phường bùa vừa đi vừa đánh những bài cồng chiêng và hát tùy hứng. Phường bùa đi đến đâu kéo theo hàng trăm người dân đi theo. Theo phong tục người Mường, phường bùa đi đến các nhà trong bản và hát những lời chúc tết. Trong phường bùa còn có hai người mang theo một cái thúng để đựng quà của các gia đình tặng cho phường bùa. Khi đến nhà một gia đình nào đó trong bản, phường bùa sẽ đánh cồng chiêng và hát bài mở cổng, khi chủ nhà mở cổng mời vào, phường bùa sẽ vừa đi vừa đánh chiêng và hát những bài hát chúc những điều tốt lành đến gia chủ. Nếu gia chủ muốn giữ phường bùa lại thì đặt ở cầu thang một mâm gồm chai rượu, vài cái cốc, hai bát to đựng gạo và trên có cắm bốn nén hương, một đĩa trầu cau rồi mời bùa hát tiếp. Lễ hội sắc bùa thường được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sau những ngày Tết Nguyên đán. Lúc này khách du lịch đi chơi xuân tập trung khá đông tại làng Mường. Nghệ nhân trưởng làng đại diện nhóm phường bùa đọc lời xuất phát. Phường bùa 12 người đi một vòng quanh ba ngôi nhà trong làng Mường như một cách “làm phép” để viếng thăm và cầu chúc những điều bình an, may mắn đến những người đang sinh hoạt tại làng. Phường bùa sau đó vừa đánh cồng vừa hát ghé thăm các làng dân tộc khác trong Khu làng I. Mặc dù văn hóa, tín ngưỡng khác nhau, nhưng các nghệ nhân tộc người khác cũng vui vẻ chào đón phường bùa của người Mường ghé thăm. Lễ hội sắc bùa trở thành hoạt động kết nối các tộc người với nhau, kết nối khách du lịch, tạo không khí vui tươi khi Tết đến xuân sang ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

3. Lời kết

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, vấn đề giao lưu và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bản sắc văn hóa của các dân tộc có những thay đổi nhất định, thậm chí có những thực hành văn hóa bị mất đi và thay thế bằng những thực hành mới do tính chất của văn hóa là luôn biến đổi để phù hợp với từng bối cảnh, giai đoạn lịch sử. Trường hợp nghiên cứu không gian Mường tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có thể thấy việc phục dựng không gian Mường kết hợp với những hoạt động văn hóa đã tạo ra một môi trường hiệu quả nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu văn hóa tộc người đến du khách. Trong quá trình lựa chọn hoạt động để trình diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân Mường - chủ nhân văn hóa đã tự ý thức về giá trị văn hóa của cộng đồng thể hiện qua việc gìn giữ và giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống như ẩm thực, trang phục, nghi lễ… Bản thân những chủ thể văn hóa cũng được củng cố thêm niềm tin yêu và niềm tự hào đối với các giá trị văn hóa của tộc người mình.

 

PHẠM BÍCH NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

;