Giáo dục thế hệ trẻ bằng những giá trị văn hóa cổ truyền

Trải qua thời gian, những nét đẹp cổ truyền vẫn được đồng bào Tày Nghĩa Đô (Bảo Yên) gìn giữ và truyền lại đến đời sau. Họ giáo dục con em mình từ những giá trị mang nét đẹp ấy. Hạt nhân của hành trình lưu truyền những giá trị cao đẹp ấy chính là gia đình.

 

Lớn lên từ tiếng mẹ đẻ

Nghĩa Đô là xã vùng cao của huyện Bảo Yên (Lào Cai), sinh sống ở đây là trên 98% cư dân người Tày. Từ bao đời nay, người Tày Nghĩa Đô quần tụ dưới những triền núi, bên con suối Nậm Luông nên đã hình thành cho mình một kho tàng văn hóa cổ truyền vô cùng độc đáo và phong phú. Trong cuộc mưu sinh, đồng bào Tày Nghĩa Đô đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục con trẻ, mong con em mình lớn lên trở thành người tốt của bản làng, của xã hội, không quên đi những nét đẹp văn hóa bản địa. 

Bởi vậy, trước khi con em đồng bào Tày Nghĩa Đô đến trường học chữ hay cả khi đi học rồi, các gia đình vẫn luôn coi những phong tục, tập quán, những quan niệm nhân sinh là những bài học quý để răn dạy con cháu mình. Theo họ, nếu ở nhà con không ngoan, không biết đến giá trị văn hóa truyền thống thì khó lòng có thể trở thành người tốt được. Thậm chí, người già trong những bản Tày còn lo lắng giới trẻ sẽ bị mai một những giá trị tinh thần của dân tộc mình.

Khi nói về nét đẹp trong văn hóa của đồng bào Tày Nghĩa Đô, chúng tôi không dám chắc là mình đã hiểu hết và nói hết được, bởi những nét đẹp đó hiện hữu khá phong phú và đặc sắc trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ hành động, trong văn hóa ứng xử, trang phục, ẩm thực và phong tục tập quán của đồng bào.

Tiếng nói bản địa (bản chẩu) của người Tày Nghĩa Đô luôn được coi là tài sản vô giá. Vô giá bởi đây là thứ ngôn ngữ mang đậm bản sắc Tày Nghĩa Đô chứ không lẫn với tiếng Tày ở vùng nào. Xác định tiếng mẹ đẻ là yếu tố vô cùng quan trọng nên ngay từ khi mới sinh ra và lớn lên, đứa trẻ Tày đã được các pả (bà), ấm (mẹ), pò (bố) dạy cho biết cách phát âm tiếng Tày. Trước khi đi học mầm non làm quen tiếng Việt, những đứa trẻ Tày Nghĩa Đô đã biết nói và giao tiếp thành thạo ngôn ngữ bản địa.

Với người Tày Nghĩa Đô, đó là cách để mỗi người luôn nhớ về nguồn cội của mình, luôn yêu tiếng bản địa và thứ tiếng ấy chảy trong huyết quản của mỗi người. Để rồi sau này, dù có đi đâu xa, người ta vẫn biết nói tiếng Tày tròn vành rõ chữ. Trong cuộc sống gia đình thường nhật ở mỗi gia đình người Tày Nghĩa Đô, người ta giao tiếp với nhau bằng tiếng Tày, đặt tên cho các vật dụng trong gia đình cũng bằng tiếng Tày, các món ăn cũng mang phong vị Tày. Rồi ngay cả trong các bài cúng tổ tiên hay hát Then, bà con dùng tiếng Tày để cất lên những âm điệu mang  tiếng rừng, tiếng núi và tiếng lòng của mình.

Cùng với tiếng nói thì trang phục Tày được các gia đình gìn giữ và truyền lại cho con cháu đời đời. Tuy cuộc sống hôm nay có đổi khác nhiều nhưng về Nghĩa Đô, người ta vẫn nhìn thấy những bộ trang phục Tày màu chàm truyền thống. Trong mỗi gia đình, những người phụ nữ Tày đi tiên phong trong việc duy trì và gìn giữ nét đẹp trang phục của dân tộc mình. Họ mặc váy áo trong lao động thường ngày, mặc áo dài Tày, vấn khăn, đeo vòng trong lễ hội của địa phương mỗi dịp Tết. Con gái lớn lên đều được mẹ dạy cho biết cắt vải để khâu váy, khâu áo và biết dệt những tấm thổ cẩm lớn làm chăn cưới, làm gối…

“Ngày nay, học sinh Nghĩa Đô đến trường từ bậc mầm non đến THPT, các gia đình người Tày vẫn chuẩn bị cho các em những bộ trang phục truyền thống để mặc vào đầu tuần hay những ngày lễ lớn. Với người Tày Nghĩa Đô, đó là cách để nhân lên niềm tự hào và hãnh diện của con em mình đối với những giá trị truyền thống của dân tộc”, thầy giáo Quan Văn Thưởng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bảo Yên chia sẻ.

Coi trọng văn hóa ứng xử

Không gian nhà sàn truyền thống của người Tày Nghĩa Đô cũng là nơi diễn ra những phong tục tập quán mang đậm bản sắc. Mỗi gia đình, mỗi bếp lửa, mỗi sàn nhà, mỗi bậc cầu thang là nơi khơi dậy vẻ đẹp cổ truyền của người Tày. Trong một năm, các gia đình  tuần tự tổ chức các ngày Tết, lễ đặc biệt có ý nghĩa như Tết Nguyên đán độc đáo và ấm cúng, rằm tháng Giêng nhộn nhịp náo nức, Tết rằm tháng Bảy sum họp, Tết mừng lúa mới tưng bừng vui vẻ…

Bằng ấy lễ, Tết đã đủ để nói về sự sum vầy, đoàn tụ và cùng nhau vun đắp cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc của cư dân Tày Nghĩa Đô. Vào những dịp Tết, các gia đình lại chủ động chuẩn bị mọi thứ, vừa là để tổ chức những cái Tết đầm ấm, no đủ, vừa là để dạy bảo và truyền lại cho lớp trẻ những phong tục chỉ có ở nơi đây. Từ hạt nhân là mỗi gia đình, người Tày Nghĩa Đô đã tạo cho mình một phong cách ẩm thực vừa hấp dẫn vừa độc đáo để rồi mỗi đứa trẻ khi sinh ra và lớn lên đều được truyền lại giá trị nhân văn của những ngày lễ, Tết của bản mình, chúng biết giữ gìn và truyền lại đến mai sau. 

Người Tày Nghĩa Đô từ lâu đời đã ở nhà sàn. Vì vậy, nhà sàn trở thành một nét đẹp truyền thống bền vững. Về Nghĩa Đô, những căn nhà sàn vững chãi nằm chênh vênh bên dòng suối Nậm Luông đã làm nên một bức tranh tuyệt đẹp về cuộc sống nơi đây. Vì vậy, đời này qua đời khác và cho đến hôm nay, người Tày Nghĩa Đô vẫn giữ và truyền lại nét đẹp trong phong tục làm nhà sàn. Trong không gian nhà sàn, những người cao tuổi là ông bà, bố mẹ dạy cho con trẻ biết về phong tục làm nhà sàn, những bài cúng ma tổ, những nơi linh thiêng trong nhà như cầu thang, bếp lửa, nơi đặt bàn thờ… để mỗi đứa trẻ Tày lớn lên lại tiếp tục truyền lại những nét đẹp ấy của dân tộc mình cho đời sau.

Nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi (Bản Rịa, xã Nghĩa Đô) cho biết: “Văn hóa ứng xử của người Tày Nghĩa Đô được biết đến từ lâu như một nét đẹp không phai nhạt theo thời gian. Chính từ trong mỗi gia đình, văn hóa ứng xử đã được người Tày gìn giữ và truyền lại. Đó là lối sống đoàn kết giữa các gia đình, giữa các bản, giữa anh em trong họ, ngoài họ khi mỗi gia đình có công to việc lớn như tang ma hay hiếu hỉ”.

Người Tày Nghĩa Đô đặc biệt mến khách. Họ đón khách ngay tại chân cầu thang khi có người đến chơi, rồi họ mời rượu khách quý ngay chân cầu thang để tỏ rõ thịnh tình. Khi ăn cơm, người ta mời khách ngồi ở nơi trang trọng nhất trong nhà và mời khách ăn những món do chính bàn tay họ làm ra. Trong mỗi gia đình người Tày Nghĩa Đô, con cháu, ông bà, bố mẹ ứng xử với nhau rất hòa thuận, êm ấm và phép tắc. Người già được con cháu chăm lo chu đáo từ cơm ăn nước uống, bố mẹ luôn dạy bảo các con những điều hay lẽ phải, khi có khách đến nhà chơi thì biết chào hỏi, thưa gửi…

Điều đáng mừng là về Nghĩa Đô hôm nay, tại các nhà trường, học sinh đều ngoan, lễ phép, hiếu học. Đặc biệt, vào những ngày lễ, các em học sinh biểu diễn những tiết mục văn nghệ như hát Then, múa, thổi khèn… rất ấn tượng. Có được điều đó là nhờ vào mạch nguồn chảy mãi trong mỗi gia đình - hạt nhân của giáo dục, của sự gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa cổ truyền nơi đây.

 

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

 

;