Nữ cán bộ Vân Kiều tận tâm với công tác giảm nghèo

Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã biên giới Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), trải qua thời gian và thử thách, chị Y Quyết (34 tuổi) đã nỗ lực vươn lên để trở thành một cán bộ có năng lực, được người dân tín nhiệm cao. Không chỉ vậy, chị còn là điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình và giúp đỡ nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo từ các mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) ngày càng được cải thiện, không còn hộ đói nghèo. Trong ảnh: Một góc bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch

 

15 năm gắn kết chị em ở các bản làng

Y Quyết từng trải qua thực tế cuộc sống của một gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn khi mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác, bản thân chị là lao động chính trong gia đình có 3 chị em. Cơ cực trăm bề, thế nhưng, chị được ông nội là đảng viên, Già làng, Trưởng bản động viên, khích lệ nên không chỉ kiên trì học tập mà còn tự tin, nhiệt tình trong các hoạt động của thôn bản.

Y Quyết là người có ý chí tự lập từ sớm cùng với kỹ năng gắn kết chị em ở các bản làng như: A Ki, Ban, Bụt, Chăm Pu, Cờ Đỏ, Cồn Roàng, Coóc, Cu Tồn, Cà Roòng 1, Cà Roòng 2, Khe Rung, Nông Cũ, Nông Mới, Nựu, Tuộc, Tvoi… Vì vậy, năm 2006, khi vừa tròn 20 tuổi, Y Quyết vinh dự được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thượng Trạch và được Đại hội Phụ nữ xã nhiệm kỳ 2006 - 2011 tín nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thượng Trạch.

Y Quyết nhớ lại: “Lúc được giao nhiệm vụ, mình lo lắng lắm vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức tuyên truyền, vận động chị em tham gia các hoạt động các tổ chức đoàn thể. Và rồi, trải qua thời gian học hỏi, giúp đỡ từ Hội Phụ nữ các cấp, hướng dẫn của các đồng chí trong Đảng uỷ, Bộ đội biên phòng và đúc rút kinh nghiệm của bản thân, mình đã phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thượng Trạch”.

Kể từ năm 2006 đến năm 2020, với sự nhiệt tình, tận tâm của Y Quyết, các hoạt động, phong trào của phụ nữ ở xã biên giới Thượng Trạch đã có những bước chuyển biến đáng kể. Từ hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn của Y Quyết, chị em ở 18 thôn bản ở trên địa bàn xã Thượng Trạch đã từng bước thay đổi nhận thức khi biết ăn ở hợp vệ sinh, ốm đau thì tới trạm xá xã để thăm khám.

Gần 15 năm làm Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Trạch, một trong những xã miền núi khó khăn, địa bàn rộng ở nơi biên giới của huyện Bố Trạch, với trách nhiệm và tâm huyết, đôi chân Y Quyết đã thân thuộc từng nếp nhà sàn, ngõ đường quanh co, dốc đứng suối sâu của 18 chi hội phụ nữ ở 18 bản. Theo nữ cán bộ người Bru - Vân Kiều Y Quyết, bà con ở Thượng Trạch nghèo một phần bởi gia đình nào cũng đông con. Vì vậy, suốt thời gian gắn bó với công tác phụ nữ, để giúp đỡ chị em vơi bớt cái nghèo, chị cùng Ban Chấp hành Hội LHPN xã thường xuyên, kiên trì tổ chức tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; sinh ít con để nuôi dạy cho tốt. Đồng thời, Y Quyết luôn luôn nhiệt tình hướng dẫn chị em phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, trồng rừng…

Chị Y Quyết bên mô hình chăn nuôi của gia đình

 

Giúp nhau xóa đói giảm nghèo

Dọc theo con đường bê tông vắt ngang qua bản Cà Roòng, chị Y Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thượng Trạch dẫn chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi của các hộ đồng bào. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nữ cán bộ người Bru - Vân Kiều Y Quyết chia sẻ: “Từ khi Đảng, Nhà nước, Mặt trận có các chủ trương, chính sách quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số như xóa mái nhà tranh, xây trường học, trạm xá, đường đi lại và hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế thì đời sống đồng bào người Bru - Vân Kiều ở xã Thượng Trạch đã có những bước đổi thay đáng kể”.

Để có kinh nghiệm hướng dẫn bà con, bản thân chị Y Quyết cũng đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi bò, dê, gà, vịt và trồng rừng… Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay, gia đình chị có một đàn dê gồm 11 con và 9 con bò cùng với 6 ha rừng keo, 3ha cây cao su. Ngoài ra, năm 2021, chị Y Quyết đã nuôi thêm 14 con ngan, trồng thử 65 cây ăn quả các loại như: Ổi, quýt, chanh, cam, xoài, bưởi… Tận dụng quỹ đất vừa thu hoạch cây cao su, chị tiếp tục đầu tư trồng cỏ nuôi bò với diện tích khoảng 3ha. Từ mô hình tổng hợp này, mỗi năm, gia đình chị có thu nhập trên 100 triệu đồng. Bên chuồng chăn nuôi gia súc của mình, chị Y Quyết cho hay: “Thay vì chăn nuôi theo hình thức thả rông như trước đây, gia đình chị quyết định xây chuồng trại và chủ động nguồn nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm để kiểm soát dịch bệnh”.

Từ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng rừng của gia đình, chị Y Quyết đã hướng dẫn cho nhiều chị em phát triển kinh tế. Hằng tuần, chị thường xuyên đi đến những hộ nghèo ở các bản để chia sẻ việc trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với khí hậu, thế mạnh của địa phương. Bản thân chị cũng đi tìm con giống, vật nuôi để giúp chị em. Bên cạnh đó, chị còn vận động bà con tham quan mô hình kinh tế gia đình để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập. Đến nay, nhiều mô hình chăn nuôi trồng rừng của chị em ở các bản Ban, Bụt, Chăm Pu, Cờ Đỏ, Cồn Roàng… do chị Y Quyết hướng dẫn đã mang lại thu nhập. Nhiều chị em đã phát triển vườn cây ăn quả kết hợp chăn nuôi từ 10 đến 20 con trâu, bò; trồng từ 2 đến 5 ha cây keo, tràm, cao su. Tiêu biểu như hộ gia đình như anh Đinh Chon ở bản Cà Roòng 2; anh Quách Nẫm ở bản Bụt; anh Đinh Phùi ở bản Cờ Đỏ… đã vượt qua khó khăn, tích cực trồng keo, cao su, hua, chuối, dứa, chăn nuôi bò, dê, lợn, gà, ngan, vịt…, từng bước vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bố Trạch Lê Công Toán cho biết: Chị Y Quyết là người cán bộ năng động, nhiệt tình vì công việc. Có thể nói, với sự tuyên truyền, giúp đỡ của chị Y Quyết, sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể... nhiều hộ dân ở xã Thượng Trạch đã nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Chị Y Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thượng Trạch thăm hỏi người cao tuổi ở trong bản

 

XUÂN THI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022

 

;