Người xưa rèn nhân cách

Dân tộc Việt Nam có một truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp. Có lẽ xuất phát từ một xã hội thuần nông, kinh tế còn nghèo nàn nên đạo lý “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”... đã ảnh hưởng và có tác động nhiều tới đời sống và bản chất của con người Việt Nam.

Trong bài này, người viết chỉ xin nói về những quan niệm và cách sống, cách giao tiếp, ứng xử của người xưa để thấy ông cha ta rèn luyện nhân cách và nếp sống như thế nào? Ông cha ta có những quan điểm dạy con, dạy cháu sống rất sâu sắc và chí tình, chí lý: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “Chết vinh hơn sống nhục”… Cuộc sống tuy có nghèo đói đến mấy nhưng cũng phải lấy lễ nghĩa, đạo đức làm trọng. Những thói hư tật xấu như: tham lam, mua bán gian lận, sinh hoạt bê tha, coi tiền bạc trọng hơn tình nghĩa… đều bị con người và xã hội lên án. Ông cha ta xưa rất dị ứng với việc tham ăn, tham uống nên đã răn dạy con cháu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” hay “Miếng ăn là miếng nhục”… Thế mới biết, người xưa dạy về văn hóa ăn uống rất sâu xa. “Ăn” là một bản năng nhưng cũng phải học, học hàng ngày, học hàng giờ. Ăn uống phải nhìn xung quanh, không chỉ biết có bản thân mình mà còn phải biết giữ ý tứ, thể diện khi ăn. Không thể để bị khinh, để mang nhục chỉ vì miếng ăn. Từ việc ăn cho đến việc nói và làm, đều phải học. Người có văn hóa lại càng phải học, bởi vì mỗi địa phương, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc… văn hóa, nếp sống, cách nghĩ cũng khác nhau. Mà học thì không quá khó, chỉ cần có ý thức học hỏi và chịu khó quan sát thì có thể làm được. Như ăn tiệc, như xếp hàng, như giao tiếp ứng xử với nhau, như giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi công cộng… Vì vậy, để hình thành được nếp sống văn hóa, có thói quen tốt thì gia đình và nhà trường, xã hội phải dạy dỗ con em mình ngay từ khi còn nhỏ. Người lớn cũng phải thấy được sự ảnh hưởng của mình để làm gương cho con cháu. Muốn thế hệ trẻ sau này trở thành những công dân tốt có ích cho bản thân, gia đình và xã hội thì trước tiên phải học đạo đức “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đây là cái gốc để hình thành nhân cách tốt của mỗi con người và nói rộng ra của một xã hội văn minh. Người xưa đã dạy: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”: Càng được đi nhiều nơi và rộng bao nhiêu thì càng có cơ hội để học tập, học những điều tốt, điều hay để từ bỏ những thói hư, tật xấu không làm ảnh hưởng đến thanh danh của bản thân và gia đình, dòng họ, cộng đồng. Đặc biệt là những bài học về cách ứng xử giữa con người với con người, giữa các dân tộc, các quốc gia với nhau. Ngày xưa, ông bà cha mẹ ta tuy nghèo về vật chất nhưng luôn có lòng tự trọng rất cao: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Những quan niệm sống xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thiết nghĩ, văn hóa không phân biệt giàu nghèo. Thực tế cuộc sống đã chứng minh người giàu không có nghĩa là có văn hóa và ai dám bảo người nghèo thì không có văn hóa? Bởi giữa người giàu và người nghèo chỉ hơn thua nhau tiền bạc của cải vật chất, còn nói về cách sống cách ứng xử văn hóa chưa hẳn ai đã hơn ai. 

Đất nước Việt Nam chúng ta ngày càng đang hội nhập sâu rộng với các nước năm châu, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Nói về văn hóa, văn minh thì chúng ta cần học nữa, học mãi để hội nhập sâu rộng với bạn bè quốc tế và thế giới. Xã hội ta có rất nhiều những tấm gương tốt, thể hiện những hành vi, nghĩa cử cao đẹp; những những việc làm mang tính nhân văn. Vậy nên ta càng phải học, học người xưa, học người nay, học thế giới xung quanh, nhằm đưa đất nước ta sớm thực hiện thành công mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

VÕ HOÀNG NAM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

 

;