Giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh, sinh viên ở Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Trong những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt thì nguy cơ mai một của giá trị truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt là sự thờ ơ với giá trị truyền thống của tầng lớp học sinh, sinh viên là một vấn đề nổi cộm. Xu hướng xâm lấn của các giá trị ngoại lai và những cám dỗ của nền kinh tế thị trường đã dần làm cho một bộ phận học sinh, sinh viên nguy cơ ngày càng xa cách với giá trị truyền thống của dân tộc. Do đó, giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh, sinh viên hiện nay là công việc khách quan và cần thiết. Bài viết đề cập đến vấn đề giá trị truyền thống và giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh, sinh viên, những tính chất cơ bản của văn hóa truyền thống, tính tất yếu phải giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh, sinh viên.

Sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tham quan, học tập tại di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị) - Ảnh: Phạm Lê Trung

1. Giá trị truyền thống của Việt Nam

Ở Việt Nam, giá trị và giá trị truyền thống không phải là đề tài mới, nhưng những điều mới mẻ được đặt ra ở đề tài này, về phương diện lý luận và cả về phương diện thực tiễn, lâu nay luôn chiếm một vị trí đáng kể trong dư luận xã hội và trong các sinh hoạt học thuật. F.Mayor - nguyên giám đốc UNESCO đã nhận định: ngày nay, văn hóa là nền tảng và linh hồn của cuộc phiêu lưu của con người. Trước kia người ta coi văn hóa là thứ yếu, ngày nay người ta bắt đầu nhận ra nó là cốt lõi của vấn đề (1).

Nhiều nhà tư tưởng uy tín đã khẳng định, lối thoát cho những lo lắng của con người về giá trị của sự phát triển hóa ra có thể tìm thấy ở trong truyền thống. Kinh nghiệm của các xã hội đã đạt tới trình độ phát triển cao cho thấy rằng, bằng cách không lãng quên truyền thống, khai thác các giá trị nhân bản của truyền thống, làm cho các giá trị hiện đại ăn nhập và không mâu thuẫn với các giá trị truyền thống - đó có thể được xem là phương thức của sự phát triển bền vững. Bởi vậy, giá trị truyền thống, trên thực tế vẫn là hành trang không dễ bị coi nhẹ đối với hành trình của con người trong TK XXI. Truyền thống trở thành một lãnh địa để con người tìm kiếm hy vọng cho tương lai (2).

Có nhiều quan điểm khác nhau về giá trị. C.Mác và Ăngghen cho rằng: “bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” (3). Giá trị cũng như tính cách dân tộc và tâm lý dân tộc là sản phẩm của quá trình tư duy và sáng tạo. Như vậy, “Giá trị, về thực chất, chính là toàn bộ thế giới bên trong và bên ngoài của con người được hiện hình trong tư duy và tình cảm của con người. Do tồn tại với tư cách là khuôn thước của sự đánh giá, là một biểu hiện đặc trưng cho quan hệ chủ - khách thể trong đời sống xã hội, nên giá trị luôn là người bạn đồng hành của đời sống con người…” (4).

Truyền thống, dù được tiếp cận theo quan điểm nào cũng đều được hiểu là những hiện tượng văn hóa - xã hội (bao gồm các giá trị, các chuẩn mực giao tiếp, các khuôn mẫu văn hóa, các phong tục, nghi thức xã hội, các thiết chế xã hội…) được bảo tồn qua năm tháng trong đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng xã hội khác nhau (nhân loại, hoặc giai cấp, dân tộc hoặc liên dân tộc, nhóm xã hội hoặc cá nhân…) và có thể được chuyển giao từ thế hệ này qua thế hệ khác (5).

GS Trần Văn Giàu đã nhận định: “Truyền thống thì có cái tốt cái xấu nhưng khi chúng ta nói “giá trị truyền thống” thì ở đây chỉ có cái tốt mà thôi, bởi vì chỉ có những cái gì tốt mới được gọi là giá trị; thậm chí phải là những cái tốt phổ biến, cơ bản, có nhiều tác dụng tích cực cho đạo đức luân lý, có cả tác dụng hướng dẫn sự nhận định và hướng dẫn sự hành động, thì mới được mang danh là giá trị truyền thống” (6). Những giá trị truyền thống của người Việt Nam được tích lũy qua quá trình lịch sử, được coi là “hạt nhân” cơ bản của văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa. Theo Hà Văn Tấn: “Tâm lý dân tộc biểu hiện trong phong cách tư duy, lối ứng xử (hay hành vi), đồng thời biểu hiện ra trong tình cảm của dân tộc. Nó bị ức chế bởi các điều kiện tự nhiên mà trong đó cộng đồng đang tồn tại, điều kiện xã hội và điều kiện lịch sử” (7). Những giá trị truyền thống Việt Nam được sáng tạo, hun đúc trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Phạm Minh Hạc cho rằng: “Hệ giá trị là các giá trị của một tập hợp người như dân tộc, thế giới, vùng, gia đình, bản thân” (8). Giá trị truyền thống là một hình thái của ý thức, của tinh thần, phản ánh, biểu hiện trên hai phương diện giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Giá trị truyền thống do nhiều thế hệ người Việt Nam sáng tạo ra và con người Việt Nam là giá trị quan trọng nhất. Giá trị tinh thần tốt của người Việt Nam được kế thừa, phát huy và góp phần mang lại những thành tựu trong các lĩnh vực của đời sống trong thời kỳ đổi mới. Phan Kế Bính cũng viết về người Việt: “…trọng luân thường, cần kiệm, an phận làm ăn, tuân giữ phép nước, coi trọng gia đình, thích yên ổn, trọng sự học hành, trọng lễ nghĩa, thật thà, cẩn thận, trung hậu, hòa nhã, trầm tĩnh, khẳng khái, ngạnh trực, can đảm, quả quyết, kính bậc đạo đức, nhớ người ân nghĩa, trọng đường công nghiệp, giữ cái danh giá, có nghĩa khí, khoan dung, nhân đức, nhẫn nại, kiên cường, trọng ái tình…” (9). Đào Duy Anh cho rằng: “Người Việt thông minh, giàu trí nghệ thuật, trực giác, ham học, thích văn chương, giỏi chịu đựng, hy sinh vì đại nghĩa, dung hòa, trọng lễ giáo và chuộng hòa bình” (10). Pierre Huard và Maurice Durand đã nhận định về người Việt: “…tuân phục thiên nhiên và tuân phục vũ trụ, trọng vương đạo và bá đạo, chấp nhận tất cả các giá trị cảm xúc, các phức cảm đạo đức và thẩm mỹ, logic, trung thành, tuân thủ lễ nghi trong gia đình, trọng ân nhân” (11). Trần Văn Giàu đã hệ thống thành bảy giá trị tinh thần truyền thống người Việt: “yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa” (12). Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII của Đảng đã nêu lên các giá trị nổi bật: “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết; ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái; lòng khoan dung; trọng nghĩa tình; trọng đạo lý; đức tính cần cù; sự sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử; tính giản dị trong lối sống” (13).

Như vậy, dù có những điểm khác biệt, song tựu trung lại, quan điểm của Đảng, quan điểm của các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài đều thừa nhận trong giá trị truyền thống của Việt Nam có những giá trị nổi bật, đó là: yêu nước; ý chí tự cường, tự tôn dân tộc; hiếu học, tôn trọng giáo dục; cộng đồng (cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc), tôn trọng tình nghĩa (đạo lý, nhân ái, khoan dung); cần cù. Đây có thể xem là những giá trị truyền thống nổi bật có sức sống bền bỉ và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần và sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

GS Nguyễn Văn Trung đã nhận định: Nếu Việt Nam nắm bắt được những chiều hướng phát triển của thế giới trong thời gian gần đây và trong tương lai, để tìm cách làm bộc lộ những giá trị tốt đẹp mà văn hóa Việt Nam đã có, thì Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện ý tưởng mặc dù đi sau nhưng sẽ về đích trước trong sự phát triển. Trái lại, nếu chúng ta bắt chước các nền văn hóa bên ngoài một cách vô ý thức thì mãi mãi chúng ta sẽ là người đi sau (14).

2. Vấn đề giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay

Về tính cấp thiết

Có thể khẳng định rằng giá trị truyền thống Việt Nam là “hạt nhân” để hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, trước hết là toàn cầu hóa về kinh tế, đã làm đảo lộn nhiều giá trị đã từng được xem là chuẩn mực trong đời sống cộng đồng. Hậu quả đương nhiên xét ở lĩnh vực văn hóa là dễ tạo ra thói quen quên lãng truyền thống, lối sống gấp gáp, không tình không nghĩa, không còn lý tưởng…

Nói một cách khác, những thay đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở nước ta trong những năm qua, nhất là quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường mở cửa hội nhập quốc tế, đã tạo nên những biến động mạnh mẽ trong đời sống tinh thần cho học sinh, sinh viên. Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, học sinh, sinh viên rất nhạy cảm với cái mới, chịu ảnh hưởng to lớn của những tác động bên ngoài. Những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận học sinh, sinh viên, làm thay đổi các quan điểm của họ về giá tri truyền thống của dân tộc, ảnh hưởng không tốt đến lối sống, nếp sống của học sinh, sinh viên. Điều đáng lo ngại là sự sa sút về phẩm chất, đạo đức ở một bộ phận học sinh, sinh viên, thể hiện ở xu thế chạy theo những giá trị vật chất đơn thuần, có tư tưởng sùng ngoại (đua đòi theo các giá trị văn hóa ngoại lai), từ đó coi thường những thuần phong mỹ tục, hoặc tệ hơn là lãng quên những giá trị truyền thống của dân tộc.

Ngoài những nguy cơ trực tiếp từ quá trình toàn cầu hóa cần phải kể đến nguy cơ làm xói mòn giá trị truyền thống từ chính việc gia tăng của các yếu tố phản giá trị. Như đã đề cập, ngoài những giá trị truyền thống ưu trội, một bộ phận người Việt cũng có những thói hư tật xấu mang tính phản giá trị: sự vụ lợi, hám tiền, cá nhân, sính ngoại, sĩ diện, tự ti, tham vặt, thực dụng, cậy thế, vô kỷ luật, thờ ơ, lười biếng, thích hưởng thụ, tính thụ động… Những yếu tố phản giá trị được kích thích bởi môi trường mang tính chất “mở” của quá trình toàn cầu hóa đã ngày càng có xu hướng gia tăng và biến đổi ngày càng phong phú về hình thức biểu hiện. Chúng ta dễ thấy những yếu tố phản giá trị biểu hiện thông qua các thói hư, tật xấu của người Việt trong thời hội nhập nơi nhiều phương diện của đời sống xã hội Việt Nam như chính trị, giáo dục, y tế, văn hóa nghệ thuật, khoa học, giao thông...

Tất cả sự tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, kinh tế thị trường và sự gia tăng của các yếu tố phản giá trị đã bủa vây người Việt, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên trong việc tìm đến những giá trị tốt đẹp thực sự. Vì vậy, việc giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh, sinh viên là vấn đề rất cấp thiết nhằm giúp họ nhận ra những giá trị đích thực và sức sống lâu bền của các giá trị truyền thống dân tộc.

Để thực hiện việc giáo dục giá trị truyền thống cho đối tượng học sinh, sinh viên thì chủ thể giáo dục chủ yếu nhất là nhà trường, cùng phối hợp với nhà trường là gia đình và cộng đồng, mới có thể đạt được hiệu quả mong muốn.

Một số kiến nghị trong việc giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh, sinh viên

Một là, giáo dục kiến thức cho học sinh, sinh viên đòi hỏi phải song hành với giáo dục giá trị truyền thống

Giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh, sinh viên không phải là vấn đề đơn giản mà nhà trường có thể một mình tiến hành được, lại càng không phải nhất thành bất biến. Giáo dục nhân cách toàn diện cho thanh niên sinh viên bao gồm giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Với chính trị, là thái độ làm chủ tham gia các sinh hoạt xã hội, có thái độ đúng đắn trước sự kiện chính trị, xã hội. Với đạo đức, là lòng nhân ái, tôn trọng các giá trị truyền thống của dân tộc, lối sống văn minh, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, trách nhiệm của cá nhân trước cộng đồng. Trên cơ sở đó, học sinh, sinh viên mới đủ năng lực thẩm thấu những giá trị truyền thống của dân tộc, tự bảo vệ và chống lại những phản giá trị và có một “màng lọc” với các giá trị ngoại lai.

Hai là, giáo dục giá trị truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh, bằng tấm gương người tốt, việc tốt

Bằng nhiều hình thức đa dạng như giáo dục thẩm mỹ, báo cáo chuyên đề, thông tin, quảng cáo, bài trừ các tệ nạn mê tín, dị đoan, văn hóa phẩm độc hại, đẩy mạnh tuyên truyền những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc, của các vùng, miền, đa dạng hóa các hoạt động lễ hội. Tổ chức cuộc vận động “Tuổi trẻ sống đẹp”, “Sống làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động thể thao… Giáo dục thẩm mỹ bằng tấm gương người tốt, việc tốt sẽ thôi thúc học sinh, sinh viên sáng tạo nhiều cái đẹp, đó là nền tảng hình thành đời sống văn hóa của dân tộc. Một biện pháp quan trọng khác nữa là giáo dục bằng sách, báo và các loại hình nghệ thuật, nhằm hướng con người vươn tới cái đẹp, điều này tự nó sẽ tạo ra cơ chế phản ứng lại những phản giá trị trong văn hóa.

Ba là, giáo dục lòng tự hào dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, có nếp sống văn hóa, tác phong văn minh, hiện đại chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa

Trong xu thế quốc tế hóa, không có một quốc gia nào có thể tách biệt với thế giới bên ngoài. Hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa diễn ra sôi động. Trước hết, phải đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ các nhà hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật những người kinh doanh có tài năng, bản lĩnh, tâm huyết với dân tộc, tiếp thu văn hóa, văn minh của nhân loại làm giàu văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế, giữ gìn những giá trị tinh hoa của dân tộc phát triển đất nước; Thứ hai, thành lập các trung tâm Việt Nam học ở một số nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, quản lý tốt mạng internet cả hai chiều; Thứ ba, thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học với các tổ chức quốc tế về giá trị truyền thống, về văn hóa và con người Việt Nam, qua đó thế giới hiểu được về chúng ta hơn và chúng ta có điều kiện tiếp thu các giá trị tinh hoa của nhân loại, tìm hiểu các mô hình giữ gìn, bảo tồn và giáo dục giá trị truyền thống của các nước; Thứ tư, sưu tầm, chọn lọc những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài và ngược lại; Thứ năm, có sự quản lý chỉ đạo thống nhất, phân công rành mạch trong hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, biết chọn lọc, định hướng cho phù hợp với giá trị truyền thống của dân tộc; Thứ sáu, đưa nội dung văn hóa, văn minh của các nước vào chương trình học của các cấp với thời lượng thích hợp; Thứ bảy, coi trọng sự trong sáng của tiếng Việt trong việc học và đẩy mạnh hơn nữa công việc học ngoại ngữ; Thứ tám, nâng cao tính tự giác, rèn luyện, học tập các giá trị truyền thống đối với việc xây dựng lối sống mới của học sinh, sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Với bề dày truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã viết nên những trang sử vẻ vang trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo lập nên những giá trị truyền thống đặc sắc riêng của dân tộc Việt Nam. “Ôn cố tri tân” là nhiệm vụ của các thế hệ tiếp nối. Vì vậy, hiểu đúng, lựa chọn phương án thích hợp để giáo dục giá trị truyền thống dân tộc cho tầng lớp trẻ nhất là học sinh, sinh viên sẽ là bệ đỡ vững chắc để phát triển mọi mặt của đời sống đất nước, để “hòa nhập mà không hòa tan” nhằm xây dựng hệ giá trị mới của Việt Nam với phương châm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

___________________

1. F.Mayor, Ban đầu và cuối cùng là văn hóa, Tạp chí Người đưa tin UNESCO, số 10, 1994.

2, 4, 5. Hồ Sĩ Quý, Về giá trị và giá trị châu Á, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.52-54, 41, 54.

3. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.11.

6. Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, 1993, tr.93.

7. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2010, tr.14.

8. Phạm Minh Hạc, Giá trị học, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2012, tr.30.

9. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, tái bản, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.417, 418.

10, 15. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, tái bản, Nxb Đồng Tháp, 1998, tr.24, 25.

11, 16. Pier Huard và Maurice Durand, Hiểu biết về Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.133, 135.

12. Nguyễn Tấn Đắc, Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr.266, 260.

13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.56.

14. Nguyễn Văn Trung, Phát triển, hội nhập mà vẫn bảo vệ được con người và văn hóa Việt Nam, trong Văn hóa Việt Nam - một chặng đường, Nxb Văn hóa - Thông tin và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 1994, tr.151 - 161.

NGUYỄN THỊ HẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024

;