Tìm hiểu thông tin, truyền thông đối ngoại trong bối cảnh công nghệ số và hội nhập quốc tế

Liền chị mời trầu các nữ đại sứ và trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thưởng thức chương trình dân ca quan họ Bắc Ninh - Ảnh: baoquocte.vn

1. Vai trò của thông tin, truyền thông đối ngoại trong hội nhập quốc tế và định hướng dư luận xã hội

Đại từ điển tiếng Việt định nghĩa “Thông tin”: Động từ: Truyền tin, đưa tin báo cho nhau biết. Danh từ: Tin tức về các sự kiện diễn ra trong thế giới xung quanh (1).

 Theo Luật Tiếp cận thông tin của Việt Nam thì: “Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra” (2). Do vậy, thông tin đối ngoại hướng đến đối tượng nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia. Từ những cách tiếp cận khái niệm thông tin đối ngoại đã đề cập ở trên, theo chúng tôi: Thông tin đối ngoại là hoạt động của quốc gia hướng đến đối tượng ngoài nước nhằm đạt được nhận thức, thái độ hành vi tích cực về quốc gia đó.

Định nghĩa thông tin đối ngoại, theo Nghị định 72/2015/NĐ-CP ngày 7-9-2015 của Chính phủ về Quản lý hoạt động thông tin đối ngoại: “Thông tin đối ngoại bao gồm thông tin chính thức về Việt Nam, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam và thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam”. Trong đó, “thông tin chính thức về Việt Nam là thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về tình hình Việt Nam trên các lĩnh vực” (3).

Tác giả Minh Khôi đề cập đến khái niệm truyền thông đối ngoại như sau: “Truyền thông đối ngoại là hoạt động có chủ đích của một quốc gia hướng tới chính phủ và nhân dân các quốc gia khác để thông tin mọi mặt về quốc gia mình, nhằm xây dựng hình ảnh quốc gia ở bên ngoài theo cách mà quốc gia đó mong muốn” (4). Ở Việt Nam công tác truyền thông đối ngoại của Đảng, Nhà nước là nhằm làm cho thế giới hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam. Theo tác giả Lương Ngọc Vĩnh, truyền thông đối ngoại được hiểu là “hoạt động truyền thông tổng hợp được thực hiện trên phạm vi thế giới nhằm củng cố và mở rộng quan hệ của Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế” (5). Mục đích của truyền thông đối ngoại là thực hiện và đảm bảo quyền công dân, quyền con người quy định tại điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (6).

Ở góc độ tiếp cận trong phạm vi nghiên cứu của khoa học liên ngành, theo chúng tôi: Thông tin đối ngoại hay truyền thông đối ngoại Việt Nam là hoạt động thông tin, tuyên truyền trong công tác tư tưởng của Đảng, Nhà nước nhằm làm cho các quốc gia, người nước ngoài, người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài có nhận thức đúng, thái độ hành vi tích cực về Việt Nam.

Vai trò của thông tin, truyền thông đối ngoại

Thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại và công tác tư tưởng. Đối với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, chúng ta lại có những nét mới trong công tác ngoại giao và những điểm mới trong chính sách đối ngoại.

Trong những năm qua, thông tin đối ngoại đã góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Việt Nam, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển và hải đảo, khuyến khích, động viên đồng bào ta ở nước ngoài gắn bó với quê hương, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.

Thông tin đối ngoại còn giúp nhân dân trong nước tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa của nhân dân thế giới, góp phần cùng nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng của Đảng và là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội giúp đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

2. Một số giải pháp để thông tin, truyền thông đối ngoại hiệu quả

Một là, nắm vững quan điểm của Đảng và quy định của Nhà nước về hoạt động thông tin, truyền thông đối ngoại

Thực hiện đúng Kết luận số 57-KL/TW ngày 15-6-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới: Gắn kết chặt chẽ, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm giữa thông tin, truyền thông đối ngoại với thông tin tuyên truyền trong nước; lấy tuyên truyền trong nước thúc đẩy luồng thông tin tích cực về Việt Nam của truyền thông quốc tế. Truyền thông trong nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong định hình xu hướng dư luận về Việt Nam; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; triển khai đồng bộ, hài hòa, đồng thời phát huy thế mạnh riêng của tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Đồng thời, nâng cao khả năng, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tiếp nhận, nhận diện, tự xử lý và đấu tranh hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn trong cuộc chiến thông tin, truyền thông của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị. Phát huy dân chủ, tự do báo chí, tự do ngôn luận đi đôi với kỷ luật phát ngôn, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức thông tin, truyền thông đối ngoại theo phương châm “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”, phù hợp với nhu cầu của các đối tượng, khu vực, địa bàn trong và ngoài nước, trọng tâm là các quốc gia, vùng lãnh thổ có ảnh hưởng lớn đến phát triển đất nước, trong đó:

Chủ động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới, tạo dư luận thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của đất nước; nỗ lực giành thế chủ động trên mặt trận dư luận trong nước và quốc tế; tranh thủ tình cảm, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia - dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; chủ động nguồn tin, truyền tải các thông điệp đối ngoại của Đảng và Nhà nước về các sự kiện quốc tế mà dư luận quan tâm.

Sáng tạo về nội dung, phương thức thông tin, truyền thông đối ngoại và phát triển lực lượng theo hướng chú trọng đến tính quốc tế của nội dung; ứng dụng công nghệ hiện đại và mang tính đặc thù của Việt Nam về phương thức; mở rộng, phát triển các lực lượng làm thông tin, truyền thông đối ngoại, bao gồm cả hệ thống chính trị, Nhân dân trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế.

Hai là, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về hoạt động thông tin, truyền thông đối ngoại

Truyền thông đối ngoại ảnh hưởng rất lớn đến dư luận trong nước và quốc tế, do đó người làm truyền thông đối ngoại cần biết và thực hiện tốt các quy định tại Điều 3 của Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 7-9-2015 về quản lý công tác thông tin đối ngoại quy định cụ thể như sau: 1. Tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tuân thủ pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại. 2. Bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, uy tín, hình ảnh, quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế của Việt Nam; bảo vệ bí mật nhà nước. 3. Không kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; không kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước. 4. Bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời theo đúng định hướng thông tin tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ cũng như các chương trình, kế hoạch thông tin đối ngoại đã được phê duyệt; không đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Ba là, hiểu rõ đối tượng mà chúng ta hướng đến để có nội dung hình thức tuyên truyền thông tin đối ngoại hiệu quả

 Đối tượng thông tin đối ngoại khác cơ bản với thông tin đối nội. Đối tượng của thông tin tuyên truyền đối ngoại có thể phân chia ra hai loại đối tượng: đối tượng bên ngoài ở tại các nước (bao gồm cả người nước ngoài và Việt kiều) và đối tượng bên trong (gồm người nước ngoài ở Việt Nam).

Về đối tượng bên ngoài ở các nước:

Chính giới: gồm các nghị sĩ Quốc hội, quan chức chính phủ, các chính khách, các nhà hoạt động chính trị ở các cấp. Đây là nhóm đối tượng có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại. Giới kinh doanh: là các công ty, các nhà đầu tư, kinh tế, tài chính. Đây là một lực lượng có vai trò đầu tư tích cực, rất quan trọng trong việc thực thi các chiến lược kinh tế của nước họ ở nước ngoài, chúng ta cần cung cấp cho họ thông tin về chính sách kinh tế, các biện pháp khuyến khích đầu tư, các lợi ích kinh tế cụ thể mà họ có thể thu hoạch được khi làm ăn với Việt Nam, qua đó tạo thuận lợi hơn nữa cho việc làm ăn kinh doanh của họ ở Việt Nam. Giới học giả: là các nhà nghiên cứu, các giáo sư giảng dạy tại các trường đại học hoặc các trung tâm nghiên cứu. Tại các nước, nhóm đối tượng này có vai trò tư vấn trong việc tham gia hoạch định hoặc thẩm định chính sách đối nội và đối ngoại. Do đó, thông qua họ tạo dư luận tốt cho hình ảnh Việt Nam trong giới học giả. Quần chúng nhân dân các nước: là nhóm đối tượng đông đảo nhất và nếu được vận động, họ sẽ trở thành một lực lượng hậu thuẫn hùng hậu. Sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với Việt Nam trong thời gian chiến tranh là một minh chứng. Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn hoặc định cư ở nước ngoài: với hàng triệu người Việt sống rải rác trên khắp thế giới, cộng đồng người Việt đóng vai trò cầu nối văn hóa và phần nào là cầu nối kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước nơi họ sinh sống.

Về đối tượng ở trong nước:

Cộng đồng người nước ngoài đến giao lưu sinh sống ở Việt Nam: các quan chức, nhân viên thuộc các cơ quan đại diện ngoại giao, đoàn ngoại giao; các đại diện, nhân viên các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ; các nhà đầu tư, kinh doanh, chuyên gia các lĩnh vực, các đoàn khách đến thăm viếng, khách du lịch, đặc biệt chú ý tới đội ngũ phóng viên báo chí nước ngoài đang hoạt động báo chí tại Việt Nam (bao gồm phóng viên thường trú và phóng viên nước ngoài đến Việt Nam tác nghiệp trong thời gian ngắn), sinh viên trí thức, họ có thể tạo ra dư luận thuận lợi hoặc bất lợi cho ta. Do đó, mục đích của công tác thông tin đối ngoại là đem lại cho họ những ấn tượng tốt đẹp, dư luận tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam.

Đông đảo nhân dân cũng là một đối tượng đặc biệt của thông tin đối ngoại bên cạnh người nước ngoài ở Việt Nam. Hiện nay, trình độ dân trí ngày càng tăng và nhân dân ngày càng có những nhận thức sâu sắc hơn về tình hình trong nước và quốc tế, công tác thông tin đối ngoại cần được tăng cường nhằm đem lại cho nhân dân nhận thức đúng đắn nhất về chính sách của Đảng và Nhà nước, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Bốn là, bám sát nhiệm vụ của công tác thông tin, truyền thông đối ngoại trong thời đại 4.0

Kết luận số 16-KL/TW, ngày 14-2-2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020 đã chỉ rõ 5 nhiệm vụ chính: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động thông tin đối ngoại; Đổi mới nội dung, tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc; Đa dạng hóa hình thức, phương thức thông tin phong phú, tranh thủ tối đa các lực lượng thông tin truyền thông, các thành tựu khoa học, công nghệ trong hoạt động thông tin đối ngoại. Tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài; Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia công tác thông tin đối ngoại; Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho công tác thông tin đối ngoại.

Thông tin, truyền thông đối ngoại có vai trò quan trọng trong bối cảnh công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Thông tin, truyền thông đối ngoại góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, 2045. Thông tin, truyền thông đối ngoại khẳng định tính ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người làm thông tin, truyền thông đối ngoại cần dựa chắc vào các quan điểm của Đảng, các quy định của Nhà nước để truyền thông hiệu quả vừa định hướng được dư luận xã hội, vừa tránh được những sai lầm khi làm công tác truyền thông trong bối cảnh hiện nay.

________________

1. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, TP.HCM, 1998, tr.1587.

2. Điều 2, Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13, ngày 6-4-2016.

3. Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 72/2015/NĐ-CP, Về quản lý hoạt động Thông tin Đối ngoại, ngày 7-9-2015.

4. Minh Khôi, Truyền thông đối ngoại: Nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của Hà Nội, Tạp chí Cộng sản, 27-11-2020.

5. Lương Ngọc Vĩnh, Công tác tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ mới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.167-168.

6. Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

PGS, TS NGUYỄN TẤT ĐẠT:

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;