Sự chuyển dịch về văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Sự chuyển dịch trong các hình thức đọc từ sách giấy sang các định dạng số như sách điện tử (Ebook) và sách nói (Audiobook) đã mang lại những thay đổi vượt bậc cho ngành Xuất bản và thay đổi thói quen đọc của một bộ phận độc giả. Công nghệ số cung cấp sự tiện lợi và giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin rộng lớn, nhưng cũng thách thức vị thế lâu đời của sách giấy truyền thống, đòi hỏi các nhà xuất bản (Nxb) phải chuyển đổi và thích ứng để đáp ứng nhu cầu của độc giả trong kỷ nguyên số.

Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong kỷ nguyên số, nơi mà sách điện tử và sách nói dần trở thành những phương tiện phổ biến. Sự chuyển dịch này không chỉ là sự thay đổi về công cụ đọc mà còn phản ánh sâu sắc các thay đổi trong hành vi và tâm lý người đọc trong xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch này cũng không thiếu những thách thức bởi một bộ phận không nhỏ người đọc vẫn trung thành với sách giấy do giá trị truyền thống, giá trị sưu tầm và cảm giác vật lý mà sách giấy mang lại. Cùng với đó, vấn đề bản quyền sách điện tử và sách nói cũng trở thành một mối quan tâm lớn, khi mà việc phân phối và sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến vi phạm quyền tác giả.

1. Các khái niệm cơ bản

Theo điều 4, Luật Xuất bản, thuật ngữ sách điện tử được hiểu là một dạng của xuất bản phẩm điện tử. Có thể hiểu đây là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua Nxb hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình thức tệp kỹ thuật số, được sử dụng qua các thiết bị cá nhân như điện thoại, máy tính bảng, máy đọc sách (1).

Thuật ngữ sách nói là một dạng của xuất bản phẩm điện tử, là “tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua Nxb hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình thức âm thanh hóa (2).

2. Sự ra đời phát triển sách điện tử và sách nói

Tại Đại học Benedictine (Illinois, Hoa Kỳ), Micheal Hart, một sinh viên tò mò và đam mê khám phá đã sử dụng một chiếc máy tính cũ và quyết định nhập bản sao của Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ vào máy. Không ai, kể cả bản thân Micheal Hart cũng không thể ngờ hành động tưởng chừng như đơn giản ấy lại mở đầu cho một cuộc cách mạng mới trong cách tiếp cận thông tin từ tài liệu theo một hình thức tiện lợi hơn. Từ đó, anh đã tạo ra dự án Gutenberg, mục đích là số hóa các tác phẩm văn học và phát hành chúng miễn phí trên internet (3). Năm 1998, SoftBook và NuvoMedia ra mắt các thiết bị đọc sách điện tử đầu tiên trên thế giới. Năm 2000, Adobe và Microsoft cho ra mắt phần mềm đọc sách điện tử, dấu hiệu đầu tiên của thương mại hóa sách điện tử trên các nền tảng số. Năm 2007, Amazon ra mắt Kindle, thiết bị đọc sách điện tử cho phép người dùng mua, tải sách, lưu trữ và đọc sách một cách tiện lợi. Cho tới nay, Kindle vẫn đang là một trong những thương hiệu đi đầu về thiết bị đọc sách điện tử. Một thiết bị cho phép người đọc có thể mang theo tới bất cứ đâu và đọc sách bất cứ khi nào (4).

Sách điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội: thuận lợi trong việc di chuyển, cho phép người đọc mang đi mọi lúc, mọi nơi; có thể lưu trữ tới hàng ngàn cuốn sách; cho phép người đọc điều chỉnh về kích cỡ, kiểu chữ, độ sáng màn hình phù hợp với cá nhân của người đọc; việc mua bán và tải các sách điện tử diễn ra nhanh và gọn, người đọc không cần phải đi lại hoặc chờ thời gian vận chuyển.

Tuy nhiên, sách điện tử cũng có những hạn chế nhất định: cần một thiết bị khá đắt tiền (thường là vài triệu trở lên) để lưu trữ và tải sách; cần sạc pin để dùng, bất tiện nếu đi tới địa điểm nào đó bị hạn chế về điện năng; nhiều định dạng chưa thực sự tương thích với các thiết bị đọc sách trên thị trường; không có nhiều giá trị sưu tầm như sách giấy...

Khởi đầu của sách nói được cho là vào những năm 1930, khi Công ty American Foundation for the Blind và Cục Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu sản xuất những bản ghi âm sách để hỗ trợ cho người khiếm thị và những người có các vấn đề về thị lực và khả năng đọc.

Ban đầu, sách nói được ghi âm trên đĩa vynil. Tới những năm 1960 và 1970, khi công nghệ ghi âm phát triển mạnh mẽ thì sách nói được lưu trên cassette. Sự bùng nổ của internet và công nghệ giai đoạn 1990-2000 đã giúp cho sách nói được phổ biến rộng rãi với số lượng lớn hơn. Sách nói có thể được dễ dàng tải xuống qua những thiết bị có kết nối internet. Năm 2021, nền tảng âm nhạc số nổi tiếng nhất thế giới Spotify cũng đầu tư vào sách nói, mở ra một cơ hội cực kỳ lớn cho tương lai của ngành Xuất bản với thị trường sách nói (5).

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ khiến sách nói ngày càng phát triển và trở nên phổ biến trong xã hội, mang lại sự tiện lợi cho người sử dụng. Sách nói chỉ yêu cầu người đọc có thiết bị như điện thoại di động hoặc thiết bị có thể nghe. Người nghe có thể nghe sách mọi lúc, mọi nơi thậm chí cả khi làm việc nhà hoặc tập thể dục, giúp chúng ta tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Sách nói cũng giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc học ngôn ngữ mới.

Tuy nhiên, sách nói cũng có những hạn chế nhất định: có thể khiến cho quá trình suy ngẫm trong việc đọc giảm, bởi nhiều người tận dụng thời gian làm những việc khác để nghe, điều này tạo ra sự phân chia việc xử lý thông tin trong bộ não, tạo ra sự thiếu tập trung hoàn toàn cho nhiệm vụ tư duy khi nghe sách; không dễ dàng trong việc tra cứu đến một trang nhất định nào đó khi cần theo chỉ mục; phụ thuộc khá nhiều vào giọng đọc của người truyền tải nên những văn bản phức tạp như các công thức, thuật toán hay những vấn đề về kỹ thuật cũng sẽ khó khăn hơn khi nghe.

3. Sự chuyển dịch về văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Tạo ra sự thay đổi trong quy trình và phân phối sách

Sự tiến bộ của công nghệ và internet đã mang lại những thay đổi sâu sắc trong quy trình xuất bản và phân phối sách, tác động to lớn đến ngành công nghiệp xuất bản sách truyền thống. Trước đây, quy trình xuất bản và phân phối sách thường rườm rà và tốn nhiều thời gian. Tác giả phải tìm kiếm và liên lạc với các Nxb, sau đó gửi bản thảo sách để biên tập xem xét và chỉnh sửa. Sau khi bản thảo được chấp nhận, công việc in ấn và phân phối sách cũng mất khá nhiều thời gian và công sức, thậm chí có thể mất nhiều tháng hoặc vài năm mới đến tay độc giả. Tuy nhiên, với sách điện tử và sách nói quy trình xuất bản và phân phối sách đã trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn. Nhiều công ty xuất bản đã chuyển từ in ấn truyền thống sang xuất bản điện tử. Tác giả hiện nay có thể tạo ra và phân phối sách của mình thông qua các nền tảng trực tuyến hoặc tự phát hành sách điện tử.

Với sự phổ biến ngày càng nhanh của sách điện tử và các thiết bị đọc sách thông minh, người đọc có thể dễ dàng tiếp cận với hàng ngàn tựa sách khác nhau. Các dịch vụ xuất bản và phân phối sách trực tuyến không chỉ đơn thuần là việc cho phép độc giả đọc sách trên các nền tảng khác nhau mà còn cung cấp cho người đọc những trải nghiệm độc đáo hơn: người đọc có thể đọc thử trước một vài trang sách, nhận được các gợi ý về các tác phẩm mới dựa trên sở thích cá nhân, tương tác trực tiếp với các tác giả qua phần bình luận... Nhìn chung, sự thay đổi trong quy trình xuất bản và phân phối sách đã mang đến những tiềm năng và cơ hội mới cho cả tác giả và người đọc.

Dù vậy, việc xuất bản sách truyền thống vẫn có vai trò đáng kể và được đánh giá cao bởi một số lượng lớn độc giả. Một nghiên cứu được thực hiện với 7.800 người đến từ 41 quốc gia khác nhau vào tháng 3-2019 cho thấy sách điện tử và sách nói khá phổ biến với các quốc gia khác, nhưng đối với độc giả Việt Nam thì sách giấy vẫn luôn được yêu thích nhất. 54% người được hỏi đã mua sách tại cửa hàng truyền thống và 29% đặt mua sách tại cửa hàng sách online (6). Việc duy trì sự đa dạng trong cả hai hình thức xuất bản sách là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu và sở thích của độc giả. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, xu hướng điện tử, số hóa đang phát triển mạnh mẽ và sẽ tiếp tục thay đổi cả quy trình xuất bản sách và thị trường sách trên toàn thế giới.

Sự thích ứng của các Nxb

Trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và thay đổi nhanh chóng, các Nxb đã phải điều chỉnh để phù hợp với những xu hướng mới trong thói quen đọc của công chúng. Nhận thức rõ sự thay đổi trong cách tiếp cận thông tin của các thế hệ mới, nhất là thế hệ Y (sinh từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 1990) và thế hệ Z (sinh từ giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2010), các Nxb đã không ngừng đổi mới và mở rộng các sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu này.

Hai thế hệ trẻ này đã được tiếp cận, sử dụng các thiết bị di động một thời gian khá dài và dành khá nhiều thời gian cho các thiết bị đó. Từ đó mở ra cơ hội cho các Nxb tiếp cận những đối tượng độc giả này qua việc cung cấp sách điện tử và sách nói, phù hợp với các thiết bị sẵn có và lối sống năng động của các thế hệ người trẻ.

Các Nxb cũng đang khai thác lợi thế của công nghệ số để tạo ra các giá trị đặc biệt hơn cho sách nói và sách điện tử. Một số Nxb đã tạo ra những phiên bản sách mà người đọc có thể chọn lựa các yếu tố của sách theo sở thích cá nhân, thiết lập được kích thước chữ, lựa chọn màu nền cho sách…. Thậm chí, tích hợp đa phương tiện bao gồm âm thanh, video, và các tương tác với sách, làm phong phú thêm trải nghiệm đọc sách.

Ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng cộng đồng trực tuyến thông qua các fanpage, diễn đàn, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội, các Nxb đã bắt đầu chú ý xây dựng thương hiệu thông qua các kênh mạng xã hội, đồng thời tích cực tổ chức các buổi thảo luận, workshop… làm tăng khả năng tương tác với độc giả và kéo dần khoảng cách giữa độc giả với các tác giả. Từ đó, thúc đẩy, duy trì sự quan tâm đến sách và tạo động lực cho thói quen đọc sách của độc giả.

Những lo lắng về vấn đề bản quyền

Khi nội dung số ngày càng phổ biến, các vấn đề về bản quyền đã trở thành mối quan tâm lớn trong ngành công nghiệp xuất bản. Sách điện tử và sách nói có thể được sao chép, nhân bản và chia sẻ dễ dàng qua internet, dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền trên diện rộng. Điều này không chỉ gây thiệt hại về mặt tài chính mà còn tạo ra tâm lý lo lắng, e ngại về bản quyền cho các tác giả và Nxb khi họ có những ý tưởng sáng tạo.

Việc theo dõi và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng rất phức tạp và đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế. Bởi lẽ, một cuốn sách có thể không được sao chép và chia sẻ ở quốc gia này, nhưng lại có nhiều người chia sẻ tại quốc gia khác, khiến cho những người quản lý rất khó để kiểm soát và xử lý vi phạm. Vấn đề này đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý mang tính toàn cầu rõ ràng nhằm đảm bảo các quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng và bảo vệ một cách tối đa.

Gây ra sự phụ thuộc vào công nghệ, ảnh hưởng tới thói quen và sức khỏe của độc giả

Mặc dù sự chuyển dịch trong văn hóa đọc từ sách giấy sang sách điện tử và sách nói mang lại nhiều lợi ích cho người đọc và tác giả. Tuy nhiên, việc sử dụng hai định dạng sách này có thể gây ra sự phụ thuộc vào công nghệ và ảnh hưởng tới thói quen và sức khỏe của độc giả. Khi đọc sách ở hai định dạng này, người đọc bắt buộc phải sở hữu ít nhất một thiết bị công nghệ, từ đó gây ra sự phụ thuộc vào công nghệ, làm giảm khả năng tương tác trực tiếp và kỹ năng giao tiếp của con người, khi mọi hoạt động từ học tập đến giải trí đều được thực hiện thông qua màn hình.

Việc dành nhiều giờ để nhìn vào màn hình thiết bị điện tử có thể gây ra mỏi mắt, đau đầu và rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là sử dụng thiết bị trước khi đi ngủ. Hơn nữa, sự thu hút của nội dung số có thể khiến người đọc dành ít thời gian hơn cho các hoạt động thể chất và tương tác xã hội trực tiếp. Ngoài ra, việc nghe sách nói liên tục có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung và sâu của người đọc, làm giảm khả năng đọc hiểu và phân tích nội dung phức tạp. Các thông báo và tính năng đa nhiệm trên thiết bị đọc điện tử cũng làm người đọc mất tập trung, gây ra sự gián đoạn trong quá trình đọc và học tập, ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức và suy nghĩ của người đọc.

Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng thâm nhập sâu vào mọi mặt của cuộc sống, ngành Xuất bản phải liên tục thích ứng với sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu đọc sách của công chúng; bao gồm việc phát triển và cải tiến các nền tảng đọc sách điện tử và sách nói, cũng như tìm kiếm cách thức bảo vệ bản quyền tác giả một cách hiệu quả trong môi trường số. Đồng thời, cần xem xét các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và thói quen đọc của người dùng để tạo ra một môi trường đọc sách lành mạnh và bổ ích.

_______________

1, 2. Luật Xuất bản 2012, Luật số: 19/2012/QH13.

3. Background to Project Gutenberg (Bối cảnh của dự án Gutenberg), gutenberg.net.au.

4. Samantha Graham, The History Of eBooks: From 1930 To Today (Lịch sử của sách điện tử: từ năm 1930 tới nay), bookstr.com, 6-10-2022.

5. Matthew Rubery, Introduction: Audiobooks, Literature, and Sound Studies (Giới thiệu: sách nói, tổng quan và nghiên cứu âm thanh), Nxb Routledge, 2011.

6. Khảo sát thói quen đọc sách của người Việt: Chuộng sách giấy hơn ebook hay audio, thể loại yêu thích nhất là tiểu thuyết hư cấu, viễn tưởng, vietnamnet.vn, 1-5-2019.

Ths NGUYỄN THÚY LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;