Giải pháp tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Công tác triển khai tổ chức thực hiện

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ - TTg ngày 8/5/2018 về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, Bộ VHTTDL  ban hành Quyết định số 3727/QĐ-BVHTTDL ngày 1/10/2018 về việc phê duyệt đề án Tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả các nội dung Đề án tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4013/KH-UBND ngày 15/11/2018 về việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh; Công văn số 3717/UBND - VP ngày 9/10/2020 về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh; ban hành Kế hoạch số 274/KH-SVHTTDL ngày 27/2/2019 của Sở VHTTDL về việc kiểm tra việc triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Các văn bản triển khai đã tạo cơ sở pháp lý để thống nhất việc rà soát, quản lý, xây dựng, thực hiện, bảo đảm nội dung và hình thức của hương ước, quy ước; trình tự, thủ tục soạn thảo, công nhận phê duyệt; việc sửa đổi, bổ sung, quản lý hương ước, quy ước.

Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã tổ chức tập huấn việc xây dựng và thực hiện quy ước tới lãnh đạo các phòng chuyên môn cấp huyện như Văn hóa - Thông tin, Tư pháp, UBMTTQ; cấp xã: lãnh đạo UBND, công chức văn hóa xã hội, công chức phụ trách tư pháp và trưởng thôn, KDC, trưởng ban Công tác mặt trận trên địa bàn toàn tỉnh.

Ban còn hướng dẫn các địa phương đưa nội dung về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước vào nội dung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” như thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội, bảo vệ môi trường, việc xây dựng các danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa...; hướng dẫn ghi nhận các phong tục, tập quán tiến bộ để bổ sung vào hương ước, quy ước… vận động loại bỏ, không áp dụng các nội dung trái pháp luật, trái phong tục, tập quán lạc hậu và không đảm bảo bình đẳng giới, phân biệt đối xử với phụ nữ trong các bản hương ước, quy ước; kiểm tra, đánh giá công tác quản lý hương ước, quy ước; đặc biệt là kết quả tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới hương ước, quy ước; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức sơ kết, tổng kết, thống kê việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước bằng nhiều hình thức phong phú như băng rôn, khẩu hiệu; thông qua các bài viết chuyên đề, phóng sự, bản tin pháp luật phù hợp; phản ánh kịp thời các gương điển hình, các khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước…

Kết quả triển khai thực hiện

Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành triển khai, thống nhất bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo đúng các văn bản chỉ đạo của cấp trên.

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước được các cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Qua kiểm tra, rà soát, đã kịp thời phát hiện những nội dung chưa phù hợp, trái pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung của các bản hương ước, quy ước hầu hết đã bám sát với tình hình thực tế của địa phương, bố cục rõ ràng, mạch lạc - nêu được lịch sử ra đời của thôn, khu dân cư, các phong tục, tập quán của địa phương; truyền thống, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư và các nội dung xây dựng nếp sống văn minh trong sinh hoạt hằng ngày như: việc cưới, việc tang và lễ hội, việc mừng thọ, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, khuyến học, phòng chống tác hại của thuốc lá, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế...

Các huyện, thị xã thành phố đã tiến hành tổ chức rà soát, thống kê hiện trạng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể là tập quán xã hội được ghi nhận trong hương ước, quy ước ở các địa phương để tổ chức bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Nhà nước về di sản văn hóa nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương.

Thông qua việc thực hiện hương ước, quy ước tại các thôn, khu dân cư đã góp phần vào việc hoàn thiện các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tình làng, nghĩa xóm được phát huy; môi trường, an ninh trật tự được tốt hơn... Hạn chế, từng bước loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội; khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, hình thành các giá trị văn hóa mới; việc cưới, việc tang đã đơn giản các thủ tục đảm bảo phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình; chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình. Nhiều địa phương đã hình thành những tập tục mới tốt đẹp như vận động đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm, Nhà văn hóa, công trình công cộng; bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh…

Tính đến hết quý I/2021, đã có 12/12 huyện, thị xã, thành phố ở Hải Dương tổ chức quán triệt nội dung Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg và chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin hướng dẫn cơ sở thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước tại thôn, khu dân cư. Trong số 1.334 thôn, khu dân cư được rà soát, có 1.217 thôn, khu dân cư có hương ước, quy ước chỉnh sửa, bổ sung các nội dung mới phù hợp với thực tiễn đã được Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt, đạt tỷ lệ 91,2%; 117 số hương ước, quy ước chưa được phê duyệt, tỷ lệ 8,77%. Với số lượng lớn hương ước, quy ước đang áp dụng tại các thôn, làng, khu dân cư cho thấy, hương ước, quy ước đã góp phần củng cố và phát huy nếp sống văn hóa mới, bảo vệ và phát huy thuần phong, mỹ tục, các giá trị đạo đức truyền thống trong gia đình, dòng họ; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, tăng cường tính tự quản trong cộng đồng.

Thuận lợi

Việc ban hành hệ thống các văn bản về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đầy đủ đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hoàn thiện hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư. Nhận thức của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước đối với quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư được nâng lên rõ rệt.

Việc quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, triển khai kịp thời các văn bản của Trung ương và tỉnh đã giúp cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về công tác quản lý xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã chủ động tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Công tác phổ biến, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện được các cấp, các ngành quan tâm; gắn với việc thực hiện một số phong trào, cuộc vận động quần chúng, xây dựng nông thôn mới. Việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước để điều chỉnh, quy định các vấn đề mới phù hợp với thực tế.

Hương ước, quy ước có các quy định nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, các công trình hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việc tự giác tuân thủ quy định của hương ước, quy ước góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sản xuất, phòng chống tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật; giải quyết các mẫu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự góp phần tạo môi trường phát triển ổn định và bền vững nên được người dân nhiệt tình tham gia thực hiện.

Khó khăn

Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện việc chỉnh sửa, bổ sung hương ước, quy ước ở một số địa phương chưa được coi trọng, chưa kịp thời cập nhật những quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến đời sống nhân dân khiến hương ước, quy ước chậm được sửa đổi, bổ sung.

Nội dung hương ước, quy ước nhiều nơi còn sơ sài, rập khuôn, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của cộng đồng dân cư. Quá trình xây dựng hương ước, quy ước ở một số nơi cũng chưa đảm bảo tính dân chủ, kỹ thuật trình bày còn nhiều hạn chế.

Công tác tổ chức thực hiện hương ước, quy ước sau khi được công nhận ở một số làng, khu dân cư chưa được chú trọng, tuyên truyền thường xuyên. Nhiều hương ước, quy ước chưa được phát hành đến tận các hộ gia đình, dòng họ nên chưa phát huy hết tác dụng.

Bộ máy quản lý việc thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, khu dân cư là những người kiêm nhiệm, không có chế độ, nên việc quản lý, chỉnh sửa, bổ sung và tuyên truyền cho người dân thực hiện chưa được thường xuyên.

Kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động còn hạn chế, khó khăn.

Nhiệm vụ và giải pháp

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân về việc xây dựng, duy trì, thực hiện hương ước, quy ước; quan tâm rà soát toàn diện công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế những hương ước, quy ước có nội dung chưa phù hợp pháp luật, trái với đạo đức, truyền thống và thuần phong mỹ tục; bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến, thống nhất, đồng bộ và phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư.

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tích cực chỉ đạo tăng cường lồng ghép việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động khác do Trung ương, địa phương phát động.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trong việc thực hiện hương ước, quy ước dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt như: Tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh xã, thôn; tổ chức cuộc họp trong nhân dân, in ấn hoặc trích in những nội dung cơ bản quan trọng của hương ước, quy ước cấp phát cho từng hộ dân hoặc dán, treo ở những nơi công cộng, tập trung đông người trong thôn, khu dân cư; vận động cán bộ, đảng viên, trưởng các dòng họ, các chức sắc tôn giáo gương mẫu thực hiện hương ước, quy ước.

Chú trọng thẩm định, phê duyệt các bản hương ước, quy ước bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật, phù hợp với tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013; huy động sự tham gia của người dân trên địa bàn góp ý dự thảo hương ước, quy ước; quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức Tư pháp, công chức của cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hương ước, quy ước. Bảo đảm cho hương ước, quy ước phát huy vai trò là công cụ tự quản của cộng đồng dân cư, góp phần hỗ trợ pháp luật trong điều chỉnh các mối quan hệ trong nội bộ của cộng đồng trước yêu cầu thực tiễn hiện nay về quản lý xã hội và thực thi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bố trí kinh phí phù hợp cho các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu triển khai công tác quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan phối hợp, huy động, tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia giám sát, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện hương ước, quy ước gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm các vi phạm trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, đặc biệt là những hương ước, quy ước có dấu hiệu xâm phạm hoặc hạn chế các quyền con người, quyền công dân.

Tác giả: Phạm Văn Quyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021

 

;