Hòa Bình: Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 41 - CT/TW về công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Hòa Bình có nhiều chuyển biến tích cực, việc tổ chức lễ hội đảm bảo, quy mô ngày càng lớn, an toàn, tiết kiệm; kinh phí tổ chức lễ hội chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa, việc mời khách tham dự lễ hội và thời gian tổ chức mở hội đảm bảo theo đúng quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, liên tục, các sai phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội được xử lý nghiêm và kịp thời.

Lễ hội Đình Khênh (xã Văn Sơn)

Cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân, khách du lịch thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như: Tuyên truyền lồng ghép tại các buổi sinh hoạt chi bộ, các hội nghị chuyên đề, các buổi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức truyền thông tại các phiên chợ; in tờ gấp, lắp đặt các biển, bảng, pano, hướng dẫn nội quy, quy định ở trong và ngoài di tích; trên trang thông tin điện tử, kênh truyền thanh, truyền hình của và hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn, qua thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch... với các nội dung tuyên truyền như: về lịch sử di tích, ý nghĩa của lễ hội, các quy định về bảo vệ di tích, việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội.

Ở Hòa Bình hiện có hàng trăm địa điểm tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân, trong đó có gần 40 lễ hội lớn đang được bảo tồn và tổ chức như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi (dân tộc Mường, huyện Tân Lạc), Lễ hội Mường Động (huyện Kim Bôi), Lễ hội Mường Thàng (huyện Cao Phong), Lễ hội Xên Bản, Xên Mường (dân tộc Thái, huyện Mai Châu), Lễ hội Gầu Tào (dân tộc Mông, huyện Mai Châu), Lễ hội Lồng tồng (người Tày, huyện Đà Bắc), Lễ hội Đền Chúa Thác Bờ (huyện Đà Bắc và huyện Cao Phong), Lễ hội Chùa Tiên (huyện Lạc Thủy), Lễ hội Chùa Hang (huyện Yên Thủy)…

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các địa phương, công tác quản lý nhà nước về di tích đã được quan tâm, có sự đầu tư hỗ trợ  từ ngân sách để tu bổ, tôn tạo, đồng thời có sự ủng hộ của nhân dân nên một số lễ hội trong tỉnh đã được nâng cấp quy mô, bảo tồn và phát huy, điển hình như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi; Lễ hội Chùa Tiên (Lạc Thủy); Lễ hội Đền Bờ (Cao Phong, Đà  Bắc); Lễ hội Rước Bụt và Lễ hội Đình Cổi (Lạc Sơn)... Các lễ hội đến nay vẫn phát huy tốt giá trị, góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, phục vụ việc phát triển du lịch. Đến nay, có 19/68 di tích được xếp hạng gắn công tác quản lý, bảo vệ phát huy giá trị với hoạt động tổ chức lễ hội.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể còn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo việc tổ chức lễ hội trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Quán triệt cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, phê bình và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

Công tác phát triển, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các công trình nghệ thuật gắn với thu hút đầu tư và du lịch từng bước được đẩy mạnh; đồng thời, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước phục vụ cho phát triển văn hóa. Các địa phương được chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện quy định quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; lập hồ sơ khoa học các hiện vật, di tích và danh thắng; được tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện công tác quản lý nhà nước, tạo cơ chế thuận lợi để đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát huy giá trị di tích. Hiện nay, Hòa Bình có 41 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia; 52 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và hàng chục lễ hội truyền thống. Trong đó, nhiều di tích có giá trị như: Quần thể di tích xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; Hang xóm Trại, huyện Lạc Sơn; địa điểm huấn luyện chính trị Đại hội II Đảng Nhân dân cách mạng Lào; Đền Niệm, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy; quần thể di tích Chùa Tiên, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy...

 Trong những năm qua, Hòa Bình có 3 công trình tín ngưỡng đã xếp hạng các cấp được tiến hành trùng tu, tôn tạo và nâng cấp. Công tác phục dựng lễ hội được quan tâm, qua đó góp phần gìn giữ, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong quản lý và tổ chức lễ hội gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn  hóa, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp, văn minh về lịch sử, văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người Hòa Bình thân thiện, mến khách...

Giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể của nhân dân các dân tộc Hòa Bình là tài sản vô cùng quý giá, phong phú, đa dạng. Những năm gần đây, Hoà Bình đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu như Chiêng Mường và Mo Mường. Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung của Chỉ thị này.

Lễ hội Đình Cổi (xã Vũ Bình)

Công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa Mo Mường được chú trọng, từng bước nâng cao hiệu quả. Một số địa phương đã sát sao chỉ đạo việc khảo sát, đánh giá thực trạng Mo Mường và hoạt động trình diễn Mo Mường trên địa bàn; vận động các nghệ nhân và nhân dân tích cực hoạt động trình diễn Mo Mường để phổ biến rộng rãi, nhất là trong các lễ hội, các hoạt động văn hóa ở cơ sở, hội thi nghệ thuật quần chúng,…; khuyến khích các nghệ nhân giao lưu trình diễn Mo Mường giữa các địa phương, các vùng để lưu giữ, làm phong phú, bổ sung, hoàn thiện các áng Mo, bài Mo, nhất là những áng Mo cổ đang có nguy cơ mai một. Đồng thời, tuyên truyền không lợi dụng Mo Mường để hoạt động mê tín dị đoan hay tổ chức các hoạt động tín ngưỡng trái với quy định của pháp luật. Đặc biệt, huyện Tân Lạc đã quan tâm đầu tư kinh phí xuất bản sách và đĩa CD bộ Mo Mường Bi; lập Đề án xây dựng bộ từ điển Mo Mường, giúp người đọc, người nghe hiểu rõ các từ ngữ người Mường cổ, các địa danh nêu trong các bài Mo nhằm phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và quảng bá du lịch. Hiện nay, Hòa Bình đã xây dựng hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền đề nghị Unesco công nhận Mo Mường là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hòa Bình hiện có 2.068 đội văn nghệ quần chúng. Hằng năm, tổ chức được 8.000 đợt biểu diễn phục vụ trên 4.000.000 lượt người xem. Từ năm 2012, các đội văn nghệ quần chúng thôn, xóm, khu dân cư được hỗ trợ kinh phí 2.000.000 đồng/đội/năm để duy trì hoạt động. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các Hội thi thông tin cổ động, liên hoan nghệ thuật quần chúng nhằm thúc đẩy các phong trào từ cơ sở, thu hút hàng nghìn lượt diễn viên, nghệ nhân tham gia. Nhiều chương trình, tiết mục đạt chất lượng cao, dàn dựng công phu, đặc sắc với các chuyên đề về dân gian, dân tộc ở cơ sở, tạo không khí vui tươi và lành mạnh trong cộng đồng. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 337/2020/NQ-HĐND Quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Theo đó: Đội văn nghệ quần chúng ở thôn, xóm, tổ dân phố được thành lập theo Quyết định của UBND xã, phường, thị trấn có mức hỗ trợ: 4.000.000đồng/1 đội/năm. Nguồn kinh phí hỗ trợ do ngân sách địa phương đảm bảo và được bổ sung trong dự toán chi sự nghiệp văn hóa hằng năm cho ngân sách xã, phường, thị trấn.

 

Tác giả: Đoàn Cần

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

 

;