Giá trị lịch sử, nét đẹp văn hóa truyền thống chính là "linh hồn" của mỗi làng quê. Từ nhận thức đó, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), việc bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống ở nông thôn luôn được các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nếp sống văn hóa từ mỗi cộng đồng dân cư.
Nhờ ý thức trân trọng, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống quý báu của quê hương nên các kiến trúc cổ ở xã Liêm Phong vẫn được gìn giữ. Trong ảnh: Đình Đá thôn Nguyễn Trung
Làng văn hóa Nguyễn Trung (Liêm Phong) lưu giữ nhiều không gian văn hóa truyền thống đặc sắc cùng những hoạt động văn hóa cộng đồng, cổ vũ đời sống tinh thần của người dân. Ông Bùi Tiến Bộ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết: Nguyễn Trung hiện có 720 khẩu với trên 200 hộ dân. Trong xây dựng NTM, cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, người dân trong thôn rất có ý thức duy trì nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, coi trọng quan hệ gia đình, làng xóm. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân tự nguyện hiến đất mở rộng, chỉnh trang đường làng phong quang, sạch sẽ. Ao làng, giếng làng - biểu tượng của “hồn quê” ở Nguyễn Trung được nhân dân góp tiền kè bờ, thiết kế đường đi dạo, bố trí ghế ngồi… làm nơi hóng mát, nghỉ ngơi, trò chuyện mỗi buổi chiều. Nhân dân trong thôn cũng đồng lòng tôn tạo, gìn giữ, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Đá, nơi lưu giữ niềm tự hào của quê hương. Hằng năm, tại Đình Đá, người dân duy trì những ngày lễ lớn cùng hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng, góp phần tăng cường sự đoàn kết, yêu thương, gắn bó giữa người dân trong thôn. Đây chính là yếu tố văn hóa quan trọng góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM kiểu mẫu.
Thanh Liêm có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, lễ hội văn hóa vùng miền nổi tiếng. Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm định hướng, vận động nhân dân huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cùng với hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng được triển khai với phương châm: Xây dựng NTM để người dân được sống trong môi trường tự nhiên trong lành, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao, giữ được tình nghĩa cộng đồng, bản sắc văn hóa làng quê.
Theo bà Lại Thị Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, trong xây dựng NTM, tiêu chí văn hóa luôn được xem là một tiêu chí “dễ mà khó”. “Dễ” bởi về định lượng, chỉ cần đạt tiêu chí về cơ sở vật chất (Nhà văn hóa - khu hoạt động thể thao của xã, thôn) và tỷ lệ làng văn hóa đạt hơn 70% yêu cầu đề ra... còn “khó” bởi văn hóa không đơn thuần là yếu tố định lượng. Thực tế những năm qua, văn hóa khu vực nông thôn đang đứng trước không ít thách thức, đó là nguy cơ nhiều tập tục, lối sống tốt đẹp bị mai một bởi vô số tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Nhận thức rõ điều này, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cùng với việc hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, huyện đã chú trọng việc duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống vùng miền. Hiện toàn huyện có 72 CLB văn nghệ, CLB thơ, hát chèo, hát Trống quân... Các lễ hội truyền thống: Vũ Cố (Thanh Thủy), vật võ Liễu Đôi (Liêm Túc), chùa Tiên (Tân Thanh)... được duy trì, phát huy. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng ngày càng phát triển, thường xuyên được duy trì tổ chức gắn với tuyên truyền về nội dung các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những dịp lễ, Tết truyền thống và sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, tạo ra hoạt động văn hóa tích cực, lành mạnh trong nhân dân.
Về công tác bảo tồn di tích, lễ hội, cùng với việc duy trì quản lý chặt chẽ di tích lịch sử - văn hóa, các công trình kiến trúc nghệ thuật, huyện thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền cơ sở tổ chức lễ hội truyền thống hằng năm theo quy chế lễ hội, quy định nếp sống văn minh. Đồng thời, định kỳ rà soát các di tích trên địa bàn để đề nghị Sở VHTTDL, UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh hoặc cho phép xây dựng, sửa chữa, trùng tu tôn tạo theo nguyện vọng của nhân dân và bảo đảm đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.
Bên cạnh việc phát huy những mô hình văn hóa tiêu biểu, gìn giữ thuần phong mỹ tục ở từng làng quê, chính quyền một số địa phương còn huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng. Hiện 100% các xã, thị trấn trong huyện có Nhà văn hóa (NVH), khu thể thao; 101/101 thôn, tiểu khu có NVH quy mô từ 120 chỗ ngồi trở lên, được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ hội họp, sinh hoạt, tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng, khuôn viên được quy hoạch đẹp, đủ công trình phụ trợ (tường bao, bồn hoa, cây xanh, các vị trí tuyên truyền trực quan...). Các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển các loại hình: CLB thơ, CLB võ thuật, thể dục dưỡng sinh, các đội văn nghệ, thông tin lưu động, các khu vui chơi, giải trí, phòng đọc sách báo, phòng thể dục thể hình,... nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân.
Để chương trình xây dựng NTM tiếp tục đồng hành với việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn của huyện Thanh Liêm sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa, phát huy các giá trị truyền thống, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, loại bỏ hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, góp phần làm thay đổi chất lượng cuộc sống, nâng cao nhận thức, hành động về việc bảo tồn, phát huy những mặt tích cực của văn hóa làng xã trong cộng đồng và mỗi người dân.
Tác giả: Hoàng Oanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021