Bài viết tập trung phân tích tiềm năng khai thác giá trị văn hóa của làng nghề chằm nón trong hoạt động du lịch của tỉnh Tây Ninh nhằm mục đích tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của vùng. Tác giả đã dùng phương pháp phỏng vấn sâu kết hợp với 260 mẫu bảng hỏi để thu thập thông tin từ các nghệ nhân chằm nón và khách du lịch. Qua đó, bài viết đưa ra những thách thức mà các làng nghề chằm nón đang đối mặt và tìm ra những giải pháp thích hợp để phát triển làng nghề và du lịch bền vững.
Nét đẹp nghề chằm nón lá ở Tây Ninh - Nguồn: baotayninh.vn
1. Làng nghề chằm nón trong hoạt động du lịch của tỉnh Tây Ninh
Giá trị văn hóa làng nghề chằm nón trong hoạt động du lịch
Ngày nay, làng nghề chằm nón không chỉ có ý nghĩa trong đời sống văn hóa mà còn có ý nghĩa trong hoạt động du lịch. Trong 200 mẫu nghiên cứu khách du lịch cho thấy có 81% khách mong muốn tham quan các làng nghề trong chuyến du lịch và 86% đều bày tỏ ý kiến việc đưa làng nghề chằm nón lá vào chương trình tham quan là cần thiết. Để phân tích tiềm năng phát triển làng nghề, tác giả sử dụng mô hình SWOT (Strengths - Điểm mạnh; Weaknesses - Điểm yếu, Opportunities - Cơ hội; Threats - Thách thức) để phân tích điểm mạnh và điểm yếu của làng nghề trong liên kết với hoạt động du lịch.
Đến tham quan làng nghề chằm nón, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu từ chất liệu, nguồn gốc của nón lá truyền thống mà còn trải nghiệm làm nghệ nhân tham gia quy trình làm nón từ phơi lá, vuốt lá, vót tre, kết lá, xỏ chỉ…
Hơn nữa, đây còn được xem là khu lưu niệm - nơi du khách có thể mua các sản phẩm thủ công làm quà lưu niệm cho người thân, gia đình. Điều này cũng tạo cơ hội khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch của vùng, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập.
Bảng 1: Mô hình SWOT của làng nghề trong liên kết với hoạt động du lịch
Qua 60 bảng mẫu từ các nghệ nhân của 4 làng nghề (An Phú, Ninh Thọ, Ninh Trung và Ninh Lộc) cho thấy khách du lịch đến làng nghề chằm nón chủ yếu là khách tự túc, việc công ty du lịch khai thác làng nghề trong chương trình du lịch hầu như không có. Đây có thể xem là sự lãng phí nguồn tài nguyên nhân văn của tỉnh, đồng thời việc đưa làng nghề vào chương trình du lịch còn tạo điểm nhấn mới lạ thu hút du khách.
Thực trạng phát triển làng nghề chằm nón ở Tây Ninh hiện nay
Hiện nay, số lượng hộ gia đình tham gia làng nghề chằm nón có xu hướng giảm qua các thập niên. Các nghệ nhân cho biết, trước đây làng nghề chằm nón lá Ninh Lộc, Ninh Thọ, Ninh Trung và An Phú có đến 95% các hộ đều làm nón, “sống vì nón” vì vậy mới có tên gọi làng nghề chằm nón. Tuy nhiên, theo thời gian, số lượng người tham gia làng nghề chằm nón lá hiện nay giảm đáng kể. Mỗi làng chỉ còn khoảng 50 hộ, riêng làng An Phú chỉ có 8 hộ (1).
Trong 60 mẫu khảo sát những người tham gia làng nghề chằm nón đã cho thấy có sự khác biệt giữa tỷ lệ nam và nữ, điều đó được thể hiện trong biểu đồ sau:
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ giới tính tham gia chằm nón lá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh 2023 - Nguồn: tác giả
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ giới tính nữ cao hơn giới tính nam. Điều này phù hợp với lý thuyết sự lựa chọn duy lý được nhắc đến bên trên. Lý giải sự lựa chọn công việc phụ thuộc vào giới tính và độ tuổi. Hầu hết những người tham gia làng nghề chằm nón đều ở độ tuổi nghỉ hưu hoặc gần nghỉ hưu, làm chằm nón để giải trí, để sử dụng thời gian có ích, để có thêm thu nhập…
Phần lớn người làm nghề chằm nón thuộc giới tính nữ trong độ tuổi lao động là 20 chiếm 46%; số người ngoài độ tuổi lao động là 23 chiếm 54%. Trong khi đó, đối với tỷ lệ nam trong độ tuổi lao động là 7 chiếm 41%; tỷ lệ người ngoài độ tuổi lao động là 10 chiếm 59%. Lý giải cho việc này phải bắt đầu từ yêu cầu của công việc chằm nón đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ, vì vậy công việc này phù hợp phần lớn đối với nữ giới. Ở các hộ gia đình cũng có sự phân chia công việc theo giới tính ứng với từng giai đoạn của nghề chằm nón như nam đi mua lá, vuốt lá, nữ đặt lá vào khuôn để kết dính lại thành hình chiếc nón ban đầu, sau đó đến bước nứt nón dùng chỉ nón để may và trang trí bên trong…
Theo số liệu khảo sát, số người tham gia nghề chằm nón có thâm niên lâu chiếm số lượng đông: nghệ nhân có số năm kinh nghiệm chằm nón từ 20 năm là 5 người, chiếm 8%; từ 10 - dưới 15 năm chiếm 63%; từ 5-10 năm là 13 chiếm 22%; dưới 5 năm chiếm 7%. Số liệu này cho thấy độ tuổi tham gia nghề chằm nón lá đang bị già hóa, phần lớn theo nghề từ nhiều năm trước. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 10 nghệ nhân trả lời con cháu họ sẽ theo nghề, chiếm 17%. Sở dĩ số lượng người tham gia nghề chằm nón giảm dần qua các năm cũng như người trẻ không muốn theo nghề có nhiều nguyên nhân:
Hiệu quả kinh tế thấp từ nghề chằm nón: Trong bảng khảo sát 60 nghệ nhân, thì 90% các nghệ nhân đều trả lời thu nhập từ nghề chằm nón lá không đủ trang trải chi phí của cuộc sống (giá thành của mỗi nón lá sau khi trừ tất cả chi phí còn lời khoảng 7.000 đồng). Thu nhập của mỗi hộ tùy thuộc vào sức khỏe và tay nghề của mỗi người, nhưng tối đa mỗi người cũng chỉ làm được khoảng 10 cái/ ngày. Vì vậy, mức thu nhập từ việc chằm nón ở đây rất thấp. Ngoài ra, tỷ lệ 95% khẳng định nghề làm nón vất vả: làng nghề An Phú phải tìm mua lá mật cật ở tận khu vực Lộc Giang (Long An), các làng nghề còn lại chọn mua lá của thương lái từ Campuchia. Khó khăn hiện nay là nguồn nguyên liệu làm nón không ổn định, dần bị thu hẹp do đây là loại lá mọc dại trong rừng, mà ngày nay diện tích rừng ngày một giảm.
Thị trường tiêu thụ nón lá cũng không ổn định do nhu cầu thị hiếu giảm. Hiện nay, nón lá Tây Ninh được thương lái thu mua và bán ra khu vực các tỉnh miền Nam. Qua khảo sát, nón lá ở Tây Ninh chủ yếu là loại nón truyền thống trơn không có hoa văn, chỉ có 2 kích thước chính là vừa và to phục vụ cho các hoạt động thường nhật của người dân. Nón lá nơi đây chưa tạo dựng được thương hiệu riêng, chưa đủ sức cạnh tranh về mẫu mã so với nón lá Huế, nón lá Quảng Nam… Vì vậy, đối tượng sử dụng nón lá còn hạn chế, sức hút của nó đối với thị trường cũng chưa cao nên thị trường tiêu thụ chưa ổn định.
2. Bàn luận và đề xuất
Việc đưa làng nghề chằm nón vào hoạt động du lịch của tỉnh như một luồng gió mới góp phần nâng cao chất lượng điểm tham quan du lịch của vùng, trước mắt cần duy trì làng nghề trước nguy cơ bị mai một. Phát triển làng nghề trong bối cảnh công nghiệp hóa là một việc không dễ. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược đồng bộ giữa chính quyền sở tại và người dân địa phương. Qua việc khảo sát và phân tích khó khăn tình hình hoạt động của làng nghề chằm nón, tác giả đưa ra một số đề xuất:
Để tạo dựng thương hiệu riêng cho làng nghề nón lá Tây Ninh, trước hết, cần phải đa dạng hóa các sản phẩm nón lá bằng cách tạo ra nhiều kích cỡ phù hợp với nhu cầu của từng lứa tuổi. In hoặc vẽ hình logo, các điểm du lịch nổi tiếng của Tây Ninh như: núi Bà, Tòa Thánh, hồ Dầu Tiếng, chiến khu D, suối Trúc, đồng cừu, thậm chí làng nghề chằm nón lên mặt ngoài của nón lá… Đây vừa là cách làm đa dạng các sản phẩm, đồng thời cũng là phương thức quảng bá hình ảnh du lịch Tây Ninh đến với du khách.
Phát triển làng nghề theo mô hình tập trung đưa các thiết bị công nghệ hiện đại như máy chằm nón hiện đã có trên thị trường vào dây chuyền sản xuất. Điều này góp phần nâng cao năng suất lao động của người lao động chằm nón, cơ giới hóa từng khâu chằm nón để tránh dùng sức lao động thủ công quá nhiều. Qua đó cũng góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với nón lá từ các vùng khác. Ngoài ra, việc sản xuất nón lá tập trung còn đồng thời tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nguồn cung từ đó ổn định hơn.
Nguyên liệu chằm nón lá cũng cần cải tiến bằng việc sử dụng các nguồn nguyên liệu thay thế như lá sen, lá dừa, lá thốt nốt… thay cho lá mật cật. Ngoài ra, có thể dùng khung nhựa tái sinh thay thế cho khung tre nứa truyền thống. Điều này không chỉ giúp cho nón được bền mà còn giảm việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu tre, nứa hiện nay của vùng đang có xu hướng giảm.
Cần hỗ trợ vốn cho các làng nghề: tỉnh Tây Ninh có chủ trương hỗ trợ vốn cho người dân chằm nón, tuy nhiên qua khảo sát thực tế, số vốn này chưa đến được với các hộ chằm nón. Trong 60 phiếu khảo sát, có 34 phiếu, chiếm 56% có nguyện vọng được hỗ trợ vốn. Vì vậy, chính quyền cần quản lý sát sao nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo các hộ chằm nón được tham gia hỗ trợ.
Yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong phát triển làng nghề, vì vậy, cần tiến hành thống kê các nghệ nhân có tay nghề cao với mục đích bồi dưỡng, hỗ trợ tôn vinh những giá trị lao động, những người “giữ lửa” có nhiều đóng góp to lớn cho sự hình thành và phát triển của làng nghề. Bên cạnh đó, công tác đào tạo các thế hệ tiếp nối cũng cần được chú trọng, để thực hiện điều này, ngoài các bí quyết về kỹ thuật được truyền dạy trực tiếp từ các nghệ nhân lành nghề, tỉnh Tây Ninh cần có kế hoạch thống kê, nghiên cứu và bảo tồn các tư liệu về làng nghề chằm nón; kết hợp với các trường trung học tổ chức những lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho thế hệ trẻ, vực dậy mô hình dạy nghề ở các trường học, khuyến khích giới trẻ tham gia chằm nón như người kế tục di sản văn hóa của dân tộc.
Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nghề nón lá, những câu chuyện, sản phẩm đạt giải cao được tôn vinh, thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm nón lá hoặc lồng ghép vào các chương trình - sự kiện của tỉnh. Tăng cường quảng bá hình ảnh nón lá Tây Ninh thông qua các chương trình văn hóa nghệ thuật của tỉnh như: cuộc thi Người đẹp Tây Ninh, có thể đưa hình ảnh nón lá vào chương trình thi trong phần trình diễn trang phục dân tộc và đưa những câu hỏi về nón lá trong phần thi kiến thức của tỉnh... Ngoài ra, trong các buổi hội chợ ẩm thực chay có thể quy định các gian hàng đều đội nón lá khi tham gia, các hội chợ xúc tiến thương mại, các chương trình văn nghệ lớn của tỉnh cũng có thể đưa nón lá vào chương trình...
Cần tổ chức hiệp hội nghề chằm nón lá ở Tây Ninh, tổ chức những trung tâm sưu tầm tư liệu về làng nghề theo mô hình bảo tàng mini về làng nghề chằm nón. Cần khảo sát công nhận giá trị văn hóa làng nghề chằm nón đặt trong bối cảnh tương quan với các ngành nghề khác. Xây dựng tục thờ tổ nghề, tổ chức lễ hội chằm nón lá như là một cách duy trì làng nghề trong bối cảnh mai một như hiện nay.
Cần xây dựng những thể chế, quy định đối với làng nghề thủ công như khoanh vùng nơi sản xuất nguyên liệu chằm nón (lá sen, lá dừa, lá thốt nốt, lá mật cật…), thiết bị sản xuất được hỗ trợ, thuế sản phẩm được giảm…
Mở rộng tìm kiếm thị trường ngoài nước đưa nón lá Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng vươn ra thế giới.
Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch và phát triển làng nghề theo định hướng phát triển du lịch văn hóa, tạo cơ hội cho lao động chằm nón tham gia vào các hoạt động du lịch nhằm tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương.
Qua việc phân tích thực trạng phát triển của làng nghề và du lịch của tỉnh Tây Ninh, tác giả đã đưa ra một số giải pháp phù hợp với tình hình phát triển thực tế của làng nghề. Tuy nhiên, đây không chỉ áp dụng cho riêng làng nghề chằm nón lá, mà mô típ này cũng có thể áp dụng cho những làng nghề khác của tỉnh như làng nghề đan mây tre nứa, làng nghề làm nhang, làng nghề mộc. Bên cạnh đó, tác giả nhấn mạnh sự liên kết giữa làng nghề và du lịch như một giải pháp cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển của cả hai.
Sau đại dịch COVID-19 bên cạnh việc phục hồi kinh tế, thì việc tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn kết với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ cấp thiết song hành bởi văn hóa là nền tảng của đời sống xã hội, là động lực để phát triển đất nước. Việc xây dựng đất nước ngày càng phát triển không thể tách rời việc xây dựng văn hóa làng nghề bền vững, trong đó có làng nghề chằm nón lá Tây Ninh.
__________________
1. Nguồn: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh kết hợp với tư liệu điền dã.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Văn Vượng, Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000.
2. Dương Bá Phượng, Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
3. Nguyễn Thanh Tuấn, Biến đổi văn hóa đô thị Việt Nam hiện nay, Nxb Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2006.
4. Phan Thị Yến Tuyết, Nghề và nghề thủ công truyền thống ở Nam Bộ, Nxb Trẻ, 2002.
5. Vũ Minh Hiếu, Tâm thức của nghệ nhân trong việc gìn giữ nghề thủ công truyền thống ở làng dệt chiếu, công trình dự thi giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 12, 2010.
6. Tô Ngọc Thanh, Làng nghề truyền thống và những vấn đề cấp bách đặt ra, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 1, 1996.
7. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP.HCM, 1997.
8. Giang Phương, Nét văn hóa bình dị từ nghề chằm nón lá Ninh Sơn, thanhnien.vn, 15-10-2022.
Ths LÊ PHƯƠNG TRANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023