Giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian ở Hà Nội - Nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

Chương trình nghệ thuật diễn xướng dân gian Chuyện nhạc phố cổ của nhóm Đông Kinh cổ nhạc đã kết nối khán giả đến gần hơn với loại hình âm nhạc cổ truyền - Ảnh: dangcongsan.vn

Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755 QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” xác định “Công nghiệp văn hóa là các ngành sáng tạo dựa trên nguồn lực văn hóa, ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa bằng phương thức sản xuất công nghiệp, được phân phối, trao đổi, tiêu dùng trên thị trường”. Trong đó nêu rõ: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng…” (1).

Trên cơ sở chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố Hà Nội đã khẩn trương ban hành những chính sách quan trọng như: Kế hoạch số 112/KH-UBND, ngày 29-5-2017 của UBND thành phố Hà Nội về “Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…). Đặc biệt, ngày 22-2-2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Có thể nói, thành phố Hà Nội đã đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa. Với 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể: trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới (2), cho thấy, Hà Nội có những thuận lợi lớn để thực hiện “mục tiêu kép” vừa gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống hàng ngàn năm, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, trong đó có vai trò của nghệ thuật trình diễn dân gian.

Nghệ thuật trình diễn dân gian và những giá trị góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

Theo cố GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: “Trình diễn dân gian là những hoạt động văn hóa trong đời sống thường nhật của người nông dân lao động, thể hiện tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng; phản ánh nhận thức về vũ trụ, về thế giới và nhân sinh bằng những phương tiện biểu hiện khác nhau trong một tổng thể chứa đựng những mô hình gồm những giá trị mà cộng đồng chủ nhân đã xác lập cho nó” (3). Nghệ thuật trình diễn dân gian vốn đa dạng về loại hình như: âm nhạc dân gian, sân khấu dân gian, múa dân gian, trò diễn dân gian… được nhân dân ta sáng tạo, gìn giữ và trình diễn phục vụ đời sống cộng đồng từ xưa đến nay. So với cả nước, thành phố Hà Nội sở hữu nhiều loại hình trình diễn có giá trị độc đáo như: hát Tuồng ở Xuân Nộn, Cốc Thượng; hát Chèo, hát Trống quân ở Phú Xuyên, Phúc Thọ; hát Ví, hát Dô ở Quốc Oai; Ca trù ở Ngãi Cầu, Hoài Đức; hát Chầu văn ở Ninh Sở; múa Bồng làng Triều Khúc; múa Cồng chiêng ở Đồng Ké - Chương Mỹ, của người Mường ở Ba Vì; Rối nước ở Đào Thục - Đông Anh, làng Ra - Thạch Thất… Bên cạnh đó, Hà Nội còn có các nhà hát, các câu lạc bộ (CLB) lưu giữ và trình diễn nghệ thuật dân gian như: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa Rối Thăng Long; CLB Ca trù Thăng Long, CLB Ca trù Thái Hà, CLB Hát văn và hát Chầu văn Hà Nội, nhóm Xẩm Hà Thành… tiếp tục gìn giữ, truyền dạy và biểu diễn nghệ thuật dân gian Hà Nội trong suốt những năm qua, minh chứng cho sự kết thừa và phát huy các giá trị của nghệ thuật trình diễn dân gian ở thời kỳ hiện đại.

Về giá trị lịch sử

Nếu như di sản văn hóa vật thể là những giá trị hữu hình minh chứng cho sự phát triển của lịch sử thì di sản văn hóa phi vật thể mà cụ thể là các loại hình trình diễn dân gian Hà Nội lại có sức mạnh tinh thần to lớn. Qua đó, giá trị lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử kinh đô Thăng Long nói riêng được lưu giữ và trao truyền một cách sống động qua những áng thơ văn dân gian, những làn điệu dân ca, những vở diễn và hình tượng dân gian… Giá trị lịch sử còn được khắc họa và thể hiện đầy đủ thông qua những truyền thống quý báu mà cha ông đã dày công gây dựng trên mảnh đất ngàn năm văn hiến như: truyền thống yêu nước, bất khuất, anh hùng; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng hiền tài; truyền thống uống nước nhớ nguồn, đoàn kết, nhân hậu, cần cù, lao động sáng tạo; tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình; những nét đẹp về phong tục, tập quán đã bồi đắp nên niềm tự hào về Thăng Long - Hà Nội và lòng tự tôn dân tộc. Có thể nói, giá trị lịch sử được truyền tải trong các loại hình trình diễn dân gian đã giúp ta biết trân trọng quá khứ hào hùng định đô dựng nước và giữ nước, tạo động lực phát huy hơn nữa hình ảnh của Thủ đô, của đất nước và con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Về giá trị văn hóa

Nghệ thuật trình diễn dân gian Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Với sự thống nhất trong đa dạng, văn hóa dân tộc Việt Nam vừa mang tính gắn kết cộng đồng 54 dân tộc anh em, vừa biểu hiện đặc thù văn hóa từng vùng miền, từng tộc người riêng biệt. Quá trình trao truyền, giao thoa, giao lưu văn hóa trong lịch sử đã tạo nên các giá trị văn hóa bền vững, trở thành sức mạnh tổng thể, sức đề kháng văn hóa dân tộc trước những nền văn hóa khác trong khu vực và thế giới. Trong đó, Thủ đô Hà Nội là đại diện cho sức mạnh ấy với vai trò tiêu biểu trong việc tạo dựng và bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua nghệ thuật trình diễn dân gian; thể hiện và truyền tải những chức năng, giá trị tốt đẹp trong tổng thể giá trị văn hóa như: giá trị nhân văn - đạo đức; giá trị chân - thiện - mỹ; giá trị phản ánh đa chiều; giá trị cố kết cộng đồng, giá trị tâm linh - tín ngưỡng; giá trị giao lưu tiếp biến; chức năng giáo dục… thông qua các hình thức: hát, múa, kể, diễn… để những tinh hoa văn hóa, bản sắc và bản lĩnh văn hóa của dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng vừa được bảo tồn, phát huy qua nhiều thế hệ, vừa được sàng lọc và sáng tạo không ngừng nghỉ. Từ đó, kho tàng giá trị di sản văn hóa ngày càng được bồi đắp thêm phong phú, đa dạng và cập nhật với đời sống đương đại.

Về giá trị nghệ thuật

Nghệ thuật trình diễn dân gian Hà Nội được người dân sáng tạo và phát triển với nhiều hình thức, thể loại khác nhau. Sức sống lâu bền và sự ảnh hưởng sâu rộng của nó trong đời sống đã được khẳng định qua những giá trị nghệ thuật đặc thù với những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của ngôn từ, làn điệu, điệu bộ; các quy tắc, niêm luật và kỹ thuật, những biểu tượng và hình tượng trong từng thể loại. Cho thấy, những triết lý nghệ thuật rất thâm sâu của cha ông ta đã gửi gắm trong từng lời ca, điệu múa, những nhân vật và vai diễn điển hình của sân khấu dân gian… Có thể nói, giá trị nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động trình diễn và thưởng thức. Trong cuốn sách Về văn hóa văn nghệ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Giá trị nghệ thuật là rất quan trọng. Bởi vì không có giá trị nghệ thuật thì không thể có tác phẩm nghệ thuật. Nó là con số không” (4). Tác phẩm nghệ thuật trong nghệ thuật trình diễn ở đây chính là những tác phẩm dân gian của người dân lao động, của các nghệ nhân Hà Nội qua nhiều thế hệ sáng tạo nên để phản ánh đời sống, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của mình. Có thể nói, nhờ giá trị nghệ thuật được tạo nên từ tài năng sáng tạo và trình diễn của các nghệ nhân nghệ thuật dân gian Hà Nội, những triết lý nhân sinh, những điều sâu xa, kín đáo của tâm hồn con người được khám phá, lý giải và trình bày một cách sống động, hay hơn, đẹp hơn, hoàn thiện hơn.

Về giá trị kinh tế

Các loại hình trình diễn dân gian sơ khai là những sinh hoạt văn hóa gắn liền với hoạt động sinh hoạt, lao động và tín ngưỡng… từ đó người dân xây dựng nên đời sống tinh thần, gắn kết cộng đồng, tái sản xuất sức lao động và tận hưởng niềm vui trong những lúc nhàn rỗi. Nghệ thuật trình diễn dân gian Hà Nội trước đây cũng vậy. Nó khởi đầu vốn không phải là phương thức làm ra của cải vật chất mà đem lại những giá trị tinh thần là chủ yếu. Tuy nhiên, trong thời kỳ đất nước chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi hoạt động sáng tạo, trình diễn, sản xuất hoặc phổ biến, tiếp nhận các sản phẩm văn hóa nghệ thuật ở nước ta đều chịu tác động của quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh. Nghệ thuật trình diễn dân gian Hà Nội tất yếu cũng chịu tác động của cơ chế vận hành của thị trường với tư cách là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt.

Thực trạng các loại hình trình diễn dân gian ở Hà Nội trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Thực trạng công tác quản lý, bảo tồn, phát huy và khai thác giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian trong các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã có những hiệu quả bước đầu. Trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn, nghệ thuật trình diễn dân gian Hà Nội cần được quan tâm nghiên cứu một cách khoa học và toàn diện những vấn đề cấp thiết như: cơ chế chính sách và hành lang pháp lý phù hợp để nghệ thuật dân gian vừa bảo tồn được bản sắc, vừa phát triển bền vững, đồng đều và xứng tầm trong các ngành công nghiệp văn hóa; huy động hiệu quả nguồn lực con người - tài chính - công nghệ cho hoạt động quản lý, phục dựng, trình diễn, đào tạo và truyền dạy, sáng tạo và phát triển chất liệu dân gian, tạo nên tính mới cho nghệ thuật trình diễn trong bối cảnh hiện nay; tạo dựng không gian trình diễn mới đi đôi với giữ gìn môi trường trình diễn truyền thống; tạo ra sức lôi cuốn cho nghệ thuật trình diễn dân gian bằng những sản phẩm văn hóa và cách thức trình diễn phù hợp với thị hiếu của công chúng (đặc biệt là giới trẻ) trong điều kiện thẩm mỹ công chúng đang phân hóa mạnh và thay đổi theo xu hướng dần thu hẹp về phía nghệ thuật dân gian bởi sự phát triển lấn át của một số loại hình văn hóa, nghệ thuật hiện đại…

Những năm gần đây, thành phố đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật diễn xướng dân gian phục vụ công chúng như: Chương trình Chuyện nhạc phố cổ của nhóm Đông Kinh cổ nhạc, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội; chương trình Hoàng thành - Diễn xướng dân gian của Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam cùng hàng loạt các lễ hội du lịch được tổ chức trên khắp địa bàn thành phố, các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ nhóm Xẩm Hà thành, Giáo phường Ca trù Thăng Long, Thái Hà, Lỗ Khê… được liên tục diễn ra, báo hiệu sự phát triển trở lại của nghệ thuật trình diễn dân gian Hà Nội. Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ độc lập cũng tìm tòi thể nghiệm kết hợp chất liệu nghệ thuật âm nhạc dân gian với âm nhạc hiện đại. Các nhạc sĩ: Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Hà An cùng các ca sĩ như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Tân Nhàn, Hà Myo cũng góp phần đưa chất liệu âm nhạc dân gian khởi sắc trong các sáng tác và lối trình diễn của cá nhân mình. Đặc biệt, hơn cả là sự ra đời các vở diễn nghệ thuật tổng hợp và sân khấu thực cảnh theo xu hướng là những sản phẩm văn hóa mang tính mới, kết hợp giá trị nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật cách tân như vở diễn Thuở ấy xứ Đoài của đạo diễn Việt Tú (2017) và sau đó là chuỗi các chương trình biểu diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ nối tiếp của Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội pha trộn giữa nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó chủ đạo là nghệ thuật trình diễn dân gian kết hợp với công nghệ trình diễn hiện đại, được khán giả đón nhận và đánh giá cao.

Những tác phẩm thể nghiệm chất liệu dân gian, những vở diễn nghệ thuật tổng hợp kể trên ra đời, được xem là hướng đi mới, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của công chúng, thỏa mãn tiêu chí là những sản phẩm của công nghiệp văn hóa phục vụ nghệ thuật trình diễn và du lịch văn hóa.

Mặc dù đã có những thành công nhất định, nhưng nghệ thuật trình diễn dân gian Hà Nội vẫn chưa có sự phát triển tương xứng với giá trị, vai trò và tiềm năng của nó. Nghệ thuật trình diễn dân gian vẫn bị “lép vế” so với các loại hình biểu diễn hiện đại khác. Vì vậy, nó cần được bảo vệ không chỉ những giá trị truyền thống mà còn cần phải tạo ra các giá trị mới trên nền tảng văn hóa, nghệ thuật lâu đời (giá trị kinh tế, giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và biểu tượng mới, giá trị sử dụng đa dạng…). Nghệ thuật trình diễn dân cần được nghiên cứu, khai thác và phát huy một cách bền vững và hiệu quả ở nhiều phương diện khác, phức hợp với các lĩnh vực khác trong các ngành công nghiệp văn hóa.

Một số giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội

Với quá trình phát triển lâu đời và giàu giá trị, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian thực sự là nguồn lực dồi dào và có vai trò thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phục vụ mục tiêu phát triển của thủ đô Hà Nội. Với mong muốn nghệ thuật trình diễn dân gian có được vị trí và sự ảnh hưởng xứng tầm trong đời sống nghệ thuật đương đại, thực sự được phát huy và trở thành nguồn lực mạnh mẽ để tạo ra những sản phẩm văn hóa mới mà vẫn giàu bản sắc dân tộc cần tập trung thực hiện đồng bộ một số một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của nghệ thuật trình diễn dân gian trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Nhà nước cần xây dựng các văn bản luật (trong đó cần ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn), các quy định, các cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho nghệ thuật trình diễn dân gian phát triển tương xứng với vị thế vốn có. Quan tâm đến chế độ đãi ngộ, khuyến khích thỏa đáng với những cống hiến của nghệ nhân, nghệ sĩ, các tài năng nghệ thuật và các nhà sáng tạo.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý và cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, cộng đồng và các bên liên quan trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian. Đồng thời, xây dựng tiêu chí trong phối hợp quản lý và khai thác, tiêu chí về sản phẩm văn hóa mới, được sáng tạo từ nghệ thuật trình diễn dân gian; thành lập các hội nghề nghiệp bảo vệ quyền lợi cho người sáng tạo và trình diễn; tăng cường đầu tư nguồn vốn (Nhà nước, xã hội hóa, hợp tác công tư...), nguồn nhân lực, công nghệ cho công tác sưu tầm, phục dựng, trình diễn, các cuộc thi, liên hoan tìm kiếm tài năng nghệ thuật. Tiến hành số hóa các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian trên toàn địa bàn Hà Nội, phân loại tài nguyên số theo mục đích sử dụng như: lưu trữ, giáo dục, quảng bá, sản xuất và sáng tạo tác phẩm - sản phẩm số phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư khai thác các loại hình có sự phù hợp nhất định trong phát triển của công nghiệp văn hóa như: âm nhạc, sân khấu, trò chơi dân gian. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị kinh tế ở một số ngành có thế mạnh, như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ… Tăng cường đưa loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có tính cộng đồng cao tham gia vào các lễ hội du lịch, du lịch làng nghề, khu ẩm thực, các khu di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội, các không gian sáng tạo, các không gian tổ chức sự kiện đông người như: phố đi bộ, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Tây...

Thứ tư, có chiến lược phát triển thị trường văn hóa, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh nghệ thuật, du lịch đầu tư trực tiếp vào các dự án phát triển nghệ thuật trình diễn dân gian, sáng tạo sản phẩm văn hóa mới, các điểm đến văn hóa, các không gian sáng tạo. Đầu tư bài bản và lâu dài cho đội ngũ đạo diễn, nhà sáng tạo, các văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian để họ chuyên tâm tạo ra những tác phẩm lớn, những sản phẩm văn hóa độc đáo, xứng tầm và giàu giá trị, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả tương tác và khai thác nghệ thuật trình diễn dân gian trên các ứng dụng như: YouTube, Zalo, Facebook, TikTok… Tăng cường quảng bá nghệ thuật dân gian trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Xây dựng lực lượng khán giả đông đảo và nối tiếp nhau có tình yêu với nghệ thuật dân gian. Tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, tiếp thu những kinh nghiệm, trong hoạt động bảo tồn giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian với hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa trên thế giới. Xây dựng chiến lượng phát triển nghệ thuật trình diễn bài bản, chủ động tổ chức các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế tại Hà Nội để thu hút khách du lịch, thúc đẩy kinh tế, văn hóa Thủ đô phát triển.

____________________ 

1. Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

2. UBND thành phố Hà Nội, Danh mục di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2016.

3. Tô Ngọc Thanh, Ghi chép về văn hóa và âm nhạc, Nxb Khoa học Xã hội 2007, tr.30. 

4. Phạm Văn Đồng, Về văn hóa văn nghệ, Nxb Văn hóa, 1976, tr.143.

NGUYỄN VĂN THÙY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;