Múa rối Việt Nam - Đôi điều suy ngẫm

Rối là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam từ rất lâu đời. Thông qua hình tượng các con rối, cũng như những tích, trò được diễn trên sân khấu, chúng ta phần nào hình dung được khung cảnh sinh hoạt dung dị của những người nông dân Việt Nam thuần hậu, chất phác. Múa rối hiện nay đã trở thành một trong những nhân tố cơ bản, có tầm quan trọng trong nền văn hóa dân gian Việt Nam. Từ một hình thức sân khấu dân gian, được các cấp quản lý chú trọng và sự tâm huyết của nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, nghệ thuật múa rối dần trở nên chuyên nghiệp và có chỗ đứng xứng đáng trong lòng công chúng trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Hiện nay, múa rối đang hoạt động ra sao, còn những điểm bất cập nào, cần làm gì để hình thức sân khấu này tiếp tục phát triển bền vững... là những câu hỏi lớn đối với đội ngũ nghệ sĩ múa rối Việt Nam và các cấp quản lý văn hóa nghệ thuật.

Vở rối Bản tình ca trên núi cao (Nhà hát Múa rối Việt Nam) đã giành Huy chương vàng tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V - Ảnh: Liên Hương

1. Khái niệm múa rối

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Múa rối là loại hình nghệ thuật sân khấu biểu diễn bằng cách điều khiển các hình mẫu giống như người, vật” (1). Theo từ điển mở Wikipedia “Múa rối là một hình thức sân khấu hay trình diễn liên quan đến việc thao tác với các con rối. Đây là một nghệ thuật cổ xưa, và được xem có nguồn gốc từ 3000 năm trước Công Nguyên. Múa rối có nhiều dạng khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là điều khiển các vật thể rối vô tri vô giác. Múa rối có mặt trong hầu hết xã hội loài người như là dạng giải trí, trình diễn và trong lễ nghi hay dịp ăn mừng như các lễ hội carnival” (2)… Chúng tôi đồng thuận với cách hiểu như vậy về múa rối. Như vậy, đặc trưng của bất kỳ thể loại rối nào cũng chính là sự điều khiển con rối vô tri, vô giác. Múa rối có rất nhiều loại, trong đó, con rối luôn là nhân vật trung tâm. Nghệ thuật múa rối phụ thuộc phần lớn vào tài năng của diễn viên điều khiển con rối, chứ không phải do hóa trang người thật hoặc máy móc quyết định.

Rối được các thế hệ nghệ nhân và nhân dân tiếp nối, lưu truyền và ngày càng phát triển với nhiều thể loại như: rối tay, rối que, rối dây, rối nhà mồ, rối mặt nạ, rối diều sáo, rối đồ chơi, rối sao, rối bóng… đặc biệt là múa rối nước. Nội dung trong tích, trò, vở diễn mang tính chất mua vui, giải trí, gây cười, hóm hỉnh, hài hước, châm biếm… Hoạt động của múa rối dân gian Việt Nam, gắn liền với tín ngưỡng làng xã, một mặt để lễ bái, thờ cúng thần linh - thần Thành hoàng, mặt khác để góp vui cho khách trảy hội.

Múa rối bao gồm rối cạn và rối nước, là những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Nhân vật trên sân khấu rối rất phong phú, là những nhân vật trong các truyện cổ tích, thần thoại như: Lý Thông, Thạch Sanh, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Phù Đổng, Thiên Vương… đến các nhân vật hiện đại như: cu Tí, bé Rồng, anh bộ đội kéo pháo… Hơn nữa, trên sân khấu múa rối, những loài động vật, cây cối, nhà cửa, vật dụng… đều có thể trở thành nhân vật có đời sống sinh động và phong phú. Các con rối đã biến sự tưởng tượng thành “hiện thực”, không có biên giới ngăn cách cái thật và cái giả. Vì vậy, có nhiều nhà nghiên cứu đã gọi sân khấu rối là: “Thế giới tuyệt đẹp của tuổi thơ”. Những người tham gia trong phường rối là các nghệ nhân nghiệp dư, họ là những nông dân, thợ thủ công vào thời vụ thì cấy cày, làm đủ nghề kiếm sống, lúc nông nhàn thì tham gia các sinh hoạt nghệ thuật, mỗi phường có một người đứng đầu gọi là ông trùm. Ông trùm tụ tập mọi người (những người tình nguyện) cùng trao đổi, sáng tác và tập luyện các tiết mục, thống nhất biểu diễn một số trò, tích theo yêu cầu. Đó là những phường rối, gánh rối dân gian được nhân dân thành lập và trân trọng gìn giữ lưu truyền đến ngày nay. Múa rối có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng hiếm ở đâu múa rối lại đạt đến trình độ nghệ thuật có giá trị cao về tinh thần và kỹ thuật như tại Việt Nam. Tiếp thu vốn nghệ thuật truyền thống, những người hoạt động trong lĩnh vực này đã dành tâm sức, đầu tư, để phát triển, nâng tầm múa rối nhưng không làm mất đi cái gốc truyền thống dân tộc.

2. Múa rối Việt Nam - một chặng đường phát triển

Hầu hết các nước trên thế giới đều có múa rối. Ở Việt Nam, múa rối là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống có hàng ngàn năm tuổi và vẫn tiếp tục tỏa sáng trong đời sống văn hóa xã hội hiện đại. Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam xuất hiện từ thời Hùng Vương gắn liền với tập tục nghi lễ, hội hè Việt cổ cách đây hơn 2000 năm.

Nhưng cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa có tư liệu cụ thể chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, thời điểm chính thức ra đời của nghệ thuật múa rối. Duy nhất hiện còn lưu trên bia “Sùng Thiện Diên linh tự tháp” có niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thời Lý Nhân Tông, có ghi trò múa rối nước biểu diễn mừng thọ nhà vua. Đây là bằng chứng cụ thể cho thấy sự hình thành của nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam và được phát triển mạnh nhất vào thời Lý - Trần (TK XI - XII).

Tuy có nhiều dạng hoạt động của loại hình nghệ thuật này ở khắp mọi miền đất nước, nhưng tập trung, hoàn thiện, phổ cập hơn cả là ở vùng trung du và đồng bằng phía Bắc. Từ bao đời nay, trò “leo dây, múa rối” là nguồn vui chơi giải trí rất hấp dẫn bà con trẩy hội đình chùa, làng xã. Lòng mến yêu nghệ thuật này được thể hiện bằng thành ngữ, ca dao, dân ca, bằng văn thơ và trong ký ức hàng ngàn thế hệ người Việt. Trò rối xưa gắn bó sâu xa với lễ nghi phong tục. Ngày hội làng Đông An (Hưng Yên) diễn lại sự tích ông Đùng, bà Đà bằng hai quân rối lớn (thân đan bằng nan tre hoặc nứa, mặt phết giấy, quần áo giấy mầu), rước quanh làng và làm động tác tỏ sự vui mừng. Loại quân rối này ở hội đền Bà Chúa Muối (Thái Bình) lại dùng nong đan làm mặt, sào tre làm thân và buồm thuyền làm quần áo diễu hành như một lễ tiết. Tượng Lý Thần Tông thờ ở chùa Thày (Hà Nội) và tượng Đức Linh Lang thờ ở đền làng Hà Cầu (Hải Phòng), đều được tạc các bộ phận cơ thể bằng gỗ rời nhau, rồi chắp lại có khớp lỏng để có thể cử động được, như cách điều khiển con rối dây hiện nay.

Nhưng chỉ khi được các cấp quản lý, nhà nước đưa vào hoạt động chuyên nghiệp thì nghệ thuật múa rối mới thực sự có bước chuyển mình. Các đơn vị nghệ thuật múa rối ra đời, hoạt động tích cực, đem lại sự khởi sắc cho múa rối Việt Nam. Các đơn vị rối chủ yếu hoạt động ở phía Bắc trong một thời gian khá dài và dựa vào sự độc đáo, hấp dẫn của rối nước để thu hút du khách, mãi tới đầu TK XXI mới có những đơn vị rối chuyên nghiệp ở phía Nam. Đã từng có thời gian, người ta chỉ biết tới rối nước mà “quên” rằng, còn có rối cạn. Người làm nghề lên tiếng vì sự mất cân bằng này. Rồi ngay với rối nước thì cũng “thâm canh” chỉ chừng hơn chục trò rối truyền thống bởi chủ yếu hướng tới đối tượng du khách và đối tượng trẻ em. Song, nghệ thuật là sáng tạo, sự sáng tạo là yêu cầu tự thân đặt ra cho nghệ sĩ, cũng là sự đòi hỏi khách quan từ phía khán giả với những “món ăn” tinh thần quá lâu không đổi mới.

Cùng với áp lực đó là không khí hừng hực của làn sóng đổi mới từ những thập niên cuối TK XX. Sự giao lưu với thế giới ở mọi lĩnh vực cũng đã tác động không nhỏ tới đội ngũ nghệ sĩ Việt Nam trong đó có các nghệ sĩ rối. Trong quá trình giao lưu với thế giới với làn sóng hội nhập đó, chỉ có những giá trị văn hóa bên ngoài nói chung và nghệ thuật múa rối nói riêng nào phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam, được chọn lọc và được Việt hóa mới có thể trở thành những thành tố hữu cơ cấu thành nên văn hóa Việt Nam. Sự chọn lọc và sự sàng lọc để trở thành giá trị văn hóa Việt Nam đã diễn ra không ngừng, thầm lặng và tinh tế trong tiến trình lịch sử và tiến trình văn hóa. Nghệ thuật múa rối Việt Nam cũng đã có rất nhiều cơ hội để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế, làm mới nghệ thuật của dân tộc trên cơ sở học hỏi kỹ thuật biểu diễn, kỹ thuật tạo hình con rối và cách đạo diễn một vở rối, để đưa nghệ thuật múa rối cổ truyền của dân tộc Việt Nam tiến gần hơn tới thế hệ trẻ người Việt, đặc biệt là trẻ nhỏ, mang các tiết mục múa rối nước cổ truyền và múa rối cạn mang hơi thở đương đại vươn ra thế giới tại các cuộc liên hoan múa rối quốc tế. Những năm gần đây, bước đột phá của hợp tác quốc tế về văn hóa đã mang lại nhiều dấu ấn cho nghệ thuật múa rối Việt Nam tại khu vực châu Á, châu Âu và châu Phi. Đồng thời, chúng ta cũng đã tạo được nhiều phương thức, hình thức hợp tác đa dạng, phong phú, phù hợp với từng khu vực, từng nước. Đây là bước phát triển về quy mô và chất lượng của sự hợp tác quốc tế về văn hóa, qua đó đã làm tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ “giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài”, tạo nên sự đồng cảm, hiểu biết và xích lại gần nhau hơn giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Đó cũng chính là mặt mạnh, tính ưu việt của hợp tác quốc tế về văn hóa mà chúng ta đã và đang khai thác, phát huy hiệu quả, qua đó, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, con người và cuộc sống Việt Nam thời kỳ đổi mới được bạn bè thế giới biết đến rõ hơn, đúng hơn.

Đặc biệt, sự hiện diện của rối đối với công chúng Việt Nam đã không còn chỉ là những trò diễn rối nước truyền thống mà đã có những vở diễn rối kết hợp nhuần nhuyễn giữa rối nước và rối cạn, rồi những vở diễn rối cạn, rối nước riêng biệt, độc đáo. Rất nhiều vở rối với nhiều hình thức thể hiện, có sự áp dụng công nghệ vào xử lý không gian, thời gian… làm đẹp và làm phong phú hơn cho nghệ thuật múa rối. Đó là những vở diễn thành công của rối Việt Nam trong những thập niên gần đây như: Đức Thánh Trần, Truyện cổ Andersen, Hồn quê, Trê và Cóc, Truyện tình Dạ Trạch, Người thày và những con rối, Thân phận nàng Kiều, Bản tình ca trên núi, Nghêu Sò Ốc Hến, Hoàng thành Thăng Long

Nhờ vào sự tích cực, năng động, sáng tạo mà các nghệ sĩ đã mang đến nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật múa rối độc đáo, trong đó có một số hoạt động lớn, mang tầm quốc tế như Liên hoan Múa rối Quốc tế Hà Nội, Liên hoan Múa rối Đông Nam Á APEX... Đây là một bước phát triển mới, mở ra triển vọng lớn để Việt Nam trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc của sự giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực và quốc tế.

3. Một số biện pháp để múa rối Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững

Về phía đội ngũ nghệ sĩ

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu đầu tiên và cơ bản đối với bất kỳ hình thức nghệ thuật nào, trong đó có múa rối. Trước hết, cần có những chế độ đãi ngộ, thu hút tài năng… để tăng cường nguồn nhân lực thông qua khâu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, tác giả, họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên đạo và có chính sách đào tạo tài năng trẻ văn học nghệ thuật. Đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ sáng tác kịch bản chuyên nghiệp cho sân khấu múa rối. Do đó, rất cần tổ chức các cuộc thi sáng tác, trại sáng tác kịch bản cho nghệ thuật rối. Nếu có thể, nên mở thêm khoa sáng tác kịch bản rối tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Cần có thêm những chính sách phù hợp để hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ, giúp họ sống được bằng nghề và cống hiến hết tâm sức cho nghệ thuật múa rối.

Thêm nữa, cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước cho cả hai khâu: sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật - vốn là hai khâu quan trọng trong toàn bộ quá trình văn nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực sân khấu, trong đó có múa rối. Bởi nếu không có sự tiếp nhận, tức không có khán giả, thì sân khấu bất thành sân khấu với ý nghĩa chân chính của khái niệm này. Cụ thể ở đây là việc hạ giá vé, hoặc miễn phí cho các em đến xem nghệ thuật để có khán giả trong tương lai. Về phương diện này, Nhà hát Múa rối Việt Nam là đơn vị đã có kinh nghiệm thực tiễn.

Sự năng động, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sáng tạo và mở rộng đối tượng tiếp nhận

Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động tổ chức biểu diễn, từng bước triển khai chuyển đổi số nghệ thuật để bắt kịp xu thế phát triển, giúp khán giả dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm của nhà hát, đẩy mạnh hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Instagram, Zalo, Tiktok… tiếp tục phát triển và thiết lập sự hiện diện trên các nền tảng mới nhằm duy trì các kênh tương tác với khán giả, quảng bá sản phẩm nghệ thuật. Xây dựng ứng dụng riêng của các đơn vị múa rối (app) trên các nền tảng: điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng, tivi… với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, liên tục được cập nhật nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, tương tác và thưởng thức nghệ thuật của khán giả, đặc biệt hướng tới khán giả trẻ - là nhóm đối tượng chính sử dụng các công cụ, công nghệ mới.

Xây dựng hệ thống trình diễn trực tuyến các vở diễn nhằm mở rộng khả năng cung cấp sản phẩm tới khán giả một cách thuận tiện, thiết lập kênh trình diễn miễn phí và có thu phí. Đây là hướng đi khá mới mẻ của các nhà hát trên thế giới đã áp dụng trong thời gian qua, đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhằm cung cấp thêm giải pháp linh hoạt, thuận tiện cho khán giả trong việc thưởng thức nghệ thuật, nhất là với các khán giả trẻ.

Mở rộng phạm vi hoạt động và biểu diễn

Sân khấu múa rối cũng cần tăng cường giao lưu và hợp tác để phát triển công tác biểu diễn bằng việc thành lập bộ phận chuyên trách đào tạo, quy tụ các nghệ sĩ, diễn viên có tên tuổi, kinh nghiệm nhằm xây dựng thương hiệu cho đơn vị, mở rộng khả năng quảng bá cho các chương trình nghệ thuật. Tiếp tục phát huy thế mạnh trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các tổ chức, đơn vị nghệ thuật quốc tế trong và ngoài nước, là cầu nối tiên phong giới thiệu các xu thế nghệ thuật đương đại của thế giới đến với khán giả trẻ Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác liên kết với các tổ chức, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, trong đó thiết lập mạng lưới đồng hành và hợp tác chặt chẽ với hệ thống các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học nhằm phát triển nguồn khán giả, định hình thói quen thụ hưởng các giá trị văn hóa, tinh thần ngay từ sớm, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho tuổi trẻ thông qua các hoạt động ngoại khóa, làm quen và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật giàu tính giáo dục, nhân văn, lành mạnh. Ký kết, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và các đội văn nghệ xung kích sinh viên nhằm hỗ trợ phát triển phong trào văn nghệ tại các trường học. Đây cũng là cơ hội để phát hiện và bồi dưỡng tài năng, tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng cao cho nhà hát trong tương lai. Chủ động kết nối và mở rộng đối tác là các nhãn hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho trẻ em như các hãng sữa, quần áo đồng phục, đồ tập thể chất, văn phòng phẩm, dụng cụ sách vở học sinh… là những đơn vị có cùng đối tượng khách hàng mục tiêu, vừa thực hiện các hình thức kết hợp quảng bá sản phẩm hợp lý, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của học sinh.

Hiện nay, Nhà hát Múa rối Việt Nam là đơn vị tiêu biểu, đã đi đầu trong việc xây dựng các hoạt động trải nghiệm thực tế tại Nhà hát cho nhiều đối tượng khán giả. Đây là hình thức rất hiệu quả để tuyên truyền, kéo gần khán giả đến với nghệ thuật múa rối. Thông qua việc tham quan, tìm hiểu, trực tiếp khám phá những công đoạn trong việc dàn dựng và trình diễn một tác phẩm nghệ thuật, gặp gỡ và giao lưu với các nghệ sĩ, những người tham gia vào quá trình tạo nên tác phẩm, khán giả được mở rộng thêm hiểu biết về hình thức nghệ thuật đặc biệt này.

Cuối cùng, chúng ta nên tận dụng lượng khách du lịch tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, công viên Thủ Lệ, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, khám phá các làng nghề truyền thống… Khán giả có thể dùng bữa trưa tại Nhà hát Múa rối Việt Nam và thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Theo khảo sát, hiện nay nhu cầu vui chơi, giải trí, thụ hưởng văn hóa của thanh, thiếu niên tại Hà Nội và các địa phương lân cận là rất lớn, đặc biệt vào dịp nghỉ hè, cuối tuần và các dịp lễ như Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu, khai giảng - bế giảng năm học, Noel, Tết… Hướng đi này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng phạm vi hoạt động thường kỳ của các nhà hát, nâng cao công suất phục vụ khán giả, đồng thời góp phần phát triển hiệu quả nguồn khán giả trẻ trong tương lai.

Nghệ thuật biểu diễn múa rối chuyên nghiệp của Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng của mình tại Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối Việt Nam, biến rối thành sản phẩm văn hóa đặc sắc thu hút du lịch, mang lại nguồn lợi kinh tế, đòi hỏi nghệ thuật rối không ngừng đổi mới dựa trên sự kế thừa tinh hoa truyền thống, gắn múa rối với các sản phẩm văn hóa du lịch và ứng dụng công nghệ hiện đại trong cách biểu diễn múa rối nhằm tăng tính hấp dẫn để hình thức nghệ thuật này phát triển một cách vững chắc.

______________________

1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1997, tr.627.

2. vi.wikipedia.org.

NGUYỄN TIẾN DŨNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;