Một số giải pháp bảo tồn và phát huy loại hình Đờn ca tài tử Nam Bộ

Một buổi sinh hoạt Đờn ca tài tử của người dân Nam Bộ - Ảnh: Vnexpress.net

 

Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đờn ca tài tử Nam Bộ, vừa mang tính bác học, vừa mang tính dân gian, gắn liền với mọi sinh hoạt cộng đồng dân cư Nam Bộ, được cải biên từ nhạc cung đình Huế và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất phương nam. Đờn ca tài tử là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ từ những ngày đầu mở đất, là hơi thở, tiếng lòng, là sức sống mãnh liệt của những con người trọng nghĩa khinh tài, đậm tính nhân văn của vùng sông nước giàu hoa trái và trí dũng miền Nam. Nghệ thuật Đờn ca tài tử là một viên ngọc cần được bảo tồn và phát huy, nhằm góp phần tăng thêm sức mạnh văn hóa truyền thống của vùng Nam bộ nói riêng, văn hóa9845 dân tộc Việt Nam nói chung.

Đờn ca tài tử Nam Bộ có sức ảnh hưởng lớn 21 tỉnh, thành phía Nam. Đờn ca tài tử có thể biểu diễn dưới bóng mát của cây, trên con thuyền bên sông hoặc trong đêm trăng sáng. Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ ngân nga hát ca sau những giờ lao động. Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia Đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục. Ca nhạc tài tử, Đờn ca tài tử, tài tử miệt vườn là những cái tên dùng để nói về dân ca Nam Bộ nói chung và về Đờn ca tài tử nói riêng.

Bằng điệu đờn, tiếng hát, loại hình sinh hoạt văn hóa này gắn kết cộng đồng thông qua thực hành và sáng tạo nghệ thuật, trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình triều Nguyễn và âm nhạc dân gian miền Trung, miền Nam nên nó vừa có tính bình dân, vừa mang tính bác học. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính “ngẫu hứng,” “biến hóa lòng bản” theo cảm xúc, trên cơ sở của 20 bài gốc (bài Tổ) và 72 bài nhạc cổ cho 4 điệu, gồm 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát), 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly). Nhạc cụ tham gia trình diễn gồm đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn cò, sáo, tiêu, song loan và hai nhạc cụ của phương Tây là violon và guitar, đã được “cải tiến” – violon được lên dây quãng 4, còn guitar được khoét phím lõm, để tăng sự nhấn nhá trong điệu đàn. Sau biến cố Kinh đô Huế thất thủ năm 1885 của triều đình Hàm Nghi, ông Nguyễn Quang Đại cùng nhiều quan lại, dân lính triều đình chạy về phương Nam lánh nạn. Với vốn ca nhạc Huế sẵn có, ông đã cải biên một số bài bản trở thành đặc trưng âm nhạc Nam Bộ và tạo nên phong trào Đờn ca tài tử Nam Bộ ở miền Đông do ông đứng đầu, nhóm miền Tây (Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho) do ông Trần Quang Quờn đứng đầu, nhóm Bạc Liêu, Rạch Giá do ông Lê Tài Khị (1862-1924) quê ở Bạc Liêu đứng đầu và ông được tôn là hậu tổ nhạc Khị.

Sau nhiều năm, ông Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), Trần Quang Quờn, nhạc Khị và nhiều nghệ nhân khác ở Nam Bộ đã cải biên, sáng tạo bổ sung một số bài bài từ điệu thức Bắc, Nam. Đặc biệt, điệu thức Oán Chánh, Oán Phụ hoàn toàn do những người sống ở vùng đất Nam Bộ sáng tạo nên. Tất cả các bài bản được cải biên, sáng tạo, bổ sung đều thể hiện được tính đặc trưng Nam Bộ. Đờn ca tài tử Nam Bộ ra đời vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX (khoảng năm 1885). Đờn theo dòng nhạc tài tử Nam Bộ: Nhạc tài tử Nam Bộ gồm có 5 nốt nhạc chính: hò, xự xang, xê cóng. Nốt nhạc phụ: phạn, tồn, là, oan. Ca tài tử Nam Bộ: là ca theo bài bản có sẵn, người viết chỉ dựa vào đó mà đặt lời ca sao cho phù hợp với âm nhạc. Những chặng đường quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển của Đờn ca tài tử Nam Bộ – kể cả cội nguồn sâu xa nhất là nơi đã đặt nền tàng ban đầu cho sự thai nghén thể loại ca nhạc này. Nhà Nguyễn lên ngôi, kinh đô đặt ở miền Trung. Các thể chế chính trị, xã hội và văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc – đặc biệt là nhạc lễ, của triều đại này có ảnh hưởng không nhỏ tới cả nước, đặc biệt là vùng đất phía Nam – nơi mà những ảnh hưởng của họ Nguyễn đã hiện diện từ trước đó trên hai trăm năm khi các chúa Nguyễn cát cứ ở Đàng Trong.

Đờn ca tài tử ra đời trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta vàtrở thành nguồn động viên tinh thần cho nhân dân trong cuộc chiến chống ngoại xâm, đồng thời kiên cường chống chọi với những trào lưu nghệ thuật, âm nhạc mới từ phương Tây tràn vào. Từ sau khi sân khấu cải lương “lên ngôi” cho tới nay, Đờn ca tài tử vẫn tiếp tục con đường của mình: thích ứng với thời đại, sẵn sàng tiếp nhận cái mới để phát triển nhưng kiên cường gìn giữ bản sắc cố hữu của mình. Nó tồn tại song song dưới cả hai hình thức như sinh hoạt thính phòng tri kỷ thuở xưa và những hình thức trình diễn mới: trên sân khấu – trước đông đảo công chúng, hoặc tách biệt hẳn với công chúng qua phương thức thu – phát trên các phương tiện truyền thông mới du nhập và các đĩa hát…

Đáng nể hơn nữa, nó đã không bị những hình thức hát mới thay thế hoặc làm lụi tàn. Trái lại, Đờn ca tài tử còn tiếp tục làm chỗ dựa vững chắc và là nguồn hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của sân khấu cải lương. Nhạc cụ được sử dụng trong Đờn ca tài tử khá phong phú bao gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan,… Từ khoảng năm 1930 thì có thêm đàn guitar phím lõm, violin, guitar Hawaii (đàn hạ uy cầm). Người thực hành Đờn ca tài tử gồm người dạy đàn (thầy Đờn) có kỹ thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy cách chơi các nhạc cụ, người đặt lời (thầy Tuồng) nắm giữ tri thức và kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới, người dạy ca (thầy Ca) thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến,…; người Đờn (Danh cầm) là người chơi nhạc cụ và người ca là người thể hiện các bài bản bằng lời. Để tạo nên những bản đờn ca hay, cuốn hút lòng người, cần có sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa cả đờn và ca. Tiếng đờn cất lên, tiếng ca vang vọng khắp sông nước như nói hộ tiếng lòng của người dân. Ở đó có niềm vui, có nỗi buồn, có hạnh phúc và cả sự chia ly.

Đầu thế kỷ XX, ông Cao Văn Lầu (còn gọi là Sáu Lầu) đã sáng tác bài Dạ cổ hoài lang (Vọng cổ), một trong những bài hát nổi tiếng và phổ biến nhất của Đờn ca tài tử, được cộng đồng tiếp nhận, phát triển từ nhịp 2, 4, 16, 32, … đến nhịp 64. Đờn ca tài tử Nam Bộ được truyền dạy theo hai hình thức: truyền ngón và truyền khẩu – thầy truyền trực tiếp kỹ thuật đờn, ca cho học trò tại nhóm, câu lạc bộ, hoặc tại nhà thầy,… Đặc biệt, còn có hình thức truyền dạy trong gia đình, dòng họ và truyền ngón, truyền khẩu kết hợp với giáo án, bài giảng (nốt ký âm theo kiểu phương Tây và chữ nhạc Việt Nam) tại một số trường văn hóa nghệ thuật địa phương và quốc gia. Thông thường, người học đàn cần ít nhất 3 năm để có được những kỹ năng cơ bản, như: rao, rung, nhấn, khảy, búng, phi, vê, láy, day, chớp, chụp,…, rồi học chơi độc chiếc, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, lục tấu với các nhạc cụ khác nhau kết hợp các điệu (hơi): Bắc, Hạ (nhạc), Xuân, Ai, Oán,… để diễn tả tâm trạng, tình cảm vui, buồn. Người học ca (đơn ca, song ca) học những bài truyền thống, rồi trên cơ sở đó, sáng tạo cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu và lời ca của bài gốc cho phù hợp với bạn diễn và thẩm mỹ cộng đồng. Người đàn dạo nhạc mở đầu (Rao), người ca mở đầu bằng “lối nói” để tạo không khí, gợi cảm hứng cho bạn diễn và người thưởng thức. Họ dùng tiếng đàn và lời ca để “đối đáp”, “phụ họa”, tạo sự sinh động và hấp dẫn của dàn tấu. Những người thực hành Đờn ca tài tử Nam Bộ luôn tôn trọng, quý mến, học hỏi nhau tài nghệ, văn hóa ứng xử, đạo đức…, góp phần gắn kết cộng đồng, xã hội, cùng hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ. Thông qua việc thực hành Đờn ca tài tử Nam Bộ, cộng đồng còn góp phần giới thiệu, bảo tồn và phát huy các tập quán xã hội khác liên quan, như lễ hội, văn hóa truyền khẩu, nghề thủ công,…

Đến nay, Đờn ca tài tử Nam Bộ vẫn được thực hành ở mọi lúc, mọi nơi: trong lễ hội, ngày giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt,… Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo lời mới. Lễ giỗ Tổ vẫn được duy trì vào ngày 12 tháng 8 âm lịch hằng năm. Đối với người phương Nam, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu và là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cộng đồng. Hoạt động văn hóa cộng đồng này đang góp phần phục vụ du lịch bền vững ở địa phương, duy trì sự đa dạng văn hóa của quốc gia và quốc tế. Ở 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ, trải qua thời gian, nghệ thuật Đờn ca tài tử luôn cho thấy một một sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê, thể hiện tâm hồn phóng khoáng, tình yêu quê hương đất nước, con người đất phương Nam. Chẳng có điều gì tạo nên sự chân thật, dung dị bằng những tài tử đờn ca, ban ngày lo việc đồng áng, tối về tụ họp nhau chơi và thưởng thức Đờn ca tài tử trước sân nhà. Không gian đó đã nuôi dưỡng nghệ thuật Đờn ca tài tử và ươm mầm cho nhiều thế hệ say mê nghệ thuật này. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhìn nhận Đờn ca tài tử có sức lan tỏa, tác động mạnh tới công chúng chính là vì nó tồn tại song song ở cả hai hình thức: sinh hoạt thính phòng, mang hình thức truyền thống như khi mới ra đời và trình diễn trên các sân khấu.

Hiện nay, các tỉnh, thành Nam Bộ đều có các câu lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử hoạt động. Môn nghệ thuật này được biển diễn thường xuyên ở những câu lạc bộ nơi miệt vườn thôn dã cho đến các điểm du lịch hay những sân khấu, hội thi, lễ hội quy mô lớn. Ở 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ, trải qua thời gian, nghệ thuật Đờn ca tài tử luôn cho thấy một một sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê, thể hiện tâm hồn phóng khoáng, tình yêu quê hương đất nước, con người đất phương Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ quan điểm “…phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc… phát huy lợi thế quốc gia về văn hóa dân tộc, thế mạnh các vùng, miền… liên kết, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng du lịch.”. Với những giá trị hiện hữu và tầm vóc một di sản thế giới được UNESCO ghi danh thì Đờn ca tài từ giờ đây là tài nguyên vô cùng đặc sắc để các địa phương và doanh nghiệp lữ hành có thể phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc thù vùng Nam Bộ (bao gồm vùng du lịch Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long).

 

Trên cơ sở phân tích những giá trị hấp dẫn của Đờn ca tài tử tính đến những kỳ vọng, mong đợi của người hâm mộ khi đến với Đờn ca tài tử, thì những ý tưởng nhiệm vụ, giải pháp dưới đây cần xem xét, đầu tư và triển khai để thu hút khách và mang lại những trải nghiệm cho du khách đúng với mong đợi của họ. Thiết nghĩ, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, sưu tầm, phục hồi, tạo dựng tư liệu, biên tập nội dung, làm sáng tỏ giá trị, tái hiện lịch sử hình thành phát triển của loại hình nghệ thuật này; nhấn mạnh tính độc đáo, khác biệt và hấp dẫn của nó nhằm thông tin, quảng bá, giới thiệu loại hình nghệ thuật độc đáo này đến với thị trường du lịch, thu hút khách. Đây là nhiệm vụ đầu tiên mà các cấp chính quyền, cơ quan quản lý về văn hóa quan tâm, có chính sách, định hướng, hỗ trợ; tổ chức xã hội, đoàn thể đồng hành cùng cộng đồng dân cư chủ động triển khai trước khi quá muộn, trước khi bị mai một, mất đi vĩnh viễn. Nhiệm vụ này nhằm bảo tồn kho tàng giá trị di sản Đờn ca tài tử. Đồng thời với việc bảo tồn là việc truyền dạy và phổ biến sinh hoạt Đờn ca tài tử khắp các địa phương để nó trở thành món ăn tinh thần, niềm tự hào trong đón tiếp và thiết đãi du khách.

Hai là, tổ chức các hoạt động biểu diễn Đờn ca tài tử trong khuôn khổ các lễ hội địa phương; đầu tư phát triển mạng lưới các nhà hát, câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng… trở thành các chương trình biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử thường xuyên và vào các sự kiện nổi bật trong năm. Lịch trình biểu diễn này là cơ sở để “chào hàng” tới các hãng lữ hành xây dựng chương trình du lịch đến với Đờn ca tài tử hoặc du khách tự tìm kiếm thống tin đi du lịch tới thưởng thức biểu diễn Đờn ca tài tử. Trong vùng Nam Bộ, đặc biệt là Bạc Liêu hoặc Long An, cần đầu xây dựng thương hiệu Đờn ca tài tử Nam Bộ với điểm nhấn là Nhà hát Đờn ca tài tử gắn với Điểm du lịch quốc gia Lưu niệm Cao Văn Lầu. Nhà hát có tầm cỡ quốc gia này sẽ là nơi hội tụ những sự kiện, nghệ sĩ, danh nhân, du khách gắn với các hội thi, lưu diễn… có tiếng vang toàn quốc về Đờn ca tài tử và các loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian.

Ba là, quy hoạch, đầu tư xây dựng các điểm biểu diễn Đờn ca tài tử trong toàn vùng gắn với các công trình dịch vụ công cộng, nơi sinh hoạt cộng đồng và hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch để tạo điều kiện cho khách du lịch tiếp cận thuận lợi với Đờn ca tài tử. Các địa điểm biểu diễn cần đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, phù hợp với không gian, an toàn, vệ sinh, tiện nghi và kết nối với các điểm du lịch, điểm dân cư. Ở mỗi địa phương điểm đến du lịch, cần bố trí tạo 1 không gian công cộng để giao lưu giữa cư dân địa phương với du khách - nơi hội tụ đủ hấp dẫn - để có thể biểu diễn Đờn ca tài tử định kỳ trong tuần. Trong các chương trình biểu diễn, cần lưu ý hạn chế xu hướng sân khấu hóa mà cần thể hiện những giá trị chân thực, mộc mạc, giản dị của loại hình nghệ thuật âm nhạc độc đáo này. Tại các điểm biểu diễn, cần kết nối thuận tiện với các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, giải trí, lưu niệm và các loại hình dịch vụ khác. Đặc biệt, cần kết nối hiệu quả giữa Đờn ca tài tử với văn hóa ẩm thực Nam Bộ; Đờn ca tài tử với văn hóa miệt vườn sông nước Cửu Long; Đờn ca tài tử với hội nghị, hội thảo, khuyến thưởng (MICE).

Bốn là, xây dựng bảo tàng, triển lãm, tượng đài, khu trưng bày, nhà lưu niệm… để trưng bày các nhạc cụ, tư liệu về bản nhạc cổ, tranh, ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng; để làm sáng tỏ giá trị, tôn vinh hình ảnh nghệ thuật, nghệ nhân gắn với Di sản Đờn ca tài tử; để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu thưởng ngoạn của khách du lịch trong và ngoài nước; tạo cơ hội cho các gia đình, dòng họ tham gia trưng bày, cống hiến vật trưng bày cho bảo tàng, triển lãm.

Năm là, thiết kế sản xuất các vật dụng, sản vật địa phương, biểu tượng, tài liệu, địa nhạc, đĩa hình, nhạc cụ, sách ảnh giới thiệu…trở thành hàng lưu niệm mang dấu ấn địa danh, danh nhân đi liền với nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Sáu là, định kỳ 2 năm một lần tổ chức các Festival Đờn ca tài tử trở thành sự kiện quốc gia cho đồng bào cả nước tụ hợp về các tỉnh Nam Bộ để cùng nhau diễn xướng, đồng thời là thời gian tập trung các hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với Đờn ca tài tử để cho du khách khắp nơi nô nức đổ về thưởng thức.

Với những giá trị đặc sắc và vô tận, Đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đang trở thành “món ăn” độc đáo và không thể thiếu đối với các chương trình du lịch đưa khách đến vùng Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Khai thác những giá trị nổi bật và hấp dẫn du lịch của Đờn ca tài tử cần có sự cố gắng nỗ lực cả từ phía chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong mối liên hệ mật thiết với văn hóa Nam Bộ. Đón bắt những kỳ vọng và mong đợi của du khách, doanh nghiệp lữ hành cùng với cộng đồng điểm đến, các điểm biểu diễn và các cơ sở dịch vụ du lịch đang nỗ lực đưa Đờn ca tài tử đến với du khách và dần hình thành sản phẩm du lịch đặc thù Nam Bộ dựa vào Đờn ca tài tử.

Tuy nhiên, để những giải pháp Đưa đờn ca tài tử đến với du khách và phát triển sản phẩm đặc thù dựa vào Đờn ca tài tử được thực thi, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên thì nhất thiết Nhà nước cần có chính sách, chương trình khuyến khích, hỗ trợ và bảo đảm môi trường, điều kiện cần thiết để bảo tồn giá trị đích thực và toàn vẹn đối với di sản Đờn ca tài tử; tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, hướng cho nhân dân thụ hưởng những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, trong đó có Đờn ca tài tử; đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá cho di sản. Nhà nước cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, ở đó lấy bảo tồn làm trọng và đi trước một bước; đồng thời lấy phát triển làm động lực bảo tồn; lấy du lịch có trách nhiệm với di sản, là phương thức hữu hiệu để phát huy giá trị di sản bền vững, trong đó có Đờn ca tài tử.

 

MINH LÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023

 

;