Đời sống văn hóa, môi trường văn hóa - hạt nhân của Chiến lược văn hóa thời kỳ mới

   ​​​​​​​Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa ở nước ta là một trong những vấn đề không mới, nhưng thiết yếu, của việc phát triển nền văn hóa mới, xây dựng con người mới, đồng thời là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong Chiến lược phát triển văn hóa quốc gia. Nói việc xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa là vấn đề không hoàn toàn mới, vì đã có một chặng đường vận động về lý luận và thực tiễn với không ít thành tựu. Song, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đây vẫn là một vấn đề mở, cần nghiên cứu, thảo luận để có những lựa chọn phù hợp, không chỉ về quan niệm hay nội dung, mà còn về sự hoạch định tổng thể, đặc biệt là những giải pháp thích ứng. Ở một góc nhìn nhất định, theo chúng tôi, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa phải trở thành hạt nhân trong Chiến lược văn hóa thời kỳ mới.

Điệu khèn vùng cao - Ảnh: Thanh Hà

 

   Trên bình diện lý luận lẫn hoạt động thực tiễn, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, trong đó, con người là chủ thể, đồng thời là đối tượng, cho đến nay, về cơ bản, không phải là vấn đề mới. Đây là một chủ trương, nhiệm vụ mà ngành văn hóa, cũng như toàn xã hội, đã thực hiện nhiều năm, với nhiều giai đoạn, đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng đối mặt trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy, cái mới của vấn đề là ở chỗ, nên, và phải, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa thế nào để thích ứng với bối cảnh mới, thời kỳ mới. Phải làm sao để trên nền tảng đời sống văn hóa đầy đủ và môi trường văn hóa trong lành đó, việc xây dựng con người mới hội đủ những điều kiện tốt đẹp nhất để trở thành một thực tế bền vững. Đây chính là vấn đề cần phải quan tâm một cách thấu đáo.

   Qua quá trình tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa nhiều năm trước đây, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, có thể thấy, các lĩnh vực lý luận và thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa trong thời kỳ mới đang đứng trước những cơ hội, thuận lợi, cũng như những khó khăn, thách thức, đồng thời đang đặt ra nhiều vấn đề lớn, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp trước mắt và lâu dài mang tính đồng bộ, mạnh mẽ, cụ thể để giải quyết.

   1. Hiểu thế nào về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa

   Những khái niệm này, cho đến nay, cũng được nhìn nhận một cách phong phú, đa dạng không kém gì cách mà chúng ta hiểu hay quan niệm về khái niệm văn hóa. Chính vì thế, việc chốt lại một một định nghĩa khả dĩ tiệm cận được nội hàm khái niệm, thực ra cũng chỉ mang tính tương đối và có ý nghĩa như một định nghĩa để làm việc.

   Về khái niệm đời sống văn hóa, xin bỏ qua những gì mà những nhà khoa học đã quan niệm về vấn đề này, chỉ xin nêu một ví dụ gần đây. Thời điểm sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh, với bút danh Tân Sinh, quan niệm về đời sống văn hóa một cách hết sức giản dị. Đời sống văn hóa là đời sống mới, bao gồm thái độ ứng xử với cái cũ, cái mới trong đời sống một cách hợp tình, hợp lý, gắn văn hóa với lao động sản xuất, gắn văn hóa với xây dựng đời sống tinh thần, xây dựng đạo đức mới, xây dựng nếp sống mới, lối sống mới được thể hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội thời kỳ đó (1). Sau này, qua quá trình hoạt động lý luận và thực tiễn, chúng ta quan niệm một cách phức tạp hơn: đời sống văn hóa là tất cả nội dung và cách thức, hình thức hoạt động văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, phát triển của con người trong điều kiện kinh tế, xã hội nhất định, đảm bảo quá trình hưởng thụ, sáng tạo các giá trị văn hóa vì sự phát triển của con người và cộng đồng.

   Về khái niệm môi trường văn hóa, vấn đề này dù đã được đề cập từ rất lâu, song chưa có quan niệm thống nhất. Theo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, môi trường không chỉ là những cái có sẵn trong tự nhiên mà còn bao gồm những yếu tố nhân tạo. Với cách hiểu môi trường theo nghĩa rộng như vậy, thì môi trường sống của con người như một chỉnh thể bao quát các yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường văn hóa... và đều tác động hữu cơ đến con người.

   Khái niệm môi trường văn hóa lần đầu tiên được giáo sư sinh - nhân chủng học người Pháp Georges Olivier đề cập đến trong tác phẩm Sinh thái nhân văn năm 1975. Theo ông, môi trường văn hóa, hay môi trường nhân văn, được tạo nên bởi sự tác động của con người tới con người và các tổ chức xã hội (2). Ở Liên Xô trước đây, các tác giả của giáo trình Cơ sở lý luận văn hóa Mác- Lênin cho rằng, giữa văn hóa của xã hội, cộng đồng và văn hóa của mỗi cá nhân thường có khâu trung gian, đó là môi trường văn hóa như là tổng thể ổn định những yếu tố vật thể và nhân cách, nhờ đó các cá thể tác động lẫn nhau, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác và sáng tạo giá trị văn hóa, tới nhu cầu tinh thần, hứng thú và định hướng giá trị…(3).

   Trong những năm gần đây, vấn đề môi trường văn hóa ở Việt Nam nổi lên như một hiện tượng bức xúc, vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài về lý luận và thực tiễn. Nhiều nhà nghiên cứu đã tiếp cận môi trường văn hóa từ nhiều góc độ, cấp độ khác nhau và về cơ bản, đều thống nhất rằng: môi trường văn hóa là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong môi trường sống của con người. Trong sách Quản lý hoạt động văn hóa, các tác giả nhận định: Môi trường văn hóa là tổng thể các sản phẩm văn hóa, chương trình, hành vi, thiết chế, phương tiện và cảnh quan văn hóa... mà cá nhân tiếp xúc trong suốt đời và có ảnh hưởng qua lại với cá nhân đó (4). Ở góc độ thực tiễn hiện nay, xây dựng môi trường văn hóa của con người bao gồm một một số hoạt động tối giản: xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh cộng đồng, xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ…

   Như vậy, có thể thấy, không phải bất cứ giá trị vật chất, tinh thần nào cũng tham gia vào cấu thành môi trường văn hóa. Chúng chỉ thực sự thuộc về môi trường văn hóa khi nằm trong mối quan hệ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp với con người, cộng đồng và xã hội loài người. Trong lịch sử phát triển, nhân loại đã trải qua cuộc hành trình hoạt động lao động sản xuất và đã biến môi trường tự nhiên thuần khiết ban đầu thành môi trường tồn tại của mình, thành một thiên nhiên thứ hai - thiên nhiên được cải biến, được nhân hóa, mang ý nghĩa và bản chất người, mang dấu ấn ý chí của con người - đó là môi trường văn hóa, một hệ thống tổng hợp những thành tố văn hóa tác động qua lại với đời sống cá nhân và cộng đồng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

   Có thể nói, đây là vấn đề mở, luôn được lược bỏ, bổ sung phù hợp với điều kiện lý luận và thực tiễn từng giai đoạn. Đây cũng là vấn đề hạt nhân của mọi hoạt động xã hội, hoạt động văn hóa bởi nó bao trùm và gắn bó thiết thân với chủ thể văn hóa: con người.

   2. Vì sao đời sống văn hóa, môi trường văn hóa phải là hạt nhân của Chiến lược văn hóa thời kỳ mới

   Trước hết, trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa ở nước ta, có thể thấy rất rõ tầm quan trọng của sự định hướng chiến lược về văn hóa trong từng thời kỳ. Nếu như ở Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), vấn đề văn hóa được nhấn mạnh là tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa, thì Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, dù vẫn chú trọng tới vấn đề văn hóa trên các bình diện lối sống (bao gồm cả đạo đức), đời sống văn hóa, đã đồng thời nhấn mạnh một bình diện mới: xây dựng môi trường, môi trường văn hóa. Đó có thể coi là một định hướng đúng đắn trên cơ sở tổng kết thực tiễn sâu sắc nhằm thực sự phát triển văn hóa trên cơ sở phát triển những yếu tố hạt nhân của văn hóa, mà nổi bật là đời sống văn hóamôi trường văn hóa. Trên tinh thần đó, ngay lập tức, vấn đề môi trường, với ý nghĩa vừa rộng lớn, vừa sát thực của nó, đã trở thành một vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Môi trường hợp tác, môi trường đầu tư, môi trường sống, môi trường sinh thái, môi trường giáo dục, môi trường văn hóa, ô nhiễm môi trường… là những cụm từ được đề cập tới hằng ngày. Rõ ràng, chúng ta đang có những điều kiện hết sức thuận lợi để tìm hiểu sâu sắc hơn vấn đề môi trường trên nhiều bình diện khác nhau, cả mặt phải và mặt trái, cả sự trong lành lẫn độ ô nhiễm... Nói như vậy không phải không thấy rất rõ rằng: vấn đề môi trường không phải là vấn đề mới, nó đã được chú trọng đặc biệt trong hương ước, lệ làng, quy ước thôn bản… và nó xuất hiện trực diện trong xã hội. Nhưng sở dĩ hiện nay, nó được chú ý đặc biệt, là bởi vấn đề xây dựng và phát triển, bảo vệ và giữ gìn đời sống văn hóa, môi trường văn hóa đã không còn là vấn đề tự phát, cục bộ mà trở thành đường hướng, sứ mệnh, phong trào tự giác của toàn dân.

   Thứ hai, mục tiêu cuối cùng của việc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng văn hóa cũng nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa của con người, chăm lo đến môi trường sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, vì thế, trở thành những vấn đề thiết thân nhất, gần gũi nhất đối với người dân; trở thành nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của toàn xã hội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều có những biến động theo hướng tích cực, dù rằng còn không ít khía cạnh cần được chú ý. Bước vào cơ chế thị trường, nhu cầu văn hóa và hoạt động văn hóa có nhiều biến động theo xu hướng đa dạng hơn, dần hình thành một đời sống văn hóa, môi trường văn hóa hết sức đa dạng và phức tạp trên nhiều bình diện.

   Thứ ba, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ rằng, ngoài những tinh hoa, những giá trị văn hóa tốt đẹp trong và ngoài nước được phổ biến và đề cao, vẫn còn đâu đó nhiều ấn phẩm xấu, nhiều hành vi phản văn hóa, nhiều tệ nạn văn hóa xã hội… đang ùa vào làm ô nhiễm đời sống văn hóa, môi trường văn hóa của con người. Sự suy giảm tư tưởng, đạo đức, lối sống; tệ tham nhũng, hối lộ, cùng những tệ nạn khác đang len lỏi vào từng con người, từng gia đình, từng cộng đồng, làm tha hóa không ít đối tượng và làm ô nhiễm nặng nề đời sống văn hóa, môi trường văn hóa trên phạm vi cả nước. Đã có nhiều tiếng chuông báo động về nạn ô nhiễm môi trường địa lý tự nhiên, khai thác thiên nhiên bừa bãi, về sự thán khí hóa, nạn rác thải, khí thải công nghiệp, tiếng ồn, bụi bặm… Ô nhiễm môi trường văn hóa đang ngày càng bộc lộ rõ hơn: sự xuống cấp đạo đức, tha hóa lối sống, gia tăng tệ nạn xã hội; sự hiếm hoi những việc làm tốt, cử chỉ đẹp, lời nói hay; sự gia tăng hành vi phản văn hóa, cái xấu, cái giả; sự ô nhiễm trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử, giao tiếp trong đó có hành vi phá hoại di sản quý báu của cha ông để lại như đình, chùa, miếu, đền, danh lam thắng cảnh… Do đó, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh đang trở thành đòi hỏi cấp thiết, và phải trở thành vấn đề trung tâm trong mọi kế hoạch hành động, nhất là trong Chiến lược phát triển văn hóa thời gian tới.

   3. Mấy giải pháp xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa

   Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa là một vấn đề rộng lớn, đa dạng, đồng thời cụ thể, tỉ mỉ. Để xây dựng được đời sống văn hóa, môi trường văn hóa theo nghĩa đầy đủ, cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục trong Chiến lược phát triển văn hóa quốc gia và chú trọng một số vấn đề sau:

   Hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật và cơ chế chính sách về xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa một cách toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực của đời sống.

   Đổi mới tổ chức, nội dung và cơ chế quản lý văn hóa; phân cấp trách nhiệm và thẩm quyền của các cấp; tạo bước tiến rõ rệt về cải cách hành chính trên lĩnh vực văn hóa nói chung, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa nói riêng.

   Tăng cường nguồn lực và cơ sở vật chất cho việc phát xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa. Tạo cơ chế đầu tư, đảm bảo sử dụng hiệu quả kinh phí của Nhà nước, kinh phí xã hội hóa cho việc xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa.

   Chú trọng chính sách gắn phát triển kinh tế, xã hội với phát triển văn hóa, trong đó có việc xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa. Việc xây dựng các mục tiêu, giải pháp kinh tế trong kế hoạch 5 năm, hằng năm của các cấp, các ngành và địa phương phải gắn với các mục tiêu, giải pháp về việc xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa.

   Hoàn thiện chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa, một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút tiềm năng toàn xã hội, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến sản phẩm văn hóa, hưởng thụ văn hóa của nhân dân; cụ thể hóa chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia hoạt động văn hóa nhằm tạo động lực và bước đột phá cho việc xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa.

   Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tinh thần tự nguyện, tính tự quản, năng lực làm chủ của nhân dân trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển của các tổ chức nghề nghiệp, các câu lạc bộ văn hóa; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Chương trình Xây dựng nông thôn mới, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa.

   Đời sống văn hóa và môi trường văn hóa ngày càng trở thành vấn đề thiết thân đối với mỗi con người. Và càng ngày, người ta không chỉ quan tâm tới việc tìm kiếm những môi trường sống trong lành mà còn phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, cả vật chất và tinh thần. Vì lẽ đó, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, chống ô nhiễm môi trường văn hóa phải trở thành một phong trào lớn của cả cộng đồng. Nhiệm vụ trung tâm của Chiến lược phát triển văn hóa ở nước ta là xây dựng một đời sống văn hóa phong phú, một môi trường văn hóa lành mạnh và những con người Việt Nam có trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng. Cùng với việc phấn đấu đạt được những mục tiêu trước mắt, chúng ta cần tích cực chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, nhân cách văn hóa Việt Nam vào những thập kỷ tới của TK XXI.

____________

   1. Tân Sinh, Đời sống mới, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2004, tr.40.

   2. Georges Olivier, Sinh thái nhân văn, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1992, tr.15.

   3. A.I.Arnondov (chủ biên), Cơ sở lý luận văn hóa Mác - Lênin, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1981, tr.63.

   4. Nhiều tác giả, Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.32.

 

Tác giả: Thái Hoàng Vũ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

 

;