Mấy kiến giải về văn hóa trong giao lưu, hội nhập thời hiện đại (Tiếp theo số 417 và hết)

     3. Những trọng điểm cần và đủ trong giao lưu văn hóa - điều kiện góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa quốc gia

     Giao lưu văn hóa là một hiện tượng phổ biến của xã hội loài người, là một quy luật vận động và phát triển của các dân tộc và của mọi nền văn hóa. Giao lưu văn hóa phản ánh sự học hỏi và tiếp nhận lẫn nhau giữa các dân tộc, các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, trước hết là những thành tựu về trí tuệ, về khoa học và công nghệ, về kinh nghiệm tổ chức xã hội và quản lý nhà nước…

     Lịch sử giao lưu văn hóa quốc tế đã đưa lại cho nhân loại nhiều thành tựu lớn, nhất là trong quá trình giao lưu giữa các nền văn minh. Sự tỏa sáng của trí tuệ và những phát minh từ những nền văn hóa lớn trong buổi bình minh của loài người cho đến hôm nay đã có sức lan tỏa đến nhiều dân tộc, bất chấp khoảng cách lớn về không gian. Chính nhờ giao lưu văn hóa đúng hướng mà các nước, các khu vực chậm phát triển có cơ hội trở thành những nước phát triển trong một thời gian ngắn. Trong giao lưu văn hóa quốc tế, loài người đã để lại kinh nghiệm hoặc vì tâm lý bảo thủ, tư tưởng kiêu ngạo dân tộc mà tự kìm hãm mình trong lạc hậu, hoặc vì sùng bái mù quáng mà tiếp thu thiếu chọn lọc mọi hiện tượng của văn hóa nước ngoài.

     Giao lưu văn hóa được thể hiện ít nhất qua bốn con đường: thương mại, tôn giáo, chiến tranh xâm lược, trao đổi văn hóa một cách bình đẳng giữa các nước. Hình thức sau cùng này diễn ra rất đa dạng, phong phú trên tinh thần học hỏi lẫn nhau, giới thiệu tinh hoa văn hóa của mỗi nước, trao đổi các đoàn văn hóa, giới thiệu những ngày văn hóa, tuần lễ văn hóa tại nước bạn…

     Do hoàn cảnh lịch sử, việc giao lưu văn hóa với thế giới của Việt Nam bị chậm trễ so với các nước. Nhưng bù lại, chúng ta có kinh nghiệm hội nhập văn hóa mà không bị đồng hóa. Trong quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây, đặc biệt là văn hóa Pháp, trong một thời gian ngắn, nhất là Chiến tranh thế giới thứ nhất, khoảng từ năm 1919 trở đi, một phong trào canh tân các loại hình văn hóa nghệ thuật được dấy lên. Những nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ của chúng ta tiếp thu tất cả các loại hình, thể loại, những gì được thể hiện về hình thức, nhưng lại biết biểu đạt một cách sáng tạo cho phù hợp với thực tế lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam nhằm truyền tải những giá trị dân tộc, nói lên tâm hồn, lối sống, tập quán, tâm lý, thị hiếu của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ. Với tinh thần ấy, khi tiếp xúc với các nền văn hóa lớn, ông cha ta không bao giờ có thái độ vong bản, không rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti mà luôn sáng tạo với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, để có một nền văn hóa độc lập mà không biệt lập, hội nhập mà không hòa tan. Hàng nghìn năm, dân tộc ta đã tiếp thu những ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây, nhưng vẫn giữ được bản sắc, cốt cách văn hóa dân tộc.

     Khẩu hiệu Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước đã nói lên sự thành tâm, nhu cầu muốn giao hòa, tiếp cận với các nền văn hóa các nước để cùng nhau học hỏi, phát triển.

     Giao lưu văn hóa phải có nhận và có cho. Trong những năm qua, cái cần thiết thì ta nhận còn ít, cái không cần thiết thì lại ồ ạt nhập vào. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương khóa VIII đã nêu mặt yếu kém của ta trong giao lưu văn hóa: “Giao lưu văn hóa với nước ngoài chưa tích cực và chủ động, còn nhiều sơ hở. Số văn hóa phẩm độc hại phản động xâm nhập vào nước ta còn quá lớn, trong khi đó, số tác phẩm văn hóa có giá trị của ta đưa ra bên ngoài còn quá ít” (1). Tình hình tuy có được cải thiện trong 20 năm gần đây nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn của sự phát triển văn hóa.

     Sau đây là một ví dụ về thực trạng nhập khẩu phim, băng hình: do không quản lý được băng hình nhập lậu và nạn in sao băng tràn lan đã làm cho ngành chiếu bóng thất thu; do giá mua bản quyền cao, thị trường trong nước lộn xộn, nạn ăn cắp bản quyền lan tràn, cho nên đến nay, các công ty và hãng phát hành nước ngoài hợp tác với ta đều bỏ cuộc, chỉ còn lại vài công ty lớn như: TVB, Gia Hòa UIP, Tam Dương… Vào những năm 1994 - 1995, sản phẩm văn hóa như đĩa CD, CD ROM đã trở nên phổ biến. Lượng văn hóa phẩm nhập khẩu phi mậu dịch tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM. Tình trạng nhập lậu khá phổ biến, chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Phần lớn các văn hóa phẩm nhập lậu đều có nội dung gây ảnh hưởng xấu tới đời sống văn hóa trong nước. Trong lúc đó, việc nhập khẩu sách báo còn hết sức hạn chế. Sách nhập hầu như không đáng kể. Những năm gần đây có một số tạp chí bằng tiếng Anh, sách chuyên đề văn hóa dân tộc, du lịch, văn hóa, bản đồ kinh tế cũng được chú trọng hơn.

     Do thiếu kinh phí và phương tiện hạn hẹp, nên hoạt động văn hóa đối ngoại còn yếu. Sau năm 1975, cả thế giới khâm phục chiến thắng của Việt Nam, những người có lương tri đều muốn biết sự thật ở Việt Nam. Nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả các nhà quân sự Mỹ đều cho rằng, chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của một nền văn hóa. Nhưng khi tìm hiểu văn hóa Việt Nam, người nước ngoài lại gặp không ít khó khăn. Chúng ta còn quá ít tài liệu, văn hóa phẩm để giao lưu với bên ngoài; ngược lại, chúng ta cũng chưa có những thiết chế, những tổ chức cần và đủ để tìm hiểu các nền văn hóa, mà hiện nay, chúng ta chưa biết hoặc biết còn mờ nhạt.

     Cho đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với gần 190 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Nhà nước đã ký hiệp định văn hóa với hàng chục nước và có nhiều dự án hợp tác văn hóa. Các con đường giao lưu văn hóa quốc tế chưa thật phong phú, chỉ mới dừng lại ở các phương thức sau đây: qua các nghị định thư, kế hoạch hợp tác ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế; qua liên doanh, liên kết hợp tác sản xuất các loại văn hóa phẩm; quan hệ trực tiếp bằng hợp đồng của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, các hội sáng tạo, các tổ chức tương ứng ở các địa phương, quan hệ cá nhân; trao đổi các nhà khoa học, các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ; các học sinh du học, mời chuyên gia đến giảng dạy trong nước; tổ chức tham dự các cuộc hội thảo ở trong và ngoài nước; trao đổi biểu diễn nghệ thuật, tham gia hội chợ triển lãm, liên hoan phim, trao đổi các đoàn chuyên gia, khảo sát, du lịch, trao đổi tư liệu.

Tiết mục múa của các nghệ sĩ Hàn Quốc tại Festival Huế - Ảnh: Thanh Hà

 

     Vào những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2002, Hội Nhà văn Việt Nam đã chủ trương quảng bá văn học nước nhà ra nước ngoài, được thể hiện ở cuộc Gặp mặt quốc tế những người dịch văn học với 14 đại biểu đến từ 6 quốc gia và hàng chục dịch giả là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình. Từ đó đến nay, việc quảng bá văn học Việt Nam đến với các nước có những dấu hiệu khởi sắc. Đầu năm 2010, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội với quy mô lớn, với sự tham gia của 150 đại biểu đến từ 31 quốc gia và 200 dịch giả, nhà văn, nhà thơ, người làm sách, làm xuất bản, báo chí trong nước. Có kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của phía ta và phía bạn. Số lượng tác phẩm văn học được dịch và giới thiệu ở Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thụy Điển tăng rõ rệt. Ở Ba Lan, chỉ vài năm gần đây đã công bố Tuyển tập thơ Việt Nam năm 2008 Thơ Việt Nam TK X - XV do nhà văn Andrây Tuzeyski dựa trên bản tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện và Hữu Ngọc (Nxb Thế giới, 1973). Tiếp đó Tuyển tập thơ Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại do Nxb Phụ nữ Việt Nam và Nhà xuất bản Feminist Mỹ cộng tác cùng ấn hành tại Hà Nội và tại New York giới thiệu ca dao, dân ca, 92 nhà thơ cổ điển và hiện đại Việt Nam do 16 dịch giả Mỹ cùng với các nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, do hai chuyên gia Mỹ là Lady Borton và Martha Collis chủ biên. Ngoài ra còn có một tập thơ ba thứ tiếng Hán - Việt - Anh về thơ thiền Lý Trần, về Côn Sơn và thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi (Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009) do nhà thơ Nguyễn Duy, Kevin Bowell và Nguyễn Bá Chung chủ trương và thực hiện.

     4. Xu thế phát triển của văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội nhập và giao lưu quốc tế

     Để nhận diện xu thế này, cần phải thấy rõ những đặc điểm nổi bật của bối cảnh trong nước và trên toàn thế giới hiện nay. Đó là:

     Nhiều tiền đề cần thiết cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được tạo ra. Quan hệ giữa nước ta với các nước mở rộng hơn bao giờ hết. Khả năng giữ vững độc lập tự chủ và hội nhập với cộng đồng thế giới tăng thêm - đó là những thời cơ.

     Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (1-1994) nêu ra là: tụt hậu xa hơn về kinh tế do điểm xuất phát thấp; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; tệ quan liêu và tệ tham nhũng đang trở thành vấn nạn ở một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa; âm mưu diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động.

     Hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc của các dân tộc và các quốc gia. Sự liên kết về kinh tế, về thương mại, về văn hóa ngày càng gia tăng, nhưng xu thế cạnh tranh cũng diễn ra gay gắt.

     Các dân tộc nâng cao ý thức độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, đấu tranh chống lại sự áp đặt và can thiệp của nước ngoài, bảo vệ độc lập chủ quyền đặc biệt là chủ quyền biển đảo và nền văn hóa dân tộc. Cần có những công trình nghiên cứu, tư liệu, khảo sát về đề tài văn hóa biển đảo.

     Các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau vừa hợp tác vừa đấu tranh với nhau. Các nước xã hội chủ nghĩa, các Đảng Cộng sản và công nhân, các lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới vẫn kiên trì đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, chống lại âm mưu thôn tính và áp đặt của chủ nghĩa đế quốc.

     Nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi, nhưng xu hướng ly tâm, xung đột sắc tộc, chiến tranh cục bộ gia tăng và kéo dài.

     Cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển với tốc độ ngày càng nhanh, trình độ ngày càng cao, thúc đẩy sức sản xuất, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới, quốc tế hóa nền kinh tế, đời sống xã hội và sự phát triển văn hóa.

     Xu thế hội nhập đang được đặt ra trước cộng đồng thế giới, không một quốc gia nào có thể đứng riêng lẻ để tự giải quyết, mà cần có sự hợp tác đa dạng, đa phương.

     5. Giải pháp mở rộng giao lưu văn hóa trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa quốc gia

     Nói đến văn hóa là nói đến đội ngũ những nhà hoạt động văn hóa. Vì vậy, cần xây dựng quy hoạch và kế hoạch trong vài thập kỷ tới để có một thế hệ các nhà hoạt động văn hóa, các văn nghệ sĩ vừa có tài năng, vừa có tâm huyết với nền văn hóa dân tộc, sáng tạo và tiếp nhận những giá trị và tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu văn hóa dân tộc.

     Thành lập một số trung tâm Việt Nam học ở một số nước trọng điểm, ở các khu vực; tổ chức những tuần văn hóa giữa các nước, kết nối mạng internet cả hai chiều vào - ra.

     Đầu tư thích đáng cho việc sưu tầm, tuyển chọn, biên dịch, xuất bản, phát hành, những công trình tiêu biểu của văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

     Thành lập một số cơ quan chỉ đạo và quản lý giao lưu văn hóa quốc tế có đủ thẩm quyền ở cấp quốc gia. Khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu phân công, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.

     Dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý thống nhất nói trên, các bộ, ngành có liên quan phối hợp lựa chọn một đội ngũ tham tán văn hóa thực sự là những người am hiểu văn hóa dân tộc và văn hóa của một số nước, có trình độ ngoại ngữ tốt… để đảm đương trách nhiệm giao lưu văn hóa quốc tế do cơ quan quản lý thống nhất cấp quốc gia tiến cử, chứ không phải chỉ là người của Bộ Ngoại giao.

     Đưa nội dung giảng dạy văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc trên thế giới vào chương trình chính thức ở bậc phổ thông trung học trở lên.

     Lực lượng và hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện nay không phải là nhỏ, trong số hơn 4 triệu người có khoảng 170.000 có trình độ cao học và tiến sĩ. Một số Việt kiều đã có sự nghiệp và hướng về Tổ quốc. Lớp trẻ 30 - 40 tuổi có thái độ tiến bộ, yêu nước. Chúng ta chưa có điều kiện giúp đỡ đồng bào duy trì tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa dân tộc. Giao lưu văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh chống hành vi và lời nói xuyên tạc đời sống ở quê hương của bọn xấu.

     Tiến tới đàm phán với Trung Quốc, Pháp, Mỹ để thu hồi các sản phẩm văn hóa, các cổ vật, sách, tư liệu mà họ đã mang về nước trong thời kỳ chiếm đóng nước ta (chí ít là các phiên bản). Nhiều Nghị quyết của UNESCO đã nêu vấn đề trả lại cho các nước của cải văn hóa của họ đã bị lực lượng chiếm đóng mang về nước. Đây là vấn đề không đơn giản, nhưng là vấn đề máu thịt của văn hóa dân tộc, cần có những biện pháp hữu hiệu trong đàm phán với các nước hữu quan.

     Cần đầu tư thỏa đáng về trí tuệ, công sức và các điều kiện vật chất khác để đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

     Xây dựng chương trình giáo dục văn hóa dận tộc là cơ sở để truyền thụ tinh hoa văn hóa thế giới cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ từ mẫu giáo đến đại học. Coi trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời có thái độ đúng mực trong việc học và sử dụng các ngoại ngữ khác.

     Thành lập thêm một số cơ quan và tổ chức Trung tâm văn hóa tại một số nước để tuyên truyền, giới thiệu, thông tin những hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật của nước ta nhất là văn hóa hiện đại.

     Cần có những chính sách, kế hoạch thiết thực giúp trí thức Việt kiều ở hải ngoại hướng về Tổ quốc, hợp tác với trí thức trong nước để lao động, sáng tạo, cống hiến cho đất nước.

     Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giao lưu văn hóa quốc tế không chỉ là chức năng của ngành văn hóa, mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Sự hiện diện nhân tố văn hóa ở mọi hoạt động, mọi cung cách ứng xử đối ngoại trong quá trình giao lưu, hợp tác với các nước, là biểu hiện của lòng tự trọng, tự hào dân tộc, đồng thời là sự tôn trọng các dân tộc khác. Vì vậy, cần làm tốt việc mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế trên cơ sở giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

     Trong bối cảnh trong nước và quốc tế nêu trên, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa quốc gia, phát huy tiềm lực con người và mọi giá trị truyền thống chính là nguồn lực trung tâm của nền tảng văn hóa, văn minh Việt Nam. Nguồn lực con người là sức mạnh cốt lõi, là cội nguồn của con người sáng tạo ra mọi của cải vật chất, tinh thần cho xã hội. Phát huy nguồn lực tinh thần con người chính là huy động triệt để, phát huy tối đa vốn quý nhất, tài sản vô giá vào sự nghiệp xây dựng một xã hội giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Khi nói đến nguồn lực, các nhà nghiên cứu thường nói đến nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Khái niệm nguồn lực cũng có nội dung khác nhau ở những nền văn hóa không giống nhau. Ở phương Tây, các nhà nghiên cứu thường coi nguồn lực là một cấu trúc gồm: con người, trí tuệ và đất. Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên, đất chật (chỉ chiếm 0,3% diện tích thế giới), vì vậy sự lựa chọn cấu trúc của người Nhật là kỹ thuật phương Tây cộng với đạo lý dân tộc. Việt Nam là một nước văn hiến, “văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc” (2), đó chính là nguồn lực tinh thần của con người và của xã hội Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

____________

     1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.49, 40.

 

Tác giả: Hồ Sĩ Vịnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

 

;