Lâm Đồng và những vấn đề đặt ra qua 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa

     Đặc trưng văn hóa Lâm Đồng

     Qua 125 năm hình thành và phát triển, tỉnh Lâm Đồng đã hội tụ đủ các yếu tố để trở thành tỉnh có nền văn hóa đặc trưng: vừa đa dạng, phong phú, vừa mang bản sắc riêng. Cư dân Lâm Đồng rất đa dạng, gồm: người dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa có nguồn gốc lâu đời nhất (Mạ, K’Ho, Churu); một lượng lớn dân di cư từ Hà Nội và các tỉnh lân cận Hà Nội; các tỉnh khu vực miền Trung (Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên) đến Lâm Đồng trước năm 1954; cư dân một số tỉnh miền Nam và những năm gần đây, di dân tự do của đồng bào DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc. Người Việt Nam khi đi lập nghiệp bất cứ nơi đâu dường như chẳng mang theo nhiều tiền của (đa số nghèo), cái mà họ luôn mang theo trong hành trang khi xa xứ là tín ngưỡng, tập quán, thói quen… đó chính là văn hóa.

     43 dân tộc từ 63 tỉnh, thành trong cả nước về đây lập nghiệp, sinh sống đã tạo nên một tỉnh Lâm Đồng đa dân tộc, đa văn hóa. Văn hóa Lâm Đồng vừa mang nét chung - văn hóa của cộng đồng các dân tộc, vừa có nét riêng - văn hóa từng sắc tộc, từng vùng miền. Song, tất cả đều hòa quyện trong cuộc sống vốn luôn vận động và hướng tới cái mới, hiện đại, tốt đẹp hơn. Điều kỳ diệu là dù hộ dân này là người Bắc, hộ kia là người miền Trung, hay người miền Nam; hộ dân lập nghiệp trước hay hộ lập nghiệp sau; người Kinh hay người DTTS… khi đến Lâm Đồng đều sống đan xen, thuận hòa; trong quá trình sinh sống, người ta biết học hỏi nhau cái tốt, phát huy cái hay; đồng thời bỏ dần cái xấu, cái cá biệt...

     Nét đặc trưng ấy thể hiện rõ qua cách tổ chức đời sống, lao động, sinh hoạt, nhất là qua các lễ hội văn hóa truyền thống. Định kỳ mỗi năm, bên cạnh lễ hội văn hóa cồng chiêng toàn tỉnh, nhiều địa phương (huyện, xã, thôn, buôn) còn tổ chức ngày hội văn hóa truyền thống các dân tộc. Sau các hoạt động văn hóa, thể thao có tính cộng đồng dành cho tất cả các dân tộc sinh sống tại địa phương là các hoạt động mang đặc trưng văn hóa riêng từng dân tộc, vùng, miền (lễ hội lồng tồng của người Tày, Nùng; lễ hội thác Pongour của người Thái; điệu then với cây đàn tính của người Tày; tiếng khèn của người Dao, cồng chiêng của người Mạ, K’Ho, Churu bản địa...).

     Kết quả khảo sát giữa năm 2018 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở VHTTDL, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng thực hiện khá bất ngờ. Trường hợp thanh niên người Kinh kết hôn với người DTTS, hay người DTTS này kết hôn với người DTTS khác diễn ra khá phổ biến ở các địa phương trong tỉnh. Điều này, thêm một lần nữa khẳng định sự giao thoa, quyện hòa trong dòng chảy văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc trên vùng đất Nam Tây Nguyên.

     Với đặc trưng đa dân tộc, đa văn hóa, nhân dân có tín ngưỡng đa thần; muốn phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trước hết phải quan tâm phát triển văn hóa. Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh vừa qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã thể hiện rất rõ quan điểm chỉ đạo này trong các văn kiện, chương trình hành động; đó là: “Tập trung bảo tồn và phát triển văn hóa; di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn; trong đó, chú trọng phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS; đồng thời, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch”. Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định, du lịch là ngành kinh tế động lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Nhảy rạp kết hợp với điệu xòe của người Thái trên đất Lâm Đồng

Ảnh: Thanh Dương Hồng

 

     Theo đó, UBND tỉnh đã triển khai các đề án, chương trình; chỉ đạo ngành VHTTDL phối hợp với chính quyền các địa phương, tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào các DTTS bản địa đã bị mai một; khôi phục một số làng nghề và nghề truyền thống bị thất truyền; lấy phát triển văn hóa làm nền tảng, sức mạnh tiềm tàng, vốn quý của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên và trong cả nước.

     Hơn 10 năm qua, bên cạnh triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương trên lĩnh vực văn hóa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, các chương trình, dự án về phát triển văn hóa, phát triển du lịch, dịch vụ. UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp văn hóa giai đoạn 2006 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về Phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 và Nghị quyết số 07-NQ/TU về Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

     10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa

     Sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, ngày 6-4-2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Kế hoạch số 2016-KH/UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; giao Sở VHTTDL Lâm Đồng tham mưu, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong chiến lược theo đúng tiến độ, lộ trình và đạt nhiều kết quả trên hầu hết các lĩnh vực.

     Với 5 mục tiêu và 6 nhiệm vụ được UBND tỉnh Lâm Đồng xác định trong việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa qua 2 giai đoạn: 2010 - 2015 và 2016 - 2020 khá cụ thể. Trong 8 nhiệm vụ của chiến lược do Chính phủ ban hành, Lâm Đồng chú trọng triển khai 6 nhiệm vụ sát thực với đặc thù của địa phương, đó là: xây dựng con người văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật (VHNT); phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức các tôn giáo, tín ngưỡng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.

     Sở VHTTDL đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ; phối hợp các sở, ngành liên quan; cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện tốt các cuộc vận động; xây dựng thực hiện các quy ước, hương ước xây dựng đời sống văn hóa; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các địa phương lồng ghép việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa với Phong trào xây dựng nông thôn mới; cuộc vận động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa, đô thị văn minh...

     Nhiều năm qua, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, ban, ngành; giảng viên, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng; Viện Sinh học Tây Nguyên… đã thực hiện hơn 50 đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa các dân tộc, văn hóa dân gian, du lịch và tiềm năng phát triển du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng; khảo cổ học về di sản văn hóa… bổ sung vào kho tàng dữ liệu nghiên cứu, phục vụ tốt công tác tra cứu, khai thác tư liệu cho các ngành, lĩnh vực tham khảo.

     Sở VHTTDL phối hợp các ngành tổ chức gần 100 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học về lịch sử, văn hóa, du lịch; tổ chức hàng chục khóa học, lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng du lịch cho 2.000 cán bộ văn hóa cơ sở, công chức, viên chức, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhân viên trong các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng… Cấp giấy công nhận đủ điều kiện kinh doanh loại hình du lịch thể thao mạo hiểm cho hơn 10 doanh nghiệp…

     Công tác xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa được gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua yêu nước; nhiệm vụ chính trị của địa phương được cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã hội đặc biệt quan tâm. Đến nay, Lâm Đồng có 77/117 xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 66,37%); có 899/988 thôn, khu dân cư đạt chuẩn văn hóa (91%). Toàn tỉnh có 114/116 xã có Nhà văn hóa (đạt 98,3%); trong đó có 96 Nhà văn hóa xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; 906/976 thôn có Nhà sinh hoạt cộng đồng (đạt 92,8%); trong đó, 705 Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, khu dân cư đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL…

     Lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được chính quyền địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả. Sở VHTTDL đã khảo sát, lập danh mục, đề xuất bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc tôn giáo… trên địa bàn; lập danh sách, đề án đề nghị công nhận các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 36 di tích đưa vào danh mục đã được công nhận; trong đó, có 20 di tích cấp quốc gia và 16 di tích cấp tỉnh. Trong 20 di tích cấp quốc gia, có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Vườn quốc gia Cát Tiên và Khảo cổ Cát Tiên, 2 di tích kiến trúc, 14 di tích danh lam thắng cảnh và 2 di tích lịch sử cách mạng.

     Ngoài một số di tích cấp quốc gia đặc biệt do ngành VHTTDL trực tiếp quản lý, đa số di tích danh lam thắng cảnh được giao cho các doanh nghiệp khai thác, phục vụ du lịch, tạo những điểm đến hấp dẫn du khách. Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh chủ yếu là các chùa, đình làng được giao cho cộng đồng dân cư quản lý, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu...

     Hằng năm, ngành văn hóa thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong quản lý, khai thác các di tích danh lam thắng cảnh; đặc biệt những vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch thể thao mạo hiểm không đảm bảo an ninh và an toàn cho du khách đối với các doanh nghiệp.

     Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS đặc biệt được chú trọng. Sở VHTTDL Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các DTTS tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020; Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030; tham mưu UBND tỉnh hồ sơ Đề án để trình Bộ VHTTDL công nhận làng dân tộc Churu (tại xã Proh - huyện Đơn Dương) là làng nghề truyền thống tiêu biểu; tổ chức phục dựng, chỉnh trang và đưa Di tích lịch sử cách mạng Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt vào khai thác phục vụ du khách tham quan, học tập, nghiên cứu…

     Thực hiện đề án của Chính phủ về hỗ trợ phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS có nguy cơ mai một, đến nay, Lâm Đồng đã đầu tư phục dựng hơn 10 lễ hội tiêu biểu của các DTTS bản địa như: lễ Pơthi (của người Churu và nhóm K’Ho ở thôn K’Long - huyện Đức Trọng), lễ Nhô Wèr (của người K’Ho Srê ở huyện Di Linh), lễ Bok Chu-bur (của cộng đồng Churu ở huyện Đức Trọng), các nghi thức cúng lúa rẫy (của người Mạ ở huyện Bảo Lâm), Lễ đưa lúa về kho (dân tộc K’Ho huyện Lâm Hà), Lễ sạ lúa, Lễ bắt chồng (dân tộc Churu - huyện Đơn Dương…). Thông qua các đề án, chương trình hỗ trợ của Trung ương, địa phương, ngành Văn hóa phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức 50 lớp truyền dạy đánh chiêng cho 1.200 thanh niên; cấp phát hàng trăm bộ cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc cho cộng đồng DTTS tại các thôn, xã nhằm khôi phục, phát triển di sản văn hóa DTTS bản địa…

     Theo thống kê của ngành văn hóa, hiện nay ở Lâm Đồng có 84 lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS tồn tại và được duy trì tổ chức thường xuyên hằng năm. Bên cạnh tổ chức các lễ hội lớn cấp tỉnh, nhiều huyện, thành phố chú trọng tổ chức Ngày hội văn hóa truyền thống các dân tộc. Đây là “động thái” thiết thực đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

     Trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, Lâm Đồng đặc biệt chú trọng đầu tư kinh phí để khôi phục và phát triển các Làng nghề và các nghề truyền thống của đồng bào các DTTS. Hiện nay, toàn tỉnh có 33 làng nghề truyền thống gắn với các sản phẩm đặc trưng văn hóa bản địa (làng nghề làm rượu cần, trồng dâu nuôi tằm, dệt thổ cẩm, làm nõ, làm bầu hồ lô, đan lát, đúc nhẫn bạc…) đã được UBND tỉnh công nhận. Việc phát triển các làng nghề truyền thống và các nghề truyền thống được gắn với du lịch; do đó, nhiều làng nghề được xây dựng trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; tại các điểm dừng chân của du khách; hay tại các làng đồng bào DTTS… tạo thành những “điểm đến” văn hóa thu hút đông đảo khách du lịch thập phương, nhất là khách quốc tế.

     Đối với việc phát triển sự nghiệp VHNT địa phương, trong những năm gần đây được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo; tạo những cơ chế, chính sách hết sức thuận lợi để hỗ trợ văn nghệ sĩ tự do sáng tác. Trong đó, chú trọng phát triển VHNT các DTTS, văn học dân gian; khai thác các đề tài về văn hóa của các dân tộc bản địa; phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ là người các DTTS… Chi hội VHNT các DTTS tỉnh Lâm Đồng hiện có 19 văn nghệ sĩ, hằng năm đã sáng tác, biên soạn, dịch thuật, sưu tầm… hàng trăm tác phẩm, các thể loại VHNT phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS trên địa bàn…

     Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển văn hóa, hệ thống các thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng được trang bị, đầu tư cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh của nhân dân. Hằng năm, lãnh đạo tỉnh, các địa phương tranh thủ các nguồn tài trợ; thực hiện xã hội hóa và chi ngân sách xây dựng, trang bị tư liệu cho các thư viện, bảo tàng; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các nhà văn hóa xã; nhà sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư; các sân chơi thể thao, bể bơi, khai thác các công viên, rạp chiếu phim… Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 Nhà văn hóa thiếu nhi (tại Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng), 1 trung tâm hoạt động thanh thiếu niên hoạt động hết công suất phục vụ phát triển năng khiếu và vui chơi của thanh thiếu nhi…

     Hạn chế, khó khăn và những vấn đề đặt ra

     Dù rằng, hơn 10 năm qua lãnh đạo tỉnh, ngành Văn hóa và chính quyền các địa phương ở Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo, triển khai công tác bảo tồn, phát triển văn hóa; quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa và đã đạt những kết quả nhất định. Song, nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn bộc lộ những vướng mắc, những hạn chế, khó khăn.

     Trước hết, nhận thức của một số cấp ủy cơ sở về vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; đồng thời chính quyền một số địa phương chưa có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng cho sự nghiệp văn hóa; xem nhẹ việc phát triển văn hóa; chủ yếu tập trung phát triển kinh tế.

     Kinh phí đầu tư từ ngân sách cho sự nghiệp văn hóa, hoạt động văn hóa còn hạn chế; các thiết chế văn hóa, thể thao ở nhiều địa phương, nhất là ở cơ sở nhiều nơi thiếu thốn, sơ sài hoặc đã xuống cấp không còn sử dụng được (sân thể thao, tụ điểm sinh hoạt văn hóa; các thiết bị sinh hoạt tại các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thiếu hoặc hư hỏng; thậm chí nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng bị bỏ hoang).

     Việc quản lý, khai thác các di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch của một số doanh nghiệp lỏng lẻo, chắp vá và thiếu hiệu quả. Bên cạnh một số điểm thu hút khá đông khách du lịch, trên địa bàn tỉnh còn nhiều danh lam thắng cảnh nhà đầu tư khai thác kém hiệu quả như: thác Hang Cọp (Đà Lạt), thác Bảo Đại, thác Pongour (Đức Trọng), thác Voi (Lâm Hà)… Một số di tích do bị tác động bởi yếu tố bên ngoài đã xuống cấp không còn đáp ứng các tiêu chí của Luật Di sản văn hóa như: thác Liên Khương, thác Gougah (Sở VHTTDL đã có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL đưa ra khỏi danh sách di tích đã được công nhận). Những năm gần đây, trường hợp một số doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch thể thao mạo hiểm thiếu an toàn đã để xảy ra những “sự cố” khiến dư luận băn khoăn…

     Một số di sản văn hóa truyền thống các DTTS bản địa có nguy cơ mai một chưa được khôi phục; hoạt động của một số làng nghề truyền thống kém hiệu quả; việc xét, công nhận các danh hiệu văn hóa ở cở sở có xu hướng chạy theo thành tích, thiếu tính bền vững; công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, du lịch của một số địa phương còn lỏng lẻo; đội ngũ cán bộ chuyên môn trong ngành văn hóa, nhất là ở cơ sở thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ… Đó là thực tế khó khăn đang đặt ra không chỉ đối với ngành văn hóa mà của các cấp, ngành địa phương.

     Thiết nghĩ, để thực hiện đạt kết quả Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và những năm tiếp theo; không gì khác phải đặt văn hóa đúng với vai trò, vị trí của nó trong tiến trình phát triển đất nước, địa phương. Để thực hiện tốt vấn đề này, đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía. Trước hết, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua việc ban hành, chỉ đạo sâu sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận trên lĩnh vực văn hóa. Chính phủ và các bộ, ban, ngành ở Trung ương cần tăng cường xây dựng, triển khai các đề án; chương trình phát triển sự nghiệp văn hóa; cân đối ngân sách đầu tư thỏa đáng cho sự nghiệp phát triển văn hóa; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực tế hiệu quả việc đầu tư phát triển Chiến lược văn hóa ở từng địa phương, từng lĩnh vực để đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai những giai đoạn sau đi vào thực chất, tránh hình thức.

     Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức: đầu tư cho văn hóa là sự đầu tư cho phát triển; đặt phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế; phải lấy văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Từ đó, ưu tiên các chế độ, chính sách đầu tư cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa.

     Ngành VHTTDL cần tích cực nỗ lực tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa; đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành liên quan địa phương, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền, đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa vào đời sống; vận động nhân dân phát huy tốt vai trò chủ thể của văn hóa; tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh…

     Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hóa không nằm ngoài kinh tế và chính trị…”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Phát triển sự nghiệp văn hóa trong giai đoạn đất nước hiện nay cần thấm nhuần những di huấn sâu sắc của Bác mới thấy hết được ý nghĩa và giá trị đích thực của công tác chúng ta đã và đang làm.

 

Tác giả: Thanh Dương Hồng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

 

 

;