Bàn về việc xây dựng con người trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam

     1. Vai trò và vị trí của việc xây dựng con người trong Chiến lược phát triển văn hóa

     Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2009 đặt ra 5 mục tiêu và 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó việc xây dựng con người được xem là mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm đứng ở vị trí hàng đầu. Phần Mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chiến lược viết: “Một là, hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện...”. Nhiệm vụ đầu tiên trong số 9 nhiệm vụ trọng tâm được xác định là: “Xây dựng con người, lối sống văn hóa: Xây dựng con người toàn diện... đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng thường xuyên, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài của sự nghiệp phát triển văn hóa nước ta”.

     Việc xây dựng con người Việt Nam “phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” cũng là mục tiêu và nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

     Xây dựng con người là công việc có vai trò cực kỳ quan trọng và vị trí hàng đầu trong chiến lược phát triển văn hóa bởi lẽ con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là sản phẩm mang tính quyết định của quá trình sáng tạo ấy. Bản thân văn hóa chính là một hệ giá trị, và trong hệ giá trị này thì các giá trị trực tiếp thuộc về con người là bộ phận quan trọng nhất. Bởi vậy, việc thảo luận vấn đề xây dựng con người tất sẽ là nội dung quan trọng trong việc đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 cũng như trong việc xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

     Bàn về việc xây dựng con người trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đòi hỏi phải có một nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc và toàn diện. Bài viết ngắn này chỉ là một vài nét phác thảo.

     2. Thực trạng việc xây dựng con người ở Việt Nam hiện nay

     Xem xét một cách tổng thể việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trong 10 năm qua, có thể thấy ngành văn hóa cùng với cả nước đã đạt được nhiều thành tựu trong một số lĩnh vực, ở một số lĩnh vực khác cũng có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, nhận định đó hình như không thể áp dụng hoàn toàn khi nói về lĩnh vực xây dựng con người.

     Khi nói đến những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI nhận định: “So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng... Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng... Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”.

Thanh bình Đà Lạt - Ảnh: Hà Hữu Nết

     Có thể thấy cụm từ “có chiều hướng gia tăng” tiếp tục xuất hiện khá nhiều trong tiêu đề các bài báo liên quan đến chất lượng con người vào những năm tiếp theo: “Bạo lực gia đình vẫn có chiều hướng gia tăng” (2018); “Tội phạm buôn người có chiều hướng gia tăng” (2018); “Hoạt động buôn lậu có chiều hướng gia tăng” (2018); “Tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng” (2018); “Ô nhiễm có chiều hướng gia tăng” (2018)… Bên cạnh đó, Việt Nam lại có không ít những “cái nhất” liên quan đến mặt trái của chất lượng con người. Như vậy, có thể thấy việc xây dựng con người như một nhiệm vụ hàng đầu đã chưa đạt được mục tiêu đề ra.

     3. Thử đi tìm nguyên nhân

     Để thực hiện được mục tiêu “xây dựng con người toàn diện... đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” thì phải làm tốt ba khâu: cụ thể hóa nội dung công việc - lựa chọn giải pháp - tổ chức thực hiện.

     Ở khâu thứ nhất, nội dung công việc xây dựng con người đã chưa được cụ thể hóa thành một hệ thống mà chỉ nêu thành một chuỗi phẩm chất: “Phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách...”. Chuỗi phẩm chất này rất đầy đủ, nhưng không có điểm nhấn, không có trọng tâm, trọng điểm, bởi vậy mà có những giá trị tuy có nêu ra nhưng đã bị bỏ qua (chẳng hạn, “thể chất” là giá trị hầu như bị bỏ qua).

     Với nội dung công việc như vậy, ở khâu thứ hai - giải pháp xây dựng con người, chỉ có hai ý: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và “Căn cứ vào 5 đức tính... và những yêu cầu mới..., các tổ chức, cơ quan, đơn vị, khu dân cư… xây dựng thành các tiêu chí cụ thể, sát hợp với từng đối tượng, với từng lĩnh vực và địa bàn hoạt động”. Ý thứ nhất quá chung chung, nó là một khẩu hiệu thì đúng hơn là một giải pháp. Ý thứ hai lại quá cụ thể, trong đó trách nhiệm đã được đưa về “các tổ chức, cơ quan, đơn vị, khu dân cư”, nhưng ít có ai làm.

     Ở khâu thứ ba - tổ chức thực hiện, với việc chia ra hai giai đoạn, trọng tâm của giai đoạn I (đến năm 2015) được xác định là “hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”; còn trọng tâm của giai đoạn II (đến năm 2020) được xác định là “đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng việc xây dựng con người Việt Nam”, hoàn toàn không thấy được trong khâu “tổ chức thực hiện” này, ngành nào làm việc gì (xây dựng con người là việc rất lớn, một mình ngành văn hóa không thể nào làm được).

     Với mục tiêu xây dựng con người, có thể nói Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 chưa được thiết kế tốt. Từ mục tiêu tổng quát đến các khâu “cụ thể hóa nội dung”, “lựa chọn giải pháp”, “tổ chức thực hiện” thiếu sự triển khai đồng bộ, không tạo thành một hệ thống nhất quán.

     4. Hướng khắc phục

     Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây từng nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Nay, để đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, chúng ta cần có những con người có tác phong công nghiệp, nếp sống đô thị văn minh hiện đại... Trên thực tế, chúng ta đang đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế bằng những con người còn mang theo tác phong nông dân, nếp sống nông thôn và văn minh làng xã. Vì vậy, việc xây dựng con người với tư cách là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu trong Chiến lược phát triển văn hóa vẫn còn nguyên.

     Tuy nhiên, lần này việc xây dựng con người như mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cần phải được thiết kế thực sự bài bản, khoa học. Mục tiêu cụ thể cần được tổ chức một cách hệ thống căn cứ vào việc nghiên cứu sự biến đổi hệ giá trị… Từ mục tiêu cụ thể được tổ chức một cách hệ thống theo các bình diện, các yêu cầu để xây dựng hệ thống giải pháp. Từ hệ thống giải pháp để đưa ra cách tổ chức thực hiện. Tất cả phải gắn kết với nhau một cách chặt chẽ.

     Như đã nói ở trên, xây dựng con người là việc rất lớn, một mình ngành văn hóa không thể nào làm được. Vì vậy, một Chiến lược phát triển văn hóa tốt chỉ có thể trở thành khả thi khi nó được đặt trong một Chiến lược phát triển đất nước khả thi. Vào năm 2009, trong Chiến lược phát triển văn hóa, trọng tâm của giai đoạn II (đến năm 2020) được xác định là “đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng việc xây dựng con người Việt Nam... trong bối cảnh nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa”. Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 (tháng 4-2016), Quốc hội đã thừa nhận rằng mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đặt ra cách đây nhiều năm đã không đạt được.

     Theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 22-3-2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, mốc thời gian hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nay được xác định là năm 2030. Việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2030 chỉ có thể thành công chừng nào việc xây dựng con người với những phẩm chất của văn hóa - văn minh công nghiệp và đô thị hoàn thành. Đó là hai mục tiêu gắn bó mật thiết với nhau.

 

Tác giả: Trần Ngọc Thêm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

;