Hoạt động xuất bản ở nước ta thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Vị trí và tính chất đó được xác định trong các văn bản của Đảng, hệ thống pháp luật nhà nước từ rất sớm và nhất quán. Gần đây, Chỉ thị 42/CT-TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản xác định rõ thêm: xuất bản là một ngành kinh tế - công nghiệp. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 cũng xác định: “Nhà nước có chính sách, tạo điều kiện xây dựng ngành xuất bản trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật phát triển toàn diện; đặt hàng đối với xuất bản phẩm về lý luận, chính trị, xuất bản phẩm phục vụ thiếu nhi, đồng bào dân tộc thiểu số, người khiếm thị, xuất bản phẩm cần phổ biến rộng rãi nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội trọng yếu và thông tin đối ngoại…”. Song, trên thực tế, về cơ cấu tổ chức, xuất bản thuộc chức năng quản lý nhà nước và trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong khuôn khổ của bài viết, chỉ xin đề cập đến những vấn đề, xu hướng và kịch bản phát triển của hoạt động mang tính đặc thù này.
1. Những vấn đề và xu hướng của hoạt động xuất bản Việt Nam
Xuất bản ở Việt Nam thuộc sở hữu của nhà nước nên xuất bản được coi như một thiết chế văn hóa hơn là một doanh nghiệp, trong khi tuyệt đại đa số các nước khác coi xuất bản là doanh nghiệp và xuất bản là công nghiệp xuất bản. Sau hơn 30 năm đổi mới, hoạt động xuất bản ở nước ta đang đặt ra những vấn đề cơ bản cần được tập trung tháo gỡ.
Thứ nhất, đó là sự thiếu nhất quán giữa nhận thức và tổ chức thực hiện các quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xuất bản. Đảng và Nhà nước ta nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động xuất bản: “Sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân” và: “Là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trên cơ sở nhận thức đó, Đảng và Nhà nước ta đề ra chủ trương phải “Xây dựng ngành xuất bản thành ngành kinh tế - công nghiệp phát triển toàn diện vững chắc”. Như vậy, xuất bản cùng lúc có hai sứ mệnh: là lĩnh vực tư tưởng sắc bén, bộ phận quan trọng của nền văn hóa và đồng thời là ngành kinh tế - kỹ thuật phát triển toàn diện. Nói cách khác, vấn đề lớn nhất, mâu thuẫn lớn nhất của xuất bản là phải làm tốt chức năng tư tưởng - văn hóa, đồng thời phải đạt hiệu quả kinh tế cao trong cơ chế thị trường. Có thể nói rằng, cho đến nay nhiệm vụ kép này đối với nhiều nhà xuất bản (NXB) còn gặp nhiều khó khăn. Nếu không có hệ thống pháp luật và chính sách hỗ trợ phù hợp, có thể nói đây là nhiệm vụ bất khả thi với đa số NXB.
Thực tế những năm qua cho thấy, việc tổ chức triển khai thực hiện các quan điểm trên đây còn nhiều bất cập, thiếu nhất quán giữa chỉ thị, nghị quyết của Đảng với hệ thống luật pháp, chính sách cụ thể của các bộ, ngành. Một số cơ quan quản lý nhận thức sai lệch về xuất bản. Phần lớn cho rằng xuất bản phải tự bơi trong cơ chế thị trường, tự cân đối về tài chính. Dẫn chứng để chứng minh điều này rõ nhất là hầu như chưa có NXB nào được cấp 5 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định 195/2013/NĐ-CP ngày 23-11-2013 của Chính phủ.
Như vậy, để ngành xuất bản sớm trở thành “ngành kinh tế - kỹ thuật phát triển toàn diện, vững chắc” xứng đáng là một “công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân” trong thời kỳ mới, đòi hỏi các chủ thể lãnh đạo văn hóa - xuất bản phải có các giải pháp tháo gỡ tích cực, đồng bộ cả về chính sách, kế hoạch đầu tư, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu mới.
Sách cho mọi người - Ảnh: Minh Quang
Về hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất bản cũng có một số vấn đề bất cập. Có một số quy định thông thoáng trước đây theo tinh thần hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển đã bị bãi bỏ, thay vào đó là phát sinh giấy phép con không cần thiết (ví dụ quy định nhập khẩu dao xén giấy, thiết bị ngành in trong Nghị định 60/2014/ND-CP ngày 19-6-2014...). Về vấn đề này tuy đã được Chính phủ nhắc nhở, doanh nghiệp và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam... kiến nghị nhưng mới chỉ gỡ bỏ được một phần, trong đó máy in vẫn nằm trong danh mục thiết bị phải xin phép nhập khẩu (Luật Xuất bản 2004 chỉ quy định máy in photocopy màu mới phải xin phép nhập khẩu).
Thứ hai, đó là tình trạng vẫn còn nặng tư duy bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cơ quan chủ quản. Do đất nước ta trải qua những cuộc kháng chiến kéo dài, nhiều năm hoạt động trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung nên nhận thức của lãnh đạo nhiều NXB trong quá trình chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chậm đổi mới tư duy, thiếu nhạy bén để thích nghi với cơ chế mới. Trên thực tế, nhiều NXB muốn quay lại cơ chế cũ, lo chạy dự án, xin kinh phí của Nhà nước nên hoạt động gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 30 năm đổi mới, vấn đề đổi mới tư duy vẫn thực sự là một yêu cầu cấp bách của hoạt động xuất bản.
Mặt khác, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều cơ quan chủ quản và lãnh đạo NXB còn lúng túng, hạn chế về hoạch định chiến lược phát triển ngắn hạn, với tầm nhìn ở trong nước là chủ yếu mà chưa chủ động xây dựng kế hoạch dài hạn, trong đó có hội nhập khu vực và quốc tế. Hiện tại, trong hoạt động xuất bản vẫn đang tồn tại tư tưởng cực đoan ở một số NXB, cơ quan chủ quản: một số muốn được bao cấp càng nhiều càng tốt; số khác muốn thuần túy áp dụng cơ chế thị trường. Trong quá trình phát triển, có không ít NXB quá đề cao hiệu quả kinh tế nên đang có xu hướng tăng về số lượng vi phạm.
Thứ ba, vai trò và sự chi phối của tư nhân trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam đang ngày càng tăng lên do họ nắm được thị trường, từ đó chủ động tham gia lựa chọn bản thảo để xuất bản. Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In, Phát hành, hiện có đến gần 60% là sách liên kết do đối tác liên kết (tư nhân) xuất bản qua các NXB. Đương nhiên, liên kết xuất bản cũng có những kết quả tích cực không thể phủ nhận. Nhật ký Đặng Thùy Trâm là ví dụ sinh động và thuyết phục nhất cho hoạt động liên kết xuất bản. Song, sẽ không khó để có thể nhận ra rằng NXB đang làm công đoạn khó khăn nhất là biên tập với tiền công rẻ mạt; còn bên liên kết đa số là tư nhân bỏ vốn đầu tư thường thu lợi gấp nhiều lần NXB. Các đối tác tư nhân mới thực sự là chủ sở hữu quyền tác giả của xuất bản phẩm, có quyền định giá, trả nhuận bút, thanh toán tiền công in… mặc dù NXB là người đứng tên trên bìa sách. Mặt khác, bên liên kết tư nhân làm chủ từ khâu lựa chọn đề tài, tác giả, trong nhiều trường hợp họ mới chính là người tổ chức bản thảo, tức là họ đã góp phần quan trọng định hướng đọc cho một bộ phận không nhỏ của xã hội (gần 60%). Điều đáng quan tâm là xu hướng này đang có biểu hiện gia tăng qua con số thống kê về sách liên kết của cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản trong những năm qua. Điều này cũng phản ánh một điểm yếu của các NXB là không nắm được khâu phát hành nên bị chiếm dụng vốn, mất thông tin về sức mua đối với từng tác phẩm xuất bản để kịp thời tái bản, từ đó tiếp tục đưa ra bản thảo phù hợp với nhu cầu người đọc.
Thứ tư, thị hiếu và nhu cầu đọc ngày càng phân hóa mạnh mẽ, NXB buộc phải xuất bản nhiều đầu sách hơn, số lượng in mỗi đầu sách giảm đi, và đương nhiên lợi nhuận cũng giảm đáng kể, nếu không tổ chức được những bản thảo hút hồn được người đọc. Qua những cuộc điều tra xã hội học của các đề tài nghiên cứu về xuất bản gần đây, sự phân hóa về nhu cầu đọc của xã hội đã được khẳng định, mặc dù nhiều người khi trả lời chưa chắc đã nói thật do nhiều lý do, nhưng không có loại sách nào có được sự quan tâm áp đảo của người đọc.
Thứ năm, các NXB có xu hướng muốn làm tổng hợp, đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới là chú trọng xây dựng thương hiệu vùng. Theo quan niệm của nhiều NXB, việc xin thành lập NXB tổng hợp là nhằm xuất bản đa dạng các loại hình xuất bản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, một số NXB tổng hợp đang tồn tại ở Việt Nam sống chủ yếu dựa vào liên kết và “bán giấy phép” mà không xây dựng được một chiến lược, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn phát triển và tạo ra thương hiệu trong ngành xuất bản. Chính cách nghĩ, cách làm dễ dãi này tiềm ẩn nguy cơ cho ra đời những cuốn sách có nội dung ngây ngô, thậm chí phản văn hóa. Nói cách khác, nhiều NXB Việt Nam vẫn đang vật lộn với câu hỏi mưu sinh, chưa xây dựng được nền tảng bền vững về tài chính và thế mạnh riêng để phát triển lâu dài.
Thứ sáu, xu hướng đưa một bộ phận xuất bản phẩm gần hơn với báo chí, chú trọng hơn đến cập nhật thông tin, bám sát các sự kiện chính trị - xã hội được quan tâm. Tuy một số NXB đã chủ động nắm bắt các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước, song marketing trong hoạt động xuất bản dường như vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, chưa nhận được sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng của các NXB trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Do khả năng cung cấp thông tin chậm nên xuất bản không thể cạnh tranh với báo chí. Nếu cứ tiếp tục đi theo xu hướng này sẽ xa rời chức năng của xuất bản là cung cấp tri thức nền tảng và phản ánh chiều sâu của đời sống xã hộnăm gần đây, đã có chuyển biến tích cực trong xu hướng thời sự hóa nội dung xuất bản phẩm. Sự kiện ông Obama đắc cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, câu chuyện diệu kỳ của chàng trai không tay không chân Nick Vujicic đến Việt Nam, cuốn sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump... đã lập tức được các NXB nước ta thể hiện sự nhạy bén của mình, đưa đến cho người đọc những cuốn sách kịp thời. Đương nhiên, NXB qua đó cũng thu được lợi ích kinh tế cao hơn.
Thứ bảy, hiện tượng khá phổ biến là mua bản quyền hoặc xào xáo sách của nước ngoài một cách dễ dãi, sao chép gần như nguyên si những quan niệm, phong tục, thị hiếu... nước ngoài không những làm xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc mà có trường hợp đã mắc sai phạm nghiêm trọng (vụ sách tranh về trường học Việt Nam nhưng treo cờ Trung Quốc do biên tập ẩu, bê nguyên si sách Trung Quốc dịch sang tiếng Việt...).
2. Dự báo một số kịch bản phát triển hoạt động xuất bản Việt Nam trong thời gian tới
Sự hình thành và phát triển của thị trường văn hóa phẩm, trong đó có sản phẩm đọc và nghe - nhìn trong 10 năm (2020 - 2030) sẽ không ngừng tác động, chi phối hoạt động xuất bản trên nhiều bình diện với nhiều chiều kích khác nhau. Dưới đây, có thể dự báo ba kịch bản phát triển hoạt động xuất bản trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thời gian tới:
Kịch bản thứ nhất
Tiếp tục chủ trương: xuất bản là lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu, NXB là pháp nhân duy nhất được và phải đăng ký xuất bản theo Luật Xuất bản năm 2012. Quá trình liên kết giữa NXB với nhà sách tư nhân và công ty tư nhân tăng trưởng hơn trước, làm cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh về nhiều mặt. Đây là kịch bản áp dụng Luật Xuất bản hiện hành.
Kịch bản thứ hai
Tiến hành thí điểm cổ phần hóa một số NXB có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ xuất bản các loại sách khoa học - công nghệ, NXB chuyên ngành về khoa học tự nhiên và một số NXB chuyên làm một số mảng sách phù hợp. Các NXB khác hoạt động theo cơ chế hiện nay. Theo kịch bản này, phải sửa Luật Xuất bản, trong đó vẫn giữ quy định đăng ký xuất bản.
Kịch bản thứ ba
Rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoạt động xuất bản của NXB để xây dựng một số NXB chủ công có tính định hướng của nhà nước, thực hiện những chương trình quốc gia về xuất bản các loại sách trọng yếu; một số NXB còn lại được xác định chức năng nhiệm vụ gắn với cơ quan chủ quản, trở thành các NXB chuyên ngành. Nhà nước, cơ quan chủ quản thực hiện chính sách đặt hàng, nghiệm thu sản phẩm như các đơn vị nghiên cứu khoa học. Đối với số NXB còn lại chuyên làm các mảng sách có thể sinh lợi như: sách kỹ năng sống, hướng dẫn nấu ăn, làm đẹp, sách học ngoại ngữ và một số mảng sách khác... tiến hành cổ phần hóa. Kịch bản này phải sửa Luật Xuất bản theo hướng như Luật Báo chí: Giám đốc, Tổng biên tập NXB tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và công luận mà không phải đăng ký xuất bản. Cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản thực hiện chức năng xây dựng hành lang pháp lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Sách được nộp vào Thư viện quốc gia Việt Nam để lưu trữ.
Ba kịch bản trên đây có thể trở thành ba bước đi trong quá trình hội nhập quốc tế của xuất bản nước ta nhưng vẫn mang màu sắc riêng của Việt Nam. Vấn đề còn lại là lựa chọn thời điểm phù hợp cho các bước đi. Trong cả ba kịch bản trên đây, Nhà nước giữ quyền bổ nhiệm và bãi miễn Giám đốc và Tổng biên tập.
Nhìn nhận một cách thực tế để có lời giải khả thi, xin lựa chọn kịch bản thứ nhất để phân tích và đề xuất các nhóm giải pháp cho một tương lai trung hạn. Quá trình thực hiện liên kết xuất bản trong hoạt động xuất bản thời gian qua cho chúng ta bức tranh tổng quan như sau:
Về xuất bản, các NXB mới được thành lập nhiều hơn (đến nay cả nước có 59 NXB). Đặc biệt, các nhà sách tư nhân, các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách ra đời ngày một nhiều, tăng nhanh về quy mô kinh doanh, địa bàn kinh doanh và loại hình doanh nghiệp cũng đa dạng. Hiện tượng nổi bật là sự chủ động liên kết giữa các nhà sách tư nhân, các công ty tư nhân với các NXB ngày một phổ biến và đối tác liên kết giữ vai trò ngày càng lớn hơn.
Về in, các nhà in tư nhân mới ra đời cũng nhiều hơn. Công nghệ mới nhập nội nhiều hơn. Đặc biệt, đã hình thành mối liên kết giữa nhà in với NXB, nhà sách tư nhân và công ty tư nhân trong quá trình sản xuất một số ấn phẩm phù hợp. Một số ít NXB lớn, có tiềm lực đã xây dựng cơ chế khép kín các khâu của quá trình sản xuất xuất bản phẩm. Song, không nên khuyến khích xu hướng này, nhất là đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Chuyên môn hóa vẫn là xu hướng chung của thế giới. Việc in xuất bản phẩm ngày càng đem lại lợi nhuận ít hơn so với in bao bì, nhãn hàng do nhóm sản phẩm này ngày càng tăng về số lượng và chủng loại khi mức sống và theo đó là văn minh tiêu dùng ngày càng tăng.
Về phát hành, quá trình phân phối xuất bản phẩm thông qua hệ thống phân phối linh hoạt, với tỷ lệ chiết khấu cao của các nhà sách tư nhân và của các công ty tư nhân hoạt động theo các quy luật kinh tế thị trường. Cũng cần tính tới khả năng một số doanh nghiệp chuyển phát, logistic sẽ tham gia phát hành sách trong những thời điểm thích hợp.
Tóm lại, tình hình trên cho thấy sự xác lập một hệ thống hay một quy trình từ sản xuất đến phân phối xuất bản phẩm đã, đang hình thành với chất lượng mới, theo quy luật của cơ chế thị trường gồm nhiều loại hình sở hữu khác nhau.
Về xu hướng vận động, sự vận hành của quy trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ xuất bản phẩm nêu trên bộc lộ hai xu hướng vận động cần đặc biệt quan tâm:
Xu hướng các NXB chỉ còn đóng vai trò pháp lý hơn là vai trò trực tiếp tổ chức sản xuất và kinh doanh. Vai trò pháp lý hiện được thể hiện ở 3 khâu chủ yếu theo Luật Xuất bản. Một là, NXB phải đăng ký kế hoạch đề tài với cơ quan quản lý nhà nước. Hai là, NXB biên tập và ra quyết định xuất bản. Ba là, hậu kiểm, cho phát hành hay không cho phát hành. Dựa trên các tiền đề pháp lý ấy, các nhà sách tư nhân, các công ty tư nhân liên kết với các NXB tiến hành mọi việc còn lại liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu thụ xuất bản phẩm.
Xu hướng vận động trên cho thấy nhiều NXB đã không còn chi phối được thị trường sách của chính mình đứng tên, trên thực tế, họ chỉ còn làm được nhiều nhất là biên tập nội dung và cố gắng không để lọt những sai phạm, mặc nhiên phải nhường phần kiểm soát thị trường cho đối tác liên kết vì thực lực không thể kham nổi.
Xu hướng các nhà sách tư nhân và các công ty tư nhân (Alphabook, Nhã Nam, ThaiHaBook, Công ty Văn hóa Phương Nam, Công ty Văn hóa Văn Lang, Công ty Văn hóa Hương Trang, Nhà Sách Đông A...) hoạt động trong lĩnh vực xuất bản đóng vai trò chủ động trong quá trình hình thành - sản xuất - chuyển phát và tiêu thụ xuất bản phẩm. Quan hệ pháp lý được thể hiện trong hợp đồng liên kết xuất bản giữa NXB với nhà sách. Song, trong thực tế, các công đoạn quan trọng của quy trình sản xuất ấn phẩm đều do nhà sách tư nhân hoặc công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản đảm nhận. Tình trạng này được gọi là NXB “bán giấy phép” hay NXB chỉ thu “quản lý phí” bèo bọt (khoảng từ 1 - 5 triệu đồng/tên sách khoảng 500-600 trang, cá biệt sách khó có thể được cao hơn).
Hai xu hướng vận động trên đây cho thấy quá trình hình thành, sản xuất, chuyển phát và tiêu thụ xuất bản phẩm đang được chuyển giao dần từ Nhà nước (các NXB là những pháp nhân đại diện) sang tư nhân (doanh nghiệp - công ty hay nhà sách được thành lập theo Luật Doanh nghiệp cũng là pháp nhân đại diện hợp pháp). Thực tiễn còn cho thấy xu hướng thứ hai đang có biểu hiện lấn lướt dần xu hướng thứ nhất ở nhiều NXB.
Tóm lại, thực hiện xã hội hóa hoạt động xuất bản để tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước vào quá trình phát triển ngành kinh tế - công nghiệp xuất bản Việt Nam là xu hướng không thể đảo ngược. Câu hỏi đặt ra là Nhà nước cần định hướng thành tố nào để xuất bản phẩm thực sự là món ăn tinh thần lành mạnh cho xã hội? Chúng tôi cho rằng, thành tố quan trọng hàng đầu là nội dung xuất bản phẩm. Vì vậy, phải có những giải pháp, trước hết là cơ chế, chính sách rất cụ thể mang tính khả thi cao để vai trò định hướng của Nhà nước trong hoạt động xuất bản không chỉ được giữ vững mà còn được tăng cường, bảo đảm cho ngành xuất bản Việt Nam tiếp tục phát triển với tư cách là một ngành công nghiệp văn hóa trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và cũng không kém phần quan trọng, đó là cần nghiên cứu về mô hình tổ chức vĩ mô phù hợp để gắn kết các lĩnh vực xuất bản, thư viện và quyền tác giả, tạo sự thống nhất và đồng bộ cả trong quản lý nhà nước và chỉ đạo thực tiễn hiệu quả hơn.
Tác giả: Nguyễn Kiểm
Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019