Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo

Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (CNVHST), bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, không thể thiếu sự đầu tư cho các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được Chính phủ phê duyệt đã xác định một trong các nhiệm vụ và giải pháp căn cốt là: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực” (1), trong đó, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực của các trường đại học cần được đặt ở vị trí trung tâm bởi đây là hoạt động giáo dục, đào tạo mang tính căn bản, hệ thống, chính quy.

1. Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành CNVHST

Các ngành CNVHST

Theo UNESCO, các ngành CNVHST là: “Những lĩnh vực hoạt động có tổ chức, có mục tiêu chính là sản xuất hoặc tái sản xuất, quảng bá, phân phối hoặc thương mại hóa các hàng hóa, dịch vụ và hoạt động có nội dung bắt nguồn từ văn hóa, nghệ thuật hoặc di sản” (2). Có thể thấy, khái niệm CNVHST được các quốc gia và tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi, trong nhiều trường hợp thay thế cho khái niệm công nghiệp văn hóa (CNVH) và công nghiệp sáng tạo (CNST). Nếu khái niệm CNVH được Theodore Adorno và Max Horkheimer đề xướng lần đầu năm 1948, khái niệm CNST được chính phủ Úc và Vương quốc Anh đưa ra từ những năm 1990, thì đến nay khái niệm CNVHST được sử dụng phổ biến trong cả lĩnh vực học thuật và quản lý - chính sách. Khái niệm CNVHST thể hiện rõ tính liên ngành, nhấn mạnh vào đặc trưng văn hóa và sáng tạo, không giới hạn ở các ngành văn hóa cốt lõi mà mở rộng ra các ngành sáng tạo liên quan, tuy nhiên, vẫn thể hiện trọng tâm văn hóa.

Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực

Về phương diện lý luận, có thể thấy, bản chất của CNVHST là các hoạt động được tổ chức theo quy trình công nghiệp, theo chuỗi cung ứng giá trị văn hóa và sáng tạo, không dừng ở việc sáng tác, sản xuất, tái sản xuất mà bao gồm việc kinh doanh, thương mại hóa, đưa sản phẩm, dịch vụ tiếp cận thị trường, công chúng. Các ngành CNVHST trước hết là “các ngành công nghiệp”; do đó, cũng như bất cứ ngành công nghiệp nào, đây là lĩnh vực của hoạt động kinh tế hoặc thương mại” (3). Do đó, CNVHST gắn kết chặt chẽ với thị trường, phát triển dựa trên thành phần cơ bản là các doanh nghiệp - những thực thể tham gia sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của các doanh nghiệp sẽ đảm bảo khả năng tăng trưởng và hiệu quả của khu vực CNVHST.

Để phát triển CNVHST cần có nguồn nhân lực quản lý nhà nước - lực lượng hoạch định chính sách, định hướng, điều tiết, hỗ trợ, thúc đẩy nhóm ngành; nguồn nhân lực sáng tạo - lực lượng sáng tạo nội dung, chuyên gia, nhân viên kỹ thuật thực hiện quy trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; đồng thời cần có nguồn nhân lực quản trị doanh nghiệp, các doanh nhân văn hóa sáng tạo. Nguồn nhân lực, tùy theo vị trí việc làm, cần được đào tạo, phát triển năng lực sáng tạo, tài năng hoặc sự am hiểu văn hóa, nghệ thuật và năng lực quản lý, kỹ năng tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, khả năng sử dụng, làm chủ công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại...

Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO (2005) cũng đề cập đến nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực CNVH cho các nước đang phát triển như Việt Nam: “Nâng cao năng lực thông qua trao đổi thông tin, kinh nghiệm và kỹ năng chuyên gia cũng như đào tạo nguồn nhân lực ở các nước đang phát triển, ở khu vực công và tư liên quan tới năng lực chiến lược và quản lý, phát triển và thực hiện chính sách, thúc đẩy và phân phối các biểu đạt văn hóa, phát triển doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, sử dụng công nghệ, phát triển và chuyển giao các kỹ năng” (4).

Về phương diện thực tiễn, nhiều nghiên cứu thực trạng CNVHST Việt Nam cũng chỉ ra những vấn đề tương tự. Có ý kiến đề cập đến “điểm nghẽn” trong phát triển các ngành CNVH nước ta như vấn đề “giáo dục sáng tạo và kỹ năng kinh doanh”, khẳng định cần phải có “kiến thức, hiểu biết về kỹ năng kinh doanh để tạo nên sự thành công của một nghệ sĩ”, cần “năng lực về truyền thông online”, “khai thác tốt hơn các công nghệ phù hợp” và “sử dụng các phần mềm quản trị trực tuyến” (5). Nhiều ý kiến khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp - chủ thể của CNVH Việt Nam. Để doanh nghiệp CNVH tồn tại được trên thị trường, rất cần “đào tạo đội ngũ nhân sự để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế và đòi hỏi của thị trường” (6). Các hạn chế về nguồn nhân lực CNVH Việt Nam thường được đề cập đến là: “thiếu hụt đáng kể các kiến thức và kỹ năng cần thiết để vận hành hiệu quả trong cơ chế thị trường”, “khả năng thích ứng với thị trường văn hóa còn hạn chế”, “cách thức quản lý vẫn còn thiếu chuyên nghiệp và chưa có sự linh hoạt” (7)...

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ rõ nhu cầu: “đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành CNVH”, hướng tới “đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành CNVH”. Chiến lược khẳng định: “cần tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học... tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực nói riêng cũng như phát triển các ngành CNVH nói chung”.

Như vậy, các cơ sở giáo dục đại học nước ta đang đứng trước nhiệm vụ cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành CNVHST. Để vượt qua thách thức, đồng thời cũng tận dụng cơ hội này, các trường đại học cần đổi mới toàn diện từ triết lý đào tạo đến thiết kế chương trình, phương thức và mô hình đào tạo về CNVHST.

Tiết mục của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

2. Kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực cho CNVHST

Vương quốc Anh

Năm 1997, Chính phủ Anh đưa ra chiến lược phát triển các ngành CNST, coi văn hóa và sáng tạo là động lực đổi mới, là nhân tố đảm bảo thịnh vượng quốc gia. Hiện nay, CNVHST của Anh đóng góp 9% cho GPD và là bộ phận tăng trưởng mạnh về thương mại, xuất khẩu và cơ hội việc làm (8). Đáp ứng sự phát triển nhanh chóng đó, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực CNVHST nở rộ trong các trường đại học mà trường hợp điển hình là Trường Goldsmiths, Đại học London. Goldsmiths là một trường danh tiếng trong nghiên cứu và đào tạo các ngành Nghệ thuật, Nhân văn, Khoa học xã hội, Kinh tế và Khoa học máy tính. Viện Khởi nghiệp Văn hóa và Sáng tạo (gọi tắt là Viện) trực thuộc Trường được hình thành năm 2005 như một sự thích ứng nhạy bén với nhu cầu của thị trường lao động. Viện chuyên thiết kế và tổ chức các chương trình đào tạo phát triển khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực CNVHST.

Triết lý đào tạo CNVHST của Viện là tiếp cận theo hướng tổng hợp và liên ngành: “Tích hợp tinh thần khởi nghiệp kinh doanh với các thực hành sáng tạo và sử dụng hướng tiếp cận sáng tạo để phát triển kinh doanh”.

Mục tiêu đào tạo nhằm giúp người học hiểu sâu về lý thuyết và thành thạo các kỹ năng sáng tạo, khởi nghiệp, kỹ năng chuyên môn để hoạt động thành công trong lĩnh vực CNVHST.

Viện đã thiết kế 7 chương trình đào tạo Thạc sĩ Khởi nghiệp Văn hóa và Sáng tạo với các chuyên ngành khác nhau: Khoa học máy tính, Thiết kế, Thời trang, Nghệ thuật lãnh đạo, Truyền thông và Đa phương tiện, Âm nhạc, Sân khấu và Nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó, Viện tổ chức nhiều chương trình thạc sĩ đa dạng khác như: Quản lý sự kiện và trải nghiệm, Khởi nghiệp xã hội, Du lịch và Chính sách văn hóa...

Nội dung chương trình đào tạo gồm các học phần bắt buộc là những học phần cốt lõi, do Viện đảm nhiệm và các học phần tự chọn từ các khoa khác trong trường, cung cấp những lựa chọn linh hoạt, đa dạng theo nhiều hướng chuyên sâu. Các học phần bắt buộc gồm: Lý thuyết về vốn (vốn xã hội, kinh tế, văn hóa và biểu tượng), Các mô hình kinh doanh, Kinh doanh CNST, Lãnh đạo doanh nghiệp, Thực hành sáng tạo, Thực hành kinh doanh và Mô hình sản xuất trong CNVHST. Ngoài ra, chương trình có phần thực tập và luận văn hoặc dự án. Như vậy, các học phần đã cung cấp cho sinh viên nền tảng lý thuyết và kỹ năng liên quan đến sự hình thành, vận hành và phát triển của CNVHST, nền kinh tế sáng tạo, kinh tế văn hóa, gợi mở những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên.

Phương thức đào tạo nhấn mạnh sự liên kết, hợp tác giữa Viện với các khoa và với hơn 100 tổ chức CNVHST trong và ngoài London cùng mạng lưới chuyên gia và giảng viên thỉnh giảng. Chương trình đảm bảo tính tương hợp giữa nghiên cứu lý thuyết và thực hành chuyên môn. Sinh viên được thực tập tại các tổ chức nghiên cứu hoặc doanh nghiệp CNVHST vừa và nhỏ để tích lũy kinh nghiệm thực hành quản lý, quản trị doanh nghiệp và hoạt động nghề nghiệp. Đặc biệt, để hỗ trợ thiết thực cho chương trình đào tạo, Viện đã tổ chức SYNAPSE là một chương trình thảo luận và tư vấn nhằm hỗ trợ phát triển kinh doanh cho sinh viên. Hoạt động như một Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, SYNAPSE đã giúp sinh viên khám phá những công cụ và ý tưởng kinh doanh, hiện thực hóa tiềm năng, khởi nghiệp văn hóa và sáng tạo thành công (9).

Hàn Quốc

Chính sách phát triển CNVHST của Chính phủ Hàn Quốc đặt trọng tâm vào công nghiệp nội dung số - các ngành sản xuất, lưu thông nội dung văn hóa dựa trên thành tựu của công nghệ thông tin (10). Hàn Quốc đạt nhiều thành công ấn tượng như sự bùng nổ làn sóng yêu thích văn hóa Hàn Quốc “Hallyu” trên phạm vi toàn cầu. Năm 2021, xuất khẩu nội dung văn hóa là khu vực dẫn đầu của Hàn Quốc, đạt giá trị 12,4 tỷ USD. Năm 2023, Chính phủ Hàn Quốc đầu tư 790 tỷ won cho các doanh nghiệp công nghiệp nội dung, trong đó, chi 56,4 tỷ won để đào tạo 10.000 chuyên gia có năng lực sáng tạo nội dung bằng công nghệ mới (11). Trong bối cảnh đó, các trường đại học Hàn Quốc đã tích cực đổi mới đào tạo nguồn nhân lực CNVHST thời đại 4.0 mà Đại học Daekyeung (DK) là một ví dụ tiêu biểu. Thành lập năm 1992, DK được coi là ngôi trường lan tỏa Hallyu, nổi tiếng về đào tạo những thế hệ ngôi sao tương lai cho văn hóa đại chúng Hàn Quốc.

Triết lý đào tạo “Khác biệt tạo nên giá trị” - khác biệt trong chương trình đào tạo chuyên môn đặc thù và mô hình hợp tác đại học - doanh nghiệp để trở thành “chuẩn mực mới cho giáo dục hướng nghiệp tương lai”. DK cũng đề cao sự khác biệt và độc đáo của mỗi sinh viên, khuyến khích phát triển tài năng sáng tạo, dám thách thức bản thân để hiện thực hóa ước mơ (12).

Mục tiêu của DK là đào tạo đội ngũ chuyên gia toàn cầu chất lượng cao, chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo với bộ kỹ năng độc đáo, hỗ trợ sinh viên phát triển giải pháp cho các mục tiêu, ước mơ và gắn kết tài năng sinh viên với cơ hội nghề nghiệp trong khu vực công nghiệp.

Về thiết kế chương trình và nội dung đào tạo, DK dẫn đầu đổi mới sáng tạo trong giáo dục hướng nghiệp và đào tạo nghề ở Hàn Quốc. Điểm nổi bật là các khoa và ngành đào tạo được thiết kế theo nhu cầu của xã hội và gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực công nghiệp. Chương trình đào tạo của DK mang tính chuyên biệt, chuyên môn hóa, chú trọng hướng nghiệp và rèn luyện kỹ năng thực tiễn. DK thành lập những khoa tiên phong, độc đáo nhằm đón đầu nhu cầu thị trường lao động như khoa Du lịch và Phục vụ du thuyền, Chuyên gia chăm sóc động vật... Nhà trường dành riêng cơ sở đào tạo ở trung tâm khu văn hóa Hallyu Hàn Quốc tại Thủ đô Seoul để đào tạo các ngành CNVHST như K-Pop, K-Beauty, K-Modelling & Acting, K-Theatre, Film & Musical. Đây là môi trường mới cho các thế hệ Hallyu tương lai, sẵn sàng cho sự nghiệp toàn cầu.

Phương thức đào tạo trung tâm của DK là CO-OP hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp theo phương châm: “Trường đại học hợp tác, vận hành cùng doanh nghiệp” và “đào tạo theo tiêu chuẩn của khu vực công nghiệp”. Đặc biệt, DK thành lập các trung tâm thực hành đa năng
ExpUp-Station, là những doanh nghiệp quy mô nhỏ trong nhà trường, vận hành theo đúng mô hình của các công ty trên thị trường như: Đài truyền hình DK, Khách sạn DK, Công ty Sân khấu DK, nhà hàng, cafe, cửa hàng trang điểm, trung tâm thời trang... Hệ thống giáo dục này thể hiện tinh thần: “Nhà trường là công sở”, tạo cơ hội thực hành, trải nghiệm thực tế cho sinh viên ngay tại trường, góp phần nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp, giúp sinh viên có thể làm việc như những chuyên gia tài năng, thành thạo chuyên môn ngay sau khi tốt nghiệp (13).

3. Giải pháp đổi mới đào tạo nguồn nhân lực CNVHST ở Việt Nam

Từ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho CNVHST Việt Nam hiện nay, kết hợp với bài học kinh nghiệm quốc tế, có thể đề xuất một số giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học nước ta.

Đổi mới tư duy đào tạo: đào tạo định hướng tới thị trường

Đào tạo CNVHST cần được định hướng theo thị trường lao động, coi nhu cầu của thị trường là xuất phát điểm cho toàn bộ quy trình đào tạo. Về nguyên tắc, nhà trường phải điều tra, nghiên cứu thị trường lao động để nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu về cơ cấu, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Gắn đào tạo với sử dụng, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, đào tạo phải bám sát nhu cầu thực tiễn sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, quản lý CNVHST, đảm bảo mục tiêu sinh viên tốt nghiệp có việc làm - sản phẩm đào tạo được chấp nhận bởi các nhà tuyển dụng hoặc có thể khởi nghiệp thành công. Đào tạo với tinh thần phục vụ thị trường chứ không chỉ đào tạo theo khả năng cung ứng của nhà trường.

Với tình hình nước ta hiện nay, khi nhu cầu nhân lực quản lý nhà nước về văn hóa từ trung ương đến địa phương đang tiến dần đến bão hòa thì nhu cầu về các vị trí việc làm trong khu vực doanh nghiệp VHST đang tăng trưởng đột biến. Để đón đầu nhu cầu của thị trường lao động, các trường đại học cần đổi mới định hướng đào tạo về CNVHST, gắn với nhu cầu thực tế phát triển kinh tế, xã hội, ngành nghề và hướng tới hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chú trọng đào tạo hướng nghiệp và khởi nghiệp CNVHST

Nhà trường cần xây dựng những chương trình đào tạo chuyên ngành theo các lĩnh vực nghề nghiệp đa dạng của CNVHST, có tính đến sự thay đổi của công nghệ, đảm bảo tính chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân lực tương lai. Nội dung chương trình đào tạo cần thể hiện định hướng nghề nghiệp rõ ràng và có tính thực tiễn cao. Cần có hàm lượng hợp lý giữa khối kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành trong cấu trúc tổng thể của chương trình đào tạo và trong từng môn học. Cần thiết kế nhiều hoạt động phong phú gắn với thực tiễn nghề nghiệp như các sự kiện văn hóa, xã hội, cuộc thi tài năng, chương trình ngoại khóa tham quan, khảo sát thực tế, thực hành, hội thảo, diễn đàn, talk show, đồng thời tận dụng tối đa cơ hội thực tập tại cơ sở, doanh nghiệp.

Đặc biệt, các trường cần phát triển chương trình đào tạo về quản trị kinh doanh và khởi nghiệp trong lĩnh vực CNVHST, trang bị kiến thức và kỹ năng về quản lý kinh tế, quản lý tài chính, quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giải trí, đặc biệt là các phương thức sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số. Tăng cường trang bị và khuyến khích tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, tư duy khởi nghiệp để sinh viên có năng lực tìm kiếm, phát hiện cơ hội tiềm năng, hình thành ý tưởng, thiết kế và điều hành các dự án kinh doanh hoặc khởi sự doanh nghiệp CNVHST. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường, cần đầu tư xây dựng các cơ sở thực hành nghề nghiệp với trang thiết bị hiện đại, vận hành theo mô hình doanh nghiệp thực tế và các trung tâm tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, câu lạc bộ kinh doanh... để kiến tạo không gian sáng tạo, môi trường “vườn ươm” cho các sáng kiến khởi nghiệp của sinh viên.

Các trường cần có cơ chế khuyến khích giảng viên thường xuyên thâm nhập và gắn kết với thực tiễn nghề nghiệp, tham gia hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, các dự án về quản lý và phát triển CNVHST… Bản thân mỗi giảng viên và nhà trường cần xây dựng mạng lưới kết nối với các nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung, nhà sản xuất, nhà quản lý, chuyên gia điều hành… của các tổ chức, doanh nghiệp trong thực tiễn để phối hợp đào tạo, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là phương thức hiệu quả để rút ngắn khoảng cách từ cơ sở đào tạo đến thị trường lao động, đảm bảo sự tương thích về tầm nhìn giữa nhà cung cấp và nhà tuyển dụng nhân lực.

Nhà trường có thể đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần được tham gia trong suốt quá trình đào tạo, từ khâu thiết kế, xây dựng chương trình, giảng dạy và tư vấn, hướng dẫn thực tập, thực tế đến khâu tuyển dụng và tiếp tục hỗ trợ sinh viên sau tuyển dụng. Nên có các thành viên từ khu vực doanh nghiệp trong hội đồng đào tạo của nhà trường, hội đồng chuyên môn ngành để huy động khả năng chuyên gia và kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đào tạo. Sự vào cuộc, tham gia tích cực của các doanh nghiệp mở ra cho sinh viên cơ hội tiếp cận thực tiễn sinh động của ngành nghề, tăng cường trải nghiệm thực tế, trau dồi kỹ năng chuyên môn bên cạnh tiếp thu kiến thức mang tính học thuật ở nhà trường. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tiếp nhận thông tin phản hồi của doanh nghiệp, nhà trường có thêm căn cứ để đánh giá chính xác chất lượng và hiệu quả đào tạo, từ đó tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện hoạt động giáo dục, đào tạo. Như vậy, nhà trường và doanh nghiệp đồng hành với nhau, cùng các thành tố khác, tiến tới xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp CNVHST, cộng sinh, tương hỗ để cùng phát triển bền vững.

Tóm lại, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNVHST đang đứng trước những vận hội và yêu cầu mới. Hy vọng với những đổi mới, sáng tạo trong nội dung và phương thức đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học nước ta sẽ thực hiện thành công sứ mệnh của mình, góp phần kiến tạo một khu vực CNVHST Việt Nam lành mạnh, bền vững và hội nhập quốc tế.

___________________

1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

2. UNESCO, Section for the Diversity of Cultural Expressions (Bộ phận Đa dạng các biểu đạt văn hóa), What do We Mean by the Cultural and Creative Industries (Chúng ta hiểu gì về các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo), en.unesco.org, tr.2.

3. Definition of Industry (Khái niệm Công nghiệp), Oxford English Dictionary (Từ điển tiếng Anh Oxford), Nxb Đại học Oxford, 2002.

4. UNESCO, Section for the Diversity of Cultural Expresions (Bộ phận Đa dạng các biểu đạt văn hóa), Basic Texts of The 2005 Convention on the Protection and Promotion of the Diversity of Cultural Expressions (Công ước 2005 về Bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa), ấn bản năm 2015, điều 14, en.unesco.org, tr.11.

5. Hoa Quỳnh (thực hiện), Công nghiệp văn hóa: Nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước, congthuong.vn, 1-9-2021.

6. Nguyễn Thị Quý Phương, Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Bức chân dung khuyết, tuoitre.vn, 22-11-2021.

7. Nguyễn Thị Thu Phương, Phạm Thị Nhung, Hoàng Thị Thu Thủy, Thị trường các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 509, tháng 9-2022, tr.34-39.

8. Goldsmiths - University of London, Institute for Creative and Cultural Entrepreneurship (ICCE) (Viện Khởi nghiệp Văn hóa và Sáng tạo), About ICCE (Giới thiệu về ICCE), gold.ac.uk.

9. Goldsmiths - Đại học London, Goldsmiths’ Strategy 2018 to 2023 (Chiến lược của Goldsmiths từ năm 2018 đến năm 2023), gold.ac.uk.

10. Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Thắm, Hạ Thị Lan Phi, Công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8 (105) 2016, tr.49-58.

11. TTXVN, Hàn Quốc hỗ trợ kỷ lục cho khởi nghiệp của ngành công nghiệp nội dung, vietnamplus.vn, 6-1-2023.

12, 13. Đại học Daekyeung, eng.tk.ac.kr.

Tài liệu tham khảo

1. Smith Christ, Creative Britain (NướcAnh sáng tạo), Nxb Faber and Faber, London, 1998.

2. Marta Peris-Ortiz, Mayer Rainiero Cabrera-Flores, Arturo Serrano-Santoyo (edited), Cultural and Creative Industries: A Path to Entrepreneurship and Innovation (Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo: Con đường đến khởi nghiệp và đổi mới), Nxb Springer, Switzerland, 2019.

PGS, TS PHẠM BÍCH HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;