Ngày 27-5 tới, Quốc hội sẽ bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh ở Việt Nam, qua đó góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Cùng với việc nới rộng miễn giảm visa, cần có thêm những biện pháp gì để du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn? Phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật đã đặt câu hỏi như vậy với một số đại biểu Quốc hội bên hành lang phiên họp hôm nay xung quanh vấn đề này.
Khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)- Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
* PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (ĐBQH Đoàn Hà Nội): "Chuyển đổi số phải là trọng tâm của ngành Du lịch"
Chia sẻ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho biết: Tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp visa và quy định tăng thời gian lưu trú đối với khách nước ngoài, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nước ta trở thành thị trường hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Trong thời gian vừa qua, để tháo gỡ các chính sách cho phát triển du lịch, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát ở các địa phương là trung tâm du lịch của cả nước. Một trong những điểm chung của các trung tâm du lịch này là đều đưa ra kiến nghị về chính sách visa và thời hạn visa đối với du khách nước ngoài ở lại Việt Nam.
“Không phải đến nay Việt Nam mới có chính sách visa cởi mở đối với du khách, chúng ta đã có những chính sách về miễn thị thực trong khoảng thời gian 15 ngày đối với một số thị trường lớn ở Việt Nam; hay đã có chính sách về visa điện tử đối với rất nhiều du khách trên thế giới. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực cũng như nhiều nước trên thế giới, chính sách visa của Việt Nam cần phải cởi mở hơn nữa để có thể tạo ra điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch ở Việt Nam” - Đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Chính sách visa chỉ có thời hạn 15 ngày đã dẫn đến rất nhiều cản trở, đó là có nhiều nhóm du khách mong muốn được ở lâu hơn tại Việt Nam, họ mong muốn khám phá nhiều di tích, các điểm du lịch ở Việt Nam, bên cạnh đó các điểm du lịch cũng mong muốn giữ chân du khách nhiều hơn. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, hình thức du lịch dài ngày theo nhóm nhỏ cũng là một trong những loại hình du lịch ngày càng phát triển. Đồng thời, năm 2022 dù đã có nhiều nỗ lực nhưng lượng khách quốc tế đến với nước ta vẫn không đạt được chỉ tiêu đặt ra. Chính vì những lý do đó, Việt Nam quyết tâm tháo gỡ những điểm nghẽn về du lịch, trong đó có chính sách cởi mở về visa để gỡ khó cho sự phát triển du lịch, đặc biệt là đối với thị trường khách nước ngoài. Chính sách visa trong việc tăng thời gian lưu trú thực sự đáp ứng được nguyện vọng của ngành Du lịch, khi Việt Nam mở rộng hơn các nước được miễn visa.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng khẳng định: “Phải thấy rằng, trước kia chúng ta nhấn mạnh vào nguyên tắc “có đi có lại”, tức là các nước miễn visa cho Việt Nam thì Việt Nam cũng sẽ miễn visa cho các nước đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta chìa bàn tay của mình ra trước, trước khi đợi các nước đó miễn visa cho chúng ta… thì chính cử chỉ thiện chí là chìa tay ra miễn visa trước, tạo điều kiện cho khách du lịch nước ngoài ở lâu hơn tại Việt Nam, sẽ là môi trường hết sức thuận lợi để giúp cho chúng ta phát triển du lịch. Tôi tin chắc rằng, sau khi ban hành chính sách visa với nhiều nước hơn, và thời gian lưu trú ở Việt Nam được tăng lên, chúng ta sẽ đạt được những chỉ tiêu đề ra, thậm chí tôi kỳ vọng là sẽ vượt quá chỉ tiêu là 8 triệu khách quốc tế năm 2023 và đóng góp của du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước sẽ nhiều hơn. Tác động lan tỏa của du lịch sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của đất nước sẽ tốt hơn”.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Đại biểu Bùi Hoài Sơn, thì cần có nhiều giải pháp khác nhau. Giải pháp về chính sách visa, gia hạn thêm thời gian cho du khách chỉ là một trong số các giải pháp.
"Du lịch sau thời kỳ COVID-19 có những đặc điểm của nó mà Việt Nam cần phải thích nghi, thay đổi để từ đó kích thích sự phát triển du lịch. Phát triển du lịch có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển đất nước, được ví như một ngành công nghiệp không khói, có tác động lan tỏa, các lĩnh vực kinh tế khác như khách sạn, nhà hàng, giao thông, thủ công mỹ nghệ… Chính vì thế, tập trung cho phát triển du lịch sẽ giúp cho nước ta vượt qua những khó khăn mà đang gặp phải trong thời gian vừa qua"- PGS, TS Bùi Hoài Sơn tâm huyết.
Để làm được điều đó ngoài những biện pháp cơ bản như: cần đa dạng hóa hơn nữa những sản phẩm, các loại hình du lịch để phù hợp với đối tượng khách; hay tạo ra lợi thế cạnh tranh từ những sản phẩm du lịch văn hóa - đó là lợi thế về sự đa dạng văn hóa; các bờ biển đẹp; hay những sản phẩm đặc sắc của các địa phương trải dài theo chiều dọc của đất nước…, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, cần phải sử dụng các biện pháp phù hợp hơn đối với bối cảnh hiện nay như: phải có chuyển đổi số trong lịch vực du lịch, khi việc trải nghiệm số đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn điểm du lịch. Chuyển đổi số phải là trọng tâm của ngành Du lịch và nó phải biến thành một quyết tâm không chỉ là chính trị, mà còn phải thể hiện bằng hành động của tất cả các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch.
Tiếp theo, cần phải quan tâm đến những lĩnh vực mà chúng ta tưởng chừng như không trực tiếp hỗ trợ phát triển du lịch, nhưng có tác động lan tỏa như: phải có những tháo gỡ từ thuế, đất đai, quản lý và sử dụng tài sản công hay là đối tác công tư. Để từ đó tạo ra sự phong phú, hấp dẫn của các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa hay các sự kiện văn hóa khác nhau… tạo ra chất lượng cho sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của Việt Nam, cũng từ đó tạo ra sức hút, sức hấp dẫn đối với sự phát triển du lịch. Vì thế, chúng ta cũng cần phải có những giải pháp tổng thể để phát triển du lịch, để thực sự biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và lan tỏa sức mạnh, lợi ích của mình sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
* ĐBQH Trần Kim Yến (TP.HCM): Cần phải làm thế nào để mỗi điểm đến của du lịch phải có đặc trưng riêng mà những nơi khác không có được
Theo đại biểu Trần Kim Yến, để phát triển du lịch cần nhiều giải pháp để có thể phát triển du lịch của một quốc gia hay một địa phương, để làm sao du khách đến, đi và quay trở lại. Vì thế những chính sách của địa phương, của điểm đến, trong đó có cả thái độ, sự hiếu khách của người dân địa phương; các vấn đề về ẩm thực, cơ sở vật chất như nhà nghỉ, khách sạn… làm cho điểm du lịch đó trở thành điểm thu hút nhiều khách du lịch. Và, vấn đề về visa, thị thực là một trong những điều kiện đó.
ĐBQH Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH TP.HCM)
Đại biểu Trần Kim Yến lấy ví dụ: “Như ngay bản thân mỗi chúng ta, nếu đến với mảnh đất nào đó sẽ muốn khám phá về cảnh quan thiên nhiên, con người, phong tục tập quán… và cả vấn đề tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan quản lý nhà nước cho chuyến hành trình của mình như là các vấn đề về thị thực (visa). Nếu như có được sự thuận lợi trong những vấn đề đó, cộng với chuyến du ngoạn được đảm bảo về an ninh, lưu thông thì đó là điều mà mỗi du khách đều mong muốn”.
“Tôi cho rằng mình nên có những chính sách như vậy. Việc chờ đợi để có một visa với khoảng thời gian nào đó sẽ làm lỡ đi cơ hội của du khách; hoặc du khách thấy khó khăn trong việc cấp, cũng như phí cấp visa cũng là những cái rào cản đối với du khách. Phải có nhiều giải pháp đồng bộ khi xây dựng các giải pháp, văn bản có liên quan; và nên đứng ở vai trò là một du khách với suy nghĩ mình muốn gì khi đến với đất nước đó, vùng đất đó và chúng ta sẽ quay trở lại đất nước đó với kỳ vọng mà mình được đáp ứng” – đại biểu Trần Kim Yến chia sẻ.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo đại biểu Trần Kim Yến thì cần phải có nhiều biện pháp. Đó là, phải làm thế nào để mỗi điểm đến của du lịch phải có đặc trưng riêng mà những nơi khác không có được; và điều quan trọng nữa là sự liên kết vùng. Vì, ví dụ du khách nước ngoài đến với Việt Nam họ không chỉ đến một địa điểm là TP.HCM mà họ còn tới Nha Trang hay Hải Phòng và những điểm khác nữa. Việc di chuyển thuận lợi của du khách từ nơi này đến nơi khác phải có sự gắn kết của các công ty du lịch và các điểm đến - đó là địa phương. Nếu mỗi địa phương phát triển theo hướng cục bộ, hành trình của du khách không được trọn vẹn thì sẽ không phát triển được du lịch.
Đại biểu cũng cho rằng: “Các doanh nghiệp du lịch trong quá trình khai thác điểm đến của các địa phương, ngoài chính sách của địa phương cũng nên có những tác động để các điểm đến đó thực sự trở thành điều mong muốn của du khách. Việc quảng bá các điểm du lịch cần có sự đóng góp rất lớn của truyền thông và công ty du lịch. Vì, có rất nhiều địa điểm du lịch không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài mà còn có những tiềm năng bên trong để khai thác. Qua đó, chúng ta không chỉ khai thác du khách đến với mục đích tham quan đơn thuần mà nên khai thác theo hướng vừa tham quan, vừa nghiên cứu. Nếu chúng ta đáp ứng được nhu cầu của du khách thì sẽ góp phần đẩy mạnh được sự phát triển của ngành Du lịch của từng địa phương nói riêng, của Việt Nam nói chung”.
* ĐBQH Trần Chí Cường (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đà Nẵng): Yếu tố tiếp cận thị trường, nghiên cứu thị trường mới, cũng cần phải quan tâm để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay của thế giới
"Trong nội dung kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, bàn luận đối với dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Hai Luật này liên quan đến hai yếu tố: việc quản lý xuất nhập cảnh đối với người Việt Nam và quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại đối với người nước ngoài. Đối với hoạt động du lịch, việc tổ chức khách đi ra nước ngoài và thu hút khách du lịch đến với Việt Nam là hết sức quan trọng trong việc trao đổi nguồn khách ở các thị trường trong phát triển du lịch"- ĐBQH Trần Chí Cường nói.
ĐBQH Trần Chí Cường - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đà Nẵng
Đại biểu Trần Chí Cường cũng cho rằng: Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật liên quan đến Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt trong việc mở rộng thời gian của thị thực, đối với thị thực điện tử cũng như mở rộng thời gian lưu trú đối với thị trường thị thực, đơn phương miễn thị thực, là những vấn đề mà người hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã nhiều lần đề đạt, mong muốn nới rộng điều kiện trong xuất nhập cảnh để thu hút khách quốc tế. Đây cũng chỉ là một trong những biện pháp để thúc đẩy du lịch mạnh hơn trong điều kiện hiện nay khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được kỳ vọng.
“Tuy nhiên, để thu hút du khách thì còn cần phải nhiều biện pháp khác nữa, vì bản chất của hoạt động du lịch là ngành tổng hợp cần sự vào cuộc, sự liên kết, sự hỗ trợ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có cả vận chuyển, chi phí vận chuyển, dịch vụ, tổ chức dịch vụ; hay việc thông thoáng trong thủ tục hành chính đi lại, lưu trú ở các điểm đến, ở các địa phương; và đổi mới sản phẩm, đổi mới dịch vụ thì mới tạo được sự hấp dẫn thu hút du khách. Nhưng, trong xu thế chung của sự phát triển, việc thu hút khách quốc tế thông qua nới rộng thị thực và thời gian lưu trú cũng là một giải pháp tạo điều kiện để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới” – đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Chí Cường cho rằng: Đối với việc thu hút để tăng thêm và khai thác nhiều hơn thị trường khách quốc tế thì yếu tố tiếp cận thị trường, nghiên cứu thị trường mới cũng cần quan tâm để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay của thế giới. Trong đó, những thị trường có khả năng chi tiêu, có nhu cầu du lịch lớn và thuận tiện đến với Việt Nam, thì cần có sự quan tâm hơn trong việc khai thác trong thời gian sắp tới.
Việc thúc đẩy, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được Bộ Chính trị có chủ trương và định hướng từ Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2016, và trong các chương trình, kế hoạch cũng như định hướng của quốc gia, hay mỗi địa phương có tiềm năng du lịch cũng đã có xây dựng các giải pháp, kế hoạch công việc cụ thể. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng cần có nhiều yếu tố khác cùng đóng góp trong một mối dung hòa chung, nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho ngành Du lịch phát triển.
Theo đại biểu Trần Chí Cường: “Bản thân một mình ngành Du lịch sẽ không thể trở thành ngành mũi nhọn nếu không có sự hỗ trợ, phối hợp và tạo điều kiện của các ngành khác có liên quan như: ngành giao thông vận tải, đầu tư, ngành công an trong công tác xuất nhập cảnh; ngành ngoại giao trong việc xúc tiến thị trường, tạo điều kiện thủ tục đi lại của du khách khi đến Việt Nam từ cửa khẩu, hay việc lưu trú tại Việt Nam... Bên cạnh đó, ngành Du lịch vẫn phải là ngành đóng vai trò chính trong việc kết nối sự liên kết đó và bản thân ngành Du lịch cũng phải có sự đổi mới trong việc làm mới sản phẩm, đầu tư sản phẩm và nâng cao chất lượng phục vụ thì mới có thể đảm bảo thu hút và giữ chân du khách.
* ĐBQH Lê Hữu Trí (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Khánh Hòa): Khẩn trương cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đẳng cấp
Chia sẻ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành; trong đó, theo hướng nâng thời hạn đối với công dân được đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên không quá 3 tháng; thị thực điện tử có giá trị nhiều lần; điều kiện cấp thị thực điện tử (theo hướng mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ và mở rộng điều kiện cấp); nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực (từ 15 ngày lên 45 ngày)..., theo đại biểu Lê Hữu Trí, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết cũng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện, ban hành chính sách tạo thuận lợi tối đa và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế đến Việt Nam”. Với việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này, hy vọng sẽ tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất định cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, điều đó sẽ tạo điều kiện thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Đồng thời, sẽ có tác động nhất định đến phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là về du lịch, kinh doanh thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
ĐBQH Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Khánh Hòa
Để du lịch Việt Nam phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh: “Vấn đề có tính chiến lược để ngành Du lịch nước ta phát triển bền vững là phải khẩn trương cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đẳng cấp”. Trong đó, nội tại ngành Du lịch phải nâng tính chuyên nghiệp về dịch vụ, cơ cấu lại thị trường khách và xác định rõ phân khúc loại khách để có dịch vụ phù hợp với văn hóa, sở thích, đẳng cấp của từng loại khách. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để khai thác có hiệu quả thị trường có nguồn khách quốc tế lớn, có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày...
Cần chú trọng xây dựng môi trường du lịch “xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện” tại các điểm du lịch. Mặt khác, phải thúc đẩy thu hút mạnh đầu tư vào du lịch có đẳng cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế như hình thành các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch quốc tế và các ngành dịch vụ hỗ trợ như hàng không, trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ, cơ sở lưu trú để thúc đẩy chi tiêu của du khách (trong đó, cần chú ý vấn đề giá cả, chất lượng dịch vụ).
Tập trung liên kết, kết nối tour, tuyến giữa các điểm du lịch trong vùng và liên vùng để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể với đa sắc màu văn hóa của các vùng, miền, địa phương vào phát triển du lịch và thu hút khách. Tránh tình trạng các địa phương cạnh tranh với nhau thu hút khách mà quên giá trị thương hiệu du lịch quốc gia, thiếu tính chiến lược và bền vững.
Ngoài ra, phải tạo ra độ thông thoáng nhất định của các thủ tục hành chính xuất, nhập cảnh; thuận tiện về phương tiện đi lại; xây dựng thái độ ứng xử văn minh, thân thiện, lịch sự không chỉ của những người trực tiếp làm dịch vụ, du lịch mà cho cả người dân trong cộng đồng dân cư. Một vấn đề khác có tính vĩ mô là cần thiết phải nâng cao năng lực quản trị du lịch cả ở cấp độ nhà nước và các tổ chức, cá nhân trực tiếp làm dịch vụ du lịch.
NGỌC BÍCH thực hiện