Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa và nguyên tắc tối ưu hóa các nguồn lực trong phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia có lịch sử lâu đời với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trước khi bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943, nước ta chưa có một văn bản nào bao quát một cách chính xác về con đường phát triển nền văn hóa nước nhà. Vì vậy, Đề cương tuy ngắn gọn nhưng rõ ràng và có tính khái quát cao đã trở thành nền tảng lý luận vững chắc để sự nghiệp phát triển văn hóa mới của nước ta đi theo một định hướng xuyên suốt với những nguyên tắc: đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, khi đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm văn hóa đang đối mặt với nhiều bế tắc.

Ngày vui của đồng bào Thái tại Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” - Ảnh: Tuấn Minh

Từ khi ra đời cho đến nay, Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị để những người làm văn hóa có thể nhận thức rõ con đường mình đang đi, lý tưởng mình đang theo, hành động mình cần làm với phương pháp cụ thể, nguyên tắc mạch lạc trên hành trình xây dựng nền văn hóa mới vừa thể hiện tinh thần, bản sắc dân tộc, vừa thể hiện được tính khoa học, tiên tiến, đồng thời bảo đảm nhu cầu về sáng tạo, hưởng thụ, khơi dậy động lực tinh thần, giá trị của văn hóa Việt Nam. 

1. Cội nguồn văn hóa và những lợi thế hiện hữu

Là quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng ngàn năm, trong lịch sử phát triển của mình, các triều đại phong kiến, Việt Nam đã sớm có ý thức tạo lập và phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa. Việt Nam đã luôn đối mặt và chiến thắng những kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự, kinh tế (sức mạnh cứng) lớn gấp nhiều lần. Năm 2007, khi trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, J. Nye đã từng nhận định, Việt Nam có tiềm năng về sức mạnh mềm, khi chúng ta có một câu chuyện hấp dẫn trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và một nền văn hóa có sức lôi cuốn các nước phương Tây. Có thể thấy, lịch sử lâu đời và những vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam là nguồn cội quan trọng tạo nên sức mạnh văn hóa Việt Nam. 

Sự đa dạng của cách biểu đạt văn hóa cũng là một đặc điểm giàu sức hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam, hình thành từ đặc trưng nông nghiệp trồng lúa nước với tính gắn kết cộng đồng của 54 dân tộc, trải qua quá trình lịch sử lâu dài đối phó với thiên nhiên cũng như kiên cường chống các thế lực thù địch, ngoại xâm và không ngừng giao lưu, tiếp biến, hội nhập văn hóa Á - Âu. Nền văn hóa Việt Nam, do vậy là một nền văn hóa đa dạng từ nguồn cội ban đầu. Điều này thúc đẩy sự phát triển yếu tố nội sinh của dân tộc, đồng thời tạo nên sức mạnh đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc trong quá trình bảo vệ Tổ quốc. Nó cũng tạo ra sức hấp dẫn, sự lôi cuốn, khả năng thuyết phục của văn hóa Việt Nam (1). 

Với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam lưu giữ hệ thống di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Đây cũng chính là tiềm năng sẵn có để Việt Nam đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình du lịch văn hóa, qua đó phát huy sức hấp dẫn, thu hút về sức mạnh mềm văn hóa. 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, văn hóa Việt Nam vượt lên những thách thức bằng sự cởi mở, khoan dung, sẵn sàng thâu hóa cái hay, cái đẹp của văn hóa nhân loại để nâng cao và làm giàu cho văn hóa dân tộc (tiếp biến tư tưởng, học thuật, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, chữ viết từ văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Chăm-pa, phương Tây... một cách sáng tạo trên nền tảng của văn hóa bản địa). Chúng ta cũng luôn tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để nâng tầm, hoàn thiện văn hóa Việt Nam, tiếp nhận những giá trị phổ quát của nhân loại mà không cực đoan, chia rẽ. Đây là những nhân tố tích cực tạo tiền đề để chúng ta dễ dàng hòa nhập vào dòng chảy chung của văn hóa thế giới và được quốc tế công nhận. 

Là đất nước trải qua nhiều đau thương trong các cuộc chiến tranh liên miên, trong đó có cả những cường quốc số một thế giới. Nhân dân các nước biết đến và nể trọng chúng ta vì sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc qua những giá trị cốt lõi: yêu nước, anh hùng, quả cảm, quật cường, đồng thời luôn hòa hiếu, chuộng hòa bình, nhân ái, vị tha. Truyền thống nhân nghĩa “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” của Nguyễn Trãi trước đây và tinh thần hòa hiếu, khoan dung của chúng ta hiện nay đang giúp ngoại giao Việt Nam xóa bỏ hận thù, san lấp khoảng cách với các nước, kể cả các cựu thù. Thái độ thân thiện, mến khách của người Việt Nam cũng luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đó là những giá trị tốt đẹp và bền vững, mà nếu chúng ta biết quảng bá và phát huy đúng cách, sẽ có khả năng lan tỏa và sức thuyết phục, chiếm được thiện cảm, tình yêu mến của cộng đồng thế giới, sự đồng thuận trong quan hệ quốc tế (2). 

Đồng thời, con người Việt Nam có tài năng sáng tạo và năng lực thích ứng cao, mức độ hội nhập công nghệ thông tin tốt. Tài năng sáng tạo của các thế hệ tiền nhân đã được thể hiện rất rõ qua những thành tựu văn hóa vật thể và phi vật thể để lại cho chúng ta. Ngày nay, Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, tăng trưởng nhanh, các thế hệ mới có chỉ số thông minh cao, hiếu học, năng động, có năng lực sáng tạo tốt. Ngày càng xuất hiện nhiều tài năng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Con người Việt Nam vốn được tôi luyện qua bao biến thiên của lịch sử, nên có khả năng thích ứng cao, giao lưu, tiếp biến văn hóa tốt và đặc biệt rất nhanh nhạy trong kết nối toàn cầu. Việt Nam đang có những cải thiện vượt bậc về cơ sở hạ tầng thông tin - truyền thông. Mức độ sử dụng internet, số hóa ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của We are social Singapore, Việt Nam đứng vị trí thứ 16 trong top 20 quốc gia có số lượng người sử dụng internet nhiều nhất tại châu Á. Tỷ lệ người sử dụng internet theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019 đạt 68,7%, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4 (3). Đây là những tiền đề quan trọng về cơ sở khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu và truyền thông sức mạnh mềm văn hóa.

Cội nguồn văn hóa và bối cảnh đương đại đã cho thấy, Việt Nam sở hữu không ít lợi thế, cơ hội và điều kiện thuận lợi để có thể gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Nhưng khó khăn gì đang hiện hữu khiến chúng ta chưa tìm ra được động lực có khả năng phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa. Đây cũng là câu hỏi thôi thúc chúng tôi tiếp tục đi tìm lời giải đáp và bước đầu tìm thấy sự gợi mở từ các nguyên tắc được Đề cương về văn hóa Việt Nam xác lập cách đây 8 thập kỷ. 

2. Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa - nguyên tắc tạo động lực phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam 

Như trên đã nói, Việt Nam có hàng nghìn năm lịch sử với nền văn hóa đa dạng phong phú về tài nguyên và rất nhiều giá trị văn hóa được hun đúc, lan tỏa. Nhưng phải đến năm 1943, lần đầu tiên tầm nhìn, tư duy phát triển văn hóa về tài nguyên và rất nhiều giá trị văn hóa được hun đúc, lan tỏa. Nhưng phải đến năm 1943, lần đầu tiên tầm nhìn, tư duy phát triển văn hóa của đất nước mới được xác lập thành cương lĩnh với rất nhiều giá trị, trong đó có dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa là ba nguyên tắc xuyên suốt góp phần tạo nên sự chuyển động về nhận thức, hành động trong hoạt động văn hóa của đất nước trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp cận các nguyên tắc của bản Đề cương như một điểm “khởi nguồn” nhằm tìm ra các khả năng phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. 

Các căn cứ được sử dụng để lý giải vấn đề đặt ra chính là chúng ta đã có một bề dày lịch sử phát triển văn hóa hàng nghìn năm nhưng phải đến năm 1943, sự ra đời của Đề cương với cách đặt vấn đề sáng rõ mới tạo ra một xung lực mới góp phần giúp đội ngũ những người làm văn hóa, văn nghệ sĩ, trí thức, nắm được nguyên tắc cơ bản để triển khai hoạt động văn hóa. Đồng thời, dựa vào những nguyên tắc đó để xây dựng một nền văn hóa mới (Tân dân chủ) có khả năng đáp ứng được nhu cầu của toàn thể cộng đồng (đại chúng) với tinh thần khách quan, khoa học và hội nhập với thế giới. Điều này xác nhận một thực tế, Đề cương đã thể hiện rõ con đường phát triển của văn hóa Việt Nam với những nguyên tắc và mục tiêu xuyên suốt hướng tới một nền văn hóa mới đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến và hội nhập. Với nội hàm này, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã bao chứa những giá trị và điểm tựa vững vàng cho một khởi đầu mới của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Nói cách khác, trong bối cảnh hiện nay, việc kế thừa, vận dụng các nguyên tắc của Đề cương như một động lực của các giải pháp phát huy sức mạnh mềm văn hóa cần được xác định hướng tới sự hội tụ tinh hoa, khát vọng, trí tuệ của toàn dân tộc để đưa văn hóa trở thành trụ cột thực sự của sự phát triển toàn diện, bền vững. Chính vì vậy, chúng ta phải vận dụng các nguyên tắc của Đề cương trên tinh thần bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, tạo động lực cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam gắn với phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, từng bước khẳng định vai trò trụ cột phát triển của văn hóa, biến văn hóa thực sự trở thành “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”, trở thành niềm tự hào, sự thuyết phục đầy bản sắc của Việt Nam với thế giới. 

Trong bối cảnh văn hóa năm 1943, Đề cương đã tạo nên một sức sống mới, động lực mới để những người làm về văn hóa, sáng tạo về văn hóa trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Chúng ta cũng biết, Tổng Bí thư Trường Chinh là một nhà lãnh đạo góp phần tạo ra những sự thay đổi rất lớn của đất nước trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời còn là tác giả khởi xướng công cuộc đổi mới của Việt Nam vào năm 1986. Đây chính là gợi mở quan trọng cho việc vận dụng tư duy đổi mới trong kế thừa các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa vào mục tiêu phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. 

Câu hỏi tiếp theo đặt ra từ hướng tiếp cận này là: Phải vận dụng các nguyên tắc này như thế nào để có thể chuyển hóa được những tài nguyên văn hóa dồi dào của Việt Nam (tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể), tạo môi trường khơi dậy sức mạnh sáng tạo của các chủ thể văn hóa và phát huy được khả năng kết nối, hội nhập, lan tỏa một cách thuyết phục bản sắc văn hóa, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. 80 năm trước, Tổng Bí thư Trường Chinh đã coi văn hóa là một trong ba mặt trận, thì ngày nay, văn hóa phải trở thành một trong những trụ cột của phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, sau Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo Văn hóa năm 2022... văn hóa được Đảng, Nhà nước ta quan tâm hơn, mặt khác, nhận thức đã có sự tập trung vào những giải pháp cũng mang tính cụ thể hơn. Để văn hóa trở thành trụ cột phát triển bền vững, chúng ta phải có nguyên tắc để triển khai, có căn cứ lý luận, có giá trị thực tiễn để kế thừa, phát huy, và mục tiêu hướng tới trong tương lai phải phù hợp với yêu cầu thời đại. Nếu như trước đây chúng ta phải đối mặt với giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt... thì ngày nay chúng ta cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức như đại dịch, sự mất cân bằng về tài nguyên môi trường, về các vấn đề xã hội... Nếu biết dựa vào văn hóa, tìm ra động lực, chúng ta sẽ khơi dậy được những giá trị rất quý báu của con người Việt Nam: yêu nước, vì cộng đồng, thân thiện, sáng tạo... Để khơi dậy những điều đó, chúng ta phải tạo được môi trường thể chế đủ sức dung dưỡng, đủ sức khích lệ, đủ sức sáng tạo, tạo nên những tác phẩm, sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người Việt Nam. Mặt khác nó phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, định vị được sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế (4). 

Chỉ với số lượng chữ rất ngắn gọn, nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam đã chỉ ra được những thuận lợi, thách thức và xác lập các nguyên tắc mẫu mực để có thể xây dựng được nền văn hóa mới chứa đựng sức mạnh và khát vọng hướng tới sự phát triển bền vững. Để văn hóa trở thành một trụ cột quan trọng của sự phát triển, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng tạo ra những giá trị, sự phát triển mang tính bền vững của Việt Nam, chúng tôi cho rằng cần nhìn nhận sức sống của Đề cương về văn hóa Việt Nam và vận dụng ba nguyên tắc cơ bản theo tinh thần thời đại để thấy cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng luôn có vai trò vô cùng quan trọng, có khả năng tạo động lực cho những giải pháp đột phá. 

Với cách lập luận như vậy, chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ về mặt kinh tế, chính trị, xã hội nhưng tại những thời điểm nhất định, văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, ngay cả khi đã được đầu tư hơn, việc vận dụng thiếu khoa học, thiếu tính bao quát, thiếu bám sát các mục tiêu, nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã khiến cho phát triển văn hóa chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ tinh thần của đông đảo người dân, chưa phát huy hết được vai trò và sức mạnh của văn hóa dân tộc. Việc vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam vì thế cần phải tạo ra xung lực để văn hóa thật sự phát triển mạnh mẽ, phát huy được những thế mạnh một cách khoa học, thể hiện được các giá trị bản sắc của Việt Nam, nhưng đồng thời gắn phát triển văn hóa vào xu thế đổi mới, hội nhập của chúng ta đặc biệt trong bối cảnh công nghệ 4.0 như hiện nay. 

Nói cách khác, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam chỉ phát huy được khi chúng ta định vị trong quá trình hội nhập với thế giới bằng tư duy khoa học, sáng tạo, khát vọng chấn hưng dân tộc, định vị bản sắc và kết nối cộng đồng người dân Việt Nam bằng những giá trị đầy thuyết phục trên phạm vi toàn cầu. Nghĩa là, chúng ta cần nhìn nhận các giá trị ở ba nguyên tắc của Đề cương về văn hóa và sự vận dụng bằng chính sự cống hiến, trách nhiệm, tư duy logic của chúng ta trong phát triển văn hóa. Đã đến lúc văn hóa phải thực sự trở thành một trụ cột phát triển của Việt Nam. Sức sống của Đề cương vào thời điểm hiện nay sẽ tạo nên sự khởi đầu đột phá về văn hóa. Nói cách khác, chúng ta đã chứng kiến sức mạnh của Đề cương trong việc tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ của văn hóa vào thời điểm ra đời, cũng như trong những giai đoạn tiếp theo của công cuộc bảo vệ, dựng xây đất nước. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, phải tiếp tục tạo ra được sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia. Muốn làm được điều này cần có một giải pháp tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội Việt Nam. Một ví dụ được đưa ra để làm rõ hơn gợi mở này là muốn phát huy được các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa, Việt Nam cần phải vận dụng được một cách khoa học hệ thống các giải pháp đầu tư cho văn hóa để văn hóa có thể đáp ứng được yêu cầu của đông đảo quần chúng. Việt Nam cần có sự đầu tư về mặt kinh phí, chủ động giải pháp hợp tác công tư hoặc chúng ta phải có sự nhận thức việc chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm của Việt Nam là một câu chuyện thực tế, gắn với việc hoàn thiện các chính sách mang tính liên ngành. Chúng ta cũng cần huy động toàn bộ nguồn lực của xã hội. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải biến văn hóa thành “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”, trở thành một niềm tự hào, sức mạnh bản sắc, sự thuyết phục của Việt Nam với thế giới bằng những giá trị, sản phẩm dịch vụ văn hóa từ chính sự sáng tạo của con người Việt Nam. 

80 năm trước, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã xác lập được nền tảng lý luận, đưa ra được những nguyên tắc xuyên suốt trong phát triển một nền văn hóa mới. Từ điểm tựa lý luận và nguyên tắc hành động này, chúng tôi cho rằng, muốn phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trước hết phải đi đến nhận thức: 

Cần tiếp tục tư duy phải coi văn hóa là một mặt trận, một trụ cột với cấp độ ưu tiên đầu tư cho văn hóa như đầu tư cho một mặt trận, một trụ cột mang tính bền vững. 

Cần triển khai một số giải pháp đặc thù cho ngành VHTTDL để đầu tư cho văn hóa cũng được quan tâm như đầu tư cho giáo dục, y tế, giao thông vận tải. 

Các giải pháp liên quan tới hợp tác công tư phải được cụ thể hóa để khơi dậy, khích lệ, khơi thông các nguồn lực từ các thành phần tư nhân cũng như Nhà nước, tạo thành cơ chế chuyển động mạnh mẽ sức sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam ở cả thị trường trong nước cũng như quốc tế. 

Muốn phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong mối quan hệ với sức mạnh tổng hợp quốc gia đã đến lúc chúng ta cần xác định đây không chỉ là vấn đề của ngành Văn hóa, mà còn là mục tiêu chung của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội của Việt Nam trên cơ sở triển khai đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Những hoạt động triển khai sau này, đặc biệt là trong đời sống văn hóa cộng đồng phải mang tính khoa học, phải bắt kịp với xu thế của thế giới nhưng vẫn phải giữ được bản sắc của Việt Nam, định vị được chuỗi kết nối các giá trị sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Nhìn theo nội hàm của học thuyết sức mạnh mềm văn hóa, đó là, sức hấp dẫn, sức lôi cuốn, sức thuyết phục của quốc gia này với quốc gia khác trong quan hệ quốc tế, trong quá trình cạnh tranh về các sản phẩm công nghiệp văn hóa, trong các hoạt động về ngoại giao văn hóa, chính sách đối ngoại văn hóa, trong cách hấp dẫn du khách quốc tế, hình ảnh của quốc gia trên phương tiện truyền thông. Nghĩa là chúng ta phải có mục tiêu rõ ràng, chính sách phát triển cụ thể và khoa học để biến văn hóa thực sự trở thành sức mạnh xác lập vị thế, năng lực cạnh tranh quốc gia trên bản đồ quyền lực quốc tế. Để hiện thực hóa lộ trình phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong giai đoạn hiện nay, trước hết cần nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể sau: Hoàn thiện Luật đầu tư, Luật PPP, bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; Có chính sách phù hợp tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa; Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (5) nhằm chấn hưng văn hóa; Hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; Hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển công cụ đo lường, giám sát việc hoạch định, triển khai chính sách và hiệu quả đầu tư. Đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu văn hóa và tăng cường chia sẻ thông tin phối hợp liên ngành, liên khu vực, liên chủ thể. Vì đây chính là những giải pháp có khả năng bảo đảm được yêu cầu về phát triển một nền văn hóa mới mang tính dân tộc, đại chúng, khoa học và mở đường cho những bước tiến xa và vững vàng hơn của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên bản đồ sức mạnh mềm văn hóa thế giới. Nói cách khác, đây chính là con đường khơi thông và tối ưu hóa các nguồn lực thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

______________

1. Nguyễn Thị Thu Phương, Nguyễn Cao Đức (chủ biên), Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

2. Nghiêm Thu Nga, Thử lý giải sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam từ văn hóa chính trị, in trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Hà Nội, 2018, tr.151-155.

3. Lan Phương, Việt Nam trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới, ictvietnam.vn, 15-2-2020.

4. Nguyễn Thị Thu Phương (chủ biên), Định vị các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022.

5. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

PGS, TS NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

;