Giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong công tác văn hóa đối ngoại, phát huy sức mạnh mềm quốc gia

Tiết mục Những ánh trăng đỏ trong Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào - Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa là một văn kiện có giá trị lịch sử, đề ra thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận duy vật biện chứng, trở thành ngọn đuốc soi đường, thức tỉnh, khơi dậy tinh thần yêu nước, quy tụ, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa yêu nước Việt Nam, đóng góp vào quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới và thành công của cách mạng Việt Nam. Đề cương đã đặt nền móng về lý luận cho nhiều vấn đề quan trọng của văn hóa Việt Nam như: chức năng, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội, quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị… Sau 80 năm lịch sử, nhiều nội dung, quan điểm, nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam là: dân tộc hóa, đại chúng hóakhoa học hóa vẫn còn nguyên giá trị, trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện của Đảng về văn hóa, nghệ thuật, định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước bền vững. Những nguyên tắc này hết sức ý nghĩa trong công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam, phát huy sức mạnh mềm quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

1. Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa - phát huy sức mạnh mềm văn hóa dân tộc trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Trong thế giới toàn cầu hóa, việc mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế là một yêu cầu và xu thế tất yếu để phát triển. Trong quá trình đó, vai trò của văn hóa ngày càng được coi trọng. Thông qua văn hóa, việc thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ được thực hiện nhằm đạt mục tiêu đối nội và đối ngoại cụ thể, trước hết là các lợi ích cơ bản của quốc gia, là phát triển, củng cố an ninh, mở rộng ảnh hưởng và nâng cao vị thế quốc tế, khẳng định sức mạnh mềm quốc gia trên trường quốc tế. Vì lẽ đó, văn hóa trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu, nếu không nói là tiên phong, tạo niềm tin, thiết lập và mở rộng quan hệ. Trong nhiều trường hợp, văn hóa có thể đi trước tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ chính trị và quan hệ kinh tế, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác của mỗi quốc gia.

Trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, hơn bao giờ hết, cần thấm nhuần nguyên tắc dân tộc hóa. Những nét truyền thống, đặc sắc của nền văn hóa nghệ thuật dân tộc là các yếu tố dệt nên bản sắc, là điều khiến cho mỗi con người biết mình là ai, đến từ đâu, gắn kết và thuộc về cộng đồng nào. Bản sắc dân tộc chính là căn cước của nền văn hóa quốc gia, thấm đẫm trong nội dung và hình thức thể hiện, xác lập một vị thế riêng không bị trộn lẫn, hòa tan trong thế giới phẳng toàn cầu. Làm nên bản sắc dân tộc Việt Nam đó chính là “những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước” (1). Tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đặt nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa phát triển độc lập, chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa. Tư tưởng ấy vẫn còn giá trị đến ngày nay. Trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đặc biệt với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ số và internet, những nguy cơ xâm nhập ngoại lai của văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh, xâm lăng văn hóa từ các nền công nghiệp phát triển ngày càng hiện hữu. Chỉ khi một cơ thể khỏe mạnh mới có sức đề kháng với virus từ bên ngoài. Để phát triển nền văn hóa dân tộc cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy tự do sáng tạo, nuôi dưỡng tài năng. Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, tăng cường đầu tư cho văn hóa, có các chế độ đãi ngộ cho văn nghệ sĩ, bảo vệ bản quyền, đẩy mạnh giáo dục nghệ thuật trong thế hệ trẻ, từng bước xây dựng khán giả và đội ngũ sáng tạo trong tương lai. 

Đại chúng hóa là xây dựng một nền văn hóa vì nhân dân, của nhân dân, để tất cả mọi tầng lớp nhân dân có thể tham gia hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật, góp phần hình thành nên các giá trị văn hóa mới. Văn hóa nghệ thuật không chỉ thuộc về tầng lớp tinh hoa, trí thức, mà phải gần gũi với đông đảo quần chúng, phục vụ quần chúng. Đây là tư tưởng hết sức tiến bộ, đi trước thời đại mà bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đề ra, xuất phát từ nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác “nghệ thuật vị nhân sinh”. Chính sách văn hóa của Pháp tại thuộc địa là truyền bá văn hóa ngu dân, đàn áp các nhà văn hóa cách mạng dân chủ chống phát xít, đồng thời sử dụng những thủ đoạn mị dân, tuyên truyền chủ nghĩa đầu hàng, chủ nghĩa ái quốc hẹp hòi… Phải đến thập niên 60 của TK XX, Pháp nơi được coi là cha đẻ của chính sách văn hóa công và là nước đầu tiên thể chế hóa, thành lập Bộ Văn hóa (1959) đã tiến hành quá trình “dân chủ hóa văn hóa”. Tuy nhiên, tiến trình này được cho là vẫn mang quan điểm thực dân khi đem “văn hóa” đến với quần chúng theo cách tạo điều kiện cho đại chúng được tiếp cận với văn hóa của tầng lớp tinh hoa. Đại chúng hóa hay dân chủ văn hóa phải được hiểu là quyền văn hóa của người dân được tham gia vào đời sống văn hóa. Đây cũng là giá trị được khẳng định tại Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948: “Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy”. Ngày nay, những giá trị phổ quát này tiếp tục được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền... sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó” (điều 40); “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” (điều 41).

Khoa học hóa theo Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ, chống lại những xu hướng lập dị, thần bí, duy tâm, mê tín, dị đoan… Nguyên tắc này tiếp tục được Đảng cụ thể hóa ở tính “tiên tiến” của nền văn hóa cách mạng Việt Nam được đưa ra tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII: “Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung”. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại cần ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 vào quy trình sáng tạo, sản xuất, phân phối, trưng bày và hưởng thụ để tránh nguy cơ tụt hậu, đánh mất thị trường trong nước vào tay các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ văn hóa nước ngoài. Không những làm chủ thị trường nội địa, các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo, sản xuất của Việt Nam cần tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường các nước trên thế giới mà các nền tảng số đưa lại. Chuyển đổi số, văn hóa số sẽ trở thành những công cụ quan trọng phát triển văn hóa dân tộc trong thời đại số, khai thác giá trị kinh tế của văn hóa thông qua việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời lan tỏa sức mạnh mềm quốc gia trên trường quốc tế, làm cho người dân trên thế giới biết đến Việt Nam, yêu mến Việt Nam, ủng hộ các quyết định của Việt Nam và lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, du lịch đến Việt Nam.

Thông qua văn hóa, những thông tin, hình ảnh, giá trị tiêu biểu, tích cực về đất nước, con người, bề dày lịch sử, truyền thống của quốc gia sẽ được lan tỏa, phổ biến, tạo được cảm xúc tốt đẹp, lòng tin đối với cộng đồng quốc tế. Văn hóa góp phần quan trọng tạo nên cá tính đặc trưng, khác biệt, ấn tượng, tạo sự thu hút, hấp dẫn, tính cạnh tranh, sức thuyết phục đối với thương hiệu quốc gia, tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Việt Nam, khẳng định vị thế, uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

2. Các định hướng nhằm đẩy mạnh triển khai công tác văn hóa đối ngoại trong thời gian tới 

Trong những năm tới, tình hình khu vực và thế giới có nhiều thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới cao hơn, phức tạp hơn. Mặc dù các xung đột vũ trang và thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến khó lường, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh, mang tính đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay” (2). 

Văn hóa đối ngoại được thực hiện bởi mọi tầng lớp xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và xây dựng thông điệp hình ảnh quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm qua, hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam cơ bản bám sát, phục vụ tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần phát huy sức mạnh đối ngoại toàn diện của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cần tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10-9-2021 về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam với các nhiệm vụ trọng tâm sau đây: 

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa, đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách phát triển ngành Văn hóa theo hướng giải phóng sức sáng tạo, để “văn hóa, sáng tạo trở thành động lực của sự phát triển bền vững”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại nói riêng, theo đó, “văn hóa đối ngoại là một bộ phận quan trọng đặc biệt của nền văn hóa quốc gia, là sức mạnh mềm của dân tộc”, có vai trò tích cực trong việc nâng cao vị thế của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước.

Thứ hai, nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa, tập trung phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thứ ba, về tăng cường quảng bá hình ảnh quốc gia:

Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quốc tế quy mô, uy tín. Tham gia vào các sự kiện văn hóa lớn toàn cầu như EXPO, các Biennale nghệ thuật, Liên hoan phim quốc tế như Cannes, Berlin, Vernice, Oscar…, các Giải thể thao quốc tế uy tín…

 Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc; hỗ trợ các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia tổ chức các chương trình giao lưu quảng bá, giới thiệu văn hóa địa phương với các nước bạn.

Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, trong đó ưu tiên các địa bàn trọng điểm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ... Chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, các chủ thể văn hóa Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam. Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

 Phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Đẩy mạnh triển khai Đề án tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. 

 Chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về văn hóa, cử người làm việc và ứng cử tại các cơ quan chuyên môn của các tổ chức này. Hình thành đội ngũ tham tán văn hóa, tùy viên văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao để làm tốt công tác ngoại giao văn hóa.

Thứ tư, để công tác văn hóa đối ngoại đạt hiệu quả, cần có các chính sách, biện pháp nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa độc đáo; hình thành cơ chế phối hợp tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa; hình thành các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số: Thúc đẩy phát triển văn hóa số, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc quảng bá và tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại để bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, minh chứng cho sự “tiên tiến”, tính “khoa học” của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực quản lý, sáng tạo và sản xuất trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật tại nước ngoài, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học về chính sách văn hóa, nghệ thuật với các tổ chức nghiên cứu khoa học nước ngoài; đẩy mạnh công bố quốc tế các công trình khoa học về văn hóa, nghệ thuật.

Thứ bảy, về hợp tác liên ngành:

Công tác văn hóa đối ngoại cần sự đồng hành chặt chẽ của hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao cũng như sự song hành của công tác thông tin đối ngoại, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông báo chí để lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam ra thế giới. Trong hành trình quảng bá hình ảnh quốc gia, các đại sứ, các cán bộ ngoại giao, từng người Việt Nam ở trong và ngoài nước đều là đại sứ văn hóa của Việt Nam, đem nụ cười thân thiện, mến khách, lòng nhân ái, truyền thống nhân văn, nghĩa tình, gửi gắm đến bạn bè quốc tế thông điệp về một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. 

Các cơ quan Bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10-9-2021 về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, xây dựng các thương hiệu, sản phẩm văn hóa đối ngoại đặc sắc, là thế mạnh; bố trí nguồn lực để thực hiện kế hoạch quảng bá tại nước ngoài trên cơ sở cơ chế điều phối chung, vai trò “nhạc trưởng” của Bộ VHTTDL trong việc triển khai công tác văn hóa đối ngoại từ trung ương đến địa phương, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả sức mạnh của các địa phương, doanh nghiệp trong công tác quảng bá hình ảnh quốc gia ở nước ngoài. Các Bộ ngành, địa phương dành quan tâm, hưởng ứng cử đoàn tham gia các sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch, Lễ hội Việt Nam tại nước ngoài, liên hoan văn hóa nghệ thuật quốc tế... đồng thời, tạo điều kiện đón các đoàn nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn, các đoàn làm phim nước ngoài, các đoàn báo chí truyền thông quốc tế đến tác nghiệp tại địa phương.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi chủ trương, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội và bản thân chính sách văn hóa), qua đó, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trong sự nghiệp đó, với thế và lực mới, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, bám sát các nguyên tắc dân tộc - khoa học - đại chúng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa, chinh phục thế giới bằng sự hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, đổi mới sáng tạo với các sản phẩm, dịch vụ văn hóa mới, đóng góp vào việc giải quyết những thách thức chung của toàn cầu và dệt nên bức tranh đa màu rực rỡ của các nền văn hóa thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn “phát triển hết cái hay, cái đẹp của dân tộc, tức là ta cũng đi tới chỗ nhân loại”, “Văn hóa thế giới sẽ phải chú ý đến văn hóa của mình, và văn hóa của mình sẽ chiếm được một địa vị ngang với các nền văn hóa thế giới” (3).

_________________

1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, 1998.

2. Viết Tuân, Tổng Bí thư: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”, vnexpress.net, 1-2-2019.

3. Hoài Thanh, Có một nền văn hóa Việt Nam, Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, Hà Nội, 1946, tr.25 (dẫn theo Phạm Lan Oanh, Ý nghĩa và giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 524, tháng 2-2023, tr.3-8).

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.316, 321.

2. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948.

3. Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10-9-2021 về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam.

4. Nguyễn Thị Thu Phương, Nguyễn Cao Đức (đồng chủ biên), Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tháng 11-2021.

5. Nguyễn Huy Phòng, Về nội hàm văn hóa trong Đề cương văn hóa Việt Nam, dangcongsan.vn, 14-2-2023.

TS NGUYỄN PHƯƠNG HÒA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;