Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi” (1). Phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng, phát triển văn hóa, con người nói chung là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng của Người, đã và vẫn là những vấn đề có tính chiến lược, mang tính thời sự.

 Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Sớm nhận ra vai trò to lớn của văn hóa nói chung, của văn học, nghệ thuật nói riêng, ngay từ những năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc không chỉ viết những tác phẩm chính luận vô cùng sắc sảo mà Người còn sáng tác văn học, nghệ thuật, coi đó cũng là một trong những phương thức hữu hiệu để hoạt động cách mạng. Người viết vở kịch Con Rồng tre (1922), các truyện ngắn, bút ký: Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Vi hành (1923), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925)… Trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch (8-1942 – 9-1943), Hồ Chí Minh viết Nhật ký trong tù gồm hơn 100 bài thơ chữ Hán. Năm 1963, hồi ký mang tính tự truyện Vừa đi đường vừa kể chuyện (bút danh T.Lan); năm 1964 Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (bút danh Trần Dân Tiên) được xuất bản. Sáng tác văn học của Hồ Chí Minh còn được tập hợp trong các tác phẩm là Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (36 bài), Thơ Hồ Chí Minh (86 bài)… Đó là sự nghiệp sáng tác đồ sộ, góp phần làm nên tên tuổi một danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Trong số những tác phẩm văn học của Hồ Chí Minh, tập thơ Nhật ký trong tù là tác phẩm đặc biệt, có giá trị to lớn về nhiều mặt, được tôn vinh là bảo vật quốc gia (cùng với bốn tác phẩm chính luận bất hủ khác của Người). Với vốn từ vựng, vốn sống vô cùng phong phú, đa dạng, tài năng thiên bẩm, cùng truyền thống yêu văn nghệ thấm vào máu thịt của người con xứ Nghệ, lúc nào Người cũng có thể ứng khẩu thành thơ. Những bài nói, bài viết của Người đậm đặc ca dao, tục ngữ, nhiều hình ảnh ví von độc đáo của văn nghệ dân gian, đầy truyền cảm. Nhưng với tất cả sự khiêm tốn vốn có, chưa bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận mình là một nhà văn nghệ. Nói chuyện trong buổi bế mạc Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (ngày 28-2-1957), Người chỉ nhận mình là “một người yêu chuộng văn nghệ” mà thôi. Đó thực sự là một bài học lớn, sâu sắc, thấm thía về sự khiêm nhường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lặng lẽ để lại cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và cho mỗi cán bộ, đảng viên!

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật chủ yếu thể hiện ở những quan điểm về vai trò của văn học, nghệ thuật, ở yêu cầu về nội dung, phương thức sáng tạo nên tác phẩm, ở sứ mệnh của văn nghệ sĩ, ở yêu cầu về sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển văn học, nghệ thuật của nước nhà…

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bất cứ giai đoạn nào của cách mạng, với đặc trưng, bản chất, chức năng riêng có, văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật tiến bộ nói riêng bao giờ cũng gắn bó mật thiết với cuộc sống như máu thịt, có vai trò và sứ mệnh cao cả, lớn lao mà không phải một hình thái ý thức xã hội nào cũng có được. Trên Báo Cứu quốc số ra ngày 8-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định văn hóa (trong đó có văn học, nghệ thuật) có vai trò quan trọng ngang với chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Gửi thư cho các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951 tại Chiến khu Việt Bắc, một lần nữa Người khẳng định “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (2). Điều đó cho thấy giữa văn hóa, văn học, nghệ thuật với kinh tế, chính trị, xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng. Theo đó, văn hóa, văn học, nghệ thuật được dẫn dắt, định hướng bởi tư tưởng chính trị, đồng thời chịu sự quyết định của cơ sở kinh tế. Tuy nhiên, văn hóa, văn học, nghệ thuật cũng có tính độc lập tương đối, nghĩa là nó vẫn có thể phát triển theo logic nội tại và tác động trở lại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đối với chính trị và kinh tế. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa, văn học, nghệ thuật tiến bộ muốn chứng minh và thể hiện được vai trò to lớn, sứ mệnh cao cả của mình thì phải chủ động, tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong Thư gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng… Nhiệm vụ văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế” (3). Như thế, chỉ có một lòng đi theo lý tưởng của Đảng Cộng sản, làm cách mạng, sâu sát cuộc sống sôi động đầy gian khổ, hy sinh, song cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc, văn nghệ sĩ mới có thể sáng suốt mở mang tầm mắt, sẽ nhận thức được ngày càng đầy đủ hơn, đúng đắn hơn nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời kỳ, sẽ biết mình cần phải làm gì để tạo ra “những tác phẩm xứng đáng” cho hiện tại và tương lai. Ngày 1-12-1962, nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích một cách sâu sắc rằng, nếu dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng bị mất tự do. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng. Những lời nhắc nhở ân cần của Bác thực sự là một chân lý. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến một vấn đề rất cơ bản của văn học, nghệ thuật đó là tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo sẽ tạo ra động lực để văn nghệ sĩ phát huy tính độc lập và khơi nguồn năng lực sáng tác, biểu diễn. Chính sự tham gia bằng cả tài năng, tâm huyết vào sự nghiệp cách mạng, đập cùng nhịp đập trái tim của nhân dân, phấn đấu cho một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, xã hội chủ nghĩa, phồn vinh, hạnh phúc là sự bảo đảm chắc chắn cho văn nghệ sĩ thực sự được tự do với đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp của thuật ngữ này.

Văn nghệ cách mạng phải trở thành một mặt trận, có tính chiến đấu cao, yêu ghét rõ ràng, không được lập lờ hai mặt hoặc đánh tráo khái niệm. Bài thơ số 132 Cảm tưởng đọc Thiên gia thi trong Nhật ký trong tù thể hiện rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Tính chiến đấu của văn học, nghệ thuật chủ yếu thể hiện ở nội dung, ở hình tượng của tác phẩm chứ không chỉ ở tuyên ngôn của văn nghệ sĩ. Cũng trong bài nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba (1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra yêu cầu của nhân dân và cũng là của Đảng, của cách mạng về một nền văn nghệ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự chính nghĩa, mà theo Người là ngày càng phải phong phú về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những con người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau” (4). Văn nghệ không chỉ khen ngợi một chiều mà cần phải mạnh dạn đấu tranh nghiêm khắc với cái xấu như tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu… Có điều khen và chê phải trúng, phải đúng, không tô hồng hay bôi đen. Chỉ có như vậy, văn nghệ sĩ mới tạo ra được những tác phẩm mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi, khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì bổ ích” (5). Để làm được điều đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn nghệ sĩ đồng thời phải là “chiến sĩ nghệ thuật” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, phải có “lập trường vững, tư tưởng đúng… phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết” (6). Người chỉ ra rằng anh chị em văn nghệ sĩ phải tự vượt lên chính mình bằng việc không ngừng “học tập, trau dồi tư tưởng, trau dồi nghệ thuật, đi sâu vào quần chúng. Phải đi sát sự thực. Và trong lúc tiến tới thì chúng ta phải trau dồi đạo đức cách mạng, trước hết là đức khiêm tốn” (7). Quan điểm đó của Người chính là cẩm nang để văn nghệ sĩ phấn đấu, vươn lên, thực hiện thiên chức vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó, tin tưởng. Hiểu sâu sắc điểm mạnh, điểm yếu, sự nhạy cảm, tinh tế của văn nghệ sĩ, với sự trân trọng, quý mến, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, gặp gỡ ân cần, căn dặn anh chị em phải tự giác học tập chính trị để nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải rèn luyện đạo đức cách mạng, đi sâu vào quần chúng, học ở nhân dân. Bởi vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quần chúng không chỉ là những người sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà còn là người sáng tạo ra những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay, không “trường thiên đại hải” mà vẫn là những hòn ngọc quý. Để sáng tác văn học, nghệ thuật, tạo nên những tác phẩm xứng đáng thì văn nghệ sĩ phải trau dồi nghề nghiệp, chớ có lạm dụng tiếng nước ngoài hay viết những câu văn cầu kỳ rắc rối gây khó hiểu cho nhân dân; học lẫn nhau, học cái hay, cái đẹp của văn nghệ nước ngoài và hơn hết phải “sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái thiện, cái mỹ, với hòa bình và nhân loại” (8). Để có những sáng tác chân thực, văn nghệ sĩ phải luôn sâu sát thực tế sôi động của đất nước, gắn bó với nhân dân, phải được tổ chức chặt chẽ, đồng lòng, chung sức trong tổ chức của những người sáng tạo văn học, nghệ thuật, phải có tinh thần tự phê bình và phê bình. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra sứ mệnh cao cả của văn học, nghệ thuật trong việc vươn lên giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại, tức là những vấn đề toàn cầu. Trong Thư gửi Hội nghị các nhà văn Á - Phi lần thứ hai (2-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cây bút phục vụ chính nghĩa trong tay nhà văn chiến đấu có một lực lượng cực kỳ mạnh mẽ… Nó sẽ làm cho các nhà văn góp phần xứng đáng trong phong trào chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, đoàn kết các dân tộc để đấu tranh cho độc lập, hòa bình, dân chủ và hạnh phúc cho cả loài người trên thế giới” (9).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là quan điểm của V.I. Lênin về mối quan hệ khăng khít ví như “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” giữa sự nghiệp văn học với sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, về tính chất của văn học, về quan điểm dân tộc, về việc tiếp thu văn hóa cũ, về việc văn học tham gia vào quá trình xây dựng nền văn hóa mới… Tuy nhiên, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật, chúng ta nhận thấy rõ hơn cốt cách, đặc tính độc đáo không lẫn với ai được, thể hiện tầm cao vĩ đại tư tưởng của Người không chỉ qua những lời chỉ dạy giản dị, ân tình, thấm thía, sâu sắc mà còn qua những tác phẩm văn học, nghệ thuật và các tác phẩm chính luận bất hủ của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật là một trong những cơ sở vững chắc, quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định để đất nước ta, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có được những thành tựu to lớn về văn học, nghệ thuật, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc suốt những thập kỷ qua.

Từ khi được thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng để đề ra đường lối cách mạng nói chung, đường lối về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật nói riêng. Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định đúng đắn vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Trước đây cũng như hiện nay, Đảng và Nhà nước đặc biệt chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, đầu tư các nguồn lực cho sáng tạo, nghiên cứu, công bố các tác phẩm, bằng nhiều hình thức khác nhau tôn vinh các tác giả, tác phẩm có giá trị về nhiều mặt thông qua việc trao các giải thưởng cao quý, ưu tiên phát triển văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số, văn nghệ sĩ cao tuổi, văn nghệ sĩ trẻ. Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật cũng luôn được đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn học, nghệ thuật phát triển toàn diện, mạnh mẽ, có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới xác định: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch”. Trước bối cảnh mới của thế giới và trong nước, rút kinh nghiệm từ những thành tựu to lớn và những hạn chế, yếu kém của văn học, nghệ thuật nước nhà những năm qua, từ đòi hỏi của thực tiễn đất nước với những mục tiêu phát triển đến 2030, 2045, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh cần: “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hóa, văn nghệ… Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc; các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường” (10). Ngày 24-11-2021, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu: “cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay”. Nhiệm vụ của các văn nghệ sĩ không có gì vẻ vang hơn là cống hiến hết mình và sáng tạo không ngừng để chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư nhanh chóng trở thành hiện thực, góp phần phát triển văn học, nghệ thuật của đất nước, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Làm được điều đó chắc chắn “tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi” đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng nêu trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951.

_________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88.

2, 6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.246, 246.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.577.

4, 5, 8, 9. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.504, 504-505, 186, 339.

7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.513.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.145.

TS NGUYỄN VĂN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;