Nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong mối quan hệ với khán giả

Cảnh trong vở Bác Hồ và mùa xuân năm ấy (Nhà hát Kịch Việt Nam) - Ảnh: Liên Hương 

1. Sân khấu không thể không có khán giả. Khán giả là một trong những bộ phận cấu thành và có tính quyết định sự tồn tại, phát triển nghệ thuật sân khấu. Khán giả vừa là đối tượng khách thể để phản ánh, vừa là đối tượng chủ thể hưởng thụ, đánh giá, sáng tạo nghệ thuật.

Đối tượng phản ánh của nghệ thuật sân khấu là hiện thực - đó là cuộc sống, là những tâm tư, tình cảm, ý nghĩ, nguyện vọng và những mối quan hệ xã hội của khán giả. Khán giả đến với sân khấu, tức là đến với cuộc sống hiện thực của mình. Thông qua nghệ thuật sân khấu, khán giả nhận thức, đánh giá về cuộc sống, về những mối quan hệ xã hội xung quanh mình và tìm thấy ở đấy những niềm vui, lòng tin, sức mạnh của cuộc sống, của lý tưởng mà mình đã có, đang có, sẽ có...

Nghệ sĩ đi vào cuộc sống hiện thực, nhận thức, khám phá thẩm mỹ của hiện thực để sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Còn khán giả đến với sân khấu, nhận thức, khám phá thẩm mỹ trong tác phẩm nghệ thuật để nâng cao và sáng tạo cái thẩm mỹ mới cho cuộc đời. Mối quan hệ thẩm mỹ này có tính nhân quả, chu kỳ và luôn ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau, làm cho giá trị thẩm mỹ của hiện thực, của nghệ thuật không ngừng phát triển ngày càng cao hơn, tiên tiến hơn.

Cái thẩm mỹ của nghệ thuật sân khấu là thẩm mỹ của hiện thực khách quan được tái tạo bằng trình độ, khả năng, nhận thức chủ quan của nghệ sĩ về thẩm mỹ của hiện thực, trên cơ sở thống nhất, chung đúc trong những mối quan hệ thẩm mỹ giữa nghệ sĩ với khán giả, giữa hiện thực với sân khấu.

Khán giả đến với sân khấu, nhận thức thẩm mỹ trong nghệ thuật bằng những khả năng, trình độ, nhận thức chủ quan của mình về thẩm mỹ của hiện thực để hưởng thụ, đánh giá thẩm mỹ trong nghệ thuật và cũng được thống nhất, chung đúc trên cơ sở của mối quan hệ thẩm mỹ giữa khán giả với nghệ sĩ, giữa sân khấu với hiện thực.

Do đó, khi nào mối quan hệ trên được đảm bảo thống nhất, thì khi đó nghệ thuật sân khấu mới sống động, phồn thịnh theo chân lý: “khán giả nào thì sân khấu ấy và sân khấu thế nào thì khán giả thế ấy”. Sự sống động và phồn thịnh ở đây bao giờ cũng được thể hiện qua hai mặt của một tác phẩm nghệ thuật: vừa làm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của khán giả, vừa nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ cho khán giả. Nghĩa là, nghệ thuật sân khấu đã làm cho khán giả nhận thức được đầy đủ nhất, toàn diện nhất, đúng đắn nhất về thẩm mỹ của hiện thực.

Hiện thực đời sống của khán giả luôn phong phú, đa dạng và không ngừng vận động, biến đổi, làm cho mối quan hệ thẩm mỹ của khán giả đối với hiện thực cũng phong phú đa dạng và vận động, biến đổi theo, dẫn đến nghệ thuật sân khấu phải chuyển hóa cùng hiện thực đời sống với những mối quan hệ thẩm mỹ mới phù hợp. Nếu nghệ thuật sân khấu không chuyển hóa kịp thời đại, kịp hiện thực đời sống, kịp nhu cầu thẩm mỹ của khán giả, thì nghệ thuật sân khấu sẽ lạc hậu, trì trệ, vắng khán giả và có nguy cơ tan rã. Vì vậy, hiện thực đời sống, thẩm mỹ của khán giả bao giờ cũng là nhân tố thứ nhất quyết định sự tồn tại, phát triển của nghệ thuật sân khấu và nghệ thuật sân khấu luôn không ngừng đổi mới, phát triển cùng cuộc sống hiện thực. Ở phạm vi này, cuộc sống của khán giả và nghệ thuật sân khấu đòi hỏi tác giả văn học, đạo diễn, diễn viên và các thành tố tổng hợp khác của sân khấu phải không ngừng rèn luyện tài năng và bám sâu vào cuộc sống để sáng tạo những tác phẩm phù hợp với hiện thực.

Bằng nguyên lý khách quan trên soi chiếu vào nghệ thuật sân khấu Việt Nam nhiều năm qua, chúng ta thấy: sân khấu Việt Nam đã tồn tại một nền sân khấu “ảo”. Nền sân khấu không có khán giả, dù ở nó có nhiều nhà hát, nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú với nhiều tác phẩm đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của các nghệ sĩ sân khấu thực thi Nghị quyết 23-NQ/TW thì phải nối lại mối quan hệ nội sinh giữa nghệ thuật sân khấu với khán giả. Nhưng sự thực, 15 năm qua, kể từ khi thực hiện NQ 23 của Bộ Chính trị cho đến nay, nghệ thuật sân khấu Việt Nam vẫn vắng khán giả!

2. Hiện thực là thế giới khách quan đang tồn tại, vận động và vô cùng, vô tận. Ở nó có hiện thực tự nhiên và hiện thực nghệ thuật. Hiện thực tự nhiên sinh ra, tồn tại, vận động theo quy luật của tự nhiên. Còn hiện thực nghệ thuật sinh ra bằng sáng tạo theo quy luật nhận thức, cảm xúc thẩm mỹ của nghệ sĩ trước hiện thực tự nhiên. Hiện thực nghệ thuật bắt nguồn từ hiện thực tự nhiên, nhưng không đồng nhất với tự nhiên. Bởi nó không phải làm nhiệm vụ sao chép lại tự nhiên, mà là biểu hiện lại tự nhiên bằng những cảm xúc thú vị và có tác dụng soi sáng, nâng cao nhận thức tâm hồn của con người. Đó là nhân học và mỹ học của con người, mang tính người và tính thẩm mỹ cao.

Nhân học và mỹ học trong hiện thực nghệ thuật luôn quan hệ thống nhất biện chứng với nhau. Khi tác phẩm nghệ thuật nói về cái chân, cái thiện của con người thì không thể không gắn liền với cái đẹp, cái xấu. Ngược lại, khi nghệ sĩ thể hiện cái đẹp, cái xấu mà không liên quan gì đến phẩm chất người thì sáng tạo sẽ trở nên vô nghĩa. Cái đẹp trong nghệ thuật luôn chứa đựng nội dung. Vì vậy, hiện thực nghệ thuật không bao giờ cạnh tranh với hiện thực tự nhiên theo đầy đủ bề rộng và chiều sâu một cách thông tục, mà nhờ có nhân học và mỹ học mà hiện thực nghệ thuật đã có được những bề rộng, chiều sâu vô tận của riêng mình. Nó bộc lộ những gì có tính quy luật của những mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với cái đẹp, với thế giới xung quanh một cách biện chứng. Do đó, thông qua hiện thực nghệ thuật, người ta thấy cuộc sống như nó tồn tại, như nó vốn có và cảm thấy cuộc sống cần phải có. Tức là, nghệ thuật đã làm cho hiện thực tự nhiên được bộc lộ rõ hơn là tự bản thân mình.

Khi nói hiện thực nghệ thuật mang tính người và tính thẩm mỹ, tức là nói đến “lý tưởng người” và “lý tưởng thẩm mỹ” của nghệ sĩ. Bởi không có một tác phẩm nghệ thuật nào lại không chứa đựng những mục đích, khát vọng của nghệ sĩ về cuộc sống và cái đẹp của cuộc sống. Nếu ai cố tình dùng mọi thủ đoạn tinh vi để tách biệt khuynh hướng thẩm mỹ, nhân văn ra khỏi sáng tạo hiện thực nghệ thuật thì đều dẫn tới duy tâm, phi nghệ thuật.

Khuynh hướng thẩm mỹ, nhân văn của nghệ sĩ trong tác phẩm nghệ thuật không chỉ là lý trí, tình cảm mà còn là khát vọng của nhà sáng tạo. Nhờ đó người nghệ sĩ có được một chỗ đứng để nhận thức, đánh giá hiện thực khách quan và cuộc đấu tranh bảo vệ cái chân, thiện, mỹ ở đời. Người nghệ sĩ vĩ đại mà không có một khuynh hướng thẩm mỹ nào thì anh ta thiếu một phương tiện chuẩn xác nhận thức hiện thực và trở thành kẻ mù lòa trong sáng tạo của mình. Vì vậy, A.N. Tôn- xtôi đã nói: “Tôi không thể mở mắt nhìn ra thế giới trước khi toàn bộ ý thức của tôi chưa bị ý niệm nào đó về thế giới này. Khi có được một ý niệm nào đó thì thế giới mới hiện ra trước mắt tôi tinh tường và có ý tưởng rõ ràng…” (1). V.G.Bê-lin-xki cũng khẳng định: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó mô tả cuộc sống chỉ để mô tả mà không có sự thôi thúc mạnh mẽ nào đó có nguồn gốc trong tư tưởng bao trùm thời đại. Nó có thể là tiếng kêu thét khổ đau hoặc không đặt ra câu hỏi hoặc trả lời cho câu hỏi đó” (2).

Như vậy, thật hiển nhiên và không còn nghi ngờ gì nữa, nghệ thuật bao giờ cũng gắn với hiện thực bằng lý tưởng, khuynh hướng thẩm mỹ của người nghệ sĩ. Hiện thực có thể chỉ một, nhưng lý tưởng, khuynh hướng thẩm mỹ của người nghệ sĩ khác nhau mà có những tác phẩm sáng tạo mang những giá trị cao thấp hữu ích khác nhau. Tất nhiên, lý tưởng, khuynh hướng thẩm mỹ của nghệ sĩ, theo L.Tôn-xtôi phải “là những tác phẩm mà trong đó tác giả dường như cố gắng giấu quan điểm của riêng mình, nhưng đồng thời lại thường xuyên trung thành với mục đích của mình ở khắp nơi mà nó hiện diện” (3). Hay như Ăng-ghen nhấn mạnh: “Quan điểm của tác giả càng được giấu kỹ bao nhiêu thì càng tốt cho tác phẩm nghệ thuật bấy nhiêu” (4). Tức là, lý tưởng, khuynh hướng thẩm mỹ phải được hình tượng hóa một cách chân thực và sinh động, hấp dẫn.

Hình tượng nghệ thuật bắt nguồn từ hiện thực. Nhưng không phải tất cả mọi sự vật và hiện tượng của cuộc sống đều trở thành hình tượng. Hình tượng nghệ thuật là kết quả phản ánh hiện thực của nghệ sĩ. Nhưng phản ánh lại là thuộc tính của toàn bộ sự vật - vật chất. Do đó, cần phân biệt nghệ thuật thuộc tính cơ bản của ý thức con người và khi con người mất khả năng phản ánh thì sẽ mất tất cả những thuộc tính khác của ý thức. Ở đây, chúng ta cần nhận thức rõ rằng: phản ánh không đồng nhất với sáng tạo. Vì phản ánh chưa phải là sáng tạo, nhưng sáng tạo phải dựa trên cơ sở của phản ánh. Nhà khoa học giống với nghệ sĩ ở khả năng phản ánh. Nhưng phản ánh của nhà khoa học là trình bày bằng trừu tượng hóa cái phổ biến tồn tại trong hiện thực qua cái cá biệt bằng khái niệm quy luật, còn phản ánh của người nghệ sĩ là trình bày cái phổ biến dưới hình thức hình tượng sinh động - cảm tính của hiện tượng riêng biệt.

Hình tượng nghệ thuật của hiện thực trong nghệ thuật sân khấu rất rộng và bao trùm tất cả mọi thành tố của nghệ thuật sân khấu. Thông qua thực tiễn của nghệ thuật sân khấu nhân loại, hình tượng nghệ thuật sân khấu được tập trung điển hình vào cốt truyện kịch, tức là vào xung đột và nhân vật theo lý tưởng thẩm mỹ của nghệ sĩ. Không có lý tưởng thẩm mỹ của nghệ sĩ thì không có hình tượng sân khấu, hình tượng sáng tạo, hình tượng nhân vật...

Cảnh trong vở Bản tình ca trên núi (Nhà hát Múa rối Việt Nam) - Ảnh: Liên Hương

Hình tượng trong nghệ thuật sân khấu vô cùng phong phú, đa dạng. Nhưng thông qua nghiên cứu thực tế nghệ thuật sân khấu, chúng ta nhận thức được rằng: hiện thực đương đại, cốt truyện đương đại, lý tưởng thẩm mỹ đương đại, nhân vật, xung đột đương đại... bao giờ cũng được các nghệ sĩ quan tâm hàng đầu và những sáng tạo đương đại này đã trở thành dòng chủ lưu của văn học nghệ thuật đương đại... Từ dòng chủ lưu này người ta tìm thấy: hiện thực trung tâm, xung đột trung tâm, chủ đề trung tâm, nhân vật trung tâm, hình tượng trung tâm của thời đại như văn học nghệ thuật của các nền văn hóa: cổ đại Hy Lạp, La Mã, Phục hưng, Ánh sáng, Cổ điển... mà chúng ta đã biết. Đặc biệt, văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam đã chứng minh rõ ràng cho chân lý này bằng hiện thực trung tâm, điển hình là cuộc chiến tranh giữa nhân dân Việt Nam với những tên đế quốc hùng mạnh nhất thế giới. Ở đấy, có biết bao những hình tượng hào hùng với phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...

Như vậy, hiện thực chiến tranh với lý tưởng thẩm mỹ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã sinh ra hành động cứu quốc trong văn hóa cứu quốc - văn học nghệ thuật cứu quốc đã tạo ra các tác phẩm mang hình tượng “phò chính trừ tà”, “soi đường cho quốc dân đi” và thành chủ lưu của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam đã qua.

Mùa xuân 1975 kết thúc 30 năm chiến tranh, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất. Nhưng, từ ngày đầu xây dựng cuộc sống mới trên hoang tàn, xơ xác, dư chấn sau chiến tranh nặng nề và phải chấp nhận cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam vì chủ quyền lãnh thổ đất nước trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài, cấm vận của chủ nghĩa đế quốc cùng với tư duy lãnh đạo chủ quan, nóng vội, duy ý chí dẫn đến đói nghèo mất niềm tin của một bộ phận nhân dân. Trước tình hình ấy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với phương châm: “nhìn thẳng vào sự thật”, “đánh giá đúng sự thật”, “nói rõ sự thật”,... đã đưa dân tộc ta sang hiện thực - lịch sử mới: đổi mới tư duy, xóa bỏ chế độ quan liêu bao cấp, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế... Trải qua 36 năm và hôm nay đất nước ta chưa bao giờ có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín thế giới như ngày nay” (5). Đó là một hiện thực không hề hư cấu và làm cho toàn Đảng, toàn dân ta trân trọng, tự hào.

Từ 1986 đến nay, hiện thực thời đại Việt Nam đã chuyển hóa từ chiến tranh sang hòa bình; từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế... Có nghĩa là, chuyển hóa từ văn hóa cứu quốc sang văn hóa kiến quốc; từ lý tưởng thẩm mỹ độc lập - tự do sang dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần của sáng tạo “phò chính trừ tà”, “soi đường cho quốc dân đi” của hiện thực mới. Ở đây, chúng ta nhận thức rằng: hiện thực trung tâm, cốt truyện trung tâm, nhân vật trung tâm của nghệ thuật sân khấu hiện đại Việt Nam hôm nay là những chiến sĩ trên mặt trận kiến quốc mang lý tưởng thẩm mỹ thời đại: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những chiến sĩ này, dù họ là ai: nông dân, công nhân, trí thức, thương gia hay nhà quản lý hoặc thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, ở thành thị, nông thôn, vùng cao, hải đảo, nước ngoài... thì đều là sản phẩm sinh ra từ hiện thực cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; đều có một lý tưởng thẩm mỹ: dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh với phẩm chất “giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo hiện đại” (6) và thấm đậm trong mình hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình của thời đại mới ở Việt Nam.

Từ nguyên lý trên soi chiếu vào nghệ thuật sân khấu Việt Nam nhiều năm qua, chúng ta ai cũng thấy rõ: nền nghệ thuật sân khấu của thời kỳ đổi mới, của thời kỳ chuyển hóa lớn vẫn chưa phản ánh được nhiều hiện thực mới, lý tưởng thẩm mỹ mới, cốt truyện mới và đã dẫn đến thực trạng chưa có những nhân vật trung tâm mới với phong cách thể tài mới phù hợp với hiện thực cũng như lý tưởng thẩm mỹ của thời đại - hiện đại ở Việt Nam chúng ta. Kể từ khi thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị cho tới nay, nghệ thuật sân khấu Việt Nam vẫn chưa có nhân vật trung tâm của thời đại mình. Và tất nhiên, nghệ thuật sân khấu Việt Nam muốn được hồi sinh, muốn có khán giả thì phải mang trong mình những hình tượng con người trung tâm của thời đại mới - cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.

3. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ làm xã hội loài người thay đổi căn bản cách thức sống của con người từ làm việc, quan hệ và tương tác với nhau. Nó làm cho con người, doanh nghiệp, quốc gia, thị trường trên toàn thế giới gần nhau hơn, làm thay đổi căn bản cách thức giao thông, mô hình sản xuất, lối sống hằng ngày và cho phép các công dân gắn kết với chính quyền nhiều hơn, tham gia rộng rãi hơn vào các hoạt động hoạch định chính sách, tăng sức mạnh giám sát và lãnh đạo, điều hành kinh tế của nhà nước với nhân dân.

Cách mạng công nghiệp 4.0 như tạo hóa đã sinh ra một trái đất mới với nhân loại hoàn toàn mới so với quá khứ - truyền thống vốn có. Như việc đặt vé máy bay, gọi xe taxi, đặt phòng khách sạn, mua sắm đồ gia dụng hay thanh toán trực tuyến… đã trở nên đơn giản, dễ dàng. Hoặc những Công ty taxi Uber, Grap lớn nhất thế giới mà không hề có một chiếc xe nào, Airbnb - là công ty khách sạn lớn nhất thế giới mà cũng không có một phòng nào cả. Đặc biệt, khán giả có thể nghe nhạc, chơi game, xem một bộ phim đều có trên điện thoại thông minh…

Nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay đang cần tới khán giả như đang cần sự tồn tại của mình và trước hết, phải thể hiện được nhân vật trung tâm của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 của mình. Nhưng sân khấu không phải là đi tìm khán giả đã mất của thời cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân bao cấp, mà hướng tới khán giả mới của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Tức là, khán giả và nghệ thuật sân khấu cùng có mối quan hệ trên nền tảng công nghệ số và cùng hòa mình trong môi trường văn hóa cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hôm nay. Để làm được điều này, trước hết, các nghệ sĩ hãy cùng sống, chia ngọt, sẻ bùi với khán giả đương thời ở thời đại số hôm nay và nghệ sĩ không nên lảng tránh hiện thực đương thời, vùi cảm xúc vào “hoài cổ”. Tức là mọi sáng tạo của nghệ sĩ sân khấu phải hướng tới hiện thực cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế để thể hiện hình tượng trung tâm bằng Cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là nền sân khấu mới với nghệ sĩ mới, khán giả mới bằng tác phẩm sáng tạo kiểu mới. Ở đây, nghệ sĩ sân khấu cần nhận thức rằng, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đến năm 2025, thu nhập đầu người Việt Nam vượt ngưỡng trung bình thấp; đến năm 2030 thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Do đó, nghệ thuật sân khấu Việt Nam phải biết sáng tạo để đón đầu lớp khán giả có thu nhập cao, mang hệ giá trị thẩm mỹ mới của thời đại công nghiệp hiện đại, cho sân khấu tự chủ của mình. Do đó, nhiệm vụ cao cả của nghệ sĩ là phải thể hiện được hình tượng nhân vật trung tâm của thời kỳ đổi mới. Đó là hình tượng những con người hành động kiến quốc theo lý tưởng dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Để làm được việc này, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Nhà nước cần đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội” (7), thì trước hết, Nhà nước hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho văn nghệ sĩ được sống, sáng tạo và cống hiến hết mình để nghệ thuật sân khấu Việt Nam đạt được đỉnh cao tính hiện thực, từ đó mới thu hút được nhiều khán giả thời đại 4.0 đến với sân khấu.

_____________

1. A.Tôn-xtôi, Bàn về kịch, tập 10, Moskva, 1961, tr.257.

2. V.G. Benlinxki, Nói về phê bình, Moskva, 1961, tr.171.

3. L.Tôn-xtôi toàn tập, tập 46, Moskva, 1961, tr.182.

4. C.Mác và Ph.Ăng-ghen toàn tập, tập 36, Moskva, 1966, tr.333.

5, 7. Nguyễn Phú Trọng, Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát triển những giá trị đặc sắc của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tháng 12-2021, tr.12.

6. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Tài liệu học tập Các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, Hà Nội, tr.263.

PGS, TS TRẦN TRÍ TRẮC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;