Xung đột trong kịch Molière nhìn từ cấu trúc trò chơi

Cléante: Con đột nhiên bị chóng mày chóng mặt, con xin lui khỏi chỗ này.

Harpagon: Không hề gì. Vào mau trong bếp, uống một cốc lớn nước lã đi. Thật là cái bọn công tử yếu ớt, chẳng được cứng cáp gì hơn mấy con gà mái! Con gái của cha này, đó là điều cha đã quyết định cho cha. Còn thằng anh của con, cha định lấy cho nó một mụ góa mà sáng hôm nay người ta vừa đến nói chuyện với cha. Về phần con, thì cha gả con cho quý ngài Anselme.

Élise: Cho quý ngài Anselme?

Harpagon: Phải. Một người đứng tuổi, khôn ngoan và hiền đức, chưa ngoài năm mươi và nghe người ta ca tụng là có rất nhiều của (1).

Đoạn trích trên nằm ở phần đầu vở kịch Lão hà tiện của Molière. Vở kịch mở ra với việc giới thiệu hai người con của Harpagon trong mối quan hệ yêu đương: Cléante và Mariane, Élise và Valère. Xung đột kịch xuất hiện khi lão hà tiện thông báo về việc sắp đặt hôn nhân cho con cái với những người giàu có. Trở lại với những nguyên tắc của sân khấu cổ điển, hồi 1 thường làm nhiệm vụ giao đãi, giới thiệu thời gian và không gian và các nhân vật trong vở kịch cũng như giới thiệu xung đột. Ngay từ những trang đầu tiên, Molière đã có sự chuẩn bị để hé mở cho khán giả tình huống gây mâu thuẫn, từ đó phân tích diễn biến tâm lý và tính cách của nhân vật. Đoạn đối thoại giữa ba cha con Harpagon biểu thị diễn ngôn quyền lực của người cha, khi đã gạt đi tình cảm của con và tự quyết định về những cuộc hôn nhân của họ. Xung đột hình thành từ người cha ngăn cản tình yêu của con mình không chỉ diễn ra trong Lão hà tiện mà còn trở đi trở lại trong một số vở kịch của Molière.

Xuyên qua không gian và thời gian, mỗi số phận, mỗi cuộc đời nhân vật trong kịch Molière vẫn hiện ra sinh động bởi ông đã tạo nên hiệu ứng sân khấu đặc sắc từ những sáng tạo nghệ thuật của mình. Năm 2022, kỷ niệm 400 năm ngày sinh Molière (2), nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ sáng tác của Molière đã làm bừng lên sức sống của những tác phẩm kinh điển trong bối cảnh đương đại. Nhà soạn kịch đã để lại dấu ấn mạnh mẽ của mình để ngày hôm nay nhân loại không ngừng tìm về với Molière như tên gọi của một chương trình Retours sur Molière.

Cho đến nay, độc giả và khán giả vẫn không ngừng giải mã những vở kịch mà nhà văn đã sáng tạo nên. “Điều làm nên thành công của hài kịch    Molière có thể kể đến kết cấu lớp lang dẫn dắt khán giả đi từ xung đột này đến xung đột khác, liên tục duy trì sự gay cấn. Vở kịch đã đưa ra chân dung gia đình dưới thời Louis XIX trong đó có những yếu tố hiện thực, những phân tích xã hội và xu hướng chính trị” (3). Có thể nói như E.Yevtushenko, “mỗi số phận chứa một phần lịch sử”, câu chuyện của mỗi cá nhân,  gia đình cho chúng ta hình dung về đời sống xã hội nơi đã hun đúc ngòi bút Molière.

Thông qua các tác phẩm của mình, nhà soạn kịch đã tạo nên những cuộc chơi bất tận xuyên không gian và thời gian. Theo quy luật tiếp nhận, đến lượt mình, người đọc hiện đại tham dự vào cuộc chơi mà Molière đã thiết kế nên dựa trên kinh nghiệm thẩm mỹ của mình. Cần thiết đặt trò chơi trong bối cảnh thời đại, trong không gian và thời gian. Ở đó, quy tắc tam duy nhất của chủ nghĩa cổ điển đôi khi bị phá vỡ bởi sự ngẫu hứng và diễn tiến của trò chơi. Cấu trúc năm hồi truyền thống của kịch tái hiện nên một cuộc chơi với những quy luật riêng, gắn với những mâu thuẫn giữa các nhân vật. Sân khấu trở thành trò chơi bất tận của những mệnh lệnh và phản kháng, nơi diễn ra những hẹn hò yêu đương hay những cuộc đấu trí cân não. Từ lý thuyết trò chơi, chúng tôi tiếp cận xung đột trong kịch Molière thông qua trường hợp cuộc hôn nhân sắp đặt như một phép thử để giải mã tác phẩm.

Hình dung vở kịch theo mô hình trò chơi, chúng ta thấy có sự tham gia của người cản trở, người bị cản và người trợ giúp. Trên sân khấu, tác giả đưa ra hình mẫu về một người chơi đóng vai trò lực cản là vai ông bố ngăn cấm tình yêu và sắp đặt hôn nhân cho con cái. Điều này liên quan đến vấn đề quyền lực mà Molière đã đề cập đến trong tác phẩm của mình. Theo Pierre Bourdieu trong cuốn Sự thống trị của nam giới, “sự phân biệt giới được khắc ghi, một mặt, trong sự phân chia các hoạt động sản xuất được chúng ta liên tưởng với ý niệm về lao động và rộng rãi hơn, trong sự phân chia công việc duy trì tư bản xã hội và tư bản tượng trưng nó phân định cho đàn ông được độc quyền về mọi hoạt động thể hiện chính thức, công khai, đặc biệt là độc quyền về mọi sự trao đổi vinh dự, trao đổi lời lẽ” (4). Có thể nói, quyền lực của người đàn ông trong gia đình được thể hiện xuyên suốt từ lời nói tới hành động, trong đó nhà văn lựa chọn những thời điểm người đàn ông đưa ra những quyết định liên quan đến số phận của các nhân vật khác. Ông Jourdain từ chối Lucile đến với Cléonte bởi vì anh ta không phải là một quý ông, rằng con gái ông phải trở thành một nữ công tước (Trưởng giả học làm sang). Harpagon muốn con trai của mình lấy một góa phụ giàu có và muốn con gái lấy lãnh chúa Anselme - một người không quá 50 tuổi và không đòi của hồi môn (Lão hà tiện). Orgon muốn gả con gái của mình cho Tartuffe (Tartuffe). Còn với Argan, con gái Angélique của ông chỉ có thể lấy một bác sĩ. Theo Argan: “một cô gái có bản chất tốt phải vui mừng kết hôn với những gì có ích cho sức khỏe của cha mình” (Người bệnh tưởng).

Orgon: Vì cha muốn rằng điều đó là sự thực. Cha đã quyết định, con chỉ cần biết thế là đủ.

Marian: Thế nào? Thưa cha, cha muốn…?

Orgon: Phải, con ạ, cha có ý định gả con cho Tartuffe để ông ta trở thành người trong gia đình nhà ta. Ông ấy sẽ làm chồng con, ý cha đã quyết (5)  (Tartuffe, Molière).

Chưa bàn đến sự phi lý trong lý lẽ của Orgon, chúng ta chú ý tới thái độ quả quyết của nhân vật người cha khi đưa ra lời nói như mệnh lệnh. Molière đã sắp xếp những ám chỉ khắp vở kịch cho thấy sự kiểm soát và áp đặt của người cha. Ở đây, tiếng nói của Orgon thể hiện diễn ngôn quyền lực nơi nhân vật xác lập vị thế của mình và không cho phép một sự thảo luận hay kháng cự nào. Xung đột kịch được gợi lên từ những chi tiết ngầm, được cung cấp trong suốt diễn biến của trò chơi. Điều này có thể lý giải dựa trên lý thuyết về những ký hiệu học sân khấu mà Anne Ubersfeld đã đề xuất. Xung đột nảy sinh trên cơ sở một cuộc hôn nhân áp đặt và ép buộc. Nhà văn đã đưa ra sân khấu hình ảnh người chủ gia đình gắn với những quyết định độc đoán. Chính sự độc đoán đó đã tạo nên các tuyến nhân vật đối lập, từ đó phát triển xung đột kịch. Nhà nghiên cứu Foucault lý giải mối quan hệ giữa diễn ngôn và quyền lực. Khi diễn ra sự mất cân bằng về quyền lực sẽ kéo theo sự phụ thuộc và có thể nảy sinh phản kháng. Việc mất cân bằng về quyền lực tạo nên khoảng cách giữa các cá nhân. Đối lập với người cha gia trưởng sẽ là người con và những đồng minh của mình. Thông qua xung đột kịch, tác giả gợi mở cách thức mà nhân vật tham dự vào trò chơi. Sự sắp đặt toan tính và thực dụng của người cha trở thành đầu mối tạo nên rạn vỡ trong gia đình. Trong cách hình dung truyền thống, gia đình thường được gắn kết bởi các mối quan hệ: tình cảm, nuôi dưỡng và giáo dục. Thông qua môi trường gia đình, các nhân vật bộc lộ quy tắc ứng xử, những kinh nghiệm sống, các chuẩn mực văn hóa xã hội. Tham gia vào trò chơi của cuộc hôn nhân sắp đặt, mỗi thành viên trong gia đình sẽ thể hiện những chức năng khác nhau. Tuy nhiên, nhân vật lực cản lại bộc lộ những thiên kiến trong cách ứng xử của mình với những người xung quanh. Trong đó, người cha đóng vai trò chủ chốt, chi phối các nhân vật khác và tạo nên bản sắc gia đình. Đó thường là nhân vật trung tâm của vở kịch, được nhà soạn kịch tập trung miêu tả.

Quyết định độc đoán của nhân vật nam gia trưởng không gợi lên hoài nghi về tính cách nhân vật, mà rất thống nhất với toàn bộ diễn biến vở kịch. Từ đầu đến cuối, mọi hành động của nhân vật đều thống nhất hướng tới những giá trị mà họ theo đuổi, những thói hư tật xấu mà họ thể hiện. Harpagon là một nhà tư sản giàu có, tuy vậy mỗi chi phí dành cho quản gia, người hầu, nuôi ngựa đều khiến ông tiếc đứt ruột. Ông có một đứa con trai mà ông cho rằng anh ta tiêu tốn tiền bạc và một đứa con gái mà ông muốn gả cho người không cần của hồi môn. Điệp khúc “không cần của hồi môn” nhấn mạnh vào sự thực dụng và tính toán của Harpagon. Có thể thấy, Harpagon là sản phẩm của xã hội tư sản Pháp TK XVII, nơi đồng tiền sẽ có vị trí như “đồng trăm xu vạn năng” mà sau này Balzac sẽ tái hiện trong Tấn trò đời. Harpagon sẵn sàng áp đặt con cái bằng những cuộc hôn nhân mang về lợi nhuận tiền bạc: gả con gái cho một lão già để không mất của hồi môn, hỏi cho con trai một bà góa già giàu có.

Sự bất bình đẳng của những người tham gia vào cuộc chơi đã cho thấy việc can thiệp được đẩy lên mức thái quá của một người chơi đóng vai trò lực cản. Việc lặp đi, lặp lại những toan tính cho cuộc hôn nhân của con cái đã thống nhất với những tính toán chi ly, gắn với mục tiêu tối thượng mà nhân vật suốt đời theo đuổi. Cả cuộc đời này, với Harpagon (Lão hà tiện), của cải vật chất là niềm nương tựa nên tương lai của con cái cũng phải gắn với món lợi tiền bạc. Trong mỗi hơi thở của Orgon (Tartuffe), niềm tin vào Chúa là tối thượng nên nhân vật sẽ ép gả con mình cho thầy tu giả hiệu. Từng ngày với Jourdain (Trưởng giả học làm sang) là chuỗi ngày khao khát chạm tay vào giấc mơ quý tộc, nhân vật mong muốn gả con mình cho một ngài quý tộc. Với người bệnh tưởng Argan, phải kén một chàng rể bác sĩ để sẵn sàng kê đơn và bốc thuốc bất cứ lúc nào. Việc định hướng và can thiệp vào tương lai của các thành viên gia đình đã tô đậm hơn tính cách của nhân vật người chủ gia trưởng. Tính thực dụng của nhân vật quyền uy được Molière trở đi trở lại trong sáng tác của mình.

Toinette: Xin ông thử nói ý định của ông thế nào mà ông lại gả bán như thế.

Argan: Ý định của tao là tao muốn có chàng rể và thông gia là thầy thuốc, vì tao thấy tao bệnh tật, ốm đau như thế này. Để tao nhờ vả chạy chữa, với lại để trong nhà có đủ thuốc men cần thiết, rồi có thể tha hồ mà khám bệnh, xin đơn (6) (Người bệnh tưởng).

Trong diễn tiến của trò chơi, Molière có khi làm mờ đi hình ảnh những cặp đôi yêu nhau và đang đứng trước nguy cơ bị cấm cản. Tác giả tập trung vào nhân vật người cha keo kiệt, người bệnh tưởng, người tư sản. Người bị cản trở thường là người con trong gia đình, là người đối mặt với sự can thiệp của cha mẹ, nơi họ đang bị sắp đặt vào một cuộc hôn nhân ép buộc. Nhà văn miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật với nhiều cung bậc cảm xúc của sự chán nản, mong muốn phản kháng nhưng lâm vào rối trí và bế tắc. Trong Lão hà tiện, Élise muốn tự tử khi người cha thông báo với cô quyết định cô phải kết hôn với ông Anselme (7). Molière đã không phải ngậm ngùi cay đắng. Trong trò chơi này, nếu có người cản trở tình yêu của họ thì cũng có người trợ giúp mang đến kết thúc có hậu. Vậy người hỗ trợ là ai? Trước hết, đó có thể là những thành viên trong gia đình. Đó có thể là những người mẹ khéo léo và người thân nhanh trí, giúp cho những cặp uyên ương vượt qua sự độc đoán của người cha. Đó có thể là bà Jourdain thẳng thắn, là người anh em cùng cha khác mẹ là Cléonte (Trưởng giả học làm sang). Nhân vật trợ giúp còn là những người hầu. Có thể nói, tham dự vào trò chơi, người hầu có dịp thể hiện đầu óc sắc bén, khả năng ứng biến với những tình huống căng thẳng, sáng tạo ra những mẹo để vạch mặt những người độc đoán, những kẻ đạo đức giả và giúp cho tình yêu chiến thắng. Trong Tartuffe, người hầu gái Dorine đã hỗ trợ Mariane chống lại sự mê muội của Orgon và giúp cô thoát khỏi cuộc hôn nhân áp đặt với Tartuffe. Trong Người bệnh tưởng, Toinette bằng sự nhanh trí của mình đã lên kế hoạch vạch mặt tên đạo đức giả Béline. Trong Trưởng giả học làm sang, Covielle đã tạo ra màn giả trang để giúp Cléonte đóng giả quý tộc và được Jourdain bằng lòng gả con gái cho.

Cléonte: (…) Tao có ngờ đâu là phải ra mặt quý tộc mới làm được rể ông Jourdain?

Covielle: Ha! Ha! Ha! Ha! Ha! Ha!

Cléonte: Mày cười cái gì?:

Covielle: Con cười vì con chợt nảy ra một ý kiến để làm cho cái lão này mắc lỡm và làm cho cậu được như ý sở cầu.

Cléonte: Thế nào?

Covielle: Ý kiến hết sức là ngộ nghĩnh.

Cléonte: Cái gì mới được chứ?

Covielle: Ít bữa nay có một trò giả trang vui đáo để, đem vào đây thật là vừa khéo, con dự định sẽ đưa cái trò ấy vào một cuộc đùa nghịch hài hước để lỡm cái lão ngố của chúng ta một chuyến (8) (Trưởng giả học làm sang).

Những nhân vật phụ tham gia vào trò chơi nhưng lại tạo nên bước ngoặt để giải quyết xung đột kịch. Kết thúc của trò chơi, phần thắng thường không thuộc về người cha gia trưởng, ông chủ quyền thế. Vở kịch phải chăng là một sự phản tỉnh về quyền lực và tự do. Điều này có thể được lý giải dựa trên đặc trưng của thể loại hài kịch khi gắn với tiếng cười. Ở đó, trò chơi hướng tới một kết thúc có hậu, nơi kẻ độc đoán bị trừng phạt và những người thanh niên đã thoát khỏi sự áp đặt và bảo vệ được tình yêu.

Để tạo nên màn kết cho trò chơi, Molière đã sử dụng nhiều kiểu kết thúc có sự xuất hiện của những yếu tố ngẫu nhiên, bất ngờ. Trong Tartuffe là sự can thiệp của nhà vua, trong Lão hà tiện là việc phát hiện ra người cha. Cảnh nhận ra Enselme là cha của Valère và Mariane thông qua những vật chứng như: một con dấu bằng hồng ngọc, một chiếc vòng tay bằng hồng ngọc đã mang tới phép màu để các nhân vật thoát khỏi những cuộc hôn nhân do Harpagon bàn tính. Các cặp đôi lại được trở về bên nhau và lão hà tiện lại nhận về cái tráp bạc của mình. Những yếu tố hữu hình như đồ vật, tiền bạc hay yếu tố vô hình như danh vọng đã tham gia vào cuộc chơi, trở thành động lực để thúc đẩy xung đột, trong đó tình yêu như một nguồn sức mạnh thúc đẩy sự phản kháng. Những yếu tố ngẫu nhiên này là một trong những cách mà Molière tháo gỡ xung đột. Tính chất ngẫu nhiên, bất ngờ trong cách giải quyết cao trào một mặt đưa tác phẩm về kết thúc vui vẻ đặc trưng của hài kịch nhưng mặt khác cũng mang đến những bước ngoặt thiếu logic. Đối với Lão hà tiện, thật là một sự kết hợp hoàn cảnh gây bất ngờ, người cha lưu lạc nhận ra con vào đúng thời điểm cao trào của vở kịch. Trong Trường học làm chồng, cô gái trẻ cũng cải trang để trốn khỏi những người giám hộ của họ và kết hôn với những người họ yêu.

Có thể thấy, diễn biến trò chơi ở đây thường dẫn đến việc khai sáng một nhân vật mù quáng như Orgon, Alceste hoặc Philaminte. Liệu chúng ta có chắc chắn rằng Orgon và Philaminte sẽ không còn bị lừa gạt, cũng như Harpagon sẽ không còn là một người hà tiện và gia trưởng khi lấy lại được cái tráp bạc của mình? Những thói tật của con người mang dấu ấn thời kỳ tích lũy tư bản đã được Molière miêu tả giải quyết qua cuộc đấu tranh của nhân danh tình yêu. Các mâu thuẫn đã vượt ra khỏi phạm vi của gia đình và gắn với sự chi phối của xã hội, thời đại. Hiệu ứng trình diễn của kịch Molière đã từ trang sách và trên sân khấu đã khiến những giá trị kinh điển được đại chúng hóa. Tình thế bị ép buộc của các nhân vật trẻ tuổi và sự áp đặt của người cha - ông chủ đã mang đến chuỗi thắt nút và cởi nút trong tác phẩm.

Qua xung đột kịch từ những cuộc hôn nhân sắp đặt, Molière đã đưa người đọc tham dự vào trò chơi như tên vở kịch kinh điển của Marivaux, Trò chơi của tình yêu và sự may rủi.

Từ không gian gia đình, nơi các mâu thuẫn chồng chéo nhau, nơi những mối quan hệ trở nên rối ren, nơi xung đột làm tăng thêm sự rạn vỡ, tác giả đã đưa lên sân khấu bức tranh xã hội mang tính thời sự. Ở đó, những xung đột trong cuộc sống đôi khi giải tỏa bằng yếu tố ngẫu nhiên phi thực, bằng tiếng cười của hài kịch. Molière đã chữa lành những chấn thương tâm lý bằng sự thắng thế của tình yêu trong trò chơi may rủi. Ở đó, tiếng cười của ông vừa chế giễu sự chuyên quyền, vừa nâng đỡ những con người bên lề khao khát một cuộc sống bình thường nhất. Việc đọc và giải mã Molière cho phép chúng ta tham dự vào trò chơi xuyên không gian và thời gian mà sân khấu không biên giới của ông đã tạo nên.

___________

1, 5, 6, 8. Tuyển tập kịch Molière, Nxb Sân khấu, 1994, tr.48, 172, 597, 433.

2. Nhân kỷ niệm 400 năm ngày sinh Molière, trang web moliere2022.org đã mang đến một cái nhìn toàn cảnh về các hoạt động trên khắp nước Pháp nhằm tái hiện và tìm hiểu kịch Molière.

3. Le théâtre classique (Kịch cổ điển), Presses Universitaire de France, 1987, tr.86.

4. Pierre Bourdieu, Sự thống trị của nam giới, Nxb Tri thức, 2011, tr.67-68.

7. Molière: Oeuvres complètes 3 (Tác phẩm của Molière, quyển 3), Garnier-Flammarion, Paris, 1965, tr.335.

TS NGUYỄN THÙY LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;