Đề tài chiến tranh và hậu chiến trong dòng chảy của điện ảnh Việt Nam

Ra đời trong khói lửa chiến tranh và đồng hành cùng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đề tài chiến tranh và hậu chiến là một mảng quan trọng trong lịch sử điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng ký ức về một thời hào hùng của dân tộc vẫn được khắc ghi cho đến tận hôm nay.

Cảnh phim Chung một dòng sông

 

Khơi gợi tình yêu nước, khí thế hào hùng, động viên tinh thần toàn dân tộc

Ngay từ thời điểm sơ khai của điện ảnh cách mạng, vào năm 1953 tại Đồi Cọ, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam, trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, nhưng điện ảnh như một kỳ tích đã cho ra đời những bộ phim lay động đến trái tim của khán giả, khắc họa rõ nét sự tàn khốc của chiến tranh, đề cao tinh thần yêu hòa bình, là bản anh hùng ca của quân và dân ta.

Bộ phim Chung một dòng sông của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân ra đời năm 1959 được cho là bộ phim truyện nhựa đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đánh dấu một bước tiến quan trọng của điện ảnh nước nhà. Phim nói về sự chia cắt trong chiến tranh của 2 miền Nam - Bắc thông qua câu chuyện tình yêu của Hoài và Vận, và từ mối tình ngang trái người bên này bờ, người bên kia bờ cho thấy một thứ tình cảm lớn lao hơn, đó là sự khát khao hòa bình dân tộc.

Bộ phim đầu tiên Chung một dòng sông đã đi vào lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam với tư cách bộ phim truyện đầu tiên, ra đời từ khi điện ảnh còn non trẻ, với đội ngũ những người làm phim góp phần xây dựng nền móng của nền điện ảnh cách mạng.  Và Chung một dòng sông cũng chính là mạch khơi nguồn sáng tạo cho đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam.

Những bộ phim lấy đề tài chiến tranh sau đó đều nêu bật khí thế chiến đấu hào hùng, khơi gợi tình yêu nước và góp phần động viên tinh thần chiến đấu, lao động của quân và dân ta. Lửa trung tuyến (đạo diễn Phạm Văn Khoa) lấy bối cảnh chiến trường miền Bắc cuối cuộc kháng chiến chống Pháp với nhân vật cô  gái dân công Nhàn và trung đội trưởng Dũng đã được đánh giá là tác phẩm điện ảnh vừa có bản sắc dân tộc vừa có tìm tòi về ngôn ngữ điện ảnh. Chính vì vậy mà hình tượng nhân vật trở nên thuyết phục, khơi gợi nhân sinh quan cao đẹp và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bộ phim được đánh giá là một phim tốt về cuộc kháng chiến chống Pháp.

Không trực diện nói về chiến tranh, Con chim vành khuyên (đạo diễn Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ) lại như một bài thơ giản dị, tinh tế mà không kém phần quyết liệt như một tiếng nói phản đối sự phi nghĩa của chiến tranh, lại vừa mang đến âm hưởng lạc quan, động viên cổ vũ tinh thần quân và dân ta. Bộ phim được đánh giá cao về giá trị tư tưởng và nghệ thuật, mở đầu cho trường phái “điện ảnh thơ”. Cũng được so sánh về sự xuất sắc với Con chim vành khuyênChị Tư Hậu (đạo diễn Phạm Kỳ Nam). Cả hai bộ phim đều đặt nhân vật vào hoàn cảnh điển hình: trực diện đối diện với quân thù và tạo cảm xúc mạnh mẽ nhưng Chị Tư Hậu là một bộ phim tự sự, và hình tượng nhân vật chị Tư Hậu đã góp phần lý giải một câu hỏi mang tầm khái quát: vì sao nhân dân Việt Nam phải tiến hành cuộc chiến tranh để giải phóng đất nước và dân tộc mình?

Nếu Hai người lính (đạo diễn Vũ Sơn, Trần Thiện Thanh) được khán giả nước ngoài ưa thích vì thể hiện được phẩm chất cao quý đáng yêu của những người lính cách mạng thì Người chiến sĩ trẻ (đạo diễn Hải Ninh) lại xây dựng được hình tượng nghệ thuật thuyết phục về một người anh hùng ngoài đời thực. Không bi lụy mà rất lạc quan, những bộ phim về đề tài chiến tranh và người lính ở thời kỳ đầu tiên của điện ảnh, cũng là giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã góp phần tạo nên không khí lạc quan, hào hùng, cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

Poster phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm
 

Trực diện miêu tả cuộc chiến khốc liệt, nêu bật chủ nghĩa anh hùng Cách mạng

Từ những năm 1965 đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, điện ảnh Việt Nam đã bước vào cuộc chiến bằng những tác phẩm phản ánh kịp thời những điểm nóng chiến sự, những chiến công anh dũng. Ra đời do nhu cầu của cuộc chiến tranh, đây cũng là lúc điện ảnh  trở thành vũ khí chiến đấu sắc bén mà đi vào lòng người với những hình tượng nghệ thuật.

Cùng trực tiếp phản ánh về “điểm nóng” chiến sự là vĩ tuyến 17, hai bộ phim Trên vĩ tuyến 17 (đạo diễn Lý Thái Bảo, Nhất Hiên) và Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh) là những sáng tác trực tiếp về cuộc chiến tranh chống Mỹ (mà không dựa vào tác phẩm văn học như nhiều tác phẩm trước đó). Trong đó,  Vĩ tuyến 17 ngày và đêm lại bộ phim sử thi  quy mô được xây dựng công phu, vừa nhanh nhạy phản ánh kịp thời tình hình chiến sự, vừa khái quát được những hình tượng nhân vật điển hình. Đó là chị Dịu - nhân vật phụ nữ được coi là hình ảnh đẹp nhất lúc bấy giờ về người phụ nữ Việt Nam kiên trung, bất khuất. Qua những chân dung nhân vật được khắc họa rõ nét, người ta thấy được “bóng dáng của dân tộc” và cuộc đấu tranh của đồng bào nơi tuyến lửa còn tượng trưng cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Là bộ phim truyện đầu tiên về cuộc đấu tranh chống Mỹ của đồng bào miền Nam, Nổi gió đã xây dựng được những hình tượng nhân vật sinh động có sức sống mãnh liệt. Đó là chị Vân - tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ miền Nam và trung úy Phương - đại diện cho những người con lầm đường lạc lối mà phản bội lại dân tộc. Hai chị em, hai chiến tuyến - bộ phim đã cho thấy sự chia cắt của chiến tranh không chỉ ở những ranh giới trên bản đồ mà còn chính ở trong lòng người, trong mỗi gia đình.

Hình tượng người lính cũng là một mảng quan trọng của đề tài chiến tranh cách mạng. Nếu Đường về quê mẹ (đạo diễn Bùi Đình Hạc) qua hình tượng ba người lính đến từ ba miền đất nước mà mô tả trực diện  cuộc chiến đấu tại chiến trường Bắc Trung bộ ở quy mô lớn hơn hẳn những bộ phim trước đó thì Bài ca ra trận (đạo diễn Trần Đắc) lại thông qua hình ảnh nhân vật Nam - chính là anh hùng Lê Mã Lương ngoài đời thực - để khơi gợi lý tưởng cách mạng cao đẹp trong lòng mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Trực diện nhất những hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến 12 ngày đêm của quân và dân Thủ đô chiến đấu với B52 thông qua số phận của một em bé, bộ phim Em bé Hà Nội (đạo diễn Hải Ninh) không chỉ khiến người xem xúc động vì những lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết trong chiến tranh, mà còn lay động lòng người bởi phản ánh sự khốc liệt của cuộc chiến qua góc nhìn của một em bé. Không bi lụy, yếu đuối, bộ phim cho thấy sự kiên cường và quyết tâm chiến thắng của người dân Hà Nội, không khuất phục trước dã tâm “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” của đối phương.

Phim Nổi gió

 

Đề tài chiến tranh với âm hưởng tự hào vẫn là dòng chảy chủ đạo của điện ảnh

Sau năm 1975, mặc dù đất nước đã hòa bình nhưng chiến tranh vẫn là mảng đề tài chủ đạo của điện ảnh bởi với các nghệ sĩ điện ảnh - những người từng trưởng thành trong cuộc chiến, đây vẫn là mảng đề tài máu thịt gần gũi nhất. Bởi vậy mà đề tài chiến tranh đã trở thành “thương hiệu” của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đó. Với tư cách là những người chiến thắng, các nghệ sĩ điện ảnh càng có điều kiện để phản ánh về cuộc chiến từ nhiều góc độ. Từ những góc nhìn đa dạng ấy, cuộc chiến tranh vẻ vang của dân tộc hiện lên đầy bi tráng mà hào hùng, để thế hệ sau thấy được niềm tự hào và trân trọng hòa bình.

Phim về đề tài chiến tranh của giai đoạn này chủ yếu phản ánh cuộc chiến diễn ra ở miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ. Nhờ sự chiêm nghiệm từ độ lùi thời gian, đây mới là lúc các nghệ sĩ điện ảnh phản ánh cuộc chiến tranh ở nhiều khía cạnh. Với các khán giả, đây cũng là mảng đề tài hấp dẫn bởi cách khai thác này có quá nhiều điều lạ lẫm và hấp dẫn với họ. Giai đoạn này cũng chính là thời hoàng kim của Xưởng phim tổng hợp TP. Hồ Chí Minh khi họ cho ra đời những bộ phim hay nhất về đề tài chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam. Những bộ phim này không chỉ thổi một luồng gió mới vào không khí điện ảnh thời mới giải phóng mà còn mang đến cho khán giả những hình tượng nhân vật đậm chất Nam Bộ: cũng giống như đồng bào miền Bắc, những “anh chị hai Nam Bộ” không chỉ anh dũng, kiên trung bất khuất với tinh thần nồng nàn yêu nước mà còn vô cùng hào sảng, phóng khoáng như vùng đất phương Nam.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn là âm hưởng chủ đạo trong những bộ phim về đề tài chiến tranh ở giai đoạn này. Trong đó Mùa gió chướng, Tự thú trước bình minh, Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà, Như thế là tội ác, Về nơi gió cát, Vùng gió xoáy, Xa và gần… là những bộ phim đáng chú ý nhất.

Một đặc điểm nổi bật của điện ảnh về đề tài chiến tranh của giai đoạn này là hình tượng người anh hùng cách mạng rất phong phú, được phản ảnh qua nhiều nhân vật đa dạng. Nếu Mùa gió chướng là cuộc đối đầu trực diện giữa nhân dân ở vùng sông nước Nam Bộ cùng du kích và bộ đội chống là kế hoạch bình định của Mỹ ngụy, trong đó nổi bật hình tượng ông Tám Quyện - một người dân bình thường nhưng có cốt cách của một anh hùng thì Pho tượng (đạo diễn Lê Dân) lại xây dựng hình tượng một người anh hùng bình dị là cô bác sĩ Thu Trang qua cảm nhận gián tiếp của đối phương bên kia chiến tuyến. Đây cũng ghi dấu thành công về mặt xây dựng tính cách nhân vật tìm tòi mới lạ.

Bộ phim thành công nhất của giai đoạn này chính là Cánh đồng hoang (đạo diễn Hồng Sến) - bộ phim đã khẳng định Hồng Sến là một trong những đạo diễn thành công nhất về đề tài chiến tranh Cách mạng ở giai đoạn những năm 80 của thế kỷ XX. Đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, Cánh đồng hoang được coi là biểu tượng cho dòng phim chiến tranh của Việt Nam, không chỉ cho thế giới thấy gương mặt khác của cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam - đó là cuộc chiến không cân sức giữa những con người bình dị không tấc sắt với một đội quân trang bị vũ khí hiện đại mà còn cho thấy sức sống bất diệt của người Việt Nam ngay trong cả những hoàn cảnh khốc liệt nhất. Thể hiện với ngôn ngữ điện ảnh dung dị, trong sáng mà khúc chiết, chặt chẽ trong cấu tứ, Cánh đồng hoang trở thành bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Cảnh phim Cánh đồng hoang

 

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 529, tháng 3-2023

;