Đồ mã, bên cạnh những giá trị tâm linh, giá trị lịch sử, cũng phản ánh giá trị mỹ thuật, trình độ thẩm mỹ của người nghệ nhân qua nhiều thế hệ. Mới đây, TS Nguyễn Thị Thu Hòa ra mắt công chúng công trình nghiên cứu “Đồ mã Việt Nam”, đem đến cái nhìn bao quát cho độc giả về lịch sử đồ mã ở nước ta.
Đồ mã Táo Quân
Lược sử hình thành và phát triển đồ mã
Những phát hiện khảo cổ học, dân tộc học cho biết, cách ngày nay 4-5 vạn năm, người tinh khôn đã chôn đồ vật sử dụng hằng ngày cùng với người đã mất, gọi là “tùy táng”. Còn tại nước ta, trước công nguyên 500 năm, cha ông ta cũng đã áp dụng nghi thức tùy táng đối với người thân quá cố, để họ có một cuộc sống đủ đầy về vật chất ở thế giới bên kia. Điều này chứng tỏ thủy tổ của chúng ta ngày nay đã sớm có khả năng tư duy trừu tượng, nhận thức được sự tiếp nối cuộc sống nơi trần thế sau khi qua đời ở thế giới bên kia. Có lẽ vì thế, trong tiếng Việt, dân gian ta từ nhiều đời nay đã sử dụng những từ “về nơi chín suối”, “về với tổ tiên”, “khuất núi” hay “quy tiên”,… thay cho từ “chết” - gợi cho người nghe sự kết thúc, chấm dứt.
Bằng niềm tin về một thế giới tồn tại song song cùng thế giới thực, nơi có những con người tạ từ cõi tạm trở về với cõi vĩnh hằng, người xưa quan niệm những con người ở cõi ấy cũng có những nhu cầu sinh hoạt như chúng ta. Như vậy, trong quan niệm dân gian người ở cõi vĩnh hằng cũng cần có nhà cửa để trú ngụ, cần tiền vàng để tiêu dùng, ngựa xe để đi lại… Phải chăng cho đến nay, đó là nguyên do thỏa đáng nhất giải thích cho việc xuất hiện tập tục mai táng người chết cùng những đồ vật thiết yếu.
Không chỉ vật tùy táng được chôn sâu xuống đất, mà cả những vật phẩm hiến tế cũng xuất hiện trong các nghi thức thờ cúng, cũng nhằm mục đích dâng lên những bậc hiền nhân, những người đã khuất. Khác với vật phẩm tùy táng, lễ vật dâng cúng được thụ hưởng sau khi nghi lễ kết thúc. Nhưng thuở xưa, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để sắm sửa đầy đủ những đồ vật thật như động vật, thực phẩm,... Vì vậy, người xưa tìm đến việc sử dụng đồ mô phỏng có giá trị vật chất thấp hơn đồ thật, nhưng ít nhiều vẫn mang tính chất tương đương đồ thật, được biết đến với tên gọi “đồ thế”, để thay thế cho đồ thật trong thực hành tín ngưỡng. Cụ thể như, trong một nghi lễ nào đó mà quy cách đòi hỏi phải cúng một loài gia súc, người ta có thể dùng tranh đồ thế vẽ hình gia súc đó hoặc đồ thế gia súc đó được làm từ những chất liệu như bột hoàng tinh, bột gạo,... Bên cạnh đó, còn có một loại đồ thế được cấu tạo từ khung tre và phủ bên ngoài lớp giấy với nhiều màu sắc bắt mắt, mô phỏng gần như chân thực loài vật ấy, và cũng có thể là mô phỏng những món đồ khác, gọi là “đồ mã”.
Nón Mẫu Thượng Ngàn, nài voi cưỡi voi, ngựa giấy trong sử dụng nghi thức hầu đồng Tứ phủ
Dựa trên những dấu vết khảo cổ đã được tìm thấy, đồ mã ở nước ta có khả năng xuất hiện sớm nhất vào thời Lý. Trải qua nhiều thế kỉ, các tập tục có nhiều biến đổi để phù hợp với bối cảnh của xã hội đương thời. Dẫu vậy, cho tới nay, người dân vẫn duy trì việc sử dụng đồ mã, đồ thế trong thực hành nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo.
Bằng niềm tin của dân gian về sự sống song song ở một thế giới vô hình, đồ thế hay phân nhánh nhỏ hơn là đồ mã như đã nói ở trên, sau khi tiến dâng lên những vị thần thánh hay người quá cố đã được thổi vào đó là tính chất linh thiêng với giá trị hữu dụng ở cõi giới bên kia tương tự với đồ vật thật ở cõi giới này. Đồ mã làm từ chất liệu dễ cháy, dễ tiêu hủy, nên quá trình trung chuyển sang thế giới bên kia (bằng phương thức hỏa thiêu) diễn ra nhanh hơn. Quan niệm này thể hiện quy luật tương đồng sinh tương đồng mà Paul Giran đã đề cập tới khi viết “Magie et religion annamites” (Tín ngưỡng và phù thuật An Nam - 1912), “[…] tách riêng các tính cách hoặc phẩm chất của một người hoặc một vật và chuyển những thứ đó sang vật hoặc người tương tự”.
Ngày nay, những thiết bị điện tử ti vi, tủ lạnh, điện thoại, máy tính bảng,… là những món đồ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại ở thế giới thực. Và với quan niệm “Trần sao âm vậy” được kế thừa qua nhiều thời đại, những sản phẩm đồ mã với hình dạng mô phỏng những thiết bị công nghệ phục vụ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày được người ta làm ra, với niềm tin rằng người quá cố hẳn cũng sẽ có nhu cầu ứng dụng các thiết bị hiện đại đó vào đời sống dẫu là ở cõi vĩnh hằng.
Nghệ nhân Vũ Bắc với nón Cô Chín.
“Đồ mã Việt Nam” - Nhìn đồ mã từ góc nhìn mỹ thuật
Bên cạnh tính thiêng được phú cho sau quá trình thực hành tín ngưỡng, đồ mã còn là sản phẩm mỹ thuật, đại diện cho tư duy, trình độ thẩm mỹ của mỗi vùng miền và mỗi người nghệ nhân qua nhiều thế hệ.
Tiếp nối những công trình nghiên cứu về mỹ thuật đã ra mắt trước đó, trong đó “Tranh dân gian Kim Hoàng” đã xuất sắc giành Giải Tác phẩm trong khuôn khổ Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022, TS Nguyễn Thị Thu Hòa tiếp tục ra mắt “Đồ mã Việt Nam” (Nxb Thế giới ấn hành).
Bà Hòa bắt đầu quan tâm đến đồ mã khi cố GS,TS Ngô Đức Thịnh còn sống, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu. Mà trong các nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, đồ mã là lễ vật không thể thiếu, thậm chí còn xuất hiện trong các nghi thức với sự phong phú về mẫu mã, màu sắc. Đã có nhiều học trò của cố GS đã viết về đề tài này, nhưng bà nhận thấy rằng những công trình ấy chưa thực sự sâu sắc.
Theo chia sẻ của TS, đồ mã ở Việt Nam mang tính dân tộc y như tranh dân gian, bởi mỗi dân tộc, mỗi vùng miền và mỗi tín ngưỡng sẽ có những lễ vật đặc trưng riêng. Kể như, với tín ngưỡng thờ Bà ở Nam Bộ, người ta dùng tháp ngũ sắc, tháp vàng, tháp bạc… Còn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở miền Bắc, lại dùng nón Công đồng hay đồ mã hình áo mão. Dẫu ở mỗi địa phương có những nét khác biệt đặc, nhưng khi nhìn trên bình diện chung, tất thảy vẫn có sự kết nối.
Có thể xem đây là cuốn “sử kí" truy nguyên về sự hình thành và phát triển của đồ mã ở Việt Nam, những đồ mã được sử dựng ở mọi vùng miền, từ miền cao xuôi xuống đồng bằng, từ Bắc vào Nam. Những khái niệm về đồ thế và đồ mã cũng đã được bà biên soạn rất chỉn chu, cô đọng. Ngoài ra, cuốn sách còn giúp người đọc phóng tầm ra ngoài biên giới, để chiêm ngưỡng đồ thế ở các quốc gia khác trên thế giới. Từ đó thấy rằng, không chỉ mỗi dân tộc Việt Nam sử dụng đồ thế, đồ mã, mà cả các dân tộc khác cũng sử dụng đồ thế, và dùng cho nhiều mục đích và dưới nhiều hình thức khác nhau.
Bà nhận định, đồ thế nói chung và đồ mã nói riêng cũng là nét độc đáo trong văn hóa đáng để quảng bá đến bạn bè quốc tế, chúng phản ánh đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” và triết lí về nhân quả của người Việt Nam. Đồng thời, sách cũng là nguồn tư liệu quý báu cho những ai quan tâm và muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, cũng như mỹ thuật truyền thống của Việt Nam.
Nón dành cho Chầu Đệ Tứ Khâm Sai, Chầu Tám Bát Nàn và Chầu Mười Đồng Mỏ
Đồ mã và vấn đề cấp thiết trong đời sống hiện nay
Đằng sau những giá trị của đồ mã, thì có điều đáng lưu tâm chính là những ảnh hưởng tiêu cực từ việc đốt đồ mã. Trong cuộc sống hiện đại, toàn nhân loại đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Bởi việc đốt vàng mã phát tán các hạt bụi PM, kim loại nặng, PAHs, PCDD/Fs và các khí độc gây tác hại to lớn đối với môi trường không khí xung quanh và làm tổn hại đến cơ quan hô hấp của chúng ta.
Bên cạnh đó, việc đốt đồ mã còn tiềm tàng những rủi ro về hỏa hoạn mà ta khó có thể lường trước. Sau khi đồ mã được đốt thành tro tàn, người dân thường có thói quen đổ xuống sông, ao, hồ… với niềm tin đây là nơi trung chuyển những vật dụng thiết yếu sang thế giới bên kia cho người quá cố, đã trực tiếp gây ảnh hưởng tới môi trường nước. Chưa hết, trên đường phố bay tứ tung tàn tro từ đống đồ mã được hóa vàng, cùng với làn khói đen nghi ngút bay vào mắt, làm cản trở người tham gia giao thông, làm cho cảnh quan trở nên nhếch nhách, xấu xí.
TS Nguyễn Thị Thu Hòa đề xuất cộng đồng không nên sử dụng đồ mã kích thước lớn, số lượng lớn gây lãng phí, cần tuyên truyền, vận động để mọi người nhận thức được những tác động tiêu cực từ đốt đồ mã có kích thước lớn gây ra, để từ đó cộng đồng tìm đến tranh đồ thế thay vì sử dụng đồ mã, vẫn có cùng một công năng trong thực hành, sinh hoạt tín ngưỡng.
Việc sử dụng tranh đồ thế thay thế cho đồ mã ngoài tác dụng tiết kiệm tiền bạc, giảm thiểu tác hại tới môi trường. Theo dữ liệu được bà Hòa đưa ra, nếu như một vấn hầu theo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ cần tối thiểu khoảng 5.000.000 đồng, thì dùng tranh đồ thế chỉ hết khoảng 500.000 đồng. Một lựa chọn khác là sử dụng bộ đồ mã mini với chiều cao khoảng 30cm, chiều rộng khoảng 20cm do họa sĩ Yến Năng sáng tạo, mới xuất hiện trên thị trường khoảng vài năm trở lại đây. Ưu điểm của bộ đồ mã này là kích thước nhỏ, tiện dụng, phù với mọi gia đình, đặc biệt là những gia đình sống các căn hộ chung cư, mà khâu tạo hình, phối màu cũng rất được chú trọng.
TS Nguyễn Thị Thu Hòa mong muốn ở mỗi chúng ta cần điều chỉnh tính văn hóa, tính dân tộc để phù hợp hơn với thời đại. Việc sử dụng đồ mã có ý thức hơn nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường hứa hẹn sẽ là xu hướng thịnh hành trong thời gian tới. Tuy nhiên việc làm này không thể thực hiện và nhân rộng trong ngày một, ngày hai, nhưng dần dần sẽ được mọi người quan tâm nhiều hơn và sử dụng đồ mã một cách văn minh hơn.
TS. Nguyễn Thị Thu Hòa giới thiệu về đồ mã mini
NGUYỄN PHÚC NAM DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 529, tháng 3-2023