Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua một số tác phẩm hội họa trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ

Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc ta, chủ yếu là lịch sử của kháng chiến, chiến tranh chống giặc ngoại xâm để giành lại nền độc lập tự do dân chủ cho nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên bản anh hùng ca bất diệt, ngàn năm sáng chói oanh liệt. Đặc biệt, giai đoạn từ 1945-1975, trong thời kỳ kháng chiến đầy gian khổ, nhân dân Việt Nam đã đánh thắng hai đế quốc lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó có sự góp sức không nhỏ của giới văn nghệ sĩ nói chung, giới họa sĩ nói riêng. Họ đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, tranh sơn mài của Dương Bích Liên - Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Trong những bức tranh vẽ về đề tài kháng chiến, có một dòng chủ đề hết sức ấn tượng đó là hình tượng lãnh tụ trong kháng chiến. Cụ thể là hình tượng Bác Hồ, đây là một chủ đề đặc biệt được nhiều họa sĩ khai thác với nhiều góc nhìn khác nhau, mỗi bức tranh là một câu chuyện kể về cuộc sống của Bác trong kháng chiến, cũng như tình cảm của Bác dành cho nhân dân và các em thiếu nhi trong những năm tháng kháng chiến và hòa bình…

1. Hình tượng Bác Hồ trong hội họa kháng chiến chống Pháp

Trong nhiều thế hệ họa sĩ của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, có rất nhiều người vẽ Bác Hồ. Các bức tranh của họ biểu hiện sự quý trọng, tôn kính, niềm yêu thương vô bờ đối với vị lãnh tụ kính yêu, người anh hùng giải phóng dân tộc, người luôn gần gũi dẫn dắt toàn quân, toàn dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngay từ khi giành lại độc lập, hình tượng Bác Hồ đã được các họa sĩ thể hiện trên những tem thư đầu tiên, do họa sĩ Nguyễn Sáng sáng tác năm 1945 (1). Mẫu tem thể hiện cô đọng những nét đặc sắc của Bác như: vầng trán rộng thông minh, đôi mắt sáng hiền nhân từ, kiên nghị nhìn sinh động và trang trọng. Với phong cách hiện thực sinh động, bút pháp phóng khoáng, Nguyễn Sáng đã thể hiện vững vàng, tỉ mỉ, chính xác, những đặc điểm của Bác Hồ; không những đẹp về hình vẽ... bộ tem còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định một nước Việt Nam độc lập.

Những năm tháng giành được nền độc lập đầu tiên của đất nước, các họa sĩ đã vẽ về Bác Hồ rất thành công với nhiều chất liệu khác nhau, như Tô Ngọc Vân đã vẽ bức tranh Hồ Chủ tịch làm việc ở Bắc Bộ Phủ (1946), với cách diễn tả Hồ Chủ tịch đang ngồi làm việc với nhiều suy tư trăn trở trong một loại chất liệu sơn dầu mới; họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ Chân dung Bác Hồ (1946) bằng mực nho trên giấy, với nét mặt của lãnh tụ nhìn nghiêng có nhiều ưu tư khắc khổ vì lo nghĩ việc nước.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ở chiến khu Việt Bắc nhiều khó khăn vất vả, hình tượng Bác vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều họa sĩ sáng tác. Mỗi một họa sĩ khai thác hình tượng Bác theo góc nhìn khác nhau như: họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ bức Hồ Chủ tịch cùng các em nhi đồng (1953), Hồ Chủ tịch mặc áo ngũ thân, một kiểu áo truyền thống của người Việt Nam đang vui đùa với các cháu thiếu nhi; Phan Kế An vẽ ký họa các bức Chân dung Bác Hồ, Bác Hồ làm việc trên chõng tre (1948) với hình tượng giản dị: Bác đang ngồi làm việc, mặc chiếc áo ka ki dã chiến bạc màu, mắt đeo kính lão, với chòm râu thưa hơi dài trong dáng vóc gầy gò nhỏ nhắn, nhưng toát lên tinh thần tỉnh táo và đầy nghị lực… Với nét ký họa nhanh hoạt đã thể hiện do các tư thế, tác phong sự tận tụy làm việc của Bác như một người dân bình thường giản dị… Trần Văn Cẩn vẽ Thổ, Nùng, Mán, Kinh đoàn kết đuổi giặc Pháp, tranh khắc gỗ (1947-1954), với bút pháp, mạnh mẽ, phong cách dân gian gần gũi, tác giả thể hiện Hồ Chủ tịch trong kiểu bố cục ở trọng tâm bức tranh, trên nền cờ Tổ quốc, phía trước là nhân dân các dân tộc Việt Nam, tay cầm vũ khí thô sơ quyết tâm, đoàn kết xung quanh Bác, chống Pháp, nhằm giành lại độc lập cho dân tộc… Ở Nam Bộ, năm 1947 tại lễ mừng Độc lập ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, họa sĩ Diệp Minh Châu sau khi được nghe lại Tuyên ngôn độc lập của Bác, trong tâm hồn người họa sĩ trào dâng một cảm xúc mãnh liệt, ông đã tự tay cắt lấy máu của mình để vẽ một bức huyết tranh trên lụa có tên Bác Hồ với ba thiếu nhi Trung, Nam, Bắc. Mỗi bức tranh thể hiện sự đa dạng về phong cách làm việc, sự gần gũi, sự giản dị của Bác cũng như sự gần gũi thân thiết với nhân dân và các em thiếu niên nhi đồng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, các họa sĩ lúc này có thời gian hồi tưởng về Bác trong thời gian kháng chiến, đặc biệt, thời kỳ Bác đi chiến dịch Biên giới. Nguyễn Văn Bổng có bức tranh Đêm đông, qua ánh lửa hồng, Bác đang ngồi trầm tư thương đoàn dân công bộ đội phải ngủ ngoài đường “lấy lá cây làm chiếu”. Phạm Văn Đôn vẽ Bác Hồ (1941), tả lại cảnh Bác đang ở trong hang Pác Bó, với ánh đèn dầu chăm chú đọc báo cáo từ các mặt trận gửi về. Đêm khuya lạnh giá, Bác đang khoác một chiếc áo bông sơ sài, ngồi khoanh chân xếp bằng tay cầm điếu thuốc... Họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ Bác Hồ bên suối Lênin, Bác Hồ dịch sử Đảng (1941), thể hiện Bác với phong thái nhẹ nhàng, ung dung làm việc giữa đất trời bao la, với bộ quân phục bạc màu, đang làm việc bên suối Lênin… Mỗi họa sĩ có một góc nhìn sáng tạo nên hình tượng Bác trong những năm kháng chiến chống Pháp trên khắp mặt trận.

2. Hình tượng Bác Hồ trong hội họa kháng chiến chống Mỹ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, hình tượng Bác đã ăn sâu vào tâm khảm của người họa sĩ, chiến sĩ, trên mọi nẻo đường chiến dịch. Nên lúc này các họa sĩ thể hiện hình tượng Bác đa dạng và phong phú có thể kể đến như bức tranh Nắm đất quê hương (1990) của Phạm Công Thành; Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc (1967) của Vương Trình; Bác Hồ với trận địa phòng không (1969) của Đỗ Hiển… Năm 1970, một năm - ngày Bác ra đi, nhiều thế hệ họa sĩ đã vẽ tranh tưởng nhớ về Bác để nói lên niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi mãi mãi của Người - vị lãnh tụ tinh thần tối cao của nhân dân Việt Nam. Nhiều họa sĩ đã sáng tác những bức tranh về Bác gây xúc động lòng người như: Đời đời nhớ ơn Bác (1969) của Quang Phòng, Những lời dạy bảo (1958) của Mai Văn Hiến, Đêm nay Bác không ngủ (1982) của Nguyễn Nghĩa Duyện, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân (1970) của Nguyễn Thụ và Trần Huy Oánh. Trên mọi nẻo đường từ dãy núi Trường Sơn hùng vĩ đến những mặt trận đang diễn ra ác liệt. Hình tượng của Bác luôn ở trong tim người lính cụ Hồ. Họa sĩ ở nhiều nơi chiến trường miền Nam như họa sĩ Đặng Trường Lưu đóng quân ở miền Tây Quảng Trị, khi tiếng súng tạm yên, anh nghĩ về Bác và bằng dụng cụ thô sơ một chiếc búa gãy cán, mấy cái đinh cong đập thẳng để làm công cụ chạm khắc, đục đá. Anh đục theo nét phác đơn giản, tạo thành những rãnh chìm trên đá. Ngày tiếp ngày, hình Bác hiện dần lên trước sự ngưỡng vọng của bà con Vân Kiều, PaKô và họ đã kinh ngạc, thán phục.

Họa sĩ, chiến sĩ Lê Duy Ứng trong một trận đánh cách cửa ngõ Sài Gòn 30km anh bị trúng đạn mù hai mắt. Trong lúc thập tử nhất sinh, hình tượng Bác hiện lên trong tâm trí người lính, quên hết đau đớn anh dùng hết sức mình, lần mò tìm balo, lấy giấy, dùng ngón tay làm bút, lấy máu từ vết thương đang chảy ở mắt của mình vẽ bức Chân dung Bác Hồ (1975) trên nền lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, dưới bức chân dung ghi đậm dòng chữ “Ánh sáng niềm tin/ Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”, vẽ xong anh gấp cẩn thận bức tranh, cho vào túi áo ngực và ngất đi lúc nào không biết. Sau đó anh được đồng đội đưa đi điều trị tại Viện Quân y. Trong lúc thay quần áo, các y bác sĩ thấy bức tranh đặc biệt đã cất đi. Hiện bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP.HCM). Như vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng như thời bình, lúc sinh thời cũng như lúc Bác đi xa, hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam khai thác.

3. Những giá trị nghệ thuật từ các tác phẩm hội họa

Không ai có thể nói hết về những giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật về hình tượng Bác Hồ trong nghệ thuật hội họa. Vì mỗi một bức tranh vẽ về Người là cả một tâm tư tình cảm chân thật, những cảm xúc tuôn trào của mỗi họa sĩ, chiến sĩ dành cho Bác và có bao nhiêu bức tranh như thế, mỗi một bức tranh đều có tư tưởng và giá trị thẩm mỹ riêng biệt. Ví dụ như trong bức tranh Hồ Chủ tịch với thiếu nhi Trung, Nam, Bắc (1947) của Diệp Minh Châu, tranh vẽ bằng chính máu (cắt từ ngón tay họa sĩ) trên nền lụa đã có một điều vô cùng lạ, khi vẽ bức này - Diệp Minh Châu chưa một lần gặp Bác, ấy thế mà trong bức huyết tranh, ông đã vẽ Bác giống một cách lạ lùng. Nét vẽ ân tình, xúc động thể hiện tình cảm, tâm tư của người nghệ sĩ trẻ dành cho Bác. Bức tranh trên nền lụa hình chữ nhật, đặt trong một bố cục hình tròn diễn tả Bác Hồ ở trung tâm với đôi mắt to sáng như ánh sao Bắc đẩu, vầng trán rộng, khuôn mặt gầy gò, chòm râu dài muốt… toát lên một con người nhân hậu. Xung quanh Bác là ba chân dung thiếu nhi biểu tượng cho ba miền Bắc - Trung - Nam đang được Bác ôm vào lòng như ôm những đứa con ruột thịt của chính mình. Ba đứa trẻ với khuôn mặt trái xoan thanh tú, là biểu tượng cho thế hệ tương lai của đất nước đang quây quần bên Bác thể hiện tinh thần đoàn kết của toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp giành lại độc lập cho dân tộc… Phía góc trái dưới bức tranh có dòng chữ ghi bằng chì đỏ: “Thay mặt cho nghệ sĩ Nam Bộ con xin kính dâng Cha già Hồ Chí Minh một tác phẩm sáng tạo trong những phút say sưa nhất của đời con và cũng là tác phẩm mà chính Cha đã tạo nên” (2). Đến nay, bức tranh không còn giữ được màu, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị nghệ thuật. Bức tranh là sự minh chứng về tình cảm của người họa sĩ nói riêng, tình đoàn kết của toàn quân, toàn dân Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến gian khổ đối với Bác Hồ.

Trong những năm tháng đánh Mỹ và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đang diễn ra vô cùng ác liệt, toàn Đảng, toàn quân ta đón nhận tin Bác đã đi xa. Đây là một tổn thất to lớn với đất nước và nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Trong thời khắc lịch sử, toàn nhân dân Việt Nam đã biến đau thương thành hành động cách mạng, nghe theo lời dạy của Bác, dù có phải đốt cháy cả dãy núi Trường Sơn chúng ta cũng phải kiên quyết giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Lời Bác là ý chí sắt đá của Đảng, quyết tâm của cả dân tộc. Một năm sau ngày Bác đi xa, các thế hệ nghệ sĩ luôn nhớ đến Bác, họ đã sáng tác nhiều bài hát, nhiều bức tranh có giá trị nghệ thuật cao, nhằm động viên quân - dân ta quyết giải phóng miền Nam. Bức tranh cổ động Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của họa sĩ Nguyễn Thụ và Trần Huy Oánh được lấy cảm hứng từ bài hát của nhạc sĩ Huy Thục. Bức tranh đã cô đọng lại thành hình tượng Bác và đoàn quân, có giá trị nghệ thuật cao, mang lại giá trị tinh thần vô cùng to lớn cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Bằng những đường nét đen to mạnh mẽ với lối tạo hình phóng khoáng, các tác giả đã xây dựng được hình ảnh chân dung Bác Hồ với đầy đủ tính cách của vị lãnh tụ kính yêu gần gũi mà vĩ đại luôn cùng với đoàn con tiến bước trên mọi nẻo đường gian khổ. Hình tượng Bác trong bộ quân phục truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam, mắt sáng ngời, dáng vẻ nghiêm nghị, hai tay chống hông hiên ngang, mắt nhìn về miền Nam như thúc giục đoàn quân tiến lên giải phóng miền Nam. Theo quy luật chiều nguyên lý thị giác của nhân vật trong tranh, hướng từ bên trái sang bên phải là hướng tiến - đi, hướng ngược lại là trở lại - về. Hai họa sĩ Nguyễn Thụ - Huy Oánh dường như đã hiểu sâu sắc vấn đề này nên đã để nguyên chiều hướng nhân vật như trong ảnh gốc (bức ảnh Bác chụp sau ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi 1954), thêm những nét chấm phá gợi mở tạo hình là những đoàn quân đang trùng trùng lớp lớp tiến về giải phóng miền Nam với ngôn ngữ đặc trưng của tranh cổ động là mảng lớn và nét viền… tính ước lệ cao, gợi mà không tả. Trong tranh các tác giả chỉ vẽ những mảng màu đơn giản và nét viền đen, nhưng cũng đủ gợi cho người xem thấy được sự uy nghi của đoàn quân, sự vĩ đại, hùng dũng, uy nghiêm của vị lãnh tụ, người lãnh đạo tinh thần tối cao của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Bức tranh được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng mà bức tranh thể hiện. Hình tượng Bác còn sống mãi trong lòng người lính cụ Hồ và trong nhân dân Việt Nam. Vào thời điểm đó bức tranh cổ động Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân đã được nhân bản, phổ biến ở khắp mọi nơi từ thành phố, làng mạc và đến tận những nẻo đường hành quân theo dải Trường Sơn hướng về miền Nam, những đoàn quân giải phóng vững bước chân, chắc tay súng tiến về giải phóng miền Nam ruột thịt.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cho đến lúc đi xa, hình tượng Bác luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ họa sĩ sáng tác. Hình tượng Bác luôn được các nghệ sĩ khắc họa chân thực và sinh động, mang nhiều tính nhân văn sâu sắc, trên nhiều thể loại hội họa như: sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, bột màu, màu nước. Mỗi tác phẩm đều có một giá trị nghệ thuật độc đáo trong bút pháp và phong cách hiện thực; mỗi họa sĩ, tuy có cách tạo hình khác nhau về hình thức và nội dung thể hiện, nhưng tất cả các tác phẩm đều toát lên sự giản dị, thanh cao, thể hiện sâu sắc tấm gương đạo đức, phong cách của Người… Hình tượng của Người luôn được hiện diện rất chân thực và dung dị - một chân dung Lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Người đã dành cả cuộc đời vì sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong mỗi tác phẩm, Bác Hồ là cả một câu chuyện cổ tích cho cách mạng và nhân dân Việt Nam. Từ khi ra đi tìm đường cứu nước, cho đến ngày đầu lãnh đạo, Người đã dẫn dắt nhân dân giành chính quyền; và những lúc hành quân đi kháng chiến, cho đến ngày hòa bình lập lại… Tất cả đã được các họa sĩ tái hiện rất chân thật giản dị, gần gũi, ân cần thân thương qua từng tác phẩm. Mỗi nét vẽ, mảng màu đều là một lời tri ân thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mà các thế hệ họa sĩ Việt Nam hiện đại đã giành cho Người, một cách tự nhiên và chân thành nhất từ trái tim của họ.

_________________

1. Bùi Thị Hệ (lược dịch), Những con tem đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, luutruquocgia1.org.vn, 8-4-2019.

2. Ngọc Anh, Bức tranh “Bác Hồ với ba cháu thiếu nhi Trung Nam Bắc” được vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu, baotanglichsu.vn, 15-6-2013.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Trí Dũng, Lời dặn dò thật thiêng, tapchimythuat.vn, 20-7-2023.

2. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, vi.wikipedia.org.

3. Phương Anh, Hình tượng Bác Hồ trong nghệ thuật tạo hình: Nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn, baovanhoa.vn, 4-9-2019.

4. Trần Hoàng Thiên Kim, Họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng: Bức huyết họa và luồng sáng vĩnh cửu cuộc đời, cand.com.vn, 26-7-2017.           

Ths TRẦN QUỐC BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

      

;