Tính thiêng trong không gian điện thờ Mẫu Liễu Hạnh từ góc nhìn mỹ thuật

Trong một công trình kiến trúc, yếu tố công năng và thẩm mỹ luôn song hành, có quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau. Chính vì vậy, tìm hiểu các yếu tố ngôn ngữ tạo hình, các quy luật bài trí, tổ chức không gian và sự ảnh hưởng tới các yếu tố ấy dưới góc độ công năng và thẩm mỹ trong không gian điện thờ Mẫu Liễu Hạnh là hết sức cần thiết. Những yếu tố đó có vai trò quan trọng trong quá trình tạo nên một tổng thể không gian thiêng của điện thờ.

1. Nguồn gốc và sự phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng độc đáo của người Việt đã có từ lâu đời, phổ biến rộng khắp từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Với giá trị đó, tín ngưỡng thờ Mẫu đã thu hút nhiều sự chú ý và được các nhà nghiên cứu quan tâm ở nhiều khía cạnh: văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật, đặc biệt là tục thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nhiều tư liệu đã ghi lại truyền thuyết về Mẫu Liễu Hạnh và 3 lần giáng xuống trần thế như: Vân Cát thần nữ (trong Truyền kỳ Tân Phả - Đoàn Thị Điểm), Hội chân biên (Thanh Hòa), Quảng cung linh từ phả chí (Khiếu Năng Tĩnh)... Trong bài viết Cát Thiên tam thế thực lục và việc nghiên cứu sâu hơn về đạo Mẫu, tác giả Nguyễn Văn Thanh đã đề cập chi tiết:

Đời thứ nhất, Mẫu giáng sinh tại thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Thái An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, trong nhà thái công họ Phạm, hiệu là Huyền Viên, thái bà hiệu là Thuần, hai người cùng một quê. Ở đời này, Mẫu cũng luôn giữ chữ Trinh, hiếu thảo, thờ phụng cha mẹ, sau trở về chốn linh tiêu, Mẫu tại thế từ năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình nguyên niên (1434) cho tới năm Quý Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (1473).

Đời thứ hai, Mẫu giáng sinh vào nhà thái công họ Lê tại xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng. Thái công họ Lê tên húy là Đức Chinh. Tới tuổi trưởng thành được gả cho Trần Đào Lang ở thôn An Thái (sau đổi là Tiên Hương), sinh được một con trai tên là Nhâm. Ở kiếp này, Mẫu tại thế từ năm Đinh Tỵ niên hiệu Thiên Hựu nguyên niên (1555) tới năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577).

Đời thứ ba, Mẫu giáng sinh tại xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, lấy chồng họ Mai (là tái hợp với hậu thân của Đào Lang), sinh được một con trai tên là Cổn, được hơn một năm Mẫu quay gót trở về đế hương. Sau Ngọc hoàng chuẩn cho Mẫu được trắc giáng xuống cõi trần thường xuyên tiêu dao khắp nơi, được miễn vòng sinh tử luân hồi (1).

Sự linh thiêng của Mẫu được người dân suy tôn là Thánh Mẫu và trở thành Mẫu Đệ Nhất - Mẫu Thiên (đứng đầu trong 4 cõi: Thiên (trời), Nhạc (rừng), Thoải (nước), Địa (đất). Ở các đền, phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Địa và Mẫu Thiên là đồng nhất và trung tâm của đền, phủ là tam tòa Thánh Mẫu: Mẫu Đệ Nhất (mặc áo đỏ - đại diện cho Mẫu Thiên và Mẫu Địa), Mẫu Đệ Nhị (mặc áo xanh lá cây - đại diện cho Mẫu Thượng Ngàn), Mẫu Đệ Tam (mặc áo trắng - đại diện cho Mẫu Thoải). Đền, phủ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là thần chủ xuất hiện ở những nơi giáng sinh (phủ Nấp - Ý Yên, Nam Định; phủ Dầy - Vụ Bản, Nam Định; Tây Mỗ - Nga Sơn, Thanh Hóa), những nơi Mẫu xuất hiện, hiển thánh (phủ Tây Hồ - Hà Nội, đền Sòng - Thanh Hóa, đền Lộ - Thường Tín)...

Giai đoạn từ năm 1945 đến đầu những năm 90 TK XX, do chiến tranh, điều kiện tự nhiên và do quan niệm về mê tín dị đoan lúc bấy giờ, nên di tích thờ Mẫu bị hủy hoại, phá dỡ. Sau này, nhiều địa phương mới có điều kiện về mặt pháp lý và cơ sở vật chất để phục dựng, tôn tạo, tu sửa và khôi phục các cơ sở thờ tự, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng.

2. Tính thiêng trong không gian điện thờ Mẫu

Khi nói về ba ngôi thiêng (không gian, ánh sáng, thời gian), tác giả Graham Collier trong Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo có dẫn chứng về câu nói của họa sĩ người Ý Bernard Berenson thời Phục Hưng: “Bố cục không gian... có thể đưa ta ra khỏi bản thân, và trong lúc đang bị nó mê hoặc, ta có cảm giác được hòa nhập với vũ trụ, thậm chí còn là linh hồn của vũ trụ... cảm giác hòa nhập hoàn vũ này chính là cốt lõi của tình cảm tôn giáo - nhưng cũng là một tình cảm độc lập với niềm tin và cách sống, hệt như tình yêu vậy... ” (2).

Về bố cục mặt bằng

Cách bài trí trong không gian điện thờ Mẫu thường có 4 lớp: lớp thứ nhất (cung Đệ Tứ); lớp thứ hai (cung Đệ Tam); lớp thứ ba (cung Đệ Nhị); lớp trong cùng (hậu cung hay còn gọi là cung cấm). Hầu hết đều tuân theo nguyên tắc thờ từ lớp thứ nhất vào lớp thứ tư theo thứ tự: tứ phủ công đồng, ngũ vị Tôn Quan, Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu, tam tòa Quan lớn, tứ vị Chầu Bà và vị trí trang trọng nhất tại trung tâm của điện thờ là tam tòa Thánh Mẫu. Tùy theo không gian từng phủ sẽ có sự thay đổi, tuy nhiên gần như thống nhất theo cách bố trí trên và theo trục của điện thờ, với quy tắc đối xứng hai bên. Theo quan điểm nhị nguyên luận (các cặp đối lập cơ bản) của Lévi-Strauss, mọi quan hệ giữa các ký hiệu được quy về các dạng cấu trúc nhị phân. Cấu trúc nhị phân đó lại phát triển thành nguyên lý 3 nhân tố: hai cặp đối lập và nhân tố trung gian. Từ các cặp đối lập trời - đất, sống - chết, đực - cái, tự nhiên - văn hóa… đều xuất hiện nhân tố trung gian ở giữa đóng vai trò quan trọng, làm giảm sự đối lập gay gắt, góp phần chuyển đổi giữa hai nhân tố đối lập… Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc trưng nguyên tắc nhị phân thể hiện rất rõ nét, có nữ thần: Thánh Mẫu, Chầu Bà, các Cô - có nam thần: các Quan, ông Hoàng, các Cậu; Thoải phủ: nước - Nhạc phủ: đất. Điều này cũng được thể hiện rất rõ qua cách bài trí trong điện thờ: một bên thờ nam thần, một bên thờ nữ thần. Như vậy, có thể thấy, nhân tố trung gian trong điện thờ Mẫu chính là các đồ thờ, đồ lễ hiện diện trong không gian đó với hai nhân tố đối lập là thần linhcon người, giữa đời thường và sự linh thiêng.

Như vậy, điện thờ đa thần nhưng được sắp xếp có thứ bậc theo trật tự nhất định, các vị thần thánh đều quy tụ về một trung tâm điểm của điện thờ đó là các Thánh Mẫu. Tuy nhiên, việc thờ Mẫu ở các giai đoạn lịch sử, địa điểm khác nhau sẽ có cách bài trí không thống nhất mà có thể tùy theo sự phối thờ. Rõ ràng, không gian điện thờ là nơi con người được tiếp xúc với thần linh, đề đạt những ước vọng, mong muốn đến thần linh một cách nhanh chóng hơn.

Về màu sắc

Nguyên tắc nhị phân trong lý thuyết cấu trúc luận của Lévi-Strauss cũng được thể hiện qua màu sắc được quy ước sử dụng: Thoải phủ - trắng, Nhạc phủ - xanh, Thiên phủ - đỏ, Địa phủ - vàng. Các sắc độ màu tuân theo thuyết ngũ hành của triết học phương Đông. “Như vậy, yếu tố tâm linh của màu sắc trên trang phục tượng thờ Thánh Mẫu… trên nền tảng một cái gốc thống nhất của triết lý bản địa. Màu sắc trên trang phục tượng, tranh thờ Thánh Mẫu đã là bệ đỡ cho tư duy biểu tượng của văn hóa lúa nước. Do đó màu sắc ở đây nó không chỉ là hình thức , sự cảm nhận về tính vật lý qua yếu tố thị giác, mà còn phản ánh những nhận thức về vũ trụ quan, địa lý, nhân sinh quan từ xa xưa của cha ông ta” (3).

Về hiện vật và đồ thờ

Hiện vật thiêng trong không gian thờ Mẫu tại phủ Dầy và phủ Tây Hồ đa dạng về màu sắc, chất liệu, phong phú về thể loại. Theo thống kê Lý lịch khu di tích phủ Dầy (2020), phủ Tây Hồ (1994) của Cục Di sản văn hóa, các hiện vật cổ còn giữ lại tại các phủ như sau:

Đồ gỗ: câu đối (phủ Tây Hồ: 7, sơn son thếp vàng); cửa võng (phủ Tây Hồ: 4, sơn son thếp vàng); long ngai (phủ Tây Hồ: 4, sơn son thếp vàng); đại tự (phủ Tây Hồ: 2 ghi “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên tiên trắc giáng”, sơn son thếp vàng); sập thờ (phủ Tây Hồ: 3, trong đó 2 sơn son thếp vàng, 1 chân quỳ dạ cá, ô giữa trang trí bát bửu, hóa văn lá trong ô chữ nhật, ô vuông 4 góc trang trí văn chữ triện, diềm dưới trang trí long hàm thọ, hổ phù ngậm chữ thọ và hoa sen, 4 góc trang trí mặt hổ phù); hoành phi (phủ Tây Hồ: 1, ghi “Bảo Khánh linh từ”); bức chạm (Tây Hồ: 1, sơn son thếp vàng, khắc chữ Hán cổ); cuốn (phủ Tây Hồ: 1, sơn son thếp vàng, diềm trên trang trí lưỡng long chầu nguyệt, diềm bên chạm phượng, nền gấm, ghi bốn chữ “Tây Hồ phong nguyệt”); các loại tàn tán lọng…

Đồ đồng: chuông đồng (phủ Tiên Hương: 2, hiệu Thành Thái 1896; Tây Hồ: 3 quả chuông mới đúc lại); bát hương (Tây Hồ: 1 bát, chữ Hán cổ “Tây Hồ vọng nguyệt”, 1 bát “Đông cung điêu”, đều trang trí lưỡng long chầu nguyệt).

Đồ đá: bát hương (Tây Hồ: 2).

Đồ sứ: bát hương (Tây Hồ: 4); chóe (Tây Hồ: 2 chóe men trắng vẽ hoa; phủ Vân Cát: 2, đặt tại cung Đệ nhất, đường kính kích thước miệng 25cm, đường kính đế 30cm, cao 60cm, chóe có nắp đạy hình mũ rộng vành, núm gắn hình sư tử, miệng đứng, cổ ngắn, vai nở đắp 4 tai hình đầu thú, đế loe, long đế để mộc, toàn thân phủ men trắng xanh; một chiếc vẽ men lam đề tài long cuốn thủy, chiếc còn lại vẽ tùng lộc, niên đại triều Thanh cuối TK XIX); lọ lộc bình (phủ Tây Hồ: 2, phủ Vân Cát: 2 đặt tại cung Đệ nhất, kích thước đường kính miệng 20cm, đường kính đế 25cm, cao 65cm, lọ có miệng loe, cổ cao, vai nở, thân thon, đế loe, toàn thân phủ men rạn màu trắng ngà, mặt ngoài trang trí 3 tầng hoa văn: cổ đắp 2 tai hình cành mai, thân trang trí nổi kết hợp vẽ tam thái đề tài tùng lộc, chân đế khắc bằng hoa văn song nước, lọ có niên đại cuối TK XIX, đầu TK XX).

Tượng: trước đây, theo hồi ức của thủ nhang phủ Vân Cát, trong phủ có rất ít tượng, hầu hết thờ bằng bài vị. Trong tài liệu lược thuật của GS,TS Kiều Thu Hoạch về Tục thờ Tam phủ trong sách Bùa chú và Tôn giáo của Paul Giran xuất bản năm 1912, phần nói về không gian thờ Mẫu Liễu Hạnh tại phủ Dầy: “dường như trong đó có một bức tượng của Thánh Mẫu” còn toàn bộ không gian điện thờ chỉ có hiện diện các long ngai và bài vị mà thôi (4). Theo Lý lịch Khu di tích kiến trúc nghệ thuật phủ Dầy (năm 2020) và phủ Tây Hồ (năm 1994), tượng pháp cổ chỉ hiện diện tại phủ Tây Hồ bao gồm: “50 pho tượng lớn nhỏ tại điện và điện mẫu sơn trang. Đặc biệt là 3 pho tượng Mẫu ngồi trong khám kính, tượng mặc áo đỏ ngồi giữa là Mẫu Liễu Hạnh, tượng bên phải mặc áo xanh là chầu Quỳnh, tượng bên trái là chầu Quế. Tượng ngồi trong khám kính sơn son thếp vàng lộng lẫy. Diềm trên trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hai diềm bên cạnh hoa lá cách điệu. Tượng thuộc nghệ thuật TK XIX”. Hiện nay, hầu hết tại các phủ, hệ thống tượng đã được bổ sung rất nhiều trên ban thờ.

Ngoài ra, còn có tượng ông Hổ - Ngũ Dinh (cũng gọi là Thánh Ngũ Hổ tướng quân, được thờ ở hạ ban, với biểu hiện là tượng hổ (hoặc có khi là tranh vẽ hổ), chủ yếu dưới gầm ban thờ công đồng (bàn thờ chung chư vị). Ở gầm bàn này có đặt một bát nhang. Thường chỉ là một hổ vàng, tượng trưng cho thần linh cai quản mặt đất, có khả năng trừ tà sát quỷ. Nhưng phần nhiều cũng lại là Ngũ Hổ để trấn trị năm phương (Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung Ương) tương ứng với Thanh Hổ (màu xanh lá cây/ hành Mộc) - trấn phương Đông, Bạch Hổ (màu trắng/ hành Kim)- trấn phương Tây, Xích Hổ (màu Đỏ/ hành Hỏa) - trấn phương Nam, Hắc Hổ (màu đen/ hành Thủy) - trấn phương Bắc và Hoàng Hổ (màu vàng/ hành Thổ) - trấn trung tâm.

Hiện tại, các phủ đều bổ sung nhiều đồ thờ tự như: bát bửu, tàn, lọng, hạc cưỡi rùa cũng được sử dụng ở gian trung tâm với ước muốn về miền cực lạc, sự tốt lành, công đức viên mãn… Ngoài ra, còn có nhang án, các kiệu được chạm nổi, chạm lộng nhiều hình hoa quả thiêng, sư tử hí cầu, các biểu tượng hổ phù, rồng, long mã.

Đồ mã: trước ban thờ Mẫu bao giờ cũng bày/ treo rất nhiều đồ mã. Trong việc thực hiện tín ngưỡng thờ Mẫu tam/ tứ phủ, có một khâu quan trọng không thể thiếu để phục vụ nghi lễ, đó là đồ mã và lễ vật theo những quy định, tương ứng với màu sắc của tam/ tứ phủ phổ biến nhất là: nón, hài, thuyền rồng, đèn lồng với đủ loại kích cỡ khác nhau. Có hai loại đồ mã: đồ mã thờ và đồ mã hóa. Đồ mã thờ gồm có ngựa, thuyền, vàng mã, nón, hài... được đặt trên ban, trong tủ kính. Đồ mã hóa gồm hình nhân thế mạng, thuyền, rồng, ngựa, voi… có màu sắc tùy thuộc vào bốn phủ (Thiên phủ - màu đỏ, Địa phủ - màu vàng, Thoải phủ - màu trắng, Nhạc phủ - màu xanh) được bày tại các ban hoặc tại nơi hành lễ.

Ông Lốt là vật thờ không thể thiếu đại diện cho bảo vệ hai miền: trên ngàn - Thanh Xà (màu xanh) và dưới thoải - Bạch Xà (màu trắng) được đặt ở tầng không quấn trên xà ngang ngay phía trước, bên trên ban thờ châu đầu vào nhau từ hai bên chính điện. Hình tượng là đôi rắn, được làm công phu, khá lớn với đường kính thân từ 10-15cm, dài từ 3-5m, có mào đỏ, lưỡi thè ra khỏi mồm, nhiều khi có vảy ở lưng, được thêu hoặc vẽ vảy cùng đốt ngang ở phần bụng. Nhiều khi còn được cấu tạo “tam đầu nhất vĩ”, có khi các đầu lại được hóa thân thành đầu người và nối xuống một thân rắn cuộn tròn làm đế (5).

 Riêng về nón, có nhiều loại như nón tu lờ, nón quai thao, nón chóp, nhưng phổ biến là nón quai thao. Các quả nón công đồng mỗi năm đều được thay đổi vào dịp hội xuân. Gọi là quả nón công đồng, có nghĩa là cả một hệ thống nón dưới “bảo cái” gồm đủ loại nón, có tầng bậc từ cao đến thấp, thần nào nón đấy… nên quả nón thường rất lớn, như hiện thân tượng trưng cho cả một hệ thống thần điện, với nhiều màu sắc khác nhau, đan xen, hài hòa mang một vẻ đẹp dân dã, đặc biệt được treo ở trên cao vị trí trung tâm điện thờ Mẫu, trước ban thờ công đồng… Ngoài ra, còn có các nón dâng thờ Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh (màu tím), dâng các vị Thánh, Chúa, Chầu, Cô với các màu sắc tùy theo ngôi vị.

Đồ hành lễ là các vật dụng được sử dụng trong các giá đồng: bàn loan (bàn thánh ngự), gương, cờ, kiếm, đao, hèo, quang gánh, lọ hoa, hộp trang sức… và trang phục thực hành (quần áo, quạt…). Màu sắc đều tuân theo quan niệm về ngũ hành - ngũ sắc màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ, màu xanh tượng trưng cho Nhạc phủ, màu trắng tượng trưng cho Thoải phủ, màu vàng là trung tâm, tượng trưng cho quyền cai quản bốn phủ và màu đen thuộc hành Thủy.

Về họa tiết trang trí: Các hoa văn trang trí với nhiều đề tài phong phú: thiên nhiên (mây, mặt trời, sông nước…), động vật (rồng, phượng, hổ…), thực vật (tùng, cúc, trúc , mai, sen…), các chữ triện... được soi chỉ chạm khắc rất công phu. Điều đó cho thấy sự tinh xảo của kỹ thuật chạm lộng bong kênh nổi, chìm được thể hiện sinh động qua các biểu tượng hình ảnh được cách điệu và thiêng hóa ở nhiều vị trí trên kết cấu kiến trúc công trình: cột kèo, kẻ, xà nhà, vì hiên, ván mê, ván dong, phần đầu cây bẩy. Mỗi hoa văn, hiện vật, màu sắc đều mang tính đặc trưng cho từng thời điểm thực hành giá đồng tương ứng.

Biểu tượng rồng, phượng mang tính tượng trưng của uy quyền, thể hiện những ý nghĩa, giá trị của nó trong việc thể hiện ở các bức chạm, biểu tượng cho sự linh thiêng của Mẫu. Con rồng cũng mang biểu tượng của nguồn nước, biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, tức là gắn vởi ý nghĩa của tín ngưỡng phồn thực trong dân gian. Mặt khác, hình ảnh cá chép hóa rồng, còn mang ý nghĩa ước vọng học hành đỗ đạt. Tất cả đều mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn biểu hiện ước vọng cầu phúc, ấm no, trường tồn.

Chim phượng một mặt là hình ảnh tôn quý của tinh thần Nho giáo, nhưng tại điện thờ Mẫu nó tượng trưng cho tinh thần âm tính, mang thiên chức làm mẹ được khắc họa rất đậm nét ở các mảng chạm. Hay hình tượng con dơi được thiêng hóa bởi những vân xoắn nền mang ý nghĩa cầu phúc, hàm chứa ước vọng cầu mong hạnh phúc, no đủ. Ngoài ra còn có các hình chạm của rùa, chim trĩ, chim nhạn, lân dưới dạng long mã, tam sư hí cầu phong cách thể hiện táo bạo, tinh nghịch...

Bên cạnh đề tài về động vật, các đề tài về thực vật cũng chiếm tỷ lệ lớn, biểu hiện ước vọng trường tồn như biểu tượng quả thiêng như: đào trường thọ, quả lựu, nho, phường vũ, phật thủ… trong tư thế lá lật. Các cây cỏ thiêng như: gốc địa lan, nhành cúc, sen, phù dung… được sử dụng làm họa tiết chính và cho cả phần nền (như: những nhành hoa lá thiêng làm nền cho cây đàn tỳ bà, hệ thống vân xoắn đan xen với hoa lá thiêng…). Các hoa văn trang trí khác như các chữ triện hóa thân thành linh vật, chữ “Thọ” được thấy ở trên các vì và cốn.

“Nhìn chung thần điện của Mẫu là như vậy, song trong quá trình phát triển, do ảnh hưởng của các yếu tố này khác, mà nhiều khi được bổ sung thêm. Có lẽ do ảnh hưởng mạnh dần của tín ngưỡng (nhất là từ TK XVII về sau) mà Ngọc Hoàng được cấy dần vào điện Mẫu” (6).

3. Kết luận

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một hiện tượng tín ngưỡng độc đáo của người Việt đã có từ lâu đời, phổ biến rộng khắp các miền từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Với giá trị đó, tín ngưỡng thờ Mẫu đã thu hút nhiều sự chú ý và được các nhà nghiên cứu quan tâm ở nhiều khía cạnh: văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật... Các hiện vật, biểu tượng trong các không gian điện thờ Mẫu đều thể hiện ước vọng và sự gửi gắm niềm tin của người dân thông qua các yếu tố về nghệ thuật tạo hình, màu sắc, chất liệu và cách bài trí sắp xếp thể hiện mối tương tác chặt chẽ giữa con người và không gian. Cách bài trí, bố cục trong không gian nội thất điện thờ Mẫu tạo được cảm giác về yếu tố thiêng giúp người đi lễ cảm nhận được sự linh thiêng, có niềm tin vào sự che chở, phù hộ và lòng tôn kính đối với Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đây chính là quá trình nghệ thuật hóa, thiêng hóa. “Khi các sản phẩm nghệ thuật được thiêng hóa bằng một tín ngưỡng lâu đời (thờ cúng tổ tiên), chúng sẽ trở thành những biểu tượng chung của cộng đồng, xa hơn là biểu tượng của quốc gia dân tộc” (7).

______________

1. Nguyễn Văn Thanh, Cát Thiên tam thế thực lục và việc nghiên cứu sâu hơn về đạo Mẫu, hannom.org.vn, 2009.

2. Graham Collier, Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo, Nxb Dân trí, Hà Nội, tr.181.

3. Đoàn Thị Tình, Sắc phục thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.30.

4. Kiều Thu Hoạch, Về tục thờ Tam phủ và hiện tượng hầu đồng, Đặc san Di sản văn hóa, Hà Nội, 2021, tr.39-44.

5. Trần Lâm, Nguyễn Đạt Thức, Vai trò của Mẫu Liễu, thần linh liên quan, ban thờ và nghi thức thờ cúng, Tạp chí Di sản văn hóa, số 3, 4-2013.

6. Trần Lâm Biền, Con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2013, tr.458.

7. Đinh Hồng Hải, Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb Thế giới, 2018, tr.32.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Di sản văn hóa, Lý lịch di tích phủ Dầy, Hà Nội, 2020, tr.36, 38, 39.

2. Cục Di sản văn hóa, Lý lịch di tích phủ Tây Hồ, Hà Nội, 1994, tr.14-15.

Ths LÊ MINH CHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

;