Đổi mới sân khấu là yêu cầu sống còn

Nghệ thuật biểu diễn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn của các loại hình nghệ thuật và phương tiện giải trí khác. Khán giả thay đổi, cách xem cũng thay đổi. Không chỉ riêng sân khấu, cả điện ảnh, âm nhạc, múa… đều gặp phải vấn đề này.

Các nhà hát nỗ lực đưa sân khấu tiếp cận học sinh, lớp khán giả trẻ tương lai

Áp lực công việc và cuộc sống bận rộn nên đa phần khán giả hiện nay đều tìm cách giải trí nhanh nhất là xem qua YouTube, Facebook… Thời gian qua, đổi mới sân khấu luôn là yêu cầu sống còn nhưng đổi mới như thế nào, đổi mới ở khâu nào lại là những câu hỏi rất khó. Việc đi tìm câu trả lời là một hành trình trên tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám thử nghiệm. Thử nghiệm những kịch bản mới, hợp tác với các đạo diễn quốc tế tài năng hay đổi mới nhiều khi còn là làm mới các kịch bản đã cũ, tìm về các kịch bản kinh điển… là hướng đi của không ít nhà hát, tiêu biểu như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Cải lương, Liên đoàn Xiếc…

Sân khấu vẫn luôn được coi là không gian chung của nghệ sĩ và khán giả. Khi khán giả với tâm lý thưởng thức thay đổi thì phần còn lại, chính là người nghệ sĩ cũng phải thay đổi. Một vở diễn thành công hay thất bại được quyết định từ người đạo diễn, tác giả kịch bản, diễn viên đến từng thành viên tham gia sáng tạo nên tác phẩm.

Nói về sự cần thiết của việc đổi mới sân khấu, đạo diễn Trần Lực cho biết: “Người nghệ sĩ của thời đại này phải đầy tâm huyết và quan trọng hơn là phải có khả năng sáng tạo. Mỗi người là một cá nhân riêng nhưng khi kết hợp với nhau thì tạo nên một đêm trình diễn. Nghệ thuật sân khấu có cái hấp dẫn riêng mà không gì thay thế được. Vậy, chúng ta làm sao để có tác phẩm sân khấu có bản sắc, màu sắc riêng mà chỉ ở sân khấu mới có. Phải làm được điều đó thì mới thu hút khán giả tới rạp".

Sân khấu học đường cũng thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ

Vài năm trở lại đây, nhiều sân khấu lừng lẫy một thời ở TP.HCM như sân khấu nhỏ 5B, sân khấu Hoàng Thái Thanh, sân khấu kịch Phú Nhuận, sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu Super Bowl… gặp khó. Một số đã phải tạm thời đóng cửa cho thấy ngoài dịch bệnh còn có sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình giải trí, đặc biệt là giải trí số. Thế nhưng, có nhiều sân khấu vẫn sáng đèn mỗi tuần, vẫn có những lớp khán giả yêu nghệ thuật sân khấu. Tình yêu đó cần được bồi đắp từ những vở diễn thực sự sáng tạo và chạm tới khán giả. Vì thế, đổi mới là yêu cầu sống còn làm nên sự tồn tại của sân khấu ngày hôm nay.

Trong xu hướng đổi mới sân khấu, nhiều ý kiến cũng hướng tới việc cần xây dựng các sân khấu học đường với kỳ vọng có thể đưa những loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với thế hệ khán giả trẻ. Bởi kho tàng văn học dân gian là vốn quý của dân tộc ta, nhưng có một thực tế là sân khấu truyền thống đang mất dần vị thế so với những loại hình nghệ thuật khác. Việc các đơn vị nghệ thuật tư nhân tìm đến khán giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong hệ thống trường học được xem là giải pháp hữu hiệu để xây dựng lớp khán giả mới. Những khán giả trẻ có hiểu, có yêu thì sân khấu mới không bị mai một. Một tín hiệu đáng mừng là gần đây nhiều nhà hát đã tích cực trở lại với hoạt động này.

Trao đổi với phóng viên về ý tưởng xây dựng các sân khấu học đường, NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL cho biết: “Trở về truyền thống thông qua các loại hình nghệ thuật là một cách dễ nhất. Đọc tác phẩm văn chương hay đọc lịch sử là một chuyện, còn thông qua nghệ thuật truyền thống để nói về các vị anh hùng dân tộc, các tích chuyện ngày xưa, hiểu rõ về các loại hình truyền thống như tuồng khác chèo như thế nào, rối có đặc trưng gì thì sân khấu có nhiều lợi thế. Tôi nghĩ rằng động thái các nhà hát chủ động mang sân khấu của mình về trường biểu diễn, để giáo dục truyền thống cho các em là điều rất tuyệt vời”. Tại TP.HCM, gần đây có chương trình đưa ca khúc sử Việt vào học đường của sân khấu Trần Hữu Trang. Cuối năm 2022, Đại học Kinh tế TP.HCM và sân khấu kịch Hồng Vân đã có sự hợp tác khi ra mắt sân khấu kịch học đường. Tại miền Bắc, đi tiên phong trong hoạt động này là Nhà hát Tuồng Việt Nam, đơn vị trung ương duy nhất xây dựng một chương trình riêng để giới thiệu nghệ thuật tuồng vào trường học.

Thực tế, cách đây hơn 20 năm đã từng có đề án triển khai sân khấu học đường trên khắp cả nước, tạo nên bầu không khí sôi động trong suốt một thập kỷ. Nhưng kể từ năm 2011, đề án đã khép lại do thiếu kinh phí hoạt động. Còn một vài nhà hát, đơn vị nghệ thuật theo đuổi hoạt động này nhưng còn mang tính kỳ cuộc. Làm thế nào để mang sân khấu nhiều hơn vào trường học vẫn là trăn trở của nhiều nghệ sĩ tâm huyết, ước mơ với nghề.

 Trích đoạn Hồ Nguyệt cô hoá cáo được Nhà hát Tuồng tích cực đem tới giới trẻ

Hiện, các nghệ sĩ dành nhiều thời gian và tâm huyết cho sân khấu học đường, sẵn sàng nhận mức thù lao ít ỏi để giúp thế hệ trẻ tự hào hơn về văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhưng nhiều kịch mục muốn đưa vào biểu diễn trong nhà trường thì cần một khoản kinh phí nhất định, để dàn dựng âm thanh, ánh sáng… Vậy, bài toán kinh phí được giải quyết như thế nào? Ủng hộ ý tưởng này, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đang xây dựng đề án sân khấu học đường trong các năm tới.

Bà Trần Ly Ly cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng đề án sân khấu học đường. Vấn đề ở đây là vừa dạy, truyền tải, hội đàm vừa thổi vào các em nghệ thuật truyền thống của mình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn có nguồn kinh phí để nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể mang sản phẩm của mình, dù chỉ là trích đoạn vào các trường học. Ngân sách Nhà nước rất quan trọng. Vì nếu không có nguồn ngân sách Nhà nước thì rất khó bởi không có gốc để làm chuyện đó. Nhưng song song đó thì thu hút vốn đầu tư xã hội hóa cũng rất quan trọng”.

Cùng chung ý kiến về nguồn kinh phí cần thiết để đưa ý tưởng sân khấu học đường được triển khai lâu dài và đồng bộ, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng: “Cơ chế cho các doanh nghiệp được hỗ trợ đơn vị nghệ thuật chính là sự cởi mở, để giúp các đơn vị nghệ thuật có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ phần nào. Nhà nước cũng nên nhìn nhận giúp doanh nghiệp về thuế hay cơ chế nào đó… Điều đó cũng là sự đồng hành với sự nghiệp văn hóa chung của cả nước”. 

 Vớ Búp bê đánh dấu lần đầu hợp tác đầu tiên giữa Lê Hoàng và Lực Team trên sân khấu phía Bắc

Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa chính là sức mạnh mềm. Nghệ thuật truyền thống chính là kết tinh bản sắc tinh hoa văn hóa Việt Nam. Việc bắt tay phối hợp giữa Bộ VHTTDL với Bộ Giáo dục - Đào tạo để triển khai sân khấu học đường không quá khó. Hiện cũng là lúc triển khai các giải pháp thu hút nguồn đầu tư từ doanh nghiệp vào sân khấu, bởi đây là điểm nghẽn lớn. Nếu giải quyết được thì sẽ tạo ra sức sống mới cho sân khấu nghệ thuật nước nhà.

Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, những vở diễn bình thường lại càng cần phải sáng tạo. Theo các chuyên gia, thử nghiệm trên sân khấu có thể thành công hay thất bại. Nhưng nếu không thử, không làm mới thì sẽ không tìm ra được con đường đến với khán giả. Trong thực tế, đổi mới sân khấu để thu hút khán giả là đòi hỏi lớn mà ngành Sân khấu đã và đang đi tìm câu trả lời trong hơn hai thập niên qua. Đòi hỏi đó càng trở nên cấp thiết trước sự bùng nổ của các sản phẩm giải trí trên các nền tảng số.

HOA NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;