Nghề đan lát thủ công truyền thống của người Mường ở Hòa Bình

Cùng với trồng trọt và chăn nuôi, các nghề thủ công truyền thống của người Mường tương đối phát triển. Trong các nghề thủ công nổi bật là nghề đan lát với nhiều người thợ có tay nghề đạt tới trình độ tinh xảo. Dù vậy, cho đến nay nghề thủ công truyền thống của người Mường chỉ đóng vai trò là nghề phụ và mang tính thời vụ, làm vào lúc nông nhàn, tranh thủ lúc rỗi rãi, chưa đạt tới trình độ chuyên môn hóa. Tuy nhiên những sản phẩm thủ công truyền thống này được làm rất tinh xảo, mang tính thẩm mỹ và có độ bền cao, lại thân thiện với môi trường nên nghề đan lát thủ công rất cần được gìn giữ và phát triển.

Đan lát trở thành nghề khá phổ biến của người Mường. Ảnh: nongthonviet. com.vn

Từ việc đan lát vật dụng trong gia đình 

Trong chuyến công tác tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), tôi rất ấn tượng với những món đồ thủ công được đan từ mây tre của ông ông Bùi Văn Vinh (sinh năm 1966) - người dân tộc Mường ở Cao Phong - Hòa Bình. Tay thoăn thoắt đan, ông Vinh kể, từ xa xưa, cuộc sống của người Mường hoàn toàn dựa vào tự nhiên. Từ những vật liệu sẵn có như tre, gỗ mà người Mường chế tác hoặc đan thành những vật dụng sinh hoạt hằng ngày. 

 Đan lát trở thành một nghề khá phổ biến của người Mường nhưng chỉ là nghề thủ công mang tính thời vụ, chủ yếu làm vào lúc nông nhàn, tranh thủ lúc rỗi rãi trong ngày, chưa đạt tới trình độ chuyên môn hóa. Những sản phẩm của nghề đan lát thủ công chỉ đáp ứng cho sản xuất và sinh hoạt hằng ngày nhằm đảm bảo tính tự cấp tự túc trong phạm vi gia đình, làng bản, địa phương.

Ông Bùi Văn Vinh kể rằng ông biết đan lát từ nhỏ, bởi khi ấy ở quê ông đan lát hầu như không đem lại thu nhập, mà chỉ phục vụ cho các nhu cầu gia đình, ai cũng biết đan nhất là các đồ thô sơ. Nghề này có từ khi nào không ai biết rõ, các cụ bảo cứ cha truyền con nối, nhưng muốn giỏi nghề phải chăm chỉ, chịu khó và phải có năng khiếu. Từ nhỏ, trẻ con Mường đã phải tập đan lát một cách tự nhiên. Bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như giúp cha mẹ đan bờ rào bờ dậu, đan phên… Hầu như ai cũng biết cách đẵn tre, chẻ lạt, đan dứng, đan phên, lợp nhà… Khéo tay hơn thì đan giỏ, đan hom đánh bắt và đựng cá, lớn lên đan đồ đựng đẹp tặng người yêu. Thanh niên người Mường hầu như ai cũng biết cách đan lát và những điều cơ bản như các đồ đựng hoa quả, đựng trầu cau khi đi ăn hỏi thường phải đan có đôi, những chiếc rá đựng xôi có chân gỗ đan rất khít và tinh xảo…

 Ông Bùi Văn Vinh - người dân tộc Mường ở Cao Phong - Hoà Bình đang đan đồ thủ công truyền thống tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội)

Xưa kia, để có đồ dùng trong gia đình, người Mường đã tận dụng những cây tre, cây nứa, cây vầu, mây... để làm ra các vật dụng có tính thiết thực trong đời sống hằng ngày. Nghề đan lát của người Mường ở Hòa Bình rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt, trang trí, đến phương tiện sản xuất: rương, đồ đựng xôi, bánh kẹo hoa quả, chiếu, nong, nia, rổ… Những sản phẩm này có thể dùng hàng chục năm không bị hỏng. Nếu những món đồ dùng này khá đơn giản, hầu như ai cũng có thể làm được thì người Mường có nhiều món đồ cần phải có tay nghề rất cao, phải đan hàng chục năm mới đạt được. 

Đến những món đồ tinh xảo 

 Ông Bùi Văn Vinh cho biết, đạt đến trình độ tinh xảo nhất chính là đan chiếc mâm hè, mâm này chỉ dùng để cúng, một kỹ thuật đan vừa bắt và đè năm và sáu cho lòng trong, khi đan xong cả mặt trên mặt dưới đều đẹp như nhau. Vành mâm thì đan bằng mây. Nếu chỉ bắt năm thì được mặt trên, nếu chỉ bắt sáu thì được mặt dưới. Kỹ thuật này đến nay hầu như thất truyền. Hiện, chỉ còn ít mâm hè của các thầy mo và vài sưu tập còn lưu giữ lại.

Ngoài ra, còn nhiều món đồ đến nay không còn thông dụng nữa nhưng vẫn được các nghệ nhân lưu truyền lại. Ngày xưa, trong gia đình đồ đựng quan trọng nhất là cái bồ (trò ổ) đựng quần áo, bà và mẹ sẽ truyền lại cho cô con gái khi đi lấy chồng. Đó là những bồ đan hai lớp rất bền và đẹp, trông như chiếc va li. 

 Sản phẩm của ông Bùi Văn Vinh. Ảnh: Ngô Hồng Vân

Những năm về trước, người ta có thể dùng những đồ đan đánh bắt cá truyền thống để bắt được những con cá trên 50kg ở sông Đà. Đó là những giỏ đựng và hom lớn, kích thước tới vài ba mét và đường kính tới hơn nửa mét, rất to và chắc chắn. Trải qua thời gian, phương tiện đánh bắt cả hiện đại hơn ra đời khiến những đồ đan đánh bắt cá cứ nhỏ dần đi cho đến ngày nay thì không còn thông dụng nữa. 

Quyết tâm giữ nghề truyền thống 

Các sản phẩm đan lát của người Mường là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo và cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Được làm ra dựa trên các tiêu chí đơn giản, tiện dụng và bền chắc nên ông Bùi Văn Vinh cho biết, đến nay, nhiều gia đình người Mường ở vùng cao vẫn còn giữ được những vật dụng bằng tre đan có tuổi đời vài chục năm. Ông Vinh tâm sự, lưu truyền nghề là giữ lại nét văn hóa, cội nguồn của tổ tiên, vì vậy những năm qua, dù nghề đan lát tốn nhiều thời gian, thu nhập không cao nhưng bà con người Mường ở Hòa Bình vẫn miệt mài gìn giữ và tận tâm truyền dạy cho con cháu.

Tuy nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm đều có sẵn trong tự nhiên, nhưng để chọn như thế nào mà tạo ra sản phẩm đan, lát đẹp, bền thì không phải là chuyện dễ dàng. Ông Vinh cho biết, nếu biết lựa chọn nguyên liệu và biết cách xử lý, vật dụng có thể bền hàng trăm năm tuổi. Đó là bởi dùng thân cây song mây mọc trên núi đá, 10 năm mới được thu hoạch, cây nhỏ nhưng thân rất dẻo dai và chắc, không bị mối mọt. Cây vầu phải trồng ít nhất ba năm, thân to dóng dài, đất Hòa Bình trù phú, cây trồng hợp nên phát triển rất nhanh. Dùng cật cây vầu để đan lát giúp đồ dùng vừa bóng vừa bền đẹp, đan rất khó và cầu kỳ. 

 Sản phẩm của ông Bùi Văn Vinh. Ảnh: Ngô Hồng Vân

Có nguyên liệu tốt rồi, còn phải có mẫu mã đẹp, tiện dụng. Những vật dụng sinh hoạt của người Mường có nét độc đáo và tinh xảo rất bắt mắt, thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên, hoa quả, đồ gốm… Nó là kết tinh của văn hóa Mường vốn gần gũi với thiên nhiên từ nhiều đời nay. Các hoa văn đặc sắc của người Mường vừa là lưu giữ bản sắc dân tộc, vừa có giá trị thẩm mỹ, những ai muốn tìm hiểu văn hóa của người Mường sẽ nghiên cứu những hoa văn này tìm được bản sắc văn hóa người Mường. Bởi vậy, những hoa văn truyền thống này được truyền từ đời này sang đời khác, chỉ cải tiến mẫu mã mà không thay đổi hoa văn. Đồ đan xong thường phải gác lên gác bếp để xông cho bám khói và bồ hóng, có thể chỉ cần lên màu vàng óng nhưng cũng có món đồ có thể để đến khi đen bóng. Những đồ đan được xông khói như vậy có đồ bền cao, chịu được ngấm nước và chống mối mọt. 

 Xã hội hiện đại ngày càng sản sinh những món đồ từ nhựa và kim loại vừa tiện dụng hơn lại có những công năng mà đồ đan mây tre không có, giá cả lại rẻ hơn công đan món đồ truyền thống. Nghề đan lát đang đứng trước nguy cơ thất truyền, nhiều người không còn mặn mà với nó bởi các sản phẩm như nhựa, inox được bày bán tràn lan lại gọn nhẹ, tiện lợi hơn nên nhu cầu về các sản phẩm từ tre, nứa không nhiều. Nguy cơ nghề đan truyền thống Mường dần mai một... Nhưng vẫn còn có nhiều người nặng lòng với truyền thống, luyến tiếc muốn lưu giữ và truyền thừa một nghề đã tồn tại cũng người Mường hàng ngàn năm qua như ông Vinh. Ông kể ở Hòa Bình việc giữ nghề thủ công truyền thống từ lâu đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Hòa Bình nhận thức là gắn với quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông thôn, góp phần chuyển lao động thuần nông sang lao động ngành nghề. Với cơ sở có lợi thế sẵn có, các gia đình làm nghề chủ động sắp xếp lao động, chuyển từ lao động nông nghiệp sang dịch vụ ngành nghề. Nhiều gia đình năng động nắm bắt nhu cầu thị trường đầu tư mô hình dịch vụ du lịch tại nhà, du lịch cộng đồng đã tạo nên sản phẩm nghề đặc trưng.

Cùng với sự hỗ trợ của gia đình, ông Vinh cũng nhận được khá nhiều đơn đặt hàng của khách từ Hà Nội, Sơn La, Lạng Sơn… đặt đồ mây tren đan về để trang trí và dùng trong nhà hàng, khách sạn… Ông cho biết, phòng Văn hóa của huyện và xã cũng như Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Hòa Bình thường xuyên động viên các nghệ nhân duy trì nghề truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các nghề truyền thống, hàng năm, địa phương cũng tạo điều kiện đưa các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân tham gia hội chợ, triển lãm nhằm hỗ trợ quảng bá thương hiệu, sản phẩm để mở rộng thị trường, duy trì và củng cố các thị trường truyền thống.

Nghề đan lát không những tạo ra sản phẩm vật chất mà còn tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt của người dân tộc nơi đây. Ảnh: phunuvietnam.vn

 Để gìn giữ và phát huy các sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống của người dân cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan để tìm ra hướng đi khai thác giá trị sản phẩm, gắn kết với du lịch, đưa nghề truyền thống trở thành mặt hàng có giá trị bền vững. Đồng thời, giúp đỡ các làng nghề hình thành kênh tiêu thụ dưới hình thức đặt hàng, thu mua, bao tiêu sản phẩm; xây dựng mạng lưới đại lý, các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm làng nghề cũng như tổ chức giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề tại các khu, điểm du lịch.

Nghề đan lát không những tạo ra sản phẩm vật chất mà còn tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt của người dân tộc nơi đây. Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà còn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, miền núi, nơi tạo ra những nét đặc trưng riêng có của đồng bào các dân tộc. 

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;