Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số: Đưa di sản gần hơn với đời sống

Trong các ngày từ 8-10/9/2023, tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), đã diễn ra “Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung” lần thứ IV với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vận động viên không chuyên đến từ các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Lễ hội Katê trên sân khấu - Ảnh: Ngọc Dân

Rất nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu, trình diễn, thi đấu… vô cùng sôi nổi, hấp dẫn đã diễn ra trong 3 ngày, thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân: trưng bày ảnh “Các dân tộc miền Trung đồng hành cùng sự phát triển của đất nước”; Liên hoan văn nghệ quần chúng, Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc, Trưng bày - giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương, Trưng bày - chế biến và giới thiệu ẩm thực… rồi các môn thể thao, trò chơi dân gian. Có thể nói, trên nhiều phương diện, “Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung” thực sự là nơi góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc!

Từ việc sân khấu hóa Lễ hội Katê…

Cách đây hơn 1 năm, ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã quyết định đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà la môn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng phong đăng hòa cốc, lứa đôi hòa hợp, con người cùng vạn vật sinh sôi, nảy nở. Vào dịp lễ hội Katê (cuối tháng 9 - đầu tháng 10 dương lịch hàng năm), không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân. Để Katê được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trước đó tỉnh Bình Thuận đã có hơn 15 năm phục dựng lại lễ hội này tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết). Katê cũng là một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm, lễ hội Katê còn mang trong mình sứ mệnh góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Biên đạo Cửu Đặng Long An - tên Chăm Jalay - Ảnh: Anh Trí

Rõ ràng, Bình Thuận đến với “Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung” mà không giới thiệu về lễ hội Katê là một thiếu sót, song, giới thiệu như thế nào khi mỗi lễ hội đều có một không gian, thời gian tồn tại nhất định? Bóc tách lễ hội khỏi không gian, thời gian tồn tại của nó, lễ hội có còn nhiều ý nghĩa? Sau nhiều ngày đêm trăn trở - suy tư, biên đạo Cửu Đặng Long An (tên Chăm: Jalay) của đoàn Bình Thuận đã quyết định sân khấu hóa lễ hội này. Vẫn lời biên đạo Cửu Đặng Long An, anh không phải không gặp những khó khăn khi sân khấu hóa một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bởi lễ hội Katê có các hoạt động ở đền, tháp; thôn, xóm và tại các gia đình. Tại đền, tháp có các hoạt động: Lễ đón rước y trang, nghi lễ diễn ra ở các đền, tháp nơi tổ chức lễ hội; Lễ mở cửa đền, tháp; Lễ tắm tượng thần; Lễ mặc y phục cho tượng thần. Tiếp đến là múa cầu an và dâng lễ, cuối cùng là lễ múa mừng lễ hội Katê với các điệu múa của thiếu nữ Chăm hòa nhịp trong tiếng đàn Kanhi, tiếng trống Baranưng, tiếng trống Ghi-năng và tiếng kèn Saranai.

Mà nào đã hết, sau khi kết thúc phần lễ, sẽ diễn ra phần hội với những trò chơi dân gian đặc sắc như: Hội thi dệt vải, làm gốm, đội nước, múa quạt, đánh cồng chiêng, ca hát; trưng bày gốm, thổ cẩm; cúng Katê thần làng; các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao… Chọn con đường sân khấu hóa lễ hội Katê, đồng nghĩa với việc biên đạo Cửu Đặng Long An phải ước lệ hóa nhiều hoạt động: lễ đón rước y trang, lễ mở cửa đền tháp, tắm tượng thần cũng như một số nội dung ở phần hội bởi diện tích trên sân khấu thì hữu hạn mà chặng đường trên thực tế đến các đền tháp thực hành nghi lễ xa hơn nhiều. Dẫu vậy, sau khi tiết mục của đoàn Bình Thuận kết thúc, biên đạo Cửu Đặng Long An tự tin: “Là người Chăm sinh ra, lớn lên và năm này qua năm khác sống trong lễ hội Katê, thấm đẫm linh hồn lễ hội Katê, có cái nhìn về lễ hội Katê từ bên trong nên dù sân khấu bị giới hạn về không gian, tôi vẫn dám chắc là đã truyền đạt lại được 80% tinh thần của lễ hội này cho khán giả của Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung”. Người viết bài này hoàn toàn chia sẻ với mong muốn của anh rằng: “Tôi mong có nhiều sân chơi văn hóa thú vị, ý nghĩa khác nữa để có thể đem Lễ hội Kate của người Chăm bình Thuận đi giới thiệu, quảng bá với bà con, du khách trên khắp các vùng miền của đất nước”.

…Đến xã hội hóa việc bảo tồn, phát huy sản phẩm gốm Bàu Trúc 

Nếu sân khấu hóa là cách thức để bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận thì xã hội hóa lại là con đường để một di sản văn hóa quốc gia khác - gốm Bàu Trúc của người Chăm Ninh Thuận - ngày càng được nhiều người biết đến.

Nghệ nhân gốm Phú Thị Mỹ Xinh khi trả lời PV - Ảnh: Thanh Hà

Làng gốm Bàu Trúc là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến hôm nay. Làng nằm ở trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, nổi tiếng với những sản phẩm thủ công đất nung mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm. Nếu các làng gốm khác cũng rất nổi danh trên đất nước ta như Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), Phước Tích (Thừa Thiên Huế)… hiện đã áp dụng rất nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, dùng bàn xoay để nặn sản phẩm, sử dụng men để trang trí, dùng công nghệ nung trong lò sử dụng điện, ga… thì những nghệ nhân làng Bàu Trúc vẫn duy trì cách làm gốm truyền thống đã có từng gần ngàn năm nay; sản phẩm của họ được “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Người thợ gốm Bàu Trúc đi giật lùi, tay trong ép, tay ngoài xoa… thổi hồn biến những khối đất vô tri, vô giác thành sản phẩm gốm độc đáo, độc bản, mang thương hiệu văn hóa Chăm. Nguyên vật liệu nung vẫn là củi, rơm, trấu…

Nhận thức được từ ngày nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc được UNESCO ghi danh vào Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, các sản phẩm của làng nghề mình đã được người dân cả nước biết đến nhiều hơn, song, vẫn chưa như kỳ vọng, ngay khi nghe tin Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận sẽ tham gia “Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung” ở Bình Định, chị Phú Thị Mỹ Xinh - chủ một cơ sở sản xuất gốm chính hiệu Bàu Trúc - đã đăng ký với Trung tâm cho gia đình được tham gia Ngày hội trên cơ sở xã hội hóa: gia đình chịu mọi kinh phí có liên quan từ phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa đến ăn ở, sinh hoạt. Gia đình chị chỉ xin một phần trong không gian trưng bày của tỉnh ở quảng trường Nguyễn Tất Thành (thành phố Quy Nhơn) để trực tiếp sản xuất, bày bán sản phẩm. Chị Xinh cho biết, chị đã 15 năm gắn bó với nghề gia truyền này. Xưởng sản xuất của chị ở khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân là cơ ngơi chung của một đại gia đình gồm 7 anh chị em với 9 thợ gốm. Ở nhà, hằng ngày, chị vẫn cho người chở các sản phẩm gốm do gia đình sản xuất đến khu vực tháp Poklong Gia Rai - cách đó không xa - bán. Chị Xinh thẳng thắn chia sẻ rằng, “do tự túc hoàn toàn kinh phí nên lời lãi, lợi nhuận chẳng đáng bao nhiêu. Bù lại, tôi được đi đây đó, có niềm vui giới thiệu, quảng bá sản phẩm của gia đình, cũng là của quê hương”. Do giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu động, du khách không được trải nghiệm các khâu như trực tiếp ra cánh đồng bên bờ sông Quao đào đất, vận chuyển; cũng không được “ba cùng” với nghệ nhân hay được nghỉ ở các phòng khách trong nhà sinh hoạt cộng đồng của làng… nhưng nhiều người vẫn bất ngờ, thích thú khi được tận mắt nhìn chị Xinh thao tác. Chỉ vài phút, một nắm đất im lìm qua đôi bàn tay nghệ nhân của chị đã biến thành chiếc lọ hoa cân đối, xinh xắn với đủ hoa văn theo đúng yêu cầu của khách. Mà không chỉ lọ hoa, gian hàng chị Xinh có không biết bao nhiêu mẫu mã các loại bình hoa, ấm nước, nồi niêu, chum vại,… Có cả những tháp Chăm, tượng mô phỏng các vị thần của tôn giáo Bà la môn như Brahma, Vinus, Shiva…; tượng nữ thần Apsara. Kích thước các sản phẩm có thể nhỏ bằng ngón tay hay lớn như các phù điêu dùng trang trí trên các công trình kiến trúc ngoài trời. Chúng đa dạng về mẫu mã, hoàn toàn được chế tác thủ công song tất cả đều giàu tính nghệ thuật, không thiếu sự tinh tế trong từng nét chạm khắc mang dấu ấn văn hóa Chămpa, xưa mà không cũ với thời gian…

... Và khi thực hành sáng tạo sản phẩm gốm Bàu Trúc - Ảnh: Tuấn Minh

Mấy mươi tiếng đồng hồ là khoảng thời gian hữu hạn của “Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung” nhưng dư âm mà Ngày hội để lại vẫn còn đó. Bởi Ngày hội không chỉ là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên gặp gỡ, hội tụ với tinh thần giao lưu, học hỏi mà còn là nơi trao đổi kinh nghiệm nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Mỗi địa phương tùy tình hình thực tiễn có thể có những cách làm khác nhau mà cách sân khấu hóa lễ hội Katê của tỉnh Bình Thuận hay xã hội hóa việc bảo tồn, phát huy sản phẩm gốm Bàu Trúc của tỉnh Ninh Thuận là những dẫn chứng điển hình!

THANH HÀ 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;