NSƯT Phạm Ngọc Dương: Đam mê nghệ thuật Chèo mãnh liệt

NSƯT Phạm Ngọc Dương từng là gương mặt triển vọng, diễn viên chủ chốt của Đoàn Chèo Hà Tây với giọng ca vang, khỏe, trầm ấm cùng lối diễn xuất điềm tĩnh, chững chạc. Không chỉ diễn xuất, anh còn sáng tác kịch bản Chèo, là một trong những gương mặt tác giả trẻ hiếm hoi của sân khấu kịch hát dân tộc hiện nay. Anh đang công tác tại Phòng Nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam.

Sự lựa chọn ở “phút thứ 89”

Ngày bé, Phạm Ngọc Dương là một đứa trẻ hiếu động và tinh nghịch. Cậu thường làm trò trước mặt ông ngoại và cũng lấy được tiếng cười sảng khoái từ ông. Ông thường nói: “Thằng Dương về sau cho đi làm hài”. Nghe thế, cậu vui lắm, thỉnh thoảng lại làm trò để ông cười. Bố anh - diễn viên Phạm Ngọc Tiến từng công tác ở Nhà hát Chèo Việt Nam khoảng 20 năm. Sau đó vì nhiều lý do đã chuyển về công tác tại Đoàn Chèo Quảng Ninh. Cả gia đình Phạm Ngọc Dương cũng bỏ Hà Nội để theo bố. Khi đó, anh vừa học hết cấp I. Từ đây, những ngày tháng khó khăn của gia đình bắt đầu. Chị gái anh phải nghỉ học để đi làm. Cậu bé Dương phải dậy từ sớm tinh mơ, làm đủ mọi nghề để cùng mẹ trang trải cuộc sống. Từ đó, anh trở nên lầm lì, ít nói và chẳng bao giờ cười. Anh thường đứng từ xa nhìn những đứa trẻ khác với sự thèm khát và ngưỡng mộ. Có lẽ, quãng thanh xuân cơ cực đã phần nào hình thành nên tính cách của anh bây giờ. Năm 1998, tốt nghiệp PTTH, Ngọc Dương có nguyện vọng thi vào hai trường là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Quyết định này khiến bạn bè và người thân của anh đều vô cùng bất ngờ. Anh cũng không hiểu sao, năm đó niềm đam mê nghệ thuật Chèo lại trỗi dậy trong mình mãnh liệt như thế. Vậy là anh quyết định chỉ thi vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. 

NSƯT Phạm Ngọc Dương vai ông Toan trong vở Nắng quái chiều hôm - vai diễn đã đoạt HCV

Là con nhà nòi, nhưng cho đến lúc quyết định thi diễn viên Chèo anh vẫn chưa bao giờ hát một câu Chèo. Bác anh là tác giả, tiến sĩ Xuân Yến mời cô Đoàn Thanh Bình sang để kiểm tra giọng. Anh hát được một trổ “Sa lệch chênh” thì dừng lại vì không thuộc nữa. Cô Đoàn Thanh Bình nhận xét: “Tuy còn bị nhiều tiếng địa phương nhưng có chất Chèo trong câu hát”. Anh thi và trúng tuyển vào khoa Diễn viên Chèo, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Sau ba năm học, anh tốt nghiệp và về công tác tại Đoàn Chèo Hà Tây (nay đã sáp nhập vào Nhà hát Chèo Hà Nội). “Tôi không gặp khó khăn khi quyết định lựa chọn con đường nghệ thuật bởi sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều người là nghệ sĩ. Sự cản trở lớn nhất tôi phải đối diện chính là mẹ. Bố là người làm nghệ thuật nên mẹ thấu hiểu rõ nhất những khó khăn khi tôi chọn con đường này. Mẹ một mực ngăn cản con trai. Thực lòng, tôi rất thương mẹ nhưng không thể đi lối khác” - NSƯT Phạm Ngọc Dương nhớ lại. 

Thích đóng đa dạng các loại vai

Một diễn viên kịch hát dân tộc cần hội tụ những yếu tố: Thanh, Sắc, Thục, Tinh, Khí, Thần, trong đó phương tiện thể hiện là chính bản thân người diễn viên thông qua việc hát, múa, diễn. Việc tuyển chọn diễn viên hội tụ đủ những yếu tố này quả thực khó. Người được mặt này sẽ mất mặt kia nhưng đối với diễn viên kịch hát dân tộc thì lấy Thanh làm trọng, tức là hát là yếu tố lựa chọn hàng đầu. Từ thuận lợi và khó khăn riêng, diễn viên phải biết chọn cho mình những vai phù hợp với con người cũng như khả năng diễn xuất của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải biết chờ cơ hội để tỏa sáng. NSƯT Phạm Ngọc Dương tự nhận, hát và diễn là điểm mạnh, múa là điểm yếu và, chất của anh hợp với những vai chững chạc, nghiêm nghị. Tuy nhiên, không phải lúc nào anh cũng được giao những vai mà bản thân cảm thấy phù hợp. Trong suốt 20 năm làm nghệ thuật, anh đã tham gia diễn xuất nhiều vai chính, phụ và với anh mỗi vai diễn là một thử thách, khó khăn riêng. Điều này khiến anh hứng thú để sáng tạo. Được sống với nhiều nhân vật khác nhau trên sân khấu là niềm hạnh phúc vô bờ của người diễn viên. Có một nhân vật mà anh cảm thấy sống với nó thật khó khăn, khổ sở nhưng cũng thật sung sướng - đó là ông Toan trong vở “Nắng quái chiều hôm” tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng năm 2013. Ông Toan là cán bộ tha hóa, biến chất, một người chồng tồi, có con riêng song lại vô trách nhiệm với chính giọt máu của mình. Đây quả là vai diễn nặng ký. Với lương tâm nghề nghiệp, lòng tự trọng, anh tự nhủ phải cố gắng hết mình bởi cơ hội không phải lúc nào cũng đến. Sự hồi hộp, lo âu trước ngày thi là tâm trạng không phải của riêng anh mà có lẽ của tất cả những nghệ sĩ khi mang trong mình trách nhiệm ấy. Đêm trước ngày thi, nam nghệ sĩ không sao chợp mắt, trong đầu luẩn quẩn bao nhiêu suy nghĩ. Ơn Tổ nghiệp, sáng hôm sau Ngọc Dương đã làm tốt phần thi của mình và đoạt Huy chương Vàng. Tiếp đó, vai Đặng Tất trong vở “Nàng thứ phi họ Đặng” giúp anh đoạt Huy chương Bạc cá nhân tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 tại Ninh Bình, vai Trần Thủ Độ trong “Tình sử Thăng Long” đoạt Huy chương Bạc cá nhân tại Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2020. Với những đóng góp của mình, năm 2019 anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Vai diễn Đặng Tất trong vở Nàng thứ phi họ Đặng đã giúp anh đạt HCB cá nhân

Khao khát viết kịch bản

Khi đang là sinh viên khoa Diễn viên Chèo, chàng trai Ngọc Dương thường xuyên lên thư viện của trường mượn sách về chuyên ngành chèo, đọc xong, pho to và lưu lại một bản trong hòm sắt. Lúc ấy, anh làm theo sở thích chứ chưa có kế hoạch gì cụ thể. Không ngờ, việc làm của chàng sinh viên quả thực có ích. Sau này, anh mới nhận ra đó là mầm mống và là điều kiện cần cho một người muốn theo đuổi con đường sáng tác kịch bản. Khi ra trường, anh có một hòm tài liệu về nghệ thuật Chèo. Hồi đó, Ban lãnh đạo Đoàn Chèo Hà Tây cần vở gì là tìm đến anh. Làm nghề được 10 năm, chàng diễn viên bỗng thấy mình khao khát được sáng tác kịch bản. Anh viết kịch bản đầu tiên khi còn đang say sưa diễn trên sân khấu. Niềm đam mê thôi thúc, năm 2011, anh thi và trúng tuyển vào lớp Biên kịch Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Năm 2015, Phạm Ngọc Dương tốt nghiệp. Kịch bản tốt nghiệp của anh: Chàng sĩ tử và hoa tình yêu được Nhà hát Chèo Hà Nội quyết định dàn dựng. Sau đó, Nhà hát Chèo Hưng Yên cũng có một phiên bản nữa. Anh thừa nhận, là diễn viên Chèo rồi chuyển sang lĩnh vực sáng tác kịch bản cho sân khấu dân tộc, tất nhiên có nhiều ưu điểm hơn so với những người chưa kinh qua diễn xuất. “Từng tham gia biểu diễn và tiếp xúc với nhiều tác giả, đạo diễn lớn, tôi học được nhiều điều quý giá. Tôi hiểu được văn, thơ, phong cách, thủ pháp, lối diễn, cung bậc tình cảm trong một vở Chèo. Vì vậy tôi thuận lợi khi xây dựng cốt truyện, lời thoại, đặt làn điệu cho kịch bản Chèo hay cho các loại hình sân khấu dân tộc khác” - nam nghệ sĩ bộc bạch. 

NSƯT Phạm Ngọc Dương (phải) vai Lê Hiển Tông trong vở Ngọc Hân công chúa

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi là những khó khăn, không chỉ của riêng anh mà là tình trạng chung cho các tác giả hiện nay. Đó là đi tìm những câu chuyện mới, viết những gì mà chưa ai viết, tìm những cái chưa ai tìm. Anh rất tâm đắc một câu nói của cố nhà văn Nam Cao: “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa là tác giả sáng tác, theo anh, sân khấu Chèo hiện nay muốn hút khách phải biết khán giả cần gì. Hiện nay có quá nhiều phương tiện giải trí, khán giả thoải mái lựa chọn. Một bài toán đặt ra cho nền nghệ thuật nước nhà nói chung và những người sáng tác kịch bản nói riêng: Viết cái gì? cho ai? Một trong những khâu đầu tiên quyết định chất lượng vở diễn là kịch bản. “Với sân khấu Chèo, để thu hút khán giả cần những vở diễn mang tính thời đại, thông tin nhanh, cốt truyện hấp dẫn và vẫn phải giữ đúng chất loại hình sân khấu dân tộc. Chèo thuận lợi ở đề tài dân gian nhưng cũng có thể khai tác đề tài lịch sử, hiện đại. Ở đề tài lịch sử, các vở diễn cần dân gian hóa để khán giả dễ tiếp cận. Còn những vở đầu tư lớn, công phu chỉ dùng để bàn về học thuật hay phục vụ một tầng lớp khán giả nhất định nào đó mà thôi” - NSƯT Phạm Ngọc Dương bày tỏ quan điểm.

Với vai Trần Thủ Độ trong vở Tình sử Thăng Long đã mang về cho anh chiếc HCB cá nhân thứ 2

NHẬT HUY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023

;