Di tích lịch sử có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống. Bảo tồn và phát huy những giá trị di tích lịch sử văn hóa là việc làm thiết thực, thường xuyên gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đồng thời, giữ gìn và lưu truyền cho các thế hệ mai sau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng. Đó cũng là cách thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị”, đẩy mạnh công tác phát triển du lịch trên địa bàn.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia (địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ) và 4 ngôi Đình, trong đó Đình thần Trung An được xem là ngôi đình tiêu biểu. Đình được xây dựng năm 1846, sau đó được trùng tu sửa chữa, nâng cấp vào năm 1974 và từ đó, hằng năm luôn được chính quyền xã Trung An tổ chức 2 kỳ lễ trọng thể là: Lễ Kỳ yên “Thượng Điền” và Lễ Kỳ yên “Hạ Điền”. Trong những ngày lễ hội, nhân dân trong xã và du khách gần xa cùng hội tụ về dâng hương, hoa, quả, lễ vật tại Đình để tưởng niệm công - tích của các vị thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cảm tạ các thần Thành hoàng, Tiên hiền, Hậu hiền, thần Nông, thần Hổ… đã phù hộ cho dân làng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài mục đích cầu phước, cầu tài, cầu lộc thọ, cầu hạnh phúc, cầu cho quốc thái dân an, mọi người được ấm no, hạnh phúc... lễ hội còn là dịp ôn lại truyền thống, lịch sử khai hoang mở cõi. Người dân được tham gia và thụ hưởng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, xem hát bội với những tuồng cổ tích xưa…
Hằng năm, lễ hội được tổ chức trang trọng, là cầu nối quá khứ với hiện tại, là sự hòa quyện giữa lòng người với khí thiêng của trời đất, là sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền trong và ngoài huyện. Tham gia lễ hội trước hết là để biểu thị lòng tôn kính và biết ơn các vị phúc thần, các bậc tiền nhân đã có nhiều công lao xây dựng quê hương thanh bình, no ấm; sau là dịp biểu thị ý thức luôn tôn trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa dân tộc, hưởng thụ hình thái sinh hoạt tinh thần cộng đồng vốn có nhiều gắn bó với phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian. Lễ hội Kỳ Yên Đình thần Trung An lần này có các hoạt động như: tổ chức đưa rước sắc thần đi du ngoạn; hội thi tạo hình nghệ thuật từ sản phẩm nông nghiệp; Liên hoan Đờn ca tài tử, Đàn và hát Dân ca Nam Bộ; trưng bày các sản phẩm thủ công và bày bán bánh dân gian; hát tuồng cổ; tổ chức các giải thể thao và các trò chơi dân gian…
Đoàn xe diễu hành rước sắc Thần tại Lễ hội Kỳ Yên Đình thần Trung An thu hút đông đảo người dân đến xem
Việc tổ chức lễ hội góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi bổ ích cho đông đảo bà con nhân dân, đồng thời tạo ra được điểm tham quan du lịch, vui chơi, giải trí lành mạnh phục vụ du khách trong và ngoài huyện, đẩy mạnh công tác phát triển du lịch ở Cờ Đỏ trong thời gian tới. Lễ hội còn thể hiện khát vọng của các thế hệ hôm nay trong việc giữ gìn những truyền thống quý báu của các bậc tiền nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, lễ hội vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: diện tích khuôn viên ngôi đình chật hẹp nên ảnh hưởng đến quy mô tổ chức; tình hình an ninh trật tự chưa đảm bảo; tệ nạn móc túi, cướp giật tư trang và người ăn xin vẫn còn xảy ra; công tác vệ sinh môi trường tại khu vực lễ hội tuy có phân công người thu gom nhưng chưa hết những bất cập.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”… đồng thời thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, thiết nghĩ, thời gian tới huyện Cờ Đỏ cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đối với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hóa. Chủ động, tích cực trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử,văn hóa trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên giúp mọi người hiểu được giá trị, ý nghĩa của các khu, điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, cần phát huy các giá trị của di tích bằng việc tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa tại chỗ, có sự kết hợp giữa nhà trường với bảo tàng và di tích, gắn việc học tập tại trường với học tập ngoại khóa tại khu di tích cho học sinh thành phố Cần Thơ nói chung, huyện Cờ Đỏ nói riêng. Có như vậy, mới khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa của địa phương.
Hai là, huyện cần tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là kinh phí xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân cũng như việc gây quỹ và tìm các nguồn tài trợ khác nhằm đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa. Bố trí lực lượng chuyên môn thường trực tại các điểm di tích, đồng thời tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thuyết minh hướng dẫn khách tham quan - không chỉ là chuyên môn, nghiệp vụ mà cả về văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng ứng xử và trình độ ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu cho khách tham quan.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra của cơ quan chức năng. Cần thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, phát hiện, biểu dương những tổ chức, cá nhân có việc làm tích cực; đồng thời phê phán, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực, những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng xấu đến di tích.
Bốn là, thực hiện tốt Nghị quyết của Huyện ủy, Kế hoạch của UBND huyện về tăng cường công tác quản lý, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với công tác phát triển du lịch trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi để duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo của nhân dân, góp phần tạo môi trường để có thể gắn kết hơn nữa các thành phần trong cộng đồng xã hội.
Đây cũng là cơ sở để huyện Cờ Đỏ phối hợp với các Sở, ngành thành phố Cần Thơ và các quận, huyện bạn thực hiện chủ trương nâng cấp lễ hội Kỳ yên Đình thần Trung An thành hoạt động điểm nhấn cấp huyện và thành phố trong những năm tiếp theo, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục, tập quán tín ngưỡng dân gian, làm phong phú thêm và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong nhân dân… góp phần đáng kể cho công tác phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng như huyện Cờ Đỏ.
MINH LÂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021