Nghệ An có diện tích tự nhiên 16.490 km2, tổng số dân trên 3,3 triệu người, gồm 17 huyện, 3 thị xã và 1 thành phố, 460 xã, phường, thị trấn, 3.804 làng, bản, khối phố.
Là một tỉnh còn nghèo, đời sống của một bộ phận người dân Nghệ An, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn còn cao. Trình độ dân trí cũng không đồng đều giữa các vùng miền. Điều kiện vật chất cơ sở hạ tầng, giao thông, nhất là các huyện miền núi còn nhiều khó khăn (chỉ tính từ TP Vinh lên đến Kỳ Sơn đã 250km). Khí hậu khắc nghiệt, thường xảy ra thiên tai bão lũ... Đây thực sự là những điều kiện trở ngại đối với việc thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.
Tình hình thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Nghệ An không nằm trong diện các tỉnh được hỗ trợ xây dựng thí điểm nhưng nhận thấy việc triển khai thực hiện thí điểm “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình” của Bộ VHTTDL là việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực, Sở VHTT là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 199/KH-UBND ngày 04/04/2019 UBND triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” của Bộ VHTTDL ban hành trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020; lựa chọn xây dựng thí điểm xây dựng theo mẫu phiếu riêng phù hợp cho công tác tuyên truyền và thực hiện tại 2 đơn vị (xã Châu Lý - huyện Quỳ Hợp và phường Nghi Thu - thị xã Cửa Lò) là những đơn vị mang đặc trưng văn hóa nông thôn miền núi và đô thị ven biển, có sự đa dạng về các thành phần dân tộc, tôn giáo, các loại hình gia đình; được lựa chọn có các loại hình gia đình trẻ, gia đình độ tuổi trung niên, gia đình người cao tuổi; đại diện cho nhóm nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc.
Tuyên truyền thực hiện bộ tiêu chí Ứng xử trong gia đình tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp
Việc xây dựng thí điểm được tiến hành trên cơ sở các nội dung và hướng dẫn của Bộ VHTTDL:
Phương thức thực hiện:
Ban hành văn bản thực hiện từ cấp tỉnh đến cơ sở: Tham mưu Kế hoạch của UBND tỉnh (để có cơ sở đường lối, chủ trương, kinh phí) trên cơ sở các tiêu chí thực hiện.
Lựa chọn địa chỉ thực hiện thí điểm, ký cam kết thực hiện thí điểm vừa thực hiện xây dựng mô hình phòng chống bạo lực gia đình, gắn tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình.
Xây dựng, nhân bản tài liệu mẫu có các nội dung hướng dẫn, mẫu tờ gấp, pano, khẩu hiệu; mẫu phiếu đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí, phiếu khảo sát đánh giá thực hiện bộ tiêu chí.
Tập huấn, hướng dẫn việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác gia đình, công tác văn hóa cơ sở, công tác văn hóa dân tộc, công tác phụ nữ cấp huyện, thị xã và cấp phường, xã, thị trấn; Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ về gia đình; Trưởng khu dân cư, trưởng ban công tác mặt trận tại địa bàn lựa chọn thí điểm.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nội dung của Bộ tiêu chí; kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ... giữa các thành viên trong gia đình; chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm gia đình, các thành viên trong gia đình; phê phán các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi và các văn bản liên quan khác như: Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền bằng hình thức thông tin cổ động, pano, áp phích; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và các hình thức phù hợp khác. Tập trung thời lượng tuyên truyền vào các dịp cao điểm như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) và Tháng hành động vì bình đẳng giới và Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (Tháng 11),...
Tổ chức kiểm tra hoạt động thí điểm: Tổ chức kiểm tra hoạt động thí điểm Bộ Tiêu chí định kỳ theo quý hoặc lồng ghép trong hoạt động kiểm tra, giám sát công tác gia đình hằng năm (riêng tổ chức tổng kết hoạt động của 2 đơn vị thí điểm: lồng ghép trong tổng kết thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam năm 2020).
Kêt quả thực hiện:
Về phía cấp tỉnh:
- Về văn bản quản lý nhà nước riêng cho thực hiện bộ tiêu chí: ban hành 3 KH cấp tỉnh; 3 KH ngành; 2 công văn...
- Hỗ trợ kinh phí cho mỗi địa phương thực hiện là: 15 triệu đồng; 1 tấm pano cỡ trung (4m x6m); 2.000 phiếu đăng ký; mỗi xóm, bản 1 bộ sách tài liệu về tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Phát hành 1.200 cuốn sách tài liệu thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; 900 cuốn sách xây dựng đạo đức lối sống trong gia đình góc nhìn và cách tiếp cận; in 80.000 tờ rơi phát cho cơ sở...; mỗi năm phối hợp với báo, đài phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng ít nhất 4 chuyên đề; in trên 1.000 phướn và 500 băng rôn tuyên truyền;
Tổ chức 2 lớp tập huấn, 4 buổi nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại 2 đơn vị thực hiện (tại Lễ phát động và ra mắt Câu lạc bộ).
Nguồn kinh phí thực hiện cấp tỉnh: 300.000.000 đồng
Về phía các địa phương:
Việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí hết sức ý nghĩa và thiết thực... người dân thấy có ích là tự nguyện tham gia và hưởng ứng rất hào hứng, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình thông qua những chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ tiêu chí được chú trọng, bằng nhiều hình thức phong phú, cụ thể, thiết thực, phù hợp với các nhóm đối tượng, độ tuổi, tâm lý, sở thích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về công tác gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Nhân dân trên địa bàn thí điểm cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Những hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những mặt được, vẫn còn những hạn chế trong thực hiện bộ tiêu chí:
Trong các hộ gia đình lựa chọn thí điểm, vẫn có một số ít hộ gia đình chưa thực sự quan tâm nhiều đến Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, tham gia chưa tích cực vào các hoạt động chung của xã, phường.
Cuối năm 2020 và năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19, các hoạt động tổ chức truyền thông đông người gần như bị hủy, các địa phương đã chủ động chuyển và lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế.
Nguồn tài liệu tuyên truyền chưa phong phú.
Nguồn kinh phí, các hạn mức chi thấp (chưa phù hợp với các quy định tài chính hiện hành).
Để phát huy tốt và hiệu quả thực hiện triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong thời gian tới, thiết tưởng cần phải làm một số công việc sau:
Trước hết, phải khẳng định các nội dung của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn liền với các mối quan hệ trong gia đình, ứng xử giữa các thành viên. Hơn hết, nó còn thể hiện ý nghĩa, vai trò quan trọng của gia đình, sợi dây kết nối tình cảm, yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ hạnh phúc. Đây là nội dung thiết thực hiệu quả, tạo được sự lan tỏa rất lớn, đánh thức được cộng đồng (đặc biệt thế hệ trẻ)... đề nghị Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) sớm triển khai ban hành kế hoạch thực hiện...
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền (thiết kế mẫu tờ rơi, băng rôn....); thiết kế mẫu bộ tiêu chí thống nhất để tất cả các thành viên trong gia đình được nắm và hiểu (mẫu của Nghệ An)...
Thứ ba, đề nghị Bộ VHTTDL đưa nội dung tiêu chí ứng xử trong gia đình (quy tắc) các nội dung bổ sung sửa đổi (Nghị định 122, Quyết định 22) sắp tới của Bộ và xem đây là một trong những nội dung xây dựng hương ước, quy ước; xét, bình chọn gia đình văn hóa hằng năm (xem đây là một tiêu chí cứng để chấm điểm).
Thứ tư, đề nghị Vụ gia đình phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở tham mưu Bộ VHTTDL Ban hành Thông tư bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ cho Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện, thành phố về hướng dẫn, triển khai các nhiệm vụ cho công tác gia đình ở cơ sở (vì hiện tại TTVH các cấp thực hiện công tác tuyên truyền hết sức đồng bộ và hiệu quả...).
Thứ năm, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách về việc phân khai các nội dung cho công tác gia đình.
NGUYỄN VINH QUANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021