Kon Rẫy - Bảo tồn, phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Việc gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả những giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của thế giới (2005) - trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại là một vinh dự to lớn, đồng thời cũng là thử thách không hề nhỏ đối với những người làm công tác văn hóa, ngành Văn hóa trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) nói riêng.

Để tiếp tục đưa chủ trương của Đảng trên lĩnh vực gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào cuộc sống, đặc biệt sau khi Quyết định số 1183/QĐ-UBND, ngày 7 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh Kon Tum về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020” được ban hành, những năm qua, huyện Kon Rẫy đã tổ chức triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp, việc làm cụ thể và đã đạt được những kết quả hết sức khả quan.

Tuổi trẻ xã Đăk Tờ Re trong hoạt động giữ gìn, phát huy  Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Ảnh: Đoàn xã Đăk Tờ Re)
 

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng luôn được quan tâm. Huyện cũng tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát huy có hiệu quả những giá trị của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại; giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa cồng chiêng hiện có của huyện; gắn việc phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập. Qua đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Qua khảo sát, thống kê tại các khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 7 xã, thị trấn, hiện có 142 bộ cồng chiêng (chủ yếu trong cộng đồng dân cư, do các hộ gia đình gìn giữ). Cùng với đó, huyện đã mua sắm và cấp mới 2 bộ cồng chiêng cho 2 thôn, làng; 7 nghệ nhân thuộc các lĩnh vực được Nhà nước công nhận Nghệ nhân Ưu tú; 13 hồ sơ đang được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trên các lĩnh vực; 36 nhà Rông được xây dựng và khôi phục; tổ chức nghiên cứu (năm 2020), lập hồ sơ đề nghị “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Ét đông của nhóm Giơ Lâng (Ba Na) huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum” để đề nghị Nhà nước đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (hiện đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục); các lễ hội truyền thống khác (như ăn lúa mới, cúng máng nước, bắn trâu bằng ná...), những bài chiêng có giá trị... đang được bà con tiếp tục duy trì, gìn giữ, phát huy. Cồng chiêng, nghệ nhân, bài chiêng, nhà Rông, lễ hội truyền thống… cũng chính là những thành tố của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nội dung quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Kon Rẫy trong thời gian qua.

Ngoài ra, huyện đã tổ chức được 12  lớp truyền dạy cồng chiêng kết hợp múa xoang cho 384 thanh, thiếu niên là đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn làng trên địa bàn. Trong quá trình tổ chức lớp học truyền dạy kiến thức, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, đã phát huy được tài năng, trí tuệ của những nghệ nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhất là những nghệ nhân đã được Nhà nước công nhận Nghệ nhân Ưu tú; đồng thời đã khơi dậy được niềm đam mê của giới trẻ đối với nhạc cụ dân tộc của cha ông để lại trước tác động của đời sống xã hội hiện đại.

Huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, hằng năm có diễn tấu cồng chiêng; tổ chức 4 Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện kết hợp Liên hoan cồng chiêng, Hội thi cồng chiêng; cử các đoàn tham gia Ngày hội văn hóa, Tuần lễ văn hóa tỉnh; cử 2 đoàn nghệ nhân của huyện thuộc các lĩnh vực: cồng chiêng, dệt thổ cẩm, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Qua các sự kiện, đã thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong huyện, tỉnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong việc truyền dạy cồng chiêng, kỹ thuật chỉnh âm thanh cồng chiêng tương đối khó khăn, số nghệ nhân chỉnh chiêng hiện có rất ít (1 nghệ nhân). Việc truyền dạy kinh nghiệm chỉnh âm thanh được các nghệ nhân chủ động truyền dạy từ thế hệ này đến thế hệ khác. Qua đó, giúp cho nghệ nhân, người học xử lý, khắc phục được những nhược điểm phát sinh trong quá trình sử dụng cồng chiêng như: lạc âm, rè, đục, âm thanh không vang... Một số nghệ nhân cho biết những bài chiêng cổ sẽ dần mai một, mất đi nếu không được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ.

Thời gian tới, huyện Kon Rẫy tiếp tục xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, như sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu rộng trong mọi tầng lớp trong xã hội nhận thức một cách sâu sắc về giá trị to lớn của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; nâng cao ý thức trách nhiệm trong gìn giữ, phát huy các giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng trước xu thế phát triển của xã hội hiện nay; hạn chế đến mức thấp nhất nạn “chảy máu cồng chiêng”.

Hai là, phục hồi và giữ gìn các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống để tạo môi trường diễn xướng cho cồng chiêng, thúc đẩy sinh hoạt văn hóa cộng đồng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng.

Ba là, tiếp tục củng cố, đảm bảo 100% làng, đồng bào các dân tộc tại chỗ trên địa bàn toàn huyện có cồng chiêng. 100% cán bộ văn hóa xã, thị trấn được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn cồng chiêng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hoá tại địa phương. Các xã, thị trấn đều được tổ chức các lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng và chỉnh chiêng cho thanh niên người dân tộc thiểu số tại địa phương. Đối tượng và phạm vi áp dụng: (1) Các thôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn huyện. (2) Thế hệ trẻ của các dân tộc thiểu số tại chỗ, các em học sinh trong trường Phổ thông Dân tộc nội trú và hệ thống các trường học có con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ theo học trên địa bàn huyện.

Để gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, huyện sẽ thường xuyên tổ chức biểu diễn cồng chiêng, múa xoang tại các sự kiện văn hóa; giữ gìn, phát huy lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (Ét đông, ăn lúa mới, cúng máng nước…),… tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của huyện nhà.

 

PHẠM VIẾT THẠCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021

 

;