Chuyện nhà ông Quý

Cũng đến 3-4 lần điện thoại trao đổi, cuối cùng ông hẹn gặp tôi vào một buổi sáng mùa hè. Mới sớm mà đã oi bức báo hiệu một ngày nắng nóng, Đường từ nhà tôi tới nhà ông gần 30 km nhưng những câu chuyện kể về ông cứ hư hư, thực thực, đủ sức hấp dẫn để tôi vượt qua trở ngại về thời tiết và quãng đường xa để đến với ông.

Ông Quý đang cho đàn hươu ăn

 

Góp phần giữ trật tự an ninh bản làng

Sinh năm 1953, đã ở cái tuổi gần 70 nhưng ông Vũ Xuân Quý vẫn còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Năm 1972, ông xung phong vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Lào, đến năm 1974 được xuất ngũ trở về quê hương: bản Mỏ, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Vốn khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên khi về quê, ông được cử làm Đội trưởng Đội thanh niên chuyên trách 202 - đội luôn đi đầu trong những công việc nặng nhọc của Hợp tác xã ngày ấy như đào đắp mương máng, cuốc đất sẻ đồi,… Năm 1980, ông được cử sang làm Đội trưởng đội 813, gồm 6 anh em có nhiệm vụ giữ an ninh trật tự thôn xóm, bản làng.

Xuân Lương có địa hình phức tạp giáp 3 xã ngoại tỉnh đó là Hợp Tiến (huyện Đồng Hỷ), Tân Thành (huyện Phú Bình), xã Liên Minh (huyện Võ Nhai) Thái Nguyên. Thời kỳ này, trên bản Xoan của xã, dân khắp nơi về khai thác vàng mang theo nhiều tệ nạn xã hội như trộm cắp, hút hít, mại dâm... môi trường thì ô nhiễm. Do giáp ranh nên tội phạm bị bên này phát hiện lại chạy sang bên kia ẩn náu. Tổ đã phối hợp cùng công an huyện triệt phá nhiều vụ cướp, mại dâm những vụ manh động chuẩn bị đâm chém nhau, đặc biệt trong đó có vụ 5 tên cướp quê ở tỉnh Hải Hưng (cũ), ban ngày liều lĩnh dùng súng AK xông vào cướp nhà bà Xuyên ở bản Xoan. Phát hiện anh em trong tổ, chúng nhảy lên chiếc xe chở sắn chạy từ Xuân Lương xuôi về Cầu Gồ.

Ngày ấy chưa có điện thoại di động như bây giờ, ông Vũ Xuân Quý một mặt cử anh em đến nhờ điện thoại của một đơn vị bộ đội điện xuống báo cho công an huyện ở thị trấn Cầu Gồ chặn đầu, còn mình cũng đóng giả làm người đi nhờ trên xe. Khi đến thị trấn Cầu Gồ, bọn cướp tưởng yên thân, chúng xuống xe vào ăn cơm một quán ăn ven đường nhưng cùng lúc ấy, công an ập vào bắt gọn, thu một khẩu súng AK với 2 băng đầy đạn, một viên đã lên nòng. Sau đó, cả tổ được Công an huyện, tỉnh tặng Giấy khen, cá nhân ông Quý ngày 18-10-1994 được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Năm 1995, ông đảm nhận vai trò Trưởng Công an xã Xuân Lương thì năm 1996, ông đã có sáng kiến tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương, công an huyện thành lập Cụm An ninh giáp ranh Liên hợp Xuân Tân gồm các xã giáp ranh của hai tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên. Toàn cụm hiện có 45 thôn, bản với gần 25 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%. Cụm hoạt động hiệu quả, các xã đã phối hợp với nhau trong việc giữ gìn an ninh trật tự, truy quét tội phạm, các vụ trọng án giảm xuống. Cụm vẫn duy trì hoạt động đến ngày nay.

Năm 2005, ông Quý được tham dự “Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc của lực lượng công an nhân dân”. Đến năm 2013, ông nghỉ chế độ. Suốt mười tám năm ông Quý làm Trưởng công an xã, năm nào Xuân Lương cũng được xếp loại là đơn vị Quyết thắng, được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của công an từ huyện đến Trung ương.

Nặng lòng với rừng

Xuân Lương có diện tích rừng phòng hộ 198ha nhưng ngày ngày chứng kiến cảnh lâm tặc tàn phá, ông Quý không khỏi xót xa. Quyết tâm giữ lá phổi xanh cho quê hương, giữ rừng cho đời mình và đời cháu con, từ năm 1998, ông Quý đã mua lại diện tích rừng khu vực lõi rừng phòng hộ của những gia đình làm ăn không hiệu quả, đến nay diện tích rừng của ông lên đến 40 ha. Mỗi năm, gia đình ông chi vài chục triệu đồng thuê người trông nom bảo vệ, đồng thời phối hợp, vận động những người có diện tích rừng xung quanh quan tâm hơn đến công tác bảo vệ nên rừng đại ngàn ở Xuân Lương lên xanh ngút ngàn, đó là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của huyện Yên Thế. Trong rừng có những loài cây lâu đời, đường kính gốc khoảng 2m, những cây như Đinh, Táu mật với đường kính gốc cây từ 40 - 50 cm.

Có người đã gợi ý ông chuyển diện tích rừng đó sang rừng sản xuất trồng keo, bạch đàn thì mỗi lứa gia đình ông thu hàng tỷ đồng nhưng ông nhất quyết giữ rừng nguyên sinh dù gia đình ông đã bỏ vào đấy không ít kinh phí. Năm 2008, ông được UBND tỉnh tặng giải thưởng Môi trường và năm 2010 được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường.

Mở ra một tiềm năng du lịch

Xuân Lương có tiềm năng du lịch sinh thái chè bản Ven, cây lim ngàn tuổi, hồ Ngạc Hai thác Đèo Đá, thác Rãnh Cộc và đặc biệt là thác Ngà. Do 198 ha rừng phòng hộ Đèo Ngà được giữ nên luôn có nguồn nước điều tiết cho thác. Thác Ngà từ hạ nguồn lên đến thượng nguồn dài khoảng 500 mét. Đến nơi đây, du khách được trải nghiệm đi bộ, leo núi trong không gian mát mẻ và chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng với nhiều loại động thực vật khác nhau, cùng tiếng nước ngày đêm chảy róc rách. Nước từ thác Ngà còn được dẫn về tưới cho hàng trăm ha chè bản Ven, là nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào bản Xoan gần đó.

Đến Xuân Lương, du khách sẽ bắt gặp những phiến đá rêu phong nằm rải rác bên dòng suối mát, tạo không gian hấp dẫn. Thác có chiều dài khoảng 30m. Ngay dưới chân dòng chảy, du khách được đắm mình trong dòng nước trong veo, mát lạnh và quên đi cái nắng nóng oi ả của mùa hè. Ở chân thác, ông Vũ Xuân Quý đã xây một bể bơi rộng khoảng 100m2, làm sân cầu lông, lợi dụng một hang đá nhỏ làm hầm để rượu, còn trên đỉnh rừng - nơi khởi nguồn của thác ông xây tượng Thần Tài, tượng Phật Bà Quan Âm Bồ Tát,...

Để phát huy tiềm năng du lịch của xã, tháng 12/2016, Hợp tác xã dịch vụ và du lịch Xuân Quý đã được thành lập với 7 thành viên do ông làm Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. Các thành viên của HTX được phân công phụ trách theo từng lĩnh vực phù hợp với trình độ, năng lực và chuyên môn, với phương thức phục vụ tận tình chu đáo. HTX có 4 xe ô tô để chuyên chở khách từ 4 đến 35 chỗ, mỗi năm đón hàng trăm đoàn khách đến thăm quan.

Hơn hai mươi năm nay, gia đình ông Quý đã chi hàng tỉ đồng để bảo vệ rừng, tôn tạo, xây dựng làm đẹp thác Ngà, thác Đèo Đá, thác Rãnh Cộc thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Nặng lòng với rừng, gia đình ông vẫn tập trung phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 1994 đến nay, trong nhà ông lúc nào cũng nuôi khoảng 60 con hươu và hàng chục con nai vừa lấy nhung vừa bán con giống, mỗi năm trừ chi phí thức ăn, thuê người chăm sóc, gia đình ông thu về 600 đến 700 triệu đồng. 

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông bảo: “Rừng như là hơi thở, là cơm ăn, nước uống của tôi, một ngày tôi không đến với rừng là nhớ lắm không chịu nổi. Tôi giữ rừng là để cháu con được biết khái niệm thế nào là rừng phòng hộ”. Mong sao nhiều người có nỗi nhớ như ông!

Du khách chụp ảnh bên dòng suối trên đỉnh thác Ngà

 

VŨ HOÀNG NAM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

 

;